Lý Nhuệ |
Cựu thư ký của Mao Trạch Đông, ông Lý Nhuệ, một trong số nhà cách mạng lão thành ở Trung Quốc dám chỉ trích ông Tập Cận Bình, qua đời ở tuổi 101 hôm 16/2.
Tin này được con gái ông, bà Lý Nam Anh công bố ở Bắc Kinh.
Theo BBC News, ông là một trong số nhà cách mạng lão thành ở Trung Quốc dám chỉ trích ông Tập Cận Bình.
Hồi năm 2013, ông so sánh những gì giống nhau thời Chủ tịch Mao và thời kỳ của tân lãnh đạo Tập Cận Bình và cho rằng "Người TQ vẫn không được nói thẳng về các sai lầm trong quá khứ".
Ông Lý Nhuệ cho rằng ông Tập đang áp bức tư duy cá nhân và xây dựng sự sùng bái cá nhân như Mao.
Hồi năm 2006, trong cuộc phỏng vấn ở Bắc Kinh nhân kỷ niệm 30 năm ngày Mao Trạch Đông qua đời, ông Lý Nhuệ, khi đó 89 tuổi nói:
"Chế độ độc tài của Mao còn kinh khủng hơn Stalin vì ông muốn kiểm soát não trạng của con người,"
"Mao Trạch Đông vượt hơn mọi hoàng đế vì ông khiến người dân tuân lời cả trong suy nghĩ - không hoàng đế nào trên thế giới làm được vậy."
Theo Lý Nhuệ, Mao từng nói: "Ta là Tần Thủy Hoàng và Marx."
"Hoặc anh ủng hộ ông ta, hoặc không dám nói ra, hoặc anh tự thú trái lòng mình," Lý Nhuệ nói. "Bất kì ai có não đều phải nói dối."
'Chỉ ở Trung Quốc'
Khi còn là học sinh trung học ở Hồ Bắc, ông Lý Nhuệ dẫn đầu nhóm thanh niên chống lại lãnh chúa địa phương. Lên đại học, ông tham gia phong trào chống Nhật và sau đó bị chính quyền Quốc Dân đảng bỏ tù vì phân phát sách giáo khoa Marxist.
Khi được tha, ông tham gia lực lượng cộng sản, nơi ông viết bài cho tờ Quân Giải phóng của Đảng.
Sau này ông trở thành thư ký của Mao Trạch Đông.
Nhưng năm 1958, tính cứng cỏi khiến ông bị tống đi trại cải tạo sau khi phê phán Đại Nhảy Vọt.
Tổng cộng ông bị tù 9 năm và bị đuổi khỏi Đảng CS nhưng sau đó được phục hồi.
Trong phong trào Đại Nhảy Vọt năm 1958, ước tính 30 triệu người đã chết đói.
Lý Nhuệ tin rằng những tai họa như thế chỉ có thể xảy ra ở Trung Quốc vì nước này có "vùng đất màu mỡ" khác hẳn mọi nước về dân số khổng lồ với những nông dân thất học và trí thức thiếu độc lập, những người quen tuân lời chính quyền.
"Người Trung Quốc quen làm nô lệ," ông nói với nụ cười buồn.
"Nông dân thất học...họ cần một hoàng đế. Và trí thức Trung Quốc từ lâu bị ảnh hưởng của Nho giáo...rất khó để họ có óc suy nghĩ độc lập."
Mặc dù cải tổ đã đưa Trung Quốc thành cường quốc kinh tế, nước này vẫn có một nhà nước độc đoán với tự do báo chí và chính trị hạn chế.
"Về kinh tế, mọi thứ thay đổi nhưng sự độc quyền chính trị và tư tưởng tiếp diễn," vị đảng viên kỳ cựu bình phẩm.
Nhưng Lý Nhuệ nói hồi 2006 rằng ông chưa thấy có sự thay đổi trong tương lai gần.
"Chúng tôi đang trên con đường của kinh tế thị trường, điều này sẽ đóng vai trò tích cực... nhưng sự độc quyền chính trị và ý thức hệ là một vấn đề khó giải quyết hơn."
Năm 2018, ông trả lời Minh Báo ở Hong Kong tỏ ý bi quan về Trung Quốc. Ông nói quốc gia như thế đã sinh ra Mao Trạch Đông và nay sinh ra Tập Cận Bình.
Trước đó, vào tháng 10/2017, ông Lý Nhuệ không có mặt tại lễ khai mạc Đại hội Đảng CS TQ "vì lý do sức khoẻ", nhưng có đồn đoán là ông không được mời đến vì đã gửi thư cho Trung ương Đảng cảnh báo về tình trạng bóp nghẹt báo chí thời Tập Cận Bình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét