Ngày 18/2/2019, bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng giải thích với báo giới về những hình ảnh xe cẩu của công nhân môi trường di dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo, bến Bạch Đằng ngay ngày kỷ niệm 40 năm Trung Quốc đem quân đánh các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.
Chia sẻ thêm với báo chí, bà Yến cho biết có một số ý kiến cho rằng việc di dời là “nhạy cảm”. Tuy nhiên, theo Bí thư Ban chấp hành Đảng bộ Quận 1, đây là việc bình thường và hợp lý. Việc đặt lư hương giữa công viên để thờ phụng là không đúng với tâm linh của người dân.
“Khu vực tượng đài chỉ là nơi tham quan, trong khuôn viên này mà đặt lư hương thì không phù hợp. Việc thờ phụng nên được đặt ở đình, đền, chùa sẽ đúng hơn. Đó là việc bình thường và hợp lý", mạng báo Dân Trí dẫn lời bà Yến cho biết.
Bà này cũng nói là khi đến Tết Nguyên đán chính quyền quận 1 đều cho trang trí, trồng hoa ở khu vực công cộng để người dân thưởng lãm, và sau đó sẽ trồng hoa mới, sẵn dịp này quận cho di dời lư hương vào đền Đức Thánh Trần để tiện việc thờ cúng.
Trước đó, một số hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội Facebook vào sáng 17/2 cho thấy một nhóm người mặc đồ công nhân vệ sinh môi trường dùng xe rác chắn trước tượng đài Trần Hưng Đạo đồng thời dùng xe cẩu di dời lư hương đi nơi khác.
Một số người dân cho rằng việc làm này của chính quyền thành phố ngay đúng ngày 17/2 nhằm ngăn chặn các cuộc tưởng niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.
Sự việc này vô tình trùng hợp với một công văn đóng dấu "MẬT" lan truyền trên mạng được cho là của đảng ủy khối cơ sở bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu "vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, người lao động và người thân không tham gia tụ tập, biểu tình, gây rối an ninh trật tự tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo trong ngày Chủ nhật 17/2/2019."
Luật sư Lê Công Định cũng chia sẻ đường dẫn bài viết về câu trả lời của Bí thư Quận ủy Quận 1 trên báo chí nhà nước và đặt câu hỏi về tính hợp pháp của sự lên tiếng này.
"Bí thư Quận ủy có quyền đại diện chính quyền giải quyết và trả lời trước dân vấn đề này từ khi nào? Đây là vấn đề của chính quyền hay của đảng? Quy định nào trong Hiến pháp cho phép điều đó?
Hay phải chăng vì chính quyền đương nhiên là của đảng, nên cách thức đảng lãnh đạo chính quyền thời nay trực tiếp đến mức không cần giữ gìn phép nước như trước nữa, cứ ngồi xổm lên Hiến pháp điều hành chính quyền luôn?" - Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook cá nhân.
Tượng đài Trần Hưng Đạo được cố nhà báo, điêu khắc gia Phạm Thông hoàn thành vào năm 1967 tại bến Bạch Đằng, Sài Gòn để làm biểu trưng cho Thánh tổ của binh chủng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.
Lư hương cùng với pho tượng đã có từ năm 1967 cho đến nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét