khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Cà ri món ngon gốc Ấn phổ biến ở Sài Gòn - Tác giả Trần Tiến Dũng

 

Trước khi giới sành ăn trẻ tuổi ngày nay khoái khẩu với các món Thái có phần gia vị cà ri, thì từ xưa, dân nhập cư gốc Ấn (Bombay), Nam Dương, (Java)… đến xứ Sài Gòn Chợ Lớn đã nấu và bày ra bàn ăn các món có mùi cà ri thơm nồng. Vậy nên không hề cường điệu khi cho rằng xứ Sài Gòn - Chợ Lớn là nơi đầu tiên và người Việt làm quen với cách ăn bóc từng nhúm cơm cà ri-nị và là nơi đầu tiên các đầu bếp Việt-Hoa giới thiệu các món cà ri nấu kiểu Việt Nam như cà ri gà, cà ri vịt, cà ri cá, cà ri rau củ chay… Nếu bạn hỏi món cà ri nào được dân miệt nào ưa, thì các vị lão niên, trung niên sẽ xác nhận cho bạn biết các đám tiệc, đám giỗ, đám cưới… của người miền Tây xưa trên bàn đãi khách luôn có món cà ri nước cốt dừa đúng kiểu Việt.
Chắc rằng đến thời điểm hiện nay dù bản đồ các món ngon Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… có món cà ri, nhưng có lẽ không nơi nào và không ở đâu có nhà hàng, quán ăn, gánh hàng ăn chuyên bán món cà ri và người sành ăn khoái khẩu món cà ri bằng ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Bạn có thể thưởng thức món cà ri gà nấu theo khẩu vị người Hoa danh tiếng lâu năm ở tiệm Mã Thắng Viên, quận 11, Bạn có thể đến chợ Xã Tây vào nhà Thờ Hồi Giáo (Cholon Janital Mosque) để được phục vụ món Cà Ri dê hết ý. Bạn có thể đến Thánh đường Jamia Al-Musulman trung tâm Sài Gòn, đường Đông Du ăn một bữa cơm cà ri nị… Nhưng đến đây bạn có thể đặt ra một câu hỏi khó có ai trả lời ổn thỏa là: Vì sao để chinh phục khẩu vị người Việt, người Hoa phải cần đến trọn gói tinh hoa ngũ vị hương, riêng nền văn hóa ẩm thực gốc Ấn chỉ bằng gia vị cà ri.
Nguyên liệu pha trộn bột cà ri đã xuất hiện từ khoảng 4000 năm trước, dưới thời Văn minh lưu vực sông Ấn, với các loại rau củ tiêu biểu như gừng, nghệ và tỏi riềng, ớt... Tuy vậy người đầu bếp, bà nội trợ nào ở miền Nam cũng đều biết danh gói bột cà ri ông Chà Và gồm chủ yếu là lá cà ri khô, nghệ, gừng, ớt… vì mùi thơm riêng biệt mà quen thuộc.
Càng hay hơn nếu món ngon cà ri chế biến theo đúng kiểu bà con Việt gốc Ấn lại không phong phú đa dạng bằng các món cà ri do người Việt sáng chế như món cà ri lương, cà ri ốc… và đặc biệt nhất là sự tinh tế của nêm nếm phần nước cốt dừa tươi.
Thật vậy, nếu ai có dịp đi du lịch hay sống dài ngày ở các nước Tây Á, Nam Á nhất là Thái Lan thì việc hàng ngày phải đối diện đến ngán “thấy sợ” mùi vị các món cà ri có pha chế nước cốt dừa, nhưng khi về nước chọn ăn cà ri Sài Gòn thì lại thấy ngon miệng. Ngay cả ở Mỹ, Nhật, Hàn, Úc… những viên gia vị dùng nấu món cà ri tuy cũng là mùi cà ri nhưng lạ thay lại có phần khác không quen khứu giác, vị giác như vị cà ri Việt.
Gốc cội của món cà ri là từ các xứ nhiệt đới, Sài Gòn nóng ẩm đâu kém gì các quốc gia Nam Á, vậy sao lại đồng khẩu vị ưa chuộng món cà ri có vị nóng, cay (tính nhiệt)?
Dẫu có thể đưa ra lý giải về việc dân nhiệt đới chọn món cà ri với tính nhiệt cao là để giúp bù đắp quá trình thất thoát nhiệt của cơ thể. Nhưng căn bản, người Việt vẫn chọn chế biến thực phẩm theo nguyên lý truyền thống ngũ hành tương sinh; như thịt vịt có tính hàn nấu với bột cà ri tính nhiệt, hay cà ri gà, dê, có tính ấm được nấu để ăn vào mùa mưa… và quan trọng hơn chính là bột cà ri khi dùng để ướp tẩm các nguyên liệu sẽ giúp các món cà ri giảm thiểu chuyện dễ ôi thiu ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người Việt thường có thói quen lấy khẩu vị ngon miệng quen thuộc làm chuẩn để chọn món, vậy nên cà ri ở Sài Gòn bên cạnh vị ngon miệng, còn kèm theo cả không gian văn hóa ký ức đồng hành. Người Sài Gòn xưa hể nói đến món cà ri hoặc rủ nhau đi ăn món cà ri thì thường sau đó mời nhau vô các rạp chiếu bóng nhỏ ở chợ Cũ Sài Gòn, Quận 8, quận 6, Bình Thạnh… coi phim thần thoại Ấn Độ; hấu hết người bình dân Sài Gòn đều mê các màn đấu phép thuật và múa hát kiểu Ấn không thua gì thèm các món cà ri.
Sài gòn là thành phố có cộng đồng bà con gốc Ấn chỉ sau người Hoa. Họ chuyên bán vải, xuất nhập khẩu gia vị, bảo vệ… Dân Việt Nam gọi chung là người Chà Và, Một trong những dấu ấn còn để lại đến nay là cầu Chà Và, các đền thờ Ấn Giáo, Hồi Giáo, trong đó phổ biến và gần như trở thành một trong những món ngon hàng đầu của xứ Sài Gòn là các món cà ri.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét