khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Chuyện giày chuyện dép - Tác giả Lê Thiệp



Tôi bỗng thấy tôi trở thành mục tiêu oanh kích tự do. Tôi trở thành cái đích để những tay tiếp thị mõi tiền.
 
Mõi đủ kiểu. Mõi đủ cách.
 
Hãy chỉ nói về đôi giày. Hồi xưa ở Việt Nam, tứ thời phong cảnh tôi chỉ có độc một đôi giày. Đi làm, đi chơi, đi ăn tiệc, dự hội hè, trước sau gì cũng có một đôi giày đóng ở tiệm Gia bên Khánh Hội. Đi đến lúc tã thì đóng đôi khác.
 
Bây giờ chạy là một đôi, đi bộ là một đôi.
 
Chuyên viên về chân cẳng dạy rằng nếu chạy thì phải đi loại giày này vì sức dội vào gót và đầu gối nhiều hơn. Đi bộ thì phải đi loại rộng hơn một chút, phần đế phía sau nên cao và cứng để cả bàn chân thoải mái.
 
Sau đó là giày đi làm, loại ôm vừa chân nhưng đứng và đi không làm hại gân và bắp thịt dọc theo đùi và nhất là gót chân.
 
Loạng quạng là đau, là lệch xương, là chai, có thể phải mổ.
 
Rồi đến giày ăn diện khi mặc bộ áo ba mảnh đi ăn cưới chẳng hạn. Lâu lâu vợ lại hí hửng khoe nó bán sôn rẻ một nửa, mua một tặng một, nên đem về thêm hai đôi giày mới toanh. Bỗng đến một lúc thấy mình có cả chục đôi giày!
 
Chưa hết! Một hôm gặp ông bạn Mỹ vẫn hay cùng chạy bộ. Ông ta nhìn tôi rồi hỏi tại sao chưa thay giày? Ơ, tại sao phải thay giày khi giày còn tốt thế này? Ông bạn Mỹ giảng giải với những con số hết sức là thuyết phục.
 
Một ngày bạn chạy 4 miles. Một tháng là 120 miles. Sáu tháng vị chi là 720 miles. Tôi đi đôi giày này từ hồi đầu năm tức 9 tháng, tức 1080 miles. Và nếu phiên ra thành cây số thì cỡ 1700 cây số.
Giày đi lâu, có thể trông bề ngoài còn tốt, đế cũng chưa mòn lắm, nhưng trong lòng giày thì đã chai, đã lõm, đã ăn thành khuôn nên không còn tốt cho các cử động của bộ xương chân. Hại lắm, hại lắm, nếu cứ hà tiện có khi mang tật ở chân.
 
Ông bạn Mỹ lại còn thực tế hơn, phiên mọi sự thành tiền. Đôi giày Nike giá 60 tiền đi chín tháng, vị chi là tốn 22 xu một ngày. Hà tiện 22 xu mỗi ngày để lỡ mang tật vào người à? Tôi thấy ông ta lẩm nhẩm tính rất nhanh và đưa ra con số 22 xu thì phục quá, hôm sau đi mua ngay một đôi mới. Có điều là giá đã lên đến 70 đồng một đôi. Tôi bèn bắt chước ông tính nhẩm nhưng cứ lộn hoài nên vác máy tính ra thì thấy lần này tôi phải đầu tư tới 25 xu mỗi ngày.
 
Ngồi ngắm nghía đôi giày trắng mới toanh và bỗng hiểu tại sao hãng này trả Michael Jordan cả chục triệu đô la để quảng cáo cho hãng. Và cũng lại nhớ đến những mẩu tin từ trong nước về những vụ bóc lột sức lao động của hãng này đối với công nhân Việt Nam. Lật thử đế giày lên thì may quá thấy đề Made in China.
 
Lương tâm nhẹ hẳn đi vì dẫu sao kẻ bị bóc lột là các ông Chệt nghèo chứ không phải đồng bào Mít đói kém của mình. Cũng thấy có lý quá đi chứ lị. Đi 1700 cây số thì gần bằng quãng đường Sài Gòn - Hà Nội rồi còn gì mà hối hận nữa, 60 đô la thì 60 đô la, thay là phải quá.
 
Loạng quạng lại giống ông Nhuận thì vỡ nợ.
 
Ông Lê Phú Nhuận cùng vào đời - đúng ra là cùng vào làng báo một lượt với tôi. Ông lớn hơn tôi đâu ba tuổi nên bị động viên sớm và sau đó biệt phái về làm báo nhà nước. Báo nhà nước là chữ của chúng tôi gọi các cơ quan Việt Tấn Xã và Đài Phát Thanh Sài Gòn hồi đó.
 
Ông Nhuận tuy mẫn cán nhưng ngay thẳng nên có lúc bị xếp đì, đày ra Quảng Ngãi nhưng sau đó vẫn làm đến chức phụ tá giám đốc (cuối cùng) của Việt Tấn Xã. Song song với công tác báo chí nhà nước, ông Nhuận “đi khách” cho báo ngoài và là một trong những phóng viên cứng cựa của tờ Chính Luận.
 
Tôi còn nhớ vài ngày sau 30/4/75, ông Nhuận dẫn tôi ra cầu xa lộ Biên Hòa chỉ một thửa ruộng nửa lúa nửa rau muống hứa hẹn: “Ruộng của ông già tao, hơn chục mẫu. Tao cho mày một mẫu trồng rau muống. Mày là Bắc kỳ, ăn rau muống chấm tương. Tao trồng lúa. Hai đứa thành hai ông nông dân coi bộ vui.” Cái mơ mộng hão huyền đó bất thành. Ông Nhuận đi học tập cải tạo mút mùa vì là sĩ quan biệt phái lại đóng đến chức Phụ Tá Giám Đốc “cơ quan tình báo” Việt Nam Thông Tấn Xã.
Rồi thì ông Nhuận cũng bò được tới Mỹ, định cư ở Philadelphia, lâu lâu lại dọt xuống hú hí với bằng hữu. Chuyện đó lâu thành cái lệ, cứ cỡ một tháng lại thấy ông gọi “ra đón tao ở khu Eden, đường về nhà mày lằng nhằng thấy mẹ, lần nào cũng lạc.”
 
Bẵng đi một dạo không thấy ông Nhuận xuống, gọi điện thoại thì ông bảo “Tao đau cẳng quá, có hôm đang lái xe phải tắp vào lề. Chữa hoài không hết.” Nhưng rồi ông cũng lại bò xuống, lần này nhờ quá giang bằng hữu, không dám lái một mình mấy trăm dặm đường.
 
Âu cũng là duyên trời run rủi, tôi chở ông đi ăn phở thì gặp ông bác sĩ chuyên về cẳng, Podiatrist. Ông Podiatrist lôi ông Nhuận về phòng mạch gần đó nắn xương, đo gân, chụp bàn chân ông đủ kiểu. Kết luận ông Nhuận có một cái giây thần kinh kẹt giữa hai đốt xương nơi bàn chân, hậu quả của việc hà tiện không chịu thay giày.
 
Đôi giày ông Nhuận đang đi trông không mới mẻ gì nhưng cũng còn tốt chán, hỏi thì ông không nhớ mua từ đời thuở nào. Ông bác sĩ viết cái giấy giới thiệu đi mua giày ở một tiệm chuyên môn. Đến nơi, một chuyên gia đo chân ông Nhuận, đo ngang đo dọc, đo dầy đo mỏng, nắn tới nắn lui, đọc chỉ thị của ông bạn Podiatrist và đưa cho ông Nhuận một đôi giày với một cái lót đặc biệt gồ lên ở giữa bàn chân và giải thích:
 
- Phải đệm như vậy để khi đi đứng hai đốt xương không ép vào sợi thần kinh. May ra thì sáu tháng sau sẽ đỡ.
 
Nếu vẫn đau hoài thì sao? Thì chích cho liệt sợi thần kinh đó. Nghe rùng cả mình.
 
Ngắm nghía đôi giày Mephisto, ông Nhuận nói nhỏ với tôi: - Mẹ kiếp cả đời tao chưa bao giờ mua đôi giày đắt thế. Tôi an ủi:
 
- Mephisto là giày hách nhất thế giới. Mà mày mua giày bệnh, đâu phải giày láng coóng lấy le đâu mà tiếc.
 
Ông Nhuận mang luôn đôi giày mới màu nâu da sần và lúc ra khỏi cửa ông quăng đôi giày cũ vào thùng rác. Thế thì tôi tiếc gì mà phân vân đắn đo khi mua giày?
 
Hỡi ơi, khi vào tiệm giày thì thấy hoa cả mắt. Giày đánh tennis, giày chơi bóng rổ, giày chạy, giày đi bộ, giày chạy việt dã... lung tung đủ thứ, đủ hạng, đủ kiểu và đủ giá tiền. Tôi cầm lên thử thì thấy đôi nào cũng từa tựa như nhau không biết đâu mà lần. Just do it. Cái khẩu hiệu đó tôi thấy trên TV nhiều đến nỗi nó ăn vào đầu lúc nào không biết. Rồi là ảnh những ông Michael Jordan, bà Mia Hamm cười tươi như hoa hiện ra rõ mồn một. Thôi thì mua Nike, ít ra cũng được hãnh diện cùng đi một loại giày với các đại tài tử, đại danh thủ cỡ Agassi chứ bộ. Đó là lúc ở tiệm giày, đó là lúc người bán hàng ăn diện đúng mốt hơn tôi một trời một vực nhìn tôi tủm tỉm cười và săn sóc tôi tận tình. Nike đắt hơn mấy hiệu vô danh tiểu tốt nhiều.
 
Nhưng bây giờ về đến nhà thì bỗng thấy bần thần. Tại sao không mua thứ khác rẻ hơn nhiều? Và đâm cáu cái TV khỉ gió. Và thấy mình trở thành mục tiêu bị pháo trúng.
 
 
***
 
Suy nghĩ đến đây thì thấy khựng lại. Đã bao lâu rồi không nghe đạn réo bên tai, bom nổ trước mặt. 75 đến giờ hơn một phần tư thế kỷ rồi còn gì. Gần nửa đời rồi chứ bộ. Thế sao vẫn cứ cái ngôn ngữ sặc mùi chiến tranh? Vùng oanh kích tự do. Pháo trúng. Cái ám ảnh của quảng cáo trên TV nó gần gụi, tươi rói lập đi lập lại hàng ngày khiến đành bỏ ra 70 đô la mua một đôi Nike. Nhưng còn nỗi ám ảnh của cuộc chiến Việt Nam, của bom, của hỏa tiễn, của những xác bị chết thui trong hầm, của những chiếc thây phơi cả tháng dọc Đại Lộ Kinh Hoàng...? Nhìn đôi giày màu trắng bỗng nhớ đến đôi dép râu:
 
Đôi dép râu dẫm nát đời trai trẻ
Vành mũ tai bèo che kín tương lai
 
Nay hẳn bộ đội của nhà nước ta đã được trang bị tối tân hơn xưa nhưng tuổi trẻ Việt Nam thì vẫn cứ bị giẫm nát nhừ và tương lai thì vẫn là những khoảng tối đen.
 
Không tin cứ thử diện giày Nike về Việt Nam một chuyến thì thấy.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét