khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Chữ “mình” trong tiếng Việt - Tác giả Ngô Nguyên Dũng



Từ nhiều năm nay, tôi là giảng viên một lớp Việt ngữ cho người bản xứ tại Học viện Bách khoa Bình dân của thành phố. Học viên ghi tên không đông, thường chỉ vừa đủ chỉ số cho một lục cá nguyệt. Có lúc thiếu, đôi khi khít khao chỉ một học viên, chính ông giám đốc phân khoa sinh ngữ bày cho tôi diệu kế: tìm một học viên… ma (tiếng bản xứ gọi là “người rơm”); nếu là học sinh, sinh viên hay ai đó đang nhận trợ cấp xã hội càng tốt, vì họ được bớt từ 25 tới 50 phần trăm học phí.
 
Tôi không phải là người tốt nghiệp một trường đại học sư phạm nào, cũng không phải là một nhà Việt học có bằng cấp hẳn hoi, mà chỉ là một kẻ yêu văn chương và có vài tác phẩm được xuất bản, tôi chỉ xâm mình liều mạng vì nghe theo lời khuyên của người bạn.

Không có nhiều sách giáo khoa Việt ngữ cho người bản xứ, tôi mầy mò tự soạn bài lấy, nhặt nhạnh từ những tài liệu kiếm được trên tin mạng, qua vài cuốn sách chỉ dẫn cho người du lịch, và theo mớ kiến thức ít oi và chủ quan. Sau khoá học căn bản, tôi nhận thấy, trở ngại lớn nhất cho học viên là sáu cách phát âm dấu giọng trong tiếng Việt. Vài học viên có cảm tình đặc biệt với đất nước Việt nam kiên trì theo học với tôi từ lớp đầu tiên cho tới khi… hết lớp, vậy mà phát âm vẫn chưa nhuyễn. Tôi thường xuyên nhắc nhở, nếu gặp dịp nói chuyện với người Việt, có vài trường hợp anh chị phải triệt để đề phòng, nhớ nói cho đúng âm giọng, không thôi họ cười cho đấy. Chẳng hạn khi nói cụm từ “các anh”: “Các anh mệt rồi phải không? Thôi, cho nghỉ!” Hoặc lợn: “Lợn to hay nhỏ gì cũng bị bắt đi cạo lông hết.” Những từ các và  lợn này, nếu phát âm sai, dễ bị hiểu lầm thành những từ nghe không mấy êm tai.

Còn khó khăn cho giảng viên là phải giải thích một vài thắc mắc không ngờ của học viên. Có lần tôi “bị” hỏi về sự khác biệt giữa hai nhân xưng đại danh từ “chúng ta” và “chúng tôi”. Không chuẩn bị trước, tôi trả lời ấm ớ rồi bí rị, đành thối thoát, để tôi về nhà suy nghĩ và tra cứu lại, tuần tới sẽ trả lời.
Trong ngôn ngữ bản xứ, không có khác biệt nào giữa hai nhân xưng đại danh từ nêu trên. Trong tiếng Việt, có: “Chúng ta” là danh xưng đại danh từ dùng chỉ tất cả những người hiện diện, còn “chúng tôi” cũng là nhân xưng đại danh từ, nhưng chỉ dùng cho một số người, từ hai trở lên, có mặt trong số những người hiện diện đó.
 
Và, bất ngờ từ đó tôi đụng phải “chúng mình”.

Cái “ta”, cái “tôi” và cái “mình” khi đánh đôi với “chúng” đâm ra khác, khác lắm. Người bản xứ có thể phân biệt rành rẽ khi sử dụng ba nhân xưng đại danh từ nói trên, nhưng tôi nghĩ, họ khó lòng nắm bắt thứ tình cảm thâm trầm, sâu kín ẩn giấu trong đó. Đặc biệt với hai chữ “chúng mình”. Độc đáo ở chữ “mình”. Chỉ một từ thôi, đủ nói lên mối tương quan giữa hai hoặc nhiều người. Lại đôi lúc, thay vì “chúng” nói “tụi” hay “bọn”, thành ra khang khác. Hay thảng hoặc, trụi lủi trụi lơ “mình” trơn, nghe lại khác.

Đã có lần có người cười tôi khi nghe tôi nói giữa bạn bè với nhau:

“Mình ăn xong, đi ra phố chơi.”

Họ sửa, chỉ có đàn bà con gái với nhau mới xưng hô như vậy. Tôi lấy làm lạ, vì tôi vẫn quen thói nói tắt như vậy thay vì “chúng mình”. Còn cách xưng hô, giữa bạn gái thường hơn, gọi tên hay “bạn” xưng “mình”, tôi biết chứ: “Mình kể cho bạn nghe chuyện này vui lắm!”, hay “Bạn đi với mình ra phố nghe!”

Từ đó tôi đâm ra ngờ ngợ, không biết có ai dùng chữ “mình” như… mình không?

Ở Việt nam hiện giờ, chữ “mình” được dùng mọi lúc mọi nơi, tuỳ tiện. Vào quán nhậu, thực khách hỏi người phục vụ: “Hôm nay quán mình có món gì đặc biệt?” Người phục vụ đáp: “Dạ, quán mình hôm nay có món vú heo nướng chấm muối ớt xanh… ạ!” Và sau khi ăn xong, nếu may mắn gặp phải nhân viên phục vụ lịch sự, sẽ được hỏi: “Nhà mình ăn có ngon miệng không… ạ?”

Tôi nhớ thời tiểu học, môn cách trí có bài học thuộc lòng: “Thân thể người ta gồm ba phần: đầu, mình và tứ chi…” Mình, vì vậy, có phải bắt nguồn từ đấy? Vợ chồng người (Việt) mình, lúc cơm lành canh ngọt, vẫn âu yếm gọi nhau “Mình ơi!”, nghe sao đậm đà tình tứ. Suy ra, không phải không có ý nghĩa: trân quí xem người bạn đời như một phần của chính thân thể mình. “Mình ơi, hôm nay em mệt, mình nấu cơm, rửa chén giùm em!” Nghe, khó từ chối. Không biết có thứ ngôn ngữ nào khác, những người phối ngẫu xưng hô với nhau như vậy?

Trong âm nhạc, tôi thích ca khúc “Mình ơi!” của nhạc sĩ Diệu Hương, lời lẽ tuy não nuột da diết nhưng vô cùng tha thiết:

“Đôi chim là chim ríu rít trên cành. Em yêu là yêu tiếng gọi của Mình là Mình, Mình ơi!…”

Ở một vài địa phương miền Nam, thường nghe nói hai chữ “mình ên” để diễn tả trường hợp “một mình tuyệt đối”, như một lời phân bua, than thở nhẹ nhàng, nhưng mong đợi được người khác thông cảm. Từ “ên” nghe lạ tai, và chỉ được dùng chung với “mình”. Tôi không biết có phải bắt nguồn từ tiếng Miên? Tôi không được đọc quyển “Nguồn gốc Mã lai của dân tộc Việt nam” của cố nhà văn Bình Nguyên Lộc, không rõ trong đó ông có giải thích gốc tích từ “ên” hay không?

Tuy nhiên, có một cách sử dụng chữ “mình” trong văn viết mà cá nhân tôi cho rằng không được chính xác lắm. Chẳng hạn: “Thời gian gần đây có (nhiều) nhà văn nữ đề cập táo bạo tới vấn đề tình dục trong tác phẩm của mình.” Các sử dụng chữ “mình” trong trường thí dụ trên, không sai, nhưng tôi nghĩ rằng, trong trường hợp này, dùng chữ “họ” cho số nhiều và “bà” hay “chị” cho số ít, chính xác hơn. (Với lời lý giãi này, tôi xin được phép mở một dấu hỏi lớn ở đây.)

Miếng ăn miếng nói, vì vậy theo tôi, phát sinh từ bản sắc, hay nói theo cách bình dân từ tạng người. Mà tạng người thấm nhuần đậm đà phong thổ địa phương. Bóng bẩy cầu kỳ hoặc bộc trực chất phác là do đất đai, sông ngòi, nắng mưa, cây trái, … từ thâm căn vạn kiếp mà thành. Tạng người xứ khác có thể học hiểu, bắt chước được, nhưng khó cảm. Và, có lẽ không bao giờ thấu hiểu tại sao cái ngôn ngữ Việt nam nó oái oăm, kỳ cục như vậy.

Cứ vậy, từ lục cá nguyệt này qua lục cá nguyệt nọ, tôi thường xuyên đụng độ nhiều trường hợp khó lòng giảng giải sao cho xuôi tai, để những người bản xứ nào “phải lòng” đất nước và con người Việt nam hiểu thấu. Mà tôi, một kẻ tha hương dầm dề ngần ấy năm dài nơi đất khách, vẫn mộng mị và suy nghĩ, vẫn nói và viết bằng tiếng mẹ đẻ trơn tru hơn ngôn ngữ bản xứ, là điều tôi nên tự hào hay tự trách?
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét