Trịnh Hưng (1930 - 2008) là một nhạc sĩ Việt Nam. Ông được biết đến nhiều qua các ca khúc Tôi yêu, Lối về xóm nhỏ, Lúa mùa duyên thắm.
Nhạc sĩ Trịnh Hưng tên thật là Trịnh Hưng (sau này đổi tên thành Nguyễn Văn Hưng) sinh năm 1930 tại Hà Nội. Cha ông là một quan huyện, còn mẹ là thứ thiếp. Ông mồ côi mẹ lúc mới ba tuổi nên sống với một người bà con ở Hà Nội.
Những bài hát ngợi ca quê hương thanh bình của nhạc sĩ Trịnh Hưng rất được yêu chuộng bởi lời ca mộc mạc, trong sáng, tiếng nhạc vui tươi, chan chứa tin yêu, gợi cho người nghe một cảm giác thanh bình, an lành nơi thôn dã nên rất được yêu thích.
Từ năm 1945 tới 1952, nhạc sĩ Trịnh Hưng theo kháng chiến chống Pháp, làm đội phó văn công Trung Đoàn Thăng Long. Trong chiến khu ông được thụ huấn một lớp âm nhạc do giáo sư Tạ Phước giảng dạy.
Nhạc sĩ Trịnh Hưng bỏ kháng chiến để về thành năm 1952. Vì biết mình chỉ còn con đường âm nhạc để tiến thân, ngoài ngón đàn Mandoline, Hawaii, ông còn học sáng tác và dành nhiều thời gian để tự tập thêm đàn Guitare trong cuốn Méthode de Guitare soạn bởi F. Carulli, được giáo sư Tạ Phước chép lại. Nhờ sự chăm chỉ tập luyện, ông có thể độc tấu Tây Ban Cầm cho bằng hữu thưởng lãm. Ðầu năm 1952 ông sáng tác bài đầu tay là: “Lối Về Xóm Nhỏ” theo điệu Fox, trở thành bài hát nổi tiếng nhất của ông.
Khi về Hà Nội, nhạc sĩ Trịnh Hưng đi đánh đàn trong các phòng trà dancing cho lính Tây khiêu vũ một thời gian ngắn và dạy thêm đàn Hawaii cho học sinh. Năm 1954, ông di cư vào Sài Gòn, tiếp tục làm công việc đàn cho các phòng trà, nhưng ông việc bấp bênh vì các phòng trà ở đây đã có đủ nhạc công.
Trong tình cảnh đó, ông may mắn được một người giới thiệu đến khu Hồ Văn Ngà, là khu vực bán đàn và dụng cụ âm nhạc nổi tiếng thời bấy giờ. Vì thấy ông chơi đàn giỏi, người chủ thuê ông ngay và còn cho ông mở lớp nhạc tại đó nhằm mục đích câu khách đến mua đàn. Cách tiệm bán đàn của ông không xa có hai lớp dạy nhạc của hai danh sư là nhạc sĩ Lâm Tuyền và nhạc sĩ Trọng Khương.
Thời thập niên 1950, nền âm nhạc Tây Phương đang thịnh trong giới thượng lưu trí thức Sài Gòn, những nhạc sĩ chơi đàn guitare giỏi như Lâm Tuyền, Trọng Khương, Trịnh Hưng không nhiều lắm. Nhờ lớp nhạc này mà ông trở nên khá giả, đời sống trở nên phong lưu, tiền bạc dư giả, quan hệ bạn hữu càng rộng rãi.
Nhạc sĩ Trịnh Hưng lập gia đình năm 1955, đến cuối năm 1956 thì ông dời lớp nhạc về số 9/1 Cao Thắng và ở đó đến năm 1990 khi qua định cư ở Pháp. Ở lớp dạy nhạc Cao Thắng ông dạy đủ thứ: đàn Mandoline, Hawai, Guitare, và luyện thanh, nhưng chỉ có môn guitare là sở trường. Có rất nhiều nghệ sĩ sau này thành danh đã từng đến học ông, hoặc nhờ ông chỉ dẫn, đỡ đầu.
Những ca sĩ đã từng học ông là Thanh Thúy, Bạch Yến, Túy Hồng… và các nhạc sĩ nổi tiếng như Trúc Phương, Phạm Thế Mỹ, Ðỗ Lễ…
Nhạc sĩ Trúc Phương đã đến gặp nhạc sĩ Trịnh Hưng khoảng năm 1957 để học thêm về kỹ thuật sáng tác, và hai người đã viết chung ca khúc “Tình Thắm Duyên Quê”. Từ trước đến nay, bài hát này chỉ được biết đến tới tên người sáng tác là Trúc Phương. Tuy nhiên nếu người nghe nhạc tinh ý thì sẽ thấy có nét nhạc rất giống với các bài hát khác của Trịnh Hưng.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông ở lại Việt Nam.
Năm 1980, con trai cả của ông bị bắt đi lính sang Campuchia chống Khmer Đỏ, chịu không nổi nên đã bỏ trốn. Hai năm sau bị công an bắt được và hành hung đến chết. Trịnh Hưng phẫn uất nên đã viết bài "Ta quyết tâm giết lũ Hồ", cũng vì bài này nên Trịnh Hưng bị đi tù 8 năm ở Hàm Tân. Năm 1990, sau khi ra tù, ông được con gái bảo lãnh sang Pháp. Tại đây, ông theo đạo Tin Lành và cộng tác với các tạp chí văn học.
Ông mất ngày 10 tháng 5 năm 2008 tại Paris, Pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét