khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

Chùi Lư Ăn Têt


Nhà tôi có bộ lư đồng chưng bày trên bàn thờ. Không biết bộ lư có từ bao giờ và tại sao lại được má tôi trân quý như là của gia bảo.

Và không biết từ khi nào tôi được má giao công việc chùi lư khi Tết đến. Có lẽ do tôi mồ côi cha, trong nhà chỉ có mình êng (ên) là trai. Hồi đó tôi còn nhỏ, học ở trường làng, chưa biết việc của mình là quan trọng, nhưng lấy làm thích thú lắm.
Bộ lư đồng, linh vật của người Việt Nam
Bộ tam sư, dân gian gọi là “bộ đồ thờ” gồm ba vật dụng để thờ như một lư hương và một cặp chân đèn bằng đồng, tất cả được làm theo mỹ thuật Á Đông khiến tăng thêm vẻ tôn nghiêm và linh thiêng!
Lư hương hay còn gọi là bình nhang, tượng trưng các vì tinh tú trên trời, còn cặp chân đèn thì tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng. Phía sau bộ tam sư có một bình bông gọi là lộc bình, đặt bên phải; và một cái dĩa kiểu to dùng chưng trái cây, đặt bên trái, theo quy cách Đông Bình Tây Quả của người xưa.
Ngày Tết hai bên bàn thờ còn có dựng hai cây mía tươi để nguyên ngọn, ý là để ông bà chống gậy về với con cháu và cũng để dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới.
Thuở mới mở xứ Đàng Trong, người dân miệt vườn dùng mủn vùa (gáo dừa) cho cát vào làm bình hương, nên gọi là vùa hương.
Người Việt Nam xưa quan niệm rằng ngày Tết thì tất cả mọi thứ đều phải mới. Do vậy trước ngày Tết gia đình nào cũng lo chuẩn bị quét dọn, trang trí lại nhà cửa cho “mới” và phải mua đủ thứ cần thiết để ăn Tết.
Công việc sửa soạn Tết thường bắt đầu từ trước ngày 23 Tháng Chạp Âm Lịch, là ngày mà người Việt có tục cúng đưa ông Táo về Trời tâu Ngọc Hoàng.
Riêng việc sắp đặt, dọn bàn thờ được coi là quan trọng nhất, nói lên lòng tôn kính ông bà và còn mang ý nghĩa linh thiêng nữa.
Bàn thờ trong nhà là nơi để con cháu tưởng nhớ tổ tiên, đó là thế giới thu nhỏ của người thân đã khuất.
Riêng bộ lư đồng được xem là linh vật của người Việt Nam, nên khi Tây chiếm, họ cho in hình chiếc lư đồng trên tờ giấy bạc mệnh giá cao nhất là 100. Dân gian gọi là giấy “xăng” (cent) Bộ Lư.
Giấy 100 bạc Đông Dương mặt trước in hình bộ lư đồng với chữ Tây Cent piatres. Mặt sau in chữ Quốc Ngữ 100 bạc.
Nguyễn Tuân là nhà văn ngoài Bắc, đã đặt tựa cho cuốn sách của mình tên “Chiếc Lư Đồng Mắt Cua” (1941) vì theo tác giả lư đồng không phải là một vật vô tri vô giác, nó là thứ có tình cảm nên ràng buộc con người ta mạnh lắm.
Trong văn hóa thờ cúng của người Việt, lư hương thờ bằng đồng không chỉ được dùng để đốt nhang mà còn là vật dụng mang tài khí, vận may cho gia chủ.
Lư hương đồng khác đỉnh đồng vì lư đồng không có phần nắp, còn đỉnh đồng có nắp và trên nắp của đình đồng có con linh vật, là vật lấy phước như Long, Lân, Quy, Phụng.
Dùng lư đồng đốt nhang chủ yếu để tạo ra mùi thơm, bởi vì theo quan niệm từ xưa thì hương thơm thể hiện lòng thành, sự thanh khiết cao quý. Lư đồng tỏa khói thơm ra có tác dụng thanh lọc âm khí trong nhà. Về mặt tâm linh thì nó có tác dụng hóa giải được hung khí, tăng thêm cát khí, gia tăng sự hòa thuận, hiếu thảo, sự tăng tiến về trí tuệ tài lộc.
Người Việt Nam luôn chưng bộ lư trên bàn thờ gia đình và trong các buổi tế tự ở nơi công cộng trang trọng như đình, chùa, miếu, đền, lăng… Bộ lư do vậy không mang tính tôn giáo, mà là bộ đồ dùng tế tự của người Việt Nam là vậy.
Đánh bóng lư đồng
Bộ lư đồng chưng trên bàn thờ nhà tôi cả năm nên trở màu xám, đóng một lớp ten rất nặng. Đầu tiên, phải tháo rời ba phần của cặp chân đèn, vốn ít nhiều bị dính những vết đèn cầy; rồi tháo tiếp bộ lư hương gồm chân đế, hai tay, ba chân để dễ chùi.
Sáng hôm đó tôi dậy sớm, ăn chút cơm nguội để có sức chùi lư.
Tôi nhóm bếp lửa nấu nồi nước me, chờ sôi thật lâu cho me ra nước chua, rồi cho nồi nước me sôi vào cái ảng bằng sành thật lớn và ngâm tất cả đồ đồng vào. “Để cho đồng nhả hết lớp ten,” má tôi dạy như vậy.
Chờ một chập lâu, lúc này đồng đã thấm nước me và đã nhả ten.
Tôi lấy xơ dừa khô mềm chùi thật mạnh tay lên đồ đồng sao cho sạch hết lớp ten bên ngoài, cho đến khi thấy lộ ra màu đồng sáng mới thôi. Những chỗ nào có chạm khắc hoa tiết phải chùi lại với tro mới sạch hết ten.
Bên ngoài nắng đã lên cao. Tôi đem tất cả đồ đồng ra phơi trên sân rơm sau nhà. Nắng làm nóng lư đồng.
Dù đã chùi lư bằng nước me, tôi vẫn phải kiên nhẫn chùi lại bằng vải rách cho đến khi đồng sáng chói. Cuối cùng, thoa dầu hôi (dầu lửa, dầu hỏa) lên lư đồng, dùng vải mềm sạch đánh lại lần nữa cho sạch dầu để lư đồng được bóng hơn và sáng lâu hơn.
Chiều hôm đó tôi ráp bộ lư lại, và trang trọng đặt lên bàn thờ.
Má tôi dưới bếp bước lên ngắm bộ lư đồng lấy làm thích thú và vừa ý lắm. “Cái thằng giỏi thiệt,” bà khen tôi tấm tắc.
“Năm nay ông bà nhà mình chắc vui lắm!” Má nói lẩm bẩm một mình.
Ngày 30 Tết, má tôi nấu cơm cúng rước ông bà rất sớm với tấm lòng mong gặp lại tổ tiên sau một năm xa cách.
Sáng sớm hôm đó tôi dậy sớm chuẩn bị bình bông vạn thọ màu cam rực rỡ, chưng dĩa trái cây gồm một trái dưa hấu Gò Công loại nhất, hai nải chuối sứ mới vừa chín tới và mấy trái quýt đường. Dĩa trái cây đặt trên cái chò ba chân bằng gỗ chạm tinh xảo, cao tương xứng chiếc lộc bình.
Thức ăn được dọn trên cái bàn dài (giường thờ) đặt sau tủ thờ. Thức ăn để cúng rước ông bà gồm cơm, canh, món mặn và rau sống, nhưng thật tinh khiết mang theo tấm lòng của má tôi. Đặc biệt ngày Tết có dĩa dưa hấu đỏ, hai cái bánh phồng được nướng phồng to.
Mâm cơm cúng rước ông bà rất quan trọng, dầu chỉ là cơm canh rau cá, sản vật quê nghèo nhưng được má tôi chăm chút lo toan nhiều ngày trước Tết!
Không biết ngày nay người Việt tại Huê Kỳ này có thích không khí tất bật rộn ràng của gia đình trong những ngày giáp Tết như tôi ngày xưa không? Có lẽ cảm giác nôn nao chờ đón mùa Xuân mới với bao điều tốt giờ đây không gây sự hứng thú chăng?
Và không biết có ai còn nhớ cảnh chùi lư ăn Tết ngày xưa của quê mình như tôi hay không?
(Nam Sơn Trần Văn Chi)
Sài Gòn xưa có một làng nghề lư đồng
Lư đồng xưa được làm theo lối thủ công và truyền thống gia đình.
Theo lịch sử thì ở ngoại ô thủ đô Sài Gòn xưa có một làng nghề lư đồng truyền thống chuyên đúc lư đồng rất phồn thịnh, có tuổi nghề gần 200 năm, thuộc làng An Hội, Gò Vấp. Những sản phẩm đồng làm ra tại đây có mặt khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh, thậm chí còn đưa sang cả các nước Đông Dương như Miên, Lào, Miến Điện…
An Hội, Gò Vấp, khi ấy là vùng nông thôn đất rộng, người thưa, người dân sống bằng nghề trồng bông đem bán cho Chợ Cũ (Sài Gòn). Đến thế kỷ 19, có lẽ vì mê thích học hỏi một nghề mới nên một số người lặng lẽ đi học nghề đúc lư đồng. Ít lâu sau trở về Gò Vấp và truyền nghề đúc lư đồng cho con cháu.
Khởi đầu vài người nơi đây đã phải tự khăn gói đến Chợ Lớn học nghề với mục đích kiếm kế sinh nhai. Khi đó, điểm đúc lư đồng đầu tiên nằm ở Chợ Lớn; nơi làm ra các loại sản phẩm đồng nổi tiếng đầu tiên Đàng Trong bấy giờ như là tượng Phật, đồ tam khí, siêu nấu nước…
Nghề đúc đồng ngày đó thâu lợi nhiều lại ổn định nên theo thời gian, nhiều người tìm cách học hỏi, xin phụ việc. Làng nghề An Hội sung túc hẳn lên.
Ở Huế xưa cũng có trung tâm đúc đồ đồng có tiếng ở phường Đúc. Nay còn nhiều hiện vật bằng đồng là các vật dụng dùng trong cung vua, phủ chúa được chưng bày trong bảo tàng cổ vật Huế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét