khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2021

Với Người Miền Nam, Bông Vạn Thọ Sáng Sắc Thần Mặt Trời - Tác giả Trần Tiến Dũng

 

Tết, có em sinh ở Sài Gòn sau 1975 và cha Bắc, má Nam hỏi: Sao người miền Nam thích bông vạn thọ quá vậy? Nghe câu hỏi tôi cũng chợt tỉnh người, ừa bao năm tháng sinh trưởng, nào là ngày mùng một, rằm mỗi tháng, nào là ngày tảo mộ, ngày Tết... tôi sống trong sắc màu bông vạn thọ dâng cúng, trưng bày.... vậy mà chưa từng tìm thấu hiểu : Sao người miến Nam tôi lại chọn bông vạn thọ để tỏ tấm lòng dâng cúng ơn trên, cõi dưới, bày trí làm đẹp hương sắc đời người.
Hồi tuổi nhỏ, mỗi dịp tháng chạp về quê ngoại Xóm Giảng- Gò Công, đất đồng nước mặn thời đó cứng khô, người quê tôi sau vụ gặt, ruộng cạn nứt nẻ, nước ngọt quý như vàng vậy mà vẫn dành tưới vài cây bông vạn thọ chuẩn bị cho dịp chưng bàn thờ ngày Tết.
Lòng trân quý bông vạn thọ linh thiêng và bền chặt của người quê tôi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không dám nói là Thần Thánh như loài hoa cúc biểu tượng của Thiên Hoàng Nhật Bổn, nhưng chắc chắn bông vạn thọ là sắc hương tỏa rạng được người quê đồng bằng miền Nam rước vào nhà, như cung thỉnh đại diện của Thần ánh sáng mặt trời.
Theo Wilipedia: Bông vạn thọ họ bông cúc Chúng có nguồn gốc tại khu vực kéo dài từ tây nam Hoa Kỳ qua México và về phía nam tới khắp Nam Mỹ. Được biết đến với tên gọi chung là cúc vạn thọ (không nhầm với chi Cosmos), hay cúc vạn thọ Mexico (cempasúchil), cúc vạn thọ châu Phi.
Khi đọc thông tin trên tôi bất ngờ vì biết bông vạn thọ không phải là bông bản địa. Dù bất ngờ nhưng tôi thấy mừng, vì lẽ, khi ưa chuộng bông cúc vạn thọ là người miền Nam chọn đúng tinh thần
di dân mở cõi, du nhập rộng cửa mọi sản vật khác biệt miễn là phù hạp với lòng người luôn sẵn ý thức gọi mời cùng đến với cõi bao la đất Nam muôn ngàn sắc, trời Nam tươi mới nắng vàng.
Hãy nhìn từng đóa bông vạn thọ mà coi, chẳng phải là luôn tròn đầy sung sức màu nắng nhiệt đới sao? Chẳng phải là từng cánh bông tựa vô nhau chắc nịch như đất phù sa phì nhiêu sao? Chẳng phải là cốt cách đơn màu như lòng người chân chất sao? Chẳng phải là luôn nở hướng lên cao để nhắc nhớ tánh khiêm thuần làm người cho xứng kiếp được thành người với cõi linh hiển cao diệu sao?
Miền Nam tôi ngày nay, những ngày cúng, ngày Tết các chợ lớn, nhỏ bán bông vạn thọ. Ỏ Sài Gòn mỗi chợ hoa Tết luôn có bông vạn thọ giữa đủ các giống bông ngoại nhập; và bông vạn thọ luôn là loại có giá thấp nhất. rẻ đến mức có lúc tôi nghĩ sao mà người quê cứ trồng hoài loại bông ngày một tàn phai, quên lãng trong lòng thế hệ trẻ cả nông thôn và đô thị.
Nhìn lại tranh xưa, cảnh người đô thị xứ Bắc hưởng xuân với hoa thủy tiên, hoa lan, hoa đào, ngay cả người Nam cũng may mà còn thương thích hoa mai vàng, huệ trắng.
Đương nhiên bông vạn thọ vẫn được trân trọng trên bàn thờ người quê, dân tỉnh miền Nam nhưng câu hỏi vẫn là: Phải chăng, lòng trân trọng, thương thích một loại bông hiển hiện lâu đời trong văn hóa lễ, Tết người miền Nam cũng sắp đứt gãy- bứt lìa trong lòng thế hệ mới như nhiều nét đẹp truyền thống khác.
Vấn đế là không phải chọn bông hoa gì để đại diện cho tấm lòng mình trong ngày lễ trọng văn hóa truyền thống, mà chính là không có, hoặc linh tinh mơ hồ ý thức và tấm lòng chọn phẩm vật khế hợp bản tánh đất sanh và trời dưỡng của cộng đồng mình.
Ngày sau, với thập cẩm-xà bần đổi thay mang danh hiện đại, nếu dẫu bông vạn thọ không còn hiển hiện trân trọng lễ Tết nữa, nhưng sự tinh lọc chọn bông vạn thọ của người miền Nam tôi vẫn luôn luôn sáng trưng màu hoa mang sắc nắng ấm từ tâm hồn và tình yêu người phương Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét