khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 10 tháng 2, 2021

Nồi bánh chưng Việt Nam vẫn sáng nơi xứ người


Ngày nảy ngày nay, ở tận Queensland, có một người mẹ Việt sinh ra ba đứa con thơ xinh đẹp. Ước mong của chị là giữ gìn cội nguồn, truyền thống và Tết Việt cho con. Mười năm qua, mỗi độ xuân về, ngôi nhà chị chưa bao giờ thiếu vắng nồi bánh chưng, không khí Tết, những đêm thức trắng bên bếp hồng chờ mong bánh chín và tiếng cười khúc khích của đàn con thơ…

Bánh chưng là món ngon nhất trên đời

Với chị Mai Lan Vũ, đang sống tại Brisbane, Queensland, Tết là thời khắc thiêng liêng, khiến trái tim chị thổn thức, rộn ràng và bồi hồi nhớ về quê hương. Là mẹ của hai bé trai 11 tuổi, 8 tuổi và một bé gái 6 tuổi, chị khát khao giữ gìn Tết Việt cho con.

Nước Úc nằm ở Nam bán cầu đối lập hoàn toàn với thời tiết Việt Nam. Người Việt ở Úc đón Tết giữa cái nắng đổ lửa của mùa hè, khác với tiết trời lập đông se lạnh, lất phất mưa bụi của miền Bắc Việt Nam. Do đó, chị Mai Lan chia sẻ một năm nhà chị được ăn Tết 2 lần.

“Mình đón Tết lần thứ nhất là tầm cuối tháng 7 dương lịch khi khí trời lạnh buốt, mưa lun phun không dứt, hoa đào nở đầy sân. Khoảnh khắc đó làm cho mình thẫn thờ, bồi hồi, nhớ nhung không khí ngày Tết. Mình vội lật đật đi ngâm gạo để gói bánh chưng và cùng các con chuẩn bị đón Tết đầy đủ, cảm giác như Tết đến thật rồi đó.

Ông xã của chị Lan không phải là người Việt nhưng vô cùng yêu mến văn hóa Việt Nam. Anh thích ngắm vợ thướt tha trong tà áo dài và thưởng thức các món ăn Việt tinh tế do vợ tự tay vào bếp.

Chị Mai Lan chia sẻ với SBS: “Mỗi khi thấy tôi chuẩn bị, bầy biện đón Tết, tuy không nói ra nhưng ánh mắt anh ánh lên niềm vui ấm áp. Khi thấy tôi gói bánh chưng, anh luôn đề nghị giúp vợ gói bánh. Nhờ có anh mà việc gói bánh nhanh hơn”.

Chiếc bánh chưng của chồng gói tuy không hoàn hảo, nhưng với chị Mai Lan, đó là chiếc bánh đẹp đẽ và đáng quý nhất. Lần nào chị Lan cũng động viên: “Anh gói vậy là giống người Việt rồi đó, anh gói đẹp lắm”.

Con gái nhỏ phụ mẹ đãi đậu, con trai lớn cắt dây, buộc lạt, cha gói bánh, mẹ nhóm bếp củi. Tất cả năm thành viên trong gia đình của chị Mai Lan cùng phối hợp nhịp nhàng trong một không khí ấm áp, vui tươi và tràn ngập tiếng cười.

“Mình thường chuẩn bị sẵn hết các nguyên liệu, rồi cùng chồng con ngồi gói bánh. Các con luôn sẵn sàng giúp mẹ”.

Cái Tết của những ngày rất xưa được chị Mai Lan gìn giữ ngay tại Úc. Nồi bánh chưng nghi ngút khói trên bếp lửa hồng nổ lốp đốp sáng rực một góc vườn.

“Khi trời sập tối là lúc cả nhà ngồi quanh bếp lửa. Vừa canh lửa cùng các con, mình vừa kể chuyện Tết hồi còn bé của mẹ cho các con nghe. Bốn mẹ lại còn trải cả chiếu, cắm lều trại, nằm đếm sao trời đến tận 12 giờ đêm”, chị Mai Lan nói với SBS.

Đàn con thơ của chị luôn miệng ríu rít khi nào thì bánh chín, khi nào thì mẹ vớt bánh. Ba chú chim chích sẽ không ngủ nếu chưa được thưởng thức bánh nóng vừa thổi vừa ăn.

Giữ Tết cho con, khó khăn không ít, thành quả ngọt ngào

Tết Nguyên Đán Việt Nam diễn ra vào thời điểm không trùng với lịch nghỉ của người Việt sinh sống ở nước ngoài. Thời gian này mọi người phải đi làm nên rất eo hẹp về thời gian. Theo chị Mai Lan, để có thể chuẩn bị một cái Tết tươm tất theo đúng truyền thống Việt như gói bánh chưng, gói giò chả, cúng ba ngày ba đêm đòi hỏi nhiều tâm sức.

Việc đi thăm viếng gia đình họ hàng lại càng không khả thi vì đa số người Việt xa xứ vẫn còn gia đình quyến thuộc ở Việt Nam.

“Mọi thứ giờ rất tiện lợi, chỉ cần ra chợ Việt là có thể mua đủ mọi thứ. Ai cũng ngại làm, bầy biện rồi lại phải dọn dẹp. Cuộc sống càng hiện đại thì hình như con người càng bận rộn, hối hả và muốn đơn giản hóa Tết đi.

Nếu có làm thì cũng chỉ đơn giản là đặt mua cái bánh chưng và ít đồ ăn là xong. Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ ăn gì mà ở việc làm sao để mình có thể tạo ra một không khí Tết tươi vui, để các thành viên ai cũng háo hức đón chờ, tạo ra một nếp nhà Việt ấm cúng và hạnh phúc mỗi khi xuân về”, chị Mai Lan trăn trở.

Hình ảnh nồi bánh chưng nghi ngút khói của cả nhà và đêm cắm trại ngoài sân để canh nồi bánh chưng sẽ mãi là những kỷ niệm quý báu theo các con suốt cuộc đời.

“Các con mình rất yêu Tết, rất thích ăn món Việt Nam, đặc biệt bánh chưng. Đây là món mà các con mình yêu thích nhất, chúng cứ hay hỏi mẹ khi nào thì mình được ăn bánh chưng hả mẹ. Mình vì chiều con nên một năm mình gói bánh ít nhất từ 5 đến 6 lần, thành ra quanh năm nhà lúc nào cũng có không khí Tết”.

Trong mắt ba bạn nhỏ Úc gốc Việt, Tết là dịp gia đình được đoàn tụ, được về Việt Nam chơi với ông bà, được ăn bánh chưng, được mặc quần áo dài truyền thống, được nhận nhiều tiền lì xì, là khi mẹ mở nhạc Tết tết tết đến rồi!

“Để dạy các bé về Tết Việt, mình thường hay kể các câu chuyện kỷ niệm về Tết khi mình còn nhỏ, cho các con xem các hình ảnh đón Tết, luôn nói về Tết với thái độ vui tươi hạnh phúc. Mình dạy các con gọi điện về chúc Tết, hỏi thăm gia đình ở Việt Nam.

Mình còn hướng dẫn các con duy trì đều đặn các tập tục ăn Tết của người việt, dạy cho con cách gói bánh chưng, hướng các con đến với những thú vui trang nhã như vừa uống trà, ăn mứt, thưởng thức hoa đào đang nở đẹp tưng bừng ở khắp các góc vườn”.

Chị Mai Lan chia sẻ khi định cư ở một miền đất mới thì việc hội nhập vào quê hương thứ hai là điều thiết yếu, ai cũng phải làm. Nhưng với chị, là người Việt thì ở đâu cũng phải gìn giữ văn hóa, truyền thống Việt, nếp nhà Việt. Đây cũng là lời nhắc nhỏ chính bản thân của chị và con cái: không bao giờ quên gốc gác, cội nguồn Việt Nam.

Tết đến các thành viên lại được hội tụ cùng nhau làm ra những món ăn cổ truyền, ăn uống, trò chuyện và tâm tình. Việc này tạo nên những kỷ niệm gắn bó tình cảm gia đình, dù cho sau này có đi đâu xa đến mấy, tới ngày này các con cũng tìm về với cha mẹ để xum họp đoàn viên”.

Dẫu có nhiều khó khăn, nhưng chị Mai Lan chia sẻ với SBS chị đã gặt được nhiều trái ngọt.

“Thành quả của việc duy trì Tết Việt, văn hóa truyền thống Việt cho các con là giá trị tinh thần. Mình xây dựng cho con cái một nền tảng vững chắc, hiểu được giá trị gia đình thân thương, giúp cho con cái chúng ta cảm nhận được sự thiêng liêng về một nền văn hóa lúa nước có bề dày lịch sử rất đáng tự hào.

Tết là thời khắc kéo các thành viên xích lại gần nhau hơn, trao cho nhau nhiều tình cảm yêu thương nhiều hơn, sau này các con lớn, các con có gia đình riêng, nhưng cứ thấy Tết là sẽ nhớ đến Cha Mẹ, nhớ là sẽ tìm về thăm Cha Mẹ để được hâm nóng lại tình yêu thương huyết thống, cũng như tìm về nguồn cội của mình.

Đây cũng là dịp để con cháu tỏ lòng tôn kính và hiếu thảo với cha, mẹ, ông bà…thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc mình.

Thành quả cuối cùng mình cho con là  bề dày văn hóa Việt được lưu giữ nơi xứ người và duy trì từ các thế hệ này sang thế hệ khác. Trẻ con có khuynh hướng sẽ sống và duy trì văn hóa gia đình theo cách mà chúng được nuôi dưỡng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét