khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

Người Treo Ngược - Tác giả Nguyễn Bá Trạc

 

T. thân mến. Thử tưởng tượng: Một căn bếp quét vôi màu trắng như tuyết, bề ba thước, bề năm thước. Có cái tủ lạnh nhỏ. Cái bếp điện. Cái bàn con. Ngồi ở chiếc bàn này nhìn ra, cửa sổ có hai lớp kính chống lạnh. Ngoài cửa sổ, bầu trời Bắc Cực, da trời xanh đen, lốm đốm sao. Đêm qua có một ngôi từ bên kia biển Ban Tích, Thụy Điển, bay sang phía rừng bạch dương, Nga Sô, rồi từ từ tắt. Khoảng thời gian ngôi sao ấy chậm rãi băng qua đủ để cho người ta khấn nguyện nhiều ước muốn: Cho hạnh phúc bản thân. Cho hạnh phúc bạn bè, gia đình, xứ sở. Vẫn còn đủ thời giờ khấn nguyện cho cả hạnh phúc nhân loại nữa.
Đêm hôm qua, ngồi ở cái bàn con này nhìn ra bầu trời Bắc Cực, tôi đã thấy một ngôi sao băng bay chậm rãi như thế.
In hình lên bầu trời, những nóc nhà thờ Phần Lan: Chúng không đồ sộ như nhà thờ kiểu gothique ở Paris, nhọn hoắt như bên Đức, màu mè như Mátxcơva. Không phức tạp như nhà thờ Sacra da Familia của Gaudi ở Barcelona, nhưng cũng không quá sơ sài như nhiều nhà thờ bên Mỹ.
Ở đây xây bằng đá. Không cao lắm, không thấp lắm. Bốn mặt chóp nhà thờ là những hình tam giác cân, tường đá vuông vức, bề thế. Nó ảm đạm, nhưng tạo ra cảm giác vững chãi, tin cậy. Nó có hình dáng của một ngôi nhà thương, nơi băng bó các linh hồn lừ đừ, ốm yếu.
Chung quanh ngôi nhà thờ, những phiến đá màu xám, màu đen, hoặc màu hồng xẫm. Những phiến đá đánh dấu chỗ chôn cất những người đã lên trời. Đã ra đi. Bỏ lại chút xương xẩu vụn vặt trong vườn nhà Chúa.
Ban đêm, dưới tàng cây bạch dương, ánh sáng mộ bia lấp lánh dưới bóng lá. Bầu trời khô lạnh lấp lánh ánh sao. Nóc nhà thờ vươn lên trời. Những bức tường đá im lìm bên lùm hoa siankärsämö màu trắng. Bức tường vững chãi che chở cho những người mỏi mệt: Họ đến đấy sáng chủ nhật. Đàn ông mặc áo dạ. Đàn bà mặc váy đen, áo đen, vớ đen, đội mũ đen. Những người ấy đến hát Thánh ca với tiếng đàn đại phong cầm.
Chuông nhà thờ ở đây không rộn ràng như chuông nhà thờ Công giáo. Nó điểm từng tiếng như cụm hoa súng nở trên những hồ nước trong trẻo bằng phẳng ở khắp xứ Phần Lan, hoặc điểm từng cặp hai tiếng một như những dấu chấm đôi trên các nguyên âm ä, ö của tiếng Phần Lan, Thụy Điển. Những bài hát, cùng tiếng chuông, lan khắp các vườn tược dưới bầu trời mùa thu lạnh lẽo, đi lơ lửng giữa cuộc sống và mộ bia của những người đã chết.
T. thân mến. Thần Chết là một lá bài trong bộ Tarot kỳ diệu. Nó là tấm gương soi của các linh hồn.
Lá bài này mang hình bộ xương người đội mũ sắt, cầm lưỡi hái, chung quanh là bò cạp, rắn, hoa súng, chim phượng và chim đại bàng.
Lưỡi hái vung cao.
Bò cạp cong đuôi sẵn sàng chích nọc độc.
Bông hoa súng gãy gục dưới đáy bùn mà trước kia, có lần từ đấy nó mọc lên, nở ra rạng rỡ.
Nhưng hãy để ý, “vì đây là luật”, cuốn sách nói. Chết, không có nghĩa sinh lý, vật lý. “Nó có hai bộ mặt”. Một hủy diệt và một giải phóng chúng ta khỏi những trói buộc cũ kỹ, những trói buộc ngăn chặn lấy giòng sống của chúng ta.
Con rắn, biểu tượng của sự chuyển hóa.
Nó sẵn sáng phân phối một số lượng tử vong đúng lúc cần thiết.
Con cá, cái quá khứ cũ kỹ trơn trượt, sẽ trở thành nạn nhân của con rắn. Chim phượng chỉ bay lên được khi ngọn lửa chuyển hóa đã cháy hết, đốt hết, khi tất cả chỉ còn là tro bụi.
“Hãy để ý đến bộ xương”: Nó đội cái mũ sắt, cái mũ tang từ thời cổ Ai Cập. Cái mũ của những quan niệm bảo thủ. Cái mũ của những ý tưởng và luận lý cổ hủ.
Những cái mũ ấy cần phải được ném vào nhà mồ, chôn sâu xuống đáy huyệt. Phải cắt mọi trói buộc. Phải giải phóng những tù túng ngăn chận trí tuệ tâm hồn.
Chim đại bàng, vào phút cuối của cuộc chuyển hóa, cuốn sách nói: “Sẽ vươn mình dang rộng cánh bay”.
T. thân mến, cũng tại cái bàn này, vào một lúc khác, nhìn ra cửa sổ, tôi thấy một bầu trời khác. Bầu trời tháng Chín ở Phần Lan. Mặt trời nằm dưới các ống khói. Những đám mây bốc lên như những sợi giây thừng.
Một lá bài khác được rút ra, để trước mặt: “Người Treo Ngược”. Một con người bị treo hai chân lên trời. Đầu chúc xuống đất. Hắn ở vị thế mà mọi ý chí cá nhân đều bị dập nát. Không cựa quậy được. Hắn không thoát thân được. Con rắn của sự chuyển hóa và của trí tuệ cuộn mình ngủ.
Người Treo Ngược bị đóng đinh vào những quan điểm của chính hắn. Mắt nhắm nghiền: Hắn không thể thấy bất cứ cái gì không phù hợp với quan điểm của hắn. Những ý tưởng mới, những cảm hứng mới đều bị làm ngơ. Khả năng tiếp nhận đã bị cắt trụi rồi.
Người Treo Ngược đã mất tất cả niềm tin vào chính trực giác hắn. Mọi cố gắng thất bại. Không còn gì hứa hẹn nữa.
Nhưng bạn ơi, cuốn sách nói, dẫu vào lúc tuyệt vọng nhất, vẫn hiện ra những phép lạ. Nó hiện ra vào lúc bạn không còn từ chối việc nhìn nhận thực tại. Bởi vì, còn có thể làm gì khác ngoài việc trực diện với thực tại ấy và buông bỏ.
Buông bỏ các thứ chủ nghĩa tù túng đã đóng băng. Đã dắt người ta xa rời sự chuyển hóa. Buông bỏ các thái độ bảo thủ, các tư tưởng chật chội, thành kiến cứng ngắc.
Tôi nhìn lá bài, đọc lời giải từ một cuốn sách. Cuốn sách ấy đã nói như thế.
T. thân mến. Ở đây về mùa Đông có lúc lạnh bốn mươi độ dưới không. Bây giờ, chưa lạnh như vậy, nhưng đột nhiên có lúc những cơn gió chướng đổ đến, đám mây đen chợt kéo bầu trời xuống thấp, úp chụp lấy ta. Nó tạo cảm giác giận dữ ngột ngạt. Nó làm ta khao khát bầu trời Châu Á và những giòng sông ấm áp.
Bây giờ, lá mới chớm vàng.
Nhưng chẳng bao lâu nữa”, tôi nói, “chỉ còn lại những cành trơ trụi phải không? Mặt trời sẽ biến mất. Tuyết sẽ đổ xuống. Tất cả sông hồ sẽ đóng băng…”
- “Nhưng chúng cháu sẽ trượt tuyết!”, lũ trẻ reo lên bằng tiếng Việt.
Lúc bấy giờ những hình ảnh tiêu cực nhất chợt hóa thành sân trượt băng. Bọn trẻ con ở Phần Lan đội những chiếc mũ len rực rỡ đủ màu, chúng đi những đôi giày đế sắt xinh xắn. Chúng rượt đuổi nhau trong tiếng cười dòn dã, chúng nắm tay lướt qua khỏi mọi bực bội – hoặc khát khao.
Đã mấy năm nay tôi đi từ nơi này sang nơi khác, nhặt nhạnh những mảnh vụn của đời mình, tìm lại niềm tin, hy vọng và những ước mơ.
Tôi ngắm dĩ vãng, duyệt lỗi lầm, tự trừng phạt mình hàng ngày hàng năm, cũng tự băng bó cho mình những vết thương đã cũ.
Tôi rong ruổi trên sa mạc nhìn mặt trời lặn vào nỗi âu sầu thầm kín.
Trèo lên núi xem mặt trời mọc rạng rỡ chiếu xuống nhân gian.
Ngụp trong giòng sông của sự sống và sự chết. Thật thế.
Tôi đã đi trên những con đường vang tiếng quạ kêu từ buổi sáng tinh mơ.
Terrenganu là một tỉnh nhỏ ven biển Đông Bắc Mã Lai. Tại đây có một khu phố Tàu, sau mỗi tháng làm việc từ Pulau Bidong vào đất liền, tôi hay tìm đến ngồi với ấm trà và cái bếp than. Những gói trà Tàu ở Mã Lai thường trộn một thứ lá giống lá me, có vị chát. Mỗi lần nghĩ về Mã Lai, tôi vẫn nhớ như thế.
Trên hòn đảo, lúc ấy có hơn mười ba ngàn người tỵ nạn Việt Nam. Họ sống đợi chờ chen chúc trong những khu nhà gỗ chắp vá bẩn thỉu, tường và mái tôn xiêu vẹo. Thật ra ngôi trại ấy chỉ đủ chỗ cho năm ngàn người. Hòn đảo có những thân dừa ngạo nghễ, rất nhiều chuột bọ, tôi vẫn nhớ như thế. Nhưng những gì tôi nhớ nhất lại là những gì đáng quên đi nhất.
Tôi nhớ cái nghĩa địa trơ trọi cuối đảo. Những nấm mồ chôn vội. Tôi nhớ Nguyễn Tường Vũ, người công tác viên xã hội ở Pulau Bidong mà tôi đến thay thế, cũng mới chết ở trại Palawan, Phi Luật Tân. Tôi nhớ làn khói bốc từ những con tàu bị đốt khi đến đảo. Những người đàn bà bị hãm hiếp, bước xiêu vẹo bám thành tàu bước xuống, máu nhễu dưới chân, máu chảy ròng trên mặt cát. Tôi nhớ nỗi giận dữ của tôi về sự tàn ác của bọn cướp biển Thái Lan.
Nhưng tôi cũng nhớ một buổi chiều chập choạng, khi một con tàu nhỏ từ Việt Nam trôi đến đảo dưới ánh sáng chập chờn của những ngọn đèn chai. Lô nhô trên sàn tàu là đàn ông, đàn bà, trẻ con. Họ ôm những chiếc bị cói. Tất cả tài sản của họ, sau khi đã bỏ hết để ra đi, nằm trong những bị cói nhỏ nhoi ấy.
Hãy tạm ngừng để mường tượng các cảm xúc của họ. Cuộc hải trình ra sao trên biển cả mênh mông với con tàu nhỏ chỉ dùng để chạy đường sông? Họ đến thẳng hòn đảo sau mấy ngày thuận buồm xuôi gió, hay đã chịu đói khát trong bão tố? Chắc họ mệt lắm. Họ phải vui mừng sau khi đã thoát nỗi đe dọa của biển cả từng vùi thây vài trăm ngàn thuyền nhân vượt biển. Còn gì vui mừng hơn khi thấy lô nhô trên bãi cát những người cùng màu da tiếng nói, những người đã vượt biển trước họ. Tôi thấy rõ nỗi vui mừng được biểu lộ khi con tàu chòng chành cập gần bờ nước. Những người trên tàu hỗn độn đứng dậy, kêu la, quơ những chiếc bị cói, vẫy mừng.
Nhiều người trên bờ bắt đầu lội xuống nước. Người đến trước và người đến sau đang tiến tới gần nhau.
Và điều gì đã xẩy ra?
T. thân. Những người Việt Nam trên đảo lội xuống. Họ bám lấy thành tàu, nhảy lên. Họ giựt bình điện, thùng dầu. Họ dùng xăng tạt vào mặt những người ngồi trên tàu. Họ cướp những chiếc bị cói đựng tài sản của người mới đến, nhảy túa ra, bơi, chạy vào bờ, biến mất trong những dãy nhà xiêu vẹo đầy chuột bọ đang chìm vào bóng đêm.
Việc vừa kể, xẩy ra đêm chủ nhật 23.10.1988 tại bãi biển khu C, đảo Pulau Bidong. Con tàu mang số hiệu MC-158, chở 55 người Việt, đến bến bờ sau bốn ngày lênh đênh trên mặt biển. Họ đã may mắn thoát được những cơn gió bão tầm tã trong suốt tuần lễ trước đấy. Bây giờ lại bị cướp bóc bởi những người đồng bào tỵ nạn đã tới bến bờ trước họ. Vụ này xảy ra trước mắt những người cảnh sát Mã Lai và hàng trăm công tác viên xã hội ngoại quốc.
Biết nói gì về những nghịch lý ấy? Cũng biết nói gì về những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã quay súng bắn loạn xạ vào chính đồng bào, chiến hữu mình để chạy lên chuyến bay World Airways Boeing 727 tại phi trường Đà Nẵng ngày 19.3.1975, khi lính Việt Nam Cộng Sản đang tiến đến gần?
Biết nói gì những vụ cướp bóc, hãm hiếp, ẩu đả, tàn sát trên các chuyến tàu trong tháng Ba 1975 chạy từ chân cầu Trịnh Minh Thế, bến cá chợ Hàn, căn cứ Hải Quân Tiên Sa chạy vào Nam?
Biết nói gì về những cuộc đấu tố ở miền Bắc? Về những trại tập trung cải tạo? Và biết nói gì về cuộc chiến tàn khốc giữa anh em máu mủ trong ba chục năm dài với súng đạn của các nước Tư Bản, Cộng Sản hai bên?
Chính chúng ta đã rời bỏ quê hương đất nước, nơi chúng ta yêu mến từng lá cây ngọn cỏ, từng con đường góc phố của khắp ba miền. Phải chăng cũng là điều nghịch lý?
Tôi có một cái va li màu xanh, đã cũ, đứt khóa. Tôi cất dưới gầm giường, trong đó là những hình ảnh cũ kỹ về những người trên hòn đảo. Cái áo trắng với khẩu hiệu “Tự Do hay là Chết” mà tôi đã viết, đã mặc với họ trong cuộc biểu tình trên đảo. Họ bị Cảnh sát Mã Lai đánh đập, hạ nhục, bắt bớ. Phần tôi chỉ bị trục xuất khỏi đảo, rồi bay bổng khắp bốn phương. Tôi cất tất cả để nhớ. Tự hẹn sẽ có ngày viết ra. Nhưng vẫn chưa viết được gì. Mấy năm nay, chỉ lang thang chỗ này sang chỗ khác với những mảnh vụn, những giấc mơ chập chờn. Tôi thở ra khi viết xong đoạn ngắn ngủi vừa rồi. Viết chút đỉnh. Nào có vui sướng gì khi ngồi một mình trong đêm vắng, tại một xứ sở lạnh lẽo xa xôi, tự lấy bút khoét vào vết thương đau nhức.
Thử nghĩ cái tang thương của Việt Nam đã xé nát cuộc sống tất cả chúng ta như thế nào. Những đổ vỡ lôi kéo những đổ vỡ. Sự tha hóa như con sóng mạnh trong tim bão úp chụp lấy mọi người Việt bất kể Hà Nội hay Sài Gòn, Cà Mau hay Pulau Bidong, ở San Jose nước Mỹ hay ở Turku, Phần Lan. Bản thân chúng ta cũng đã căng dài trong đau thương từ dĩ vãng đến nay.
T. thân mến. Khi nghĩ về Việt Nam, các hòn đảo, cuộc tạm cư hay định cư trên đất mới, có thể nào nhìn các dữ kiện mới như chưa bao giờ từng xảy ra không. Giải quyết với nhãn quan mới, và lý luận mới xem? T. thử nghĩ hộ.
Phần tôi, giờ này, chỉ thích nhớ đến cái bình trà với những gói trà có trộn một thứ lá giống như những lá me.
Tôi thích nhớ đến cái tỉnh Kuala Terrenganu, khu phố Tàu, ngôi chùa Tàu màu đỏ xẫm có những mái cong, ngôi chợ Mã Lai với những tấm vải Batik, những lồng gà chọi, dãy hàng trái cây nhiệt đới.
Ngoài ra tôi cũng muốn quên cái nhà thương gần thánh đường Hồi giáo, trước mặt trụ sở hội Hồng Nguyệt Mã Lai, nơi bạn tôi, bác sĩ Eero người Phần Lan nằm đấy hôn mê bại liệt. Một người bạn khác, cô Trần Mỹ ngồi liên tục nói chuyện bằng tiếng Anh với những câu hỏi han như hỏi trẻ. Nhưng mắt Eero nhắm nghiền, khuôn mặt, bắp thịt không rung động. Không thể biết anh có nghe được những lời nói ấy không? Anh nằm im lìm như thế, mặc dầu tim vẫn đập, hơn một tháng rồi mất.
Cái mà tôi thích nhớ đến, là những bình trà pha sữa trâu ở Varanasi Ấn Độ. Bếp đốt bằng những bánh phân trâu phơi khô dán trên tường. Người ta rót trà vào những chén đất sét nung qua loa dưới nắng. Uống xong, mọi người đập chén xuống đất. Như thế mới ngon.
Tôi thích nhớ một buổi sáng tinh mơ đầy sương mù ở Katmandu, thủ đô cổ kính xứ Népal bên giải Hy Mã Lạp Sơn. Trời lờ mờ. Sương đọng trên khóe mắt những pho tượng Phật long lanh như nước mắt. Giọt nước mắt trong lành.
Những cặp mắt không mở lớn, không khép chặt. Những cặp mắt hiền từ. Mắt Phật được vẽ trên khắp các đền đài ở xứ Népal. Những cặp mắt thấy hết.
Tôi cũng thích nhớ đến giòng Cửu Long giữa biên giới Thái, Lào. Bên này là Nongkhai. Bên kia là Thakhet, Vientian. Xa hơn nữa, sau rặng núi đá vôi, là Nghệ An, Hà Tĩnh. Ở đấy, tôi đeo ba lô vào bản Mậy, đến ở với những gia đình Việt Nam trong bản. Ban chiều, con trâu trước sân thở phì phò. Ban đêm đom đóm bay lập lòe trên đồng lúa. Các cụ già chỉ cho tôi một ngôi đền thờ có viết chữ Thái. “Viết như thế để che mắt”, một cụ giảng giải, “Thật ra, đấy là đền thờ đức Trần Hưng Đạo”. Trong bản Mậy, cũng như các vùng khác đông người Việt tại miền đông Bắc Thái Lan, người Việt bị cấm không được ra khỏi nơi trú ngụ trong vòng vài chục cây số. Nhiều người đã ở đấy từ mấy thế hệ. Người Thái cấm họ dạy trẻ con chữ Việt. Những nhà có treo bảng đen, bị bắt bớ. Có một buổi trưa, tôi tụ họp đám trẻ ra ngoài đồng xem gặt lúa. Không một đứa trẻ con Việt Nam nào nói tiếng Việt được nữa.
T. thân mến. Hôm nay, giữa mùa Thu 1991. tại tỉnh Turku trên đất Phần Lan chúng tôi vừa tổ chức một buổi lễ Trung Thu cho trẻ. Tại đây có chừng ba trăm người Việt với khoảng ba chục gia đình.
Vẫn chừng ấy chuyện. U uất, lo lắng. Dĩ vãng đau thương. Dành dật áo cơm. Đưa đến bực bội cãi vã nhỏ nhen. Nhưng chúng tôi đã có nhiều cố gắng.
Vượt trên đáy đau thương, trên những mộ bia, trên những cái mũ sắt Ai Cập, những bọ cạp, những lưới hái.
Trên bế tắc của những con người treo ngược chân, chúc đầu xuống đất.
Trên các mảnh vụn chiến tranh
Trên những mảnh vụn của các con tàu vượt biển.
Phải nói nhờ Trời, buổi lễ vẫn được tổ chức xuông xẻ. Có bánh trái. Múa trống cơm. Một bọn trẻ Phần Lan đến đứng bên lũ trẻ Việt nam, chúng cùng hát những bài ca thiếu nhi thân thiện, êm đềm. Trong đó, bài Chú Cuội đã được cô giáo Phần Lan của chúng chuyển ngữ sang cái tên mới: Chú Mặt Trăng – Kuun Poika.
Cô giáo ấy, như anh đã biết, là vợ tôi ngày nay.
ĐOẠN CUỐI CỦA QUYỂN SÁCH
Thổ Tinh ở tại cung Thiên Xứng, lo âu, thiếu niềm tin, thiếu minh mẫn, nặng nề, ưu uất, căng thẳng trong các quan hệ: Đó là lá bài số 3 của những lưỡi gươm, lá bài của muộn phiền.
Cái lưỡi gươm, trung tâm của sự minh mẫn đã bị chặn lại bởi hai lưỡi gươm nhỏ hơn, hai lưỡi gươm này quằn xuống, thiếu quân bình.
Cánh hoa hồng đã bị trọng thương, nhụy hoa rụng xuống. Đám mây mù của lòng nghi kỵ, của sự sợ hãi, giận dữ, âu lo, đã giới hạn những khả năng và trí tuệ tâm hồn.
T. thân mến. Đó là bài chót dành cho đoạn cuối cùng. Một lá bài xấu, đen tối. Nhưng cũng như lá bài Thần Chết và lá bài Người Treo Ngược: Nó báo hiệu những thay đổi, vì không còn gì có thể xấu hơn được nữa.
Hôm nay, tôi ngồi đây viết cho bạn trong căn nhà bếp quét vôi màu trắng như tuyết, một bề ba thước, một bề năm thước. Tại cái bàn con, nhìn ra ngoài cửa sổ có hai lớp kính chống lạnh. Bên ngoài cửa sổ, là bầu trời Bắc Cực, da trời xanh đen, lốm đốm sao. Cách đây vài đêm, tôi đã nhìn thấy một ngôi sao băng bay chậm rãi từ phía Thụy Điển bay sang Nga Sô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét