khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 10 tháng 2, 2021

Sáu ngộ nhận phổ biến về vaccine COVID-19

 

Giáo sư Đại học Quốc gia Úc Peter Collignon phân tích một số quan niệm sai lầm phổ biến về vắc-xin và khẳng định không có gì phải lo lắng.

NGỘ NHẬN 1: Vắc-xin không an toàn cho người cao niên

Tin đồn này trở nên phổ biến sau khi 33 người cao niên tại Na Uy qua đời sau khi tiêm vắc-xin của Pfizer-BioNTech.

Viện Y tế Công cộng Na Uy sau đó xác nhận rằng không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa cái chết của họ và vắc-xin, thế nhưng sự việc này đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin của công chúng.

“Bạn phải so sánh điều này với chính căn bệnh. Nếu bạn mắc phải một căn bệnh như COVID, và nếu bạn trên 85 tuổi và ở trong viện dưỡng lão, bạn có 1/3 nguy cơ tử vong, vì vậy ngay cả khi bạn có tỷ lệ tử vong cao hơn khi tiêm vắc-xin, thì lợi ích vẫn vượt xa bất kỳ nhược điểm nào của vắc-xin,” ông nói.

Hồi tháng trước, các báo cáo cho rằng vắc-xin Oxford-AstraZeneca có thể không an toàn cho người cao niên được lưu hành sau khi Đức và Pháp chỉ phê duyệt vắc-xin này cho người dưới 65 tuổi.

Thế nhưng Giáo sư Collignon nói rằng quyết định phê duyệt đó chủ yếu liên quan đến lượng dữ liệu có sẵn, chứ không phải là mức độ an toàn.

“Nguyên nhân là vì rất nhiều nghiên cứu về Oxford-AstraZeneca được hoàn thành trễ hơn,” ông nói.

“Do đó những gì mà các nhà quản lý nói là, ‘Cho đến nay chúng tôi đã có dữ liệu thực sự khá hợp lý cho những người trong độ tuổi từ 18 đến 65 cho loại vắc-xin này.’ Không phải là nó không có hiệu quả ở những người trên 65 tuổi, chỉ là chúng ta chưa có đủ dữ liệu để thực sự chắc chắn về điều đó mà thôi.”

NGỘ NHẬN 2: Vắc-xin sẽ khiến tôi bị nhiễm COVID-19

Điều này là gần như không thể.

“Vắc-xin sẽ không khiến bạn bị nhiễm COVID, bởi vì nó không chứa virus sống,” Giáo sư Collignon nói.

“Không có vắc-xin nào chứa virus sống hoặc bất kỳ biến thể nào của COVID, vì vậy hầu như không thể nhiễm COVID từ vắc-xin.”

NGỘ NHẬN 3: Vắc-xin được sản xuất quá nhanh, vì vậy nó sẽ không hiệu quả

Vắc-xin ngừa coronavirus sắp được triển khai tại Úc là loại vắc-xin có thời gian chế tạo ngắn nhất.

Các loại vắc-xin khác mà chúng ta sử dụng thường mất hàng thập niên để nghiên cứu phát triển.

Thế nhưng trong bối cảnh số ca tử vong và sự gián đoạn chưa từng có do COVID-19 gây ra, các nhà khoa học đã có thể hoàn thành công việc trong vòng chưa đầy 12 tháng.

Giáo sư Collignon cho biết mặc dù quá trình thu thập dữ liệu vẫn còn đang tiếp diễn, chắc chắn những loại vắc-xin này vừa an toàn vừa hiệu quả.

“Đúng vậy, chúng tôi đã đạt được những bước tiến lớn lao về phía trước và chúng tôi thực hiện chúng nhanh hơn bình thường, nhưng chúng tôi thực sự vẫn có đầy đủ dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả đang được thu thập, và những gì chúng tôi có cho đến nay có vẻ tốt,” ông nói.

“Nhưng chúng tôi có cần thêm dữ liệu không? Có chứ. Bởi vì có những nhóm tuổi, đặc biệt là những người trên 80 tuổi, mà chúng tôi cần nhiều dữ liệu hơn, và ví dụ như trẻ em, nhóm chúng tôi không có dữ liệu.”

NGỘ NHẬN 4: Nếu vắc-xin của Oxford-AstraZeneca chỉ có hiệu quả khoảng 60-70%, nó sẽ không giúp bảo vệ tôi

Vắc-xin Oxford-AstraZeneca giữ vai trò trọng yếu trong kế hoạch chủng ngừa tại Úc, với thoả thuận cho phép CSL sản xuất 50 triệu liều tại địa phương.

Trong khi dữ liệu sơ bộ từ Pfizer-BioNTech cho thấy hiệu quả 95%, thì Oxford-AstraZeneca hiện đang ở mức 60-70%.

Nhưng Giáo sư Collignon cho biết mặc dù vắc-xin có thể không ngăn chặn hoàn toàn việc nhiễm trùng, nhưng nó giúp hầu hết mọi người không bị bệnh nặng, dễ bảo quản và vận chuyển hơn rất nhiều so với thuốc chủng của Pfizer-BioNTech.

“Vắc-xin của AstraZeneca không hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh như vắc-xin của Pfizer, nhưng nó có vẻ rất tốt trong việc ngăn chặn tình trạng tử vong và mắc bệnh nặng. Đó là điều mà chúng tôi lo lắng nhất,” ông nói.

“Vì vậy nó có lẽ tốt hơn nhiều so với 60% – có thể là 80 hoặc 90% – trong việc ngăn chặn tử vong.”

Dữ liệu gần đây từ Anh cho thấy vắc-xin thực sự ngăn chặn 82% trường hợp nhiễm trùng khi hai liều được tiêm cách nhau 12 tuần thay vì cách nhau bốn tuần (vốn chỉ cho hiệu quả 62%).

Nếu vắc-xin có thể giúp ngăn chặn tình trạng tử vong, thì mức độ lây nhiễm trong tương lai không còn là điều đáng quan ngại nữa.

“COVID có tỷ lệ tử vong cao hơn bệnh cúm từ 5 đến 10 lần. Vì vậy, nếu chúng ta có bất cứ thứ gì có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở mức 80 hoặc 90%, điều mà vắc-xin AstraZeneca có thể sẽ làm được, thì đó là điều nên làm,” Giáo sư Collignon nói.

“Khẩu trang là một biện pháp tốt nếu mức độ lây nhiễm cộng đồng cao, nhưng chúng chỉ có thể giúp giảm rủi ro từ 15 đến 20%. Vì vậy nếu bạn có thứ gì đó giúp giảm nguy cơ từ 60 đến 90%, thì bạn thật ngớ ngẩn khi không sử dụng nó.”

NGỘ NHẬN 5: Tôi không cần tiêm vắc-xin nếu tôi đã nhiễm COVID-19

Điều này không hẳn là sai.

Đúng là nếu bạn đã từng bị nhiễm COVID-19 và hồi phục, hệ miễn dịch của bạn phát triển các kháng thể cần thiết để bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm trùng trong tương lai – giống với các kháng thể mà vắc-xin cung cấp.

Nhưng chúng ta vẫn không biết liệu những kháng thể đó sẽ tồn tại trong bao lâu.

Theo số liệu hiện nay thì quá trình bảo vệ sẽ kéo dài trong ít nhất một năm, và vắc-xin sẽ giúp mở rộng thời gian bảo vệ.

“Nếu bạn chắc chắn mình đã nhiễm COVID – vì bạn đã có kết quả xét nghiệm PCR dương tính – thì có thể bạn không cần phải ở hàng ghế đầu để tiêm vắc-xin,” GIáo sư Collignon nói.

“Tuy nhiên, cho đến nay, không có bằng chứng nào về tác hại của việc tái chủng ngừa, và trên lý thuyết, nó có thể cung cấp một biện pháp bảo vệ bổ sung tồn tại lâu hơn, đặc biệt nếu bạn cần tiêm lại vài năm một lần.”

NGỘ NHẬN 6: Thuốc chủng sẽ ảnh hưởng đến khả năng có thai của tôi trong tương lai

Không có bằng chứng cho thấy các loại vắc-xin coronavirus đang được sử dụng hoặc phát triển ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Lầm tưởng này có thể xuất phát từ thực tế là hầu hết các quốc gia đều khuyến cáo phụ nữ không nên chủng ngừa khi đang mang thai, bởi vì vắc-xin chưa được thử nghiệm trên phụ nữ mang thai.

Điều này không có gì lạ – hầu hết các thử nghiệm vắc-xin trong suốt lịch sử đều không bao gồm phụ nữ mang thai.

Giáo sư Collignon cho biết dữ liệu về khả năng sinh sản sau tiêm chủng sẽ có thêm trong thời gian tới, nhưng ông không mong đợi bất kỳ kết quả đáng ngạc nhiên nào.

“Tôi không thấy lý do vì sao vắc-xin lại ảnh hưởng đến khả năng mang thai của bạn trong tương lai,” ông nói.

“Trên thực tế, tôi nghĩ bản thân căn bệnh COVID-19 sẽ làm cho bạn khó mang thai hơn nếu bạn bị bệnh nặng và có mức oxy thấp cùng các vấn đề về thận.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét