khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

Sơn Mài, Quê Hương Nghèo Khó - Tác giả Mặc Lâm

 

Cách đây ba mươi năm tôi có dịp đến nhà một người bạn thân ở California. Anh ấy là một kỹ sư, nhà cửa tươm tất, vườn hoa bồn tắm sau nhà khiến tôi có chút choáng ngợp…vì mới sang Mỹ, mọi thứ đều lạ lẫm đối với tôi…từ cây mít anh trồng sau nhà tới giàn hoa giấy trước cửa, nó hài hòa và cho thấy óc thẩm mỹ của chủ nhân ngôi nhà. Tôi không nghi ngờ gì gout thẩm mỹ của bạn, và âm thầm vỗ tay cho sự chọn lựa mà bạn đã trong những hiện vật trong nhà.
Nhưng tôi khựng lại khi vào phòng khách nhà bạn.
Vào những năm 90 một bức tranh sơn mài cẩn xà cừ có kích cỡ lớn không phải là điều thường gặp. Bức tranh vẽ cảnh quê miền Nam với căn nhà tranh, đụn rơm trước nhà…vài chú mục đồng cỡi trâu trong màu trời chiều bảng lảng. Xa xa trên đường quê, một bà mẹ tất tả quang gánh trở về sau một buổi chợ họp vội…những cánh chim về tổ, vài vạt khói lam chiều…tất cả hình ảnh của bức tranh làm tôi…khó chịu, khó chịu vì lúc ấy tôi đã biết thế nào là mỹ thuật phương Tây và thế giới. Bức sơn mài nằm trong tổng thể hiện đại của ngôi nhà làm nó trở nên lẻ loi và thảm hại. Motif của các xưởng sơn mài hàng chợ lộ rõ trên bức tranh khiến tôi ngạc nhiên và tuy không hỏi nhưng hình như bạn tôi đã biết điều đó.
Trong lúc ăn cơm với bạn, nhìn con cá kho tiêu với một người mới qua Mỹ không khỏi khiến tôi xúc động. Bạn hỏi cá ngon không? Tôi chắc lưỡi dĩ nhiên là ngon rồi! bạn lại hỏi: sao con cá nhỏ bé, nghèo nàn và ốm yếu này lại ngon hơn cá Sea bass, Chilean, hay Carp?
Rồi bạn bỏ đũa đắt tôi tới trước bức sơn mài, bạn trầm ngâm một chút rồi nhẹ nhàng cho tôi biết:
“Hồi mới qua tao cố gắng học xong rồi làm. Ra trường dành dụm mãi mới được bằng này. Có lẽ mày ngạc nhiên tại sao tao chọn bức tranh “rẻ tiền” từ nghĩa đen đến nghĩa bóng này, bởi vì nó là con cá kho tiêu mày vừa khen đó. Nó xấu với người biết thưởng lãm nghệ thuật nhưng với tao nó còn mang một hàm nghĩa mà nhiều khách ngoại quốc không biết, đó là quê hương thật của tao. Thứ quê hương từ tâm khảm chứ không hào nhoáng bên ngoài.
Tao dư sức mua những bức tranh sơn mài hiện đại với những motif gắn liền với nghệ thuật thế giới, nhưng cái nó thiếu là quê hương đối với tao. Làm sao cảm nhận hơi thở mẹ về khi tranh lại vẽ theo lối lập thể hay siêu thực? Làm sao có được những nét vẽ chân phương gần như của học sinh lớp đầu của trường mỹ thuật để dựa vào đó liên tưởng tới hàng xóm láng giềng, con trâu bụi chuối hay giòng sông trước cửa. Những miêu tả nhà quê ấy làm sao tìm thấy trong tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí hay Nguyễn Khang, Trần Văn Cẩn?
Bức sơn mài này tao mua từ năm 89 khi về Việt Nam lần đầu tiên, nó nhắc cho tao vùng quê Vũng Liêm khi mẹ đã mất và cha cũng không còn…”
Tôi im lặng đứng kế bên bạn lòng trào lên cảm xúc lẫn hối hận. Tôi đã không cảm nhận được hình ảnh quê nhà như bạn và định kiến về dòng tranh sơn mài Việt Nam trong tôi quá lớn. Lớn đến nỗi tôi không nhận ra mình đang chỉ vào quá khứ với một ngón tay kiêu hãnh về sự thẩm thấu mỹ thuật của mình khi thật ra tôi chỉ là một con bò vuông, cốt tạo dáng đứng của một người am tường mỹ thuật.
Nhận chân được tầm vóc mỹ thuật không những là lịch sử cũng như trường phái, nó đòi hỏi chúng ta còn phải biết gắn liền cảm xúc của người thưởng ngoạn khi họ nhìn một bức tranh, cái nhìn không phải bằng mắt mà bằng ký ức và mật mã của từng chi tiết trên bức tranh ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét