Tôi được đọc một bài trên mạng BBC kể về huyền thoại Singapore từ một làng chài năm 1819 nay trở thành một nước trù phú vào bậc nhất thế giới chỉ sau 200 năm.
Tất cả chỉ nhờ sức người và khả năng nhiều thế hệ lãnh đạo, nhất là cố Thủ tướng Lý Quang Diệu được đảo quốc tôn sùng là "cha già dân tộc", người có công lớn nhất trong câu chuyện phát triển thần kỳ đó.Bài viết cũng nhắc nhở nhiều hình ảnh và câu chuyện so sánh với Sài Gòn trong thế kỷ qua. Đặc biệt là vào năm 1954 sau phong trào di cư của hơn 1 triệu người từ Bắc vào Nam, chính ông Lý sau khi thăm Sài Gòn đã lớn tiếng tuyên bố e ngại cho tương lai Singapore, chứ không phải Sài Gòn.
Sau 1975, ông Lý biết là điều mình e ngại đã không đúng vì Sài Gòn là thủ đô của miền Nam Việt Nam đã bị tàn phá sau hơn một thập niên chiến tranh ác liệt.
Nhưng ông đã gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thời đó và nhiều lãnh đạo kế tiếp, để cố vấn cho chính phủ nước Việt Nam thống nhất lúc đó các chiến lược và chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế hậu chiến, giúp Việt Nam thành con hổ Châu Á như Singapore.
Nhưng sau hơn 20 năm, ông Lý đã xuất bản một quyển sách tiếng Anh rất nổi tiếng về kinh nghiệm phát triển toàn vùng, dành hẳn một chương nói về kinh nghiệm tiếp xúc của ông với Việt Nam -trong cuốn sách dịch ra tiếng Việt, chương về Việt Nam đã bị cắt.
Ông tỏ rõ hối tiếc là các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn chỉ tha thiết theo đuổi Chủ nghĩa Xã hội, còn bỏ qua mục tiêu phát triển Việt Nam thành một nền kinh tế mạnh ở châu Á, và ông Lý buồn bã kết luận "lại là một cơ hội bỏ lỡ" (lost opportunity) của Việt Nam, và có lẽ của thành phố Sài Gòn nói riêng!
Riêng Sài Gòn hôm nay tuy vẫn là đầu tàu kinh tế cả nước, nhưng sau 44 năm vẫn bụi mù ô nhiễm và kẹt xe, cùng nạn trộm cướp và các tệ đoan xã hội nghiêm trọng, và đang ì ạch với các chương trình kế hoạch không thực hiện được; tất nhiên so với Singapore còn bị bỏ xa gấp bội so với thời 1975.
Một điều kiện duy nhất mà nhà cố lãnh đạo của Singapore nói tới là yếu tố Con người. Lý Quang Diệu cũng như con trai ông, đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long, đã tuyên bố phải tìm chọn nhà lãnh đạo có tâm và cả tầm, và người dân phải hăng hái đóng góp, biết cách sống văn minh tôn trọng luật lệ, nếu muốn các cải cách đạt được mục đích.
Tìm lại cơ hội cho Sài Gòn
Do đó, mong Sài Gòn sớm "tìm lại" các cơ hội đã bỏ lỡ suốt 65 năm nay từ chuyến viếng thăm đầu tiên của ông Lý Quang Diệu.
Thêm nữa, sự phát triển của Sài Gòn sẽ là đòn bẩy kéo theo kinh tế cả nước nhất là trong ới cuộc thương chiến Mỹ-Trung kéo dài, có đầu tư di dời sản xuất sang Việt Nam, nhất là cho Sài Gòn.
Thành phố có thể trở thành cơ xưởng sản xuất thế giới, một thành phố nhân văn, và cũng là hải cảng phồn vinh tráng lệ mới như lịch sử Đông Dương từng ghi dấu, nếu có người biết lãnh đạo và được trao cơ hội?
Vậy chúng ta thử phác họa giấc mơ đó ra sao trong hai thập niên tới để theo đuổi thực hiện?
Kết hoạch 20 năm cho Sài Gòn bắt đầu từ Cải cách thể chế và luật pháp
Đề xuất những cơ chế đặc biệt cho Sài Gòn là điều viển vông nếu làm thực chất, không ai trong các lãnh đạo dám chấp nhận kiểu 'Một nước hai chế độ'.
Còn nếu làm "giả vờ" thì hại nhiều hơn lợi. Sài Gòn cũng không nên cần cơ chế đặc thù gì cả. Là đầu tàu kinh tế mà lại đòi cơ chế đặc thù chả khác nào đang dắt con tàu máy chạy xăng, giờ lại đòi chạy điện vẫn bộ máy cũ thì không thể được.
Vì các tỉnh thành khác lại sẽ đua nhau đòi cơ chế này nọ thì mới chịu phát triển, giống như kiểu các tỉnh đòi làm sân bay, cảng nước sâu, sân golf...trước đây.
Tuy nhiên luôn có thể thí điểm như Nhà nước pháp quyền, cho công dân thành phố quyền bầu cử và ứng cử trực tiếp vào các chức như Ủy ban Nhân dân Thành phố và Hội đồng Nhân dân Thành phố để chọn người tài.
Nếu UBNDTP hay HĐNDTP không làm được việc, người đi bầu sẽ thay đổi họ lần bầu tới bằng những lá phiếu.
Như vậy, Sài Gòn sẽ là thí điểm đầu tiên và quan trọng cho việc dân bầu chọn lựa trực tiếp cấp chỉ huy theo khả năng và đạo đức của các ứng cử viên một cách dân chủ, thay vì tiếp tục chế độ "Đảng cử dân bầu" như hiện nay.
Hai tổ chức dân cử trên sẽ tổ chức các hội nghị, phiên thảo luận để các tầng lớp nhân dân, những chủ thể kinh tế xã hội và các chuyên gia, được tham gia xây dựng các đạo luật hành chính và kinh tế áp dụng cho thành phố, và thảo luận các chính sách quan trọng trước khi quyết định ban hành, đảm bảo luật pháp chính sách vì lợi ích của đa số.
Tóm lại, Sài Gòn chỉ cần phấn đấu trở thành cái nôi của phát triển trong cả nước và còn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam, đó là:
- Tạo dựng một nền quản trị chuẩn mực và chất lượng cao ở tất cả các cấp. Càng cấp gần dân càng phải chuẩn hơn.
- Xây dựng cơ chế cán bộ biết sợ dân thì mới có bộ máy vì dân, trong sạch và vững mạnh. Xưa nay, cán bộ chỉ biết sợ Đảng, sợ cấp trên, sợ tập thể cùng cơ quan chứ không sợ dân, vì dân không có quyền giám sát trực tiếp, không chỗ phát ngôn công khai.
- Đào tạo và duy trì nguồn nhân lực giỏi, đa dạng và có lãnh đạo thành phố xuất sắc, đặc biệt là phải có lòng.
Bài học Singapore cho Sài Gòn
Nói chung, Singapore chỉ cần pháp trị chặt chẽ là nền tảng. Còn làm thế nào duy trì được nền tảng đó thì lại là trí tuệ và bản lĩnh của mỗi nhà lãnh đạo, tiêu biểu là ông Lý Quang Diệu.
Giáo dục, kể cả giáo dục công dân, là căn bản thứ hai của chiến lược phát triển.
Như các chiến lược gia Singapore đã phát biểu, yếu tố Con người là đầu mối của phát triển kinh tế xã hội. Nhân dân thành phố phải được hưởng chế độ giáo dục khai phóng và nhân bản, tránh bớt giáo dục chính trị ở đại học chẳng hạn.
Các gia đình Singapore thường cho con đi thăm ít nhất 5-6 quốc gia nên thế hệ lãnh đạo trẻ có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo, và tầm nhìn rộng mở. Hệ thống giáo dục được tổ chức vào loại hàng đầu châu Á. Công chức được chọn từ sớm gồm những thanh niên giỏi nhất đại học.
Các bộ trưởng vào hàng trẻ nhất trong khu vực. Các chính sách công tốt mà nhà lãnh đạo tài ba Lý Quang Diệu đưa ra, sở dĩ thực hiện được vì công chức có kiến thức và biết làm nhanh chóng. Do đó chúng ta cần:
Đặt mục tiêu thiết lập thêm các trường trung học và đại học tư nhân; có chương trình cho các đại học công và tư được tự trị, theo đuổi các chương trình giáo dục quốc tế hiện đại tân tiến.
Cố gắng có 1-2 đại học công hay tư được xếp hạng trong danh sách 20 trường đại học khá nhất vùng sau 5 năm; sau 10 năm, nâng số này lên 4.
Đặt nặng vấn đề huấn luyện Anh ngữ bắt buộc cho các trường từ cấp tiểu học (cấp 1) và các cơ sở thương mại để tăng khả năng giao tiếp của dân chúng trong vấn đề phát triển du lịch và thương mại.
Đặt nặng vai trò công dân giáo dục trong trường học và giữ gìn kỷ luật trật tự, nhất là trong vấn đề giao thông và vệ sinh công cộng; khuyến khích người dân có niềm tự hào là "dân Sài Gòn" trong việc tôn trọng luật lệ đi đường và vệ sinh thành phố; phạt nặng các vi phạm này như ở Singapore.
Cho các công trình xây cất mới, đánh thêm thuế môi trường đặc biệt để cải thiện hệ thống cống rãnh, tránh bớt ngập lụt trong thành phố đang là vấn đề khẩn trương.
Để Sài Gòn phát triển kinh tế thị trường đúng nghĩa, cần thực hiện ba đột phá về quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và quyền tự do cạnh tranh.
Thành phố Hồ Chí Minh cần ban hành quy định về quản lý tài sản của thành phố; quy định về cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của thành phố; quản trị trong doanh nghiệp 100% vốn của thành phố; và quản lý phần vốn của thành phố tại các doanh nghiệp cổ phần hóa.
Để tạo tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, cần rà soát các quy định của thành phố, loại bỏ các quy định phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước.
Tạo động lực mới và mạnh mẽ cho kinh doanh: chỉ đánh thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 18%.
Phát triển kinh tế trên ba trụ cột
Sài Gòn có thể phát triển dựa trên ba cột trụ kinh tế như nhiều chuyên gia đã đề nghị trước đây, nay chỉ cố thực hiện nhanh chóng hơn:
- Thứ nhất là phát triển một hệ thống du lịch "cấp cao" có chất lượng nổi tiếng như Singapore, thay vì thu hút làn sóng khách du lịch rẻ tiền "Tây Ba lô" như từ trước đến nay;
- Thứ hai là thành lập và phát triển Khu Công nghệ cao "Saigon Sillicon City", khuyến khích phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp mới đi đôi với phát triển công nghệ cao; và
- Thứ ba, chuẩn bị lập Trung tâm Giao dịch Ngoại hối trong 5 năm sắp tới, trước khi đủ điều kiện lập một Trung tâm Tài chính Vùng trong 10 năm tới.
Do vụ việc "nóng" từ năm ngoái về qui hoạch đất ở Thủ Thiêm, thành phố cần phổ biến rõ ràng qui hoạch ở tất cả các quận huyện với bản đồ chi tiết, phân biệt đất thổ cư hay đất xây dựng công nghiệp; hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; và hoàn chỉnh hệ thống đăng ký tài sản, bao gồm quyền sử dụng đất.
Đôi lời thay cho kết luận
Người viết vốn là dân Bắc Kỳ di cư theo cha mẹ bỏ Hà nội vào Nam năm 1954 lúc mới 5 tuổi. Lớn lên và được ăn học ở miền Nam trong những năm "vàng son" của thành phố thân yêu đó, lại mang theo niềm yêu thương và "nặng tình" với Sài Gòn như một "tình nhân" trong tâm tưởng suốt hơn 50 năm chia xa.
Nhất là làm sao quên được những con đường có các hàng me lá đẫm nước lúc mưa tạnh, chỉ cần cơn gió nhẹ là trút xuống làm ướt đầu khách bộ hành lang thang.
Đọc lại bài về Singapore và những lời của ông Lý Quang Diệu, lại chợt có mong muốn Sài Gòn đi theo một phần bước đường của Singapore, dù biết Sài Gòn sẽ không bao giờ thành Singapore trong khuôn khổ mô hình chính trị hiện tại.
Lộ trình đó trong 20 năm tới, dù có bị gọi là giấc mơ viển vông, vẫn khả thi.
Xây dựng đặc thù văn hóa và duy trì các "nét phương Đông" của Sài Gòn (chứ không phải chỉ là đặc thù kinh tế) vừa văn minh vừa hấp dẫn về bản sắc, đây sẽ là điểm tương phản nổi bật với Singapore đang mất dần bản sắc vì quá chạy theo văn hóa phương Tây.
Những cái còn lại để cho các nhà đầu tư và nhân dân tự phát triển. Chẳng cần ai dẫn dắt, họ vẫn sẽ không khi nào chệch hướng đến đi vào "cửa tử" kinh tế như đất nước trong thời kỳ bao cấp trước đây.
Rất hy vọng các nhà lãnh đạo thành phố và chính phủ trung ương có đủ dũng khí chấp nhận được thách thức này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét