Năm tôi 11 tuổi, trong một buổi sáng chào cờ đầu tuần ở trường, cô giáo chủ nhiệm lùa hết học sinh ra sân, không mặc kệ lớp trưởng quản sĩ số chúng tôi như mọi lần. Các thầy cô trong trường cũng ngồi ngay ngắn không thiếu một ai trên hàng ghế gần cột cờ. Chúng tôi không đứa nào biết chuyện gì, nhưng đều cảm nhận được không khí căng thẳng khác mọi khi.
Buổi chào cờ hôm đó chỉ thoáng qua chuyện học hành, kỷ luật và thi đua giữa các lớp một ít, rồi thầy hiệu trưởng hắng giọng… và chúng tôi lần đầu được nghe những khái niệm xa lạ.
Chúng tôi được thông báo quân Trung Quốc đang đánh chiếm biên giới phía Bắc và Tây Nam, nhà trường sẽ chuẩn bị cho học sinh những tình huống báo động để toàn trường tập dượt, sắp tới học sinh các lớp lớn sẽ phải tập quân sự…
Thầy nói chậm, rất lâu, và mặt thầy đầy lo âu.
Đó là một buổi sáng năm 1979.
Tôi nhớ lại những quyển sách trong tủ sách gia đình, nơi tôi đọc tất cả các quyển sách của ba, má, các anh chị lọt vào tay tôi. Có những quyển mang cái tên rất hấp dẫn như Chiến tranh Việt Nam và sự đổi màu da xác chết mà tôi đọc say sưa nhưng chả hiểu được mấy phần, chỉ nhớ là tác giả bảo quân Mỹ cố thay đổi chiến tranh Việt Nam như đổi màu da xác chết, và có những thứ rất gây tò mò như hàng rào điện tử Mc Namara. Có những tiểu thuyết đánh nhau và yêu đương dễ hiểu hơn như Hòn Đất, Gia đình má Bảy. Nhiều hơn cả là tủ sách Tuổi hoa: Hoa tím dành cho tuổi mới lớn, bắt đầu có rung động đầu đời, Hoa đỏ phần nhiều là trinh thám đánh nhau cho tuổi choai choai nhỡ nhỡ, và Hoa xanh cho các em bé nhi đồng. Tuổi hoa thì không có báo động, hầm cá nhân, bom đạn và tập quân sự, nhưng các cuốn của các anh chị và ba má tôi thì đều có. Tôi biết báo động nghĩa là gì.
Trong khi thầy hiệu trưởng vẫn đang dặn tập dượt khi có báo động, tôi bắt đầu tưởng tượng hôm nào đó tôi đang ở trường thì có báo động. Còi hú vang trời, loa phóng thanh thúc giục đồng bào chú ý, máy bay địch đang ở cách 10 cây số…, trên đường phố các hầm cá nhân mở ra như những miệng lỗ, chúng tôi chạy tan tác như bầy gà con mà trên trời đàn diều hâu đang lượn vòng, mạnh đứa nào đứa nấy la hét và chui xuống hố. Súng bắn pằng pằng. Rồi đến khi tan học, tôi chạy về nhà thì không thấy ba má đâu nữa. Cả thành phố toàn người chạy nháo nhác. Ba má tôi cũng chạy nháo nhác đâu đó, má tôi sẽ khóc gọi con ơi con ơi, ba tôi thì nghiêm mặt lại như những khi có chuyện nghiêm trọng. Nhưng tôi không thể nào tìm thấy ba má tôi nữa.
Không hiểu sao tôi lại tưởng tượng ra như vậy.
Có lẽ tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ những cuốn sách thuật lại chiến tranh, cuộc chiến tranh vừa mới chấm dứt cách đó 4 năm, chứ ở lứa tuổi đó tôi chưa từng biết chiến tranh là gì.
Khi ba má tôi phải chia hai gia đình ra sống cách nhau mấy trăm cây số để lỡ mất người này thì còn người kia, tôi còn quá nhỏ. Khi một quả bom rơi xuống sát cạnh chung cư gia đình tôi đang ở, ba má tôi đều đang ở sở, còn cậu tôi thì vừa ôm, vừa bế, vừa đẩy các cháu nhỏ chạy theo dòng người đi lánh dưới những kiến trúc đổ nát, tuyệt nhiên tôi không nhớ được chút gì.
Sau khi bom ngừng, ba má tôi chạy xe như điên về nhà, nước mắt đầm đìa trên má vì nghĩ rằng mấy cậu cháu đã chết hết. Khi cậu tôi níu má tôi lại không cho đi làm nữa, để lỡ bị bom đạn chết thì cũng không ai phải chết một mình mà cả nhà cùng chết với nhau. Vâng, tôi cũng không nhớ.
Nhưng mặc dù tôi không nhớ thì câu chuyện này vẫn được kể đi kể lại trong gia đình tôi, những lúc cả nhà sum vầy. Còn ba má và cậu tôi thì vừa kể vừa nghiêng đầu ngắm nghía kỹ từng đứa con đứa cháu, như đến giờ vẫn còn ngạc nhiên không tin nổi cả nhà vẫn còn sống với nhau đây, không mẻ chút da thịt sau những phen kinh hồn. Là chúng tôi không mẻ, nhưng những người lớn đều phải trả giá. Sức ép bom đạn đã làm hại đến mắt và tai của ba má chúng tôi, cũng đã cướp đi một người cậu họ của tôi lúc cậu mới 17 tuổi. Cậu tôi rất đẹp trai. Hàng bốn chục năm sau, có năm ngay trưa mùng 1 Tết, mới vừa xong bữa cơm sum vầy cả gia đình, má tôi chợt nhớ cậu rồi cứ thế òa khóc mếu máo, vừa khóc vừa kể.
Cũng cái năm 1979 đó, có những người bạn của anh chị tôi đã nhập ngũ. Có những người cắt tay lấy máu viết thư xin đi bộ đội. Anh chị tôi toàn đầu to mắt cận nên không trúng nghĩa vụ quân sự, ba má tôi cũng dặn ngầm không cho đứa nào đi bộ đội cả. Trong bữa cơm chiều, các chị tôi bắt đầu kể hôm nay trong lớp có bạn này đi bộ đội, bạn kia đi bộ đội, hầu như lớp cấp 3 nào cũng có người đi bộ đội. Nhà trường cấp hai của tôi bắt đầu phát động phong trào viết thư cho chiến sĩ. Chúng tôi được giao chỉ tiêu mỗi đứa viết một lá thư, tính vào xếp loại lao động. Cô chủ nhiệm gom lại, đếm rồi chuyển lên trường. Trường nào cũng có phong trào này nên số thư chuyển ra biên giới chắc là lớn lắm. Hiềm nỗi toàn con nít, vốn ham chơi hơn ham làm, đã vậy còn ở vào cái thời đói khổ nên trí óc hướng về xoong thịt kho hơn là hướng ra chiến trường, tuyệt đại đa số thư nào cũng như thư nào, em chào anh bộ đội, chúc anh vững tay súng… cuối thư em xin gửi lời chúc anh sức khỏe. Nét mực tím vụng dại, buổi sáng trước ngày nộp thư, bọn con trai mượn thư mấy đứa giỏi văn trong lớp ngồi bặm miệng ngoẹo cả đầu ra chép lại.
Các anh chị lớn đi bộ đội được ít lâu thì có người bị thương, cụt chân, cụt tay trở về. Có người chết, được phong liệt sĩ hay tử sĩ. Cả lớp mặc áo trắng xếp hàng thắp hương trước bàn thờ bạn. Cha mẹ ngất xỉu thẫn thờ. Một hai năm sau, có người xuất ngũ, quay về trường học, học muộn hơn các bạn một hai năm, rồi cũng vào đại học hoặc đi học nghề.
Tôi đã đọc đi đọc lại Giải khăn sô cho Huế của nhà văn Nhã Ca. Tôi nghĩ rằng những cảnh người dân quẩn quanh chạy loạn trong thành Huế giữa hai làn đạn khốc liệt, gia đình chia lìa, chịu cảnh đói khát vì bom đạn làm tan tành tất cả, gục xuống chết âm thầm trong một xó vườn xa lạ trên đường trốn chạy… chưa kịp phai mờ trong trí nhớ của nhiều người.
Thì mới có hòa bình được 40 năm thôi. Mới có 40 năm ngắn ngủi, quá ngắn ngủi cho một đất nước.
Ông bà dạy “an cư lạc nghiệp”. Cho đến giờ, nghiệp của Việt Nam chưa thể gọi là “lạc”, vẫn là nước nghèo trên thế giới, ngay trong ASEAN cũng đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Campuchia và Lào. Điều hành tồi tệ, tham nhũng là một nguyên nhân chính, nguyên nhân còn lại vẫn là chưa đủ thời gian “an cư”. Ngay bây giờ, bom mìn trên cánh đồng, núi rừng, sông suối vẫn chưa gỡ hết. Ngay trong thành phố, lâu lâu đào móng xây nhà lại đào được một quả bom. Dường như mùi thuốc súng chưa bao giờ thực sự nhạt hẳn trong không khí Việt Nam.
Nhiều ngày nay báo chí Việt Nam nói rất nhiều đến cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979. Trên mạng xã hội facebook, ngoài những nhận định tỉnh táo, cũng phảng phất mùi thuốc súng từ những tay chơi mạnh miệng. Trên trang nhà, Facebooker Bùi Hoàng Tám nói nếu như chiến tranh xảy ra thì ông sẽ làm chiến sĩ trên mặt trận thông tin, viết báo làm thơ động viên chiến sĩ. Ông nói chắc chắn sẽ động viên con cháu ra trận.
Nhiều người cũng tâm đắc nghe lại bài hát nổi tiếng thời chiến tranh biên giới. Tôi cũng nhớ nó, gần như thuộc lòng:
Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới
Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới
Quân xâm lược bành trướng dã man đã giày xéo mảnh đất Việt Nam
Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải non sông
Đất nước của ngàn chiến công vẫn sục sôi khí thế hào hùng
Những Chi Lăng Bạch Đằng Đống Đa đang gọi tiếp theo những bản hùng ca
Việt Nam ôi nước Việt yêu thương
Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng
Mang trên mình còn lắm vết thương, người vẫn hiên ngang ra chiến trường (…)
Việt Nam, nước Việt yêu thương ư? Tôi nghĩ trong văn cảnh của bài hát, phải đổi lại là “nước Việt đau thương” mới chuẩn xác. Một nước Việt đau thương rách rưới, đầy mình vết thương vẫn không được yên lành để chữa trị, mà phải tiếp tục đứng lên chiến đấu. Hiên ngang lẫm liệt cũng có đấy, nhưng chữ liệt ấy tính ra gần với “liệt sĩ” làm sao!
Những bản hùng ca đâu có làm màu mỡ đất đai, đâu có trả lại chân tay cụt mất, đâu có mang lại người yêu chồng vợ về cho nhau. Chiến tranh không phải trò đùa, chiến tranh là tang thương và chết chóc, là khi và chỉ khi không thể còn cách nào khác mới buộc phải cầm súng lên để giữ mạng sống, là thế dựa lưng vào tường, là thế sống tao chết mi. Tuổi xuân, sức trẻ và trí tuệ của hàng triệu người lẽ ra vun bồi cho gia đình xã hội giàu có văn minh thì thay nhau vùi chôn vào đất vĩnh viễn, kéo lùi phát triển đến hàng chục hàng trăm năm, là ngồi dưới hố trơ mắt nhìn người ta đi dạo trên mặt trăng. Dân tộc ta có tội tình gì mà phải gánh lấy một “sứ mạng (thiêng liêng)” thiệt thòi đến thế?
Chiến tranh chỉ lãng mạn, chỉ “sục sôi hào hùng” trong văn thơ nhạc họa được “sản xuất” để phục vụ cho ý đồ của người cầm trịch. Mà theo lịch sử Việt Nam thì phần lớn những người say mê ca ngợi khía cạnh hùng ca của cuộc chiến thường lại chưa ngửi thấy khói súng bao giờ.
Cho nên, ông Bùi Hoàng Tám nói thiệt hay nói đùa tôi không rõ lắm, nhưng tôi chúc cho ông không phải bao giờ phải động viên con cháu ông ra trận, dĩ nhiên càng không bao giờ được động viên con cháu người khác ra trận, chỉ để thỏa cái khát khao của những chàng thi sĩ tâm hồn treo ngược lên cành cây mơ được làm anh hùng, được “lịch sử chọn làm điểm tựa”.
Tôi mong cầu cho nước nhà hòa bình, cầu cho dân tôi yêu một lòng yêu nước dày đặc tế bào não để mỗi sáng lại được thức dậy trong bình yên, không ai phải đi giết ai để giành sự sống, không người mẹ nào phải nhìn những đứa con mình lần lượt chết hết, chết sạch trong khi tóc còn xanh. Tất cả đều cần mẫn lao động cho nền văn minh giàu có và nhân bản. Đó mới là thắng lợi thật sự của Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét