khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019

Đọc lại truyện ngắn DỌC ĐƯỜNG của Thanh Tâm Tuyền - Tác giả Cao Thoại Châu



DỌC ĐƯỜNG , truyện ngắn của nhà văn Thanh Tâm Tuyền in trên báo (1965) lúc tôi 26 tuổi, và đọc nó với một cảm giác nổi da gà. Giờ, 54 năm qua đi nhưng cảm giác ấy vẫn còn rất sắc sảo.

Không gian và cảnh tượng chỉ là một buổi chiều chạng vạng ở một dãy phố chợ tạm bợ nằm dọc quốc lộ ( không tên) chạy qua một khu rừng cao su không có tên. Và cũng như cái không gian không tên riêng, những nhân vật của “Dọc Đường” cũng chỉ được gọi theo giới tính, độ tuổi... hoặc một nét nhận dạng bất kỳ nào đó. “Người đàn ông mặc áo lá quần xà lỏn…”, “Người đàn ông liền bên vận quần áo kaki sờn rách cầm chiếc muỗng nhỏ xíu gõ nhịp lên bàn” “ Người ngồi tách riêng tóc tiêu muối…”. Họ đánh bạc bằng… biển số những chiếc xe! Vào thời buổi ấy, trời càng về chiều xe càng chạy bán sống bán chết cho kịp tránh bóng đêm khi đường , rừng được “bàn giao”. Không khí chiến tranh được dẫn vào truyện đơn giản như một thói quen chờ đợi như vậy.

Nghệ thuật hiển thị sự việc của Thanh Tâm Tuyền là rất điêu luyện, chúng cứ lộ diện từ từ từng chút một, từ câu nói vu vơ “Tối nay thế nào cũng có hành quân” đến “Đậu cái này rồi về tía” ,“Tụi bay tuột dù hết rồi. Máy bay trực thăng đó.” Chiếc trực thăng bay sà thấp ngang qua quán. Hai người dân vệ từ trong lối xóm trở ra, chân mang giầy bó túm ống quần bám sình vì bụi đất: một người đeo súng hai tay bưng trên miệng húyt vào chiếc lá tre non kêu chít chít từng hồi như tiếng chim, một người quàng hai tay trên hai đầu súng đặt nằm ngang cần cổ ngó phía trước, cả hai mặc đồ đen đội những chiếc nón vải đen có lưỡi. Lính chuẩn bị co rút vào đồn vì đã tới giờ bóng đêm không là của họ, còn một số người dân thì sửa soạn về ngủ tạm tại một thành phố gần đó, như loài chim di trú trốn tuyết. Người đàn bà không có cái ưu tiên...được sợ chết này, nói với chồng:

- Mấy cha chỉ bầy chuyện đi chơi không à!

- Tao là đàn ông mầy nghe chưa? Ở nhà để lỡ như lần trước... Tao ở nhà… Đ. m. thứ đàn bà ngu!

 Ngay lúc ấy một chiếc xe có thể là cuối cùng từ từ đi qua hết đoạn đường rào kẽm gai đậu trước quán hớt tóc. Người lơ xe nhảy xuống đất kêu vô trong:


- Xuống lẹ lên cha nội.

Một người đàn ông tay ôm bọc giấy dầu, lom khom bước xuống. Tới đất, người đàn ông lại muốn trở lên, nói

- Không phải đây…

Và chiếc xe đò rồ ga chạy thẳng vào. Người đàn ông đứng lại bên đường ngơ ngác. Vận bộ bà ba đen, chân đi săng-đan, tóc cắt ngắn, mặt mũi gồ ghề xanh xao, anh ta đi dần và dừng lại trước nhiều căn nhà mong tìm một chốn nương thân qua đêm. Nhưng nào có ai chứa anh ta? Hai chiếc xe be kềnh càng rần rần từ trong rừng cao-su, xe chạy chậm. Người đàn ông đưa tay lên cao vẫy kêu: Cho quá giang… Hai người tài xế đưa tay vẫy chào và xe vẫn chạy.

Người đàn ông thất vọng lẩm lũi trở vô quán. Người đàn bà chủ quán hỏi

- Chú ở đâu tới?

- Tôi đi kiếm thằng em của tôi làm đồn điền cao-su.

Nhưng cái khổ là anh ta không nhớ tên nơi mình muốn đến.

- Chú nói chuyện trời đất không à. Bộ khi không chú ngồi đó không cho tôi đóng cửa tiệm đi ăn cơm hả? Chú tính chuyện gì?

Người đàn ông sửng sốt, giật hai tay ôm gói đồ vào bụng ngó trân người đàn bà:

- Thím cho tôi ngủ đậu. Thím làm phước. Người đàn bà kêu lên:

- Đâu có được chú... Biết chú là người thế nào mà cho ngủ đậu. Lỡ đêm chú cắt cổ tôi sao? Người khách lạ, nhìn mọi thứ, là một người lương thiện bị đánh đồng với những kẻ bất lương bởi người ta sợ hãi hơn là dành chỗ cho lòng nhân ái

- Tôi đi đâu? Thím nghĩ coi…

- Tôi không biết. Mấy người rắc rối lắm.

Người đàn ông ngập ngừng bước ra khỏi quán tiến tới bên cửa một tiệm sửa xe. Và điệp khúc lặp lại

- Anh Hai cho tôi ngủ đậu. Dưới đất cũng được. Mơi tôi đón xe về sớm.

- Bộ anh cho là tôi khùng hả. Cha này kỳ quá…

Ngoài rừng trời chạng vạng nhá nhem. Người đàn ông đi tới bên lề đường. Một vài tiếng đại bác nổ ầm ở xa. Gõ nhẹ lên cánh cửa một căn nhà rồi nghe ngóng, người đàn ông cúi nghiêng xuống ngang mặt với lỗ hổng:

- Tôi lỡ độ đường.

Một tiếng nổ ầm rung chuyển đất. Mọi cửa đều đóng vội. Những tiếng nổ tiếp theo còn cách xa.

Người đàn ông dáo dác ngó ra đường. Trên trời phía rừng cao su trái hỏa pháo bắn vọt lên lơ lửng vài phút rồi tắt. Tiếp theo một trái hoả pháo khác.

Người đàn ông đứng ôm bọc giấy bên lu nước .        
                                                                      
“Tôi lỡ độ đường”. Bây giờ đây, 54 năm sau, tôi có thể nói được câu nào khác hơn câu của người đàn ông không tên ấy?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét