“Những ngày như lá, tháng như mây..” Thơ Thanh Nam. Mới đó mà thời gian đã 40 mùa thu lá bay qua cuộc đời tôi.
Mới đó là buổi sáng, hay buổi chiều, tôi không nhớ rõ, ngồi bên tủ thuốc lá của Lê Xuyên, tôi nghe Lê Xuyên nói:
“Bây giờ tôi biết thế nào là thiên mệnh.”
Tôi không hỏi, Lê Xuyên không nói thêm. Thời gian qua dễ đến 40 năm, mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thắc mắc không biết Lê Xuyên muốn nói gì với tiếng “thiên mệnh.” Không lẽ cái “thiên mệnh” anh nói đó là việc Quốc Gia Việt Nam Công Hòa bị tiêu vong, là việc cờ máu và ảnh Lão Hồ Chí Minh vào thành phố Sài Gòn, hay đó là việc anh phải ngừng viết tiểu thuyết, ngừng viết mãi mãi, ngừng viết suốt những năm tháng anh còn sống kể từ 12 giờ trưa Ngày 30 Tháng Tư 1975, hay anh muốn nói “thiên mệnh” là việc anh ngồi bán thuốc lá lẻ trên vỉa hè từ năm, sáu giờ sáng đến tám, chín giờ tối.
Sau Ngày 30 Tháng Tư 1975, có thể nói “tất cả” giới văn nghệ sĩ Sài Gòn sống lơ bơ, lờ phờ. Không một người nào có việc làm, không người nào kiếm ra được một đồng bạc. Trong những ngày tháng chúng tôi sống dở, chết dở ấy, tôi biết có ba người bắt tay ngay vào việc kiếm sống. Đó là các anh Tường Tuấn, Trần Phong Giao và Lê Xuyên. Tường Tuấn bán cà phê ngay trước cửa nhà anh. Vì quá thừa thì giờ, anh bán cà phê cho đỡ buồn, không phải để kiếm sống. Có thể nói tiệm cà phê Tường Tuấn là tiệm cà phe nghèo nhất thế giới. Tôi phải viết rõ: vì quá buồn, vì không có việc gì để làm, vì ngày quá dài, đêm quá sâu, nhiều người Sài Gòn ra vỉa hè bầy bán thứ gì đó cho qua ngày, không phải để kiếm sống.
Vào khoảng năm 1980 Sài Gòn có rất nhiều quán cà phê vỉa hè. Toàn là quán lộ thiên. Hai, ba cái bàn, vài cái ghế đóng bằng loại gỗ thùng. Cà phe Tường Tuấn ở đường Trương Minh Ký, khoảng trước Nhà Thờ Ba Chuông. Sáng sáng có một bà mang cà phe đi giao cho những tiệm cà phe vỉa hè trên con đường này. Bà giao cho mỗi tiệm một bao nylon một lạng cà phe. Giao hàng mà không lấy tiền ngay. Bà đi suốt sáng từ đầu đường đến cuối đường, rồi đi trở lại. Bà đi qua hỏi xem có tiệm nào cần lấy thêm cà phe; và bà thu tiền. Năm 1980 một ly cà phê đen vỉa hè Sài Gòn giá 1 đồng.
Tường Tuấn là ký giả nhật báo Xây Dựng, chủ nhiệm Linh Mục Nguyễn Quang Lãm. Trước Ngày 30 Tháng Tư 1975, anh không ngồi quán cà phe đấu hót cả buổi, không sống bừa bãi như nhiều ký giả thời ấy.
Có nhiều tháng Trần Phong Giao, nhà ở Tân Định, gần mấy vựa củi, sáng chở ba, bốn bó củi trên xe đạp, mỗi bó một đồng, đi giao cho những chỗ bán chuối nướng trên đường Phạm Ngũ Lão, khoảng trước tòa soạn báo Văn. Bó củi một đồng mà những chị bán chuối nướng vỉa hè cũng không có tiền trả ngay, gần trưa Trần Phong Giao phải trở lại lấy tiền.
Lê Xuyên là văn nghệ sĩ xuống đường kiếm sống trước nhất. Những tháng đầu sau 30 Tháng Tư 1975, từ 4 giờ sáng anh đến lò bánh lấy bánh đem giao cho những xe bánh ở Ngã Ba Ông Tạ, Ngã Tư Bẩy Hiến. Buổi chiều anh đạp xe đi thu tiền. Nhà tôi ở vùng này. Gập anh trên đường, tôi mời anh chiều hôm sau đến nhà tôi, ăn cơm với vợ chồng tôi.
Lê Xuyên đến. Xe anh có cái cần xế đựng bánh. Tôi thấy trong cần xế có cái bơm xe đẹp, loại bơm cỡ lớn thường thấy ở những góc sửa xe đạp lề đường. Lê Xuyên nói ruột xe của anh bị mọt, sì hơi, đi khoảng một tiếng là lốp xep, phải bơm lại. Anh không thể mượn bơm của những người sửa xe vệ đường. Mượn bơm phải trả chủ bơm 1 đồng. Giao bánh mỗi ngày anh kiếm được khoảng 10 đồng. Một ruột bánh xe máy năm đó giá 100 đồng, Anh không có tiền mua ruột bánh xe mới.
Rồi Lê Xuyên ngồi bán thuốc lá lẻ ờ vỉa hè. Anh ngồi với tủ thuốc lá dưới mái tôn một tiệm hủ tiếu. Anh nói:
— Phụ nữ không thể ngồi bán thuốc lá như tôi. Ông coi.. Trời nắng, hơi nóng từ mái tôn dội xuống, từ mặt đường bốc lên. Tàn phai nhan sắc kinh khủng lắm.
Lê Xuyên bán thuốc lá vỉa hè mãi đến khi anh không ngồi được nữa. Bị bại liệt, anh nằm nhà và anh im lặng qua đời.
Hôm nay 40 năm sau ngày nghe Lê Xuyên nói anh “tri thiên mệnh,” tôi kể chuyên anh để nói trong đời tôi, tôi đã không “tri thiên mệnh.” Cho đến những ngày cuối đời tôi, tôi không biết thế nào là “thiên mệnh.”
o O o
Năm nay – 2016 – tôi 84 tuổi. Những ngày sống của tôi không còn bao lâu. Đã hơn một lần, trong những bài Viết ở Rừng Phong, tôi gửi lời chào vĩnh biêt bạn đọc. Tối nay, tôi chào vĩnh biệt quí vị lần nữa; tôi cám ơn quí vị đã đọc những gì tôi viết từ bao năm nay.
Tôi là người viết nhiều về tôi, về vợ con tôi, về những mối tình của tôi. Ngạn ngữ Pháp có câu “Le Moi est haisable.” Cái Tôi là cái đáng ghét. Theo câu nói này “người nào nói nhiều về minh là người đáng ghét.” Tôi viết nhiều về Tôi nhưng tôi thấy tôi không bị người đọc ghét. Không có người đọc nào chê trách tôi đã viết nhiều về Tôi. Trong hai mươi năm sống và viết ở Kỳ Hoa, – vợ chồng tôi đến Mỹ đầu năm 1995 – nhiều ông bạn già đọc những bài Viết ở Rừng Phong của tôi. Có những ông nói với tôi:
— Cám ơn ông. Ông đã nói lên những gì chúng tôi muốn nói.
— Đọc anh để nhớ, để thương Sài Gòn.
— Đọc anh để biết về cuộc sống dưới ách cộng sản của những văn nghệ sĩ.
Văn Quang, hiện sống ở Sài Gòn, gửi I-Meo – Email – cho tôi:
– Mày đã viết thay cho những cặp vợ chồng yêu thương nhau từ trẻ đến già.
o O o
Những năm 1940, 1941 , khi tôi mới mười một, mười hai tuổi, sống ở thành phố Hà Ðông xứ Bắc Kỳ, tỉnh nhỏ nằm ngay sát nách và dưới nách Thủ đô Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường, tôi đã say mê đọc tiểu thuyết. Nhiều năm về sau một bà bạn của mẹ tôi những năm xưa ấy thường đến chơi với mẹ tôi, nói với tôi:
— Ngày ấy tôi đã biết về sau thể nào anh cũng trở thành văn sĩ. Lần nào tôi đến nhà anh cũng thấy anh cầm một trong ba thứ: quyển truyện, cái kèn harmonica, cây súng cao su…
Ngày ấy, nói ngày ấy thì nhẹ thôi, nhưng ngày ấy là năm mươi mùa ổi chín trước kia, hoặc ngày ấy là nưả thế kỷ về trước, nửa thế kỷ trần ai, khoai sùng đã trôi vào cái gọi văn huê là dĩ vãng, ngày ấy không những tôi chỉ mê đọc truyện mà thôi — nhiều chú nhóc bằng tuổi tôi cũng say mê đọc truyện như tôi nếu không muốn nói là say mê hơn tôi nhiều — tôi mê đọc truyện và tôi còn mơ đến việc mai sau tôi cũng sẽ viết tiểu thuyết như các ông Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng.
Ngay từ ngày đó không biết vì sao tôi đã không thích viết theo lối văn chương sạch, đẹp, nhưng không có thật, những truyện không có những sự kiện phũ phàng, không có những đối thoại trần tục của người thường, tôi không thích tạo dựng những nhân vật lý tưởng, lúc nào cũng cư xử đường hoàng, đứng đắn, không “ăn tục, nói phét” như những truyện và những nhân vật của các ông Khái Hưng, Nhất Linh.
Tôi ngẩn ngơ trước thế giới thời ấy, thế giới tôi thấy là thần kỳ, tuyệt vời được Nhà Văn Lê Văn Trương diễn tả trong tiểu thuyết Trường Ðời. Ðọc Trường Ðời tôi thán phục Trọng Khang, tôi mê Marie Khánh Ngọc, tôi khinh bỉ Francois Giáp — ba nhân vật chính của tiểu thuyết Trường Ðời.
Ngây ngất trên những trang Giông Tố của Vũ Trọng Phụng, tôi thấy mơ màng ẩn hiện hình ảnh Vạn Tóc Mai nằm đấu hót bên bàn đèn thuốc phiện, cảnh Ông già Hải Vân xuất ngoại đi làm cách mạng chia tay với anh con Tú Anh trên bãi biển đêm mưa tầm tã, cảnh Tuyết nằm trên nệm bông, trong ánh đèn mờ ảo trên những trang tiểu thuyết Giông Tố. Tuyết nằm khỏa thân, làn “âm mao” mơn mởn…
Kể từ ngày ta có chữ Quốc ngữ đến nay tôi thấy mới chỉ có một mình Văn sĩ Vũ Trọng Phụng tả người thiếu nữ nằm trần truồng chờ đợi tình yêu và tả làn “âm mao” của nàng. Dường như từ khởi thủy Việt Nam ta có tiểu thuyết đến nay ông Vũ Trọng Phụng là người viết tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất đưa hai tiếng “âm mao” vào tiểu thuyết. Ông ngang nhiên viết “âm mao” lên giấy trắng, mực đen, in thành tiểu thuyết cho đồng bào ông đọc.
Cứ rộng rãi cho là cả trăm năm sau ngày ông Vũ Trọng Phụng hạ ngọn bút thần kỳ diễn tả nữ nhân vật Tuyết Giông Tố, những người viết sau ông, tức những ông dzăng sĩ, tiểu thuyết gia kiêm tiểu thuyết dzô lớn nhỏ, kể cả những ông viết hung hãn, liều mạng, ba đá, hăng tiết vịt nhất.. cũng chưa có ông nào dám diễn tả cái gọi là “âm mao” như ông trong những cái gọi là tác phẩm tiểu thuyết.
Hơn một nửa thế kỷ đã qua, tôi và những người từng đọc Vũ Trọng Phụng vẫn nhớ, và vẫn đôi khi nhớ, nói, những câu trong Giông Tố và Số Ðỏ như:
— Nàng không yêu ta, ta phải hiếp nàng..
— Ông lại hiếp cho một cái nữa bây giờ…
— Táo Tầu Nghị Hách…
— Thế này thì còn làm ăn cái mẹ gì được nữa..
— Mịch đã nằm nghiêng cho Long hưởng thụ ái tình.
— Biết rồi… Khổ lắm… Nói mãi…
Ngày xưa ấy tuổi đời mới Một Bó lẻ mấy que nào tôi đã biết gì về những “lý thuyết dzăng nghệ, dzăng gừng”. Nhưng tôi đã lờ mờ thấy việc viết tiểu thuyết là một việc làm hết sức hấp dẫn, người viết tiểu thuyết là một Ðấng Tạo Hoá Toàn Năng trong tác phẩm của mình, người viết sáng tạo ra một thế giới riêng của mình trên những trang truyện. Trong thế giới riêng ấy người viết tạo ra những nhân vật riêng, cho họ là người có nhân cách, được yêu thương hay là người hèn mạt, đểu giả, bị khinh bỉ. Tất cả đều do ý muốn của người viết. Người viết cũng cho, cũng bắt nhân vật sống, chết, yêu thương, thù ghét, sung sướng, đau khổ theo ý mình.
Thời ấy, năm mươi mùa lá rụng trước đây, những buổi chiều mùa đông trời đất sám sịt, nằm một mình trên căn gác vắng trong căn nhà của gia đình tôi trong tỉnh lỵ Hà Ðông, tôi thường rờn rợn sợ vì nhà vắng quá, vì chưa tối mà nhà đã lờ mờ tranh tối, tranh sáng. Những chiều xưa ấy tôi đã mơ màng mai sau tôi cũng sẽ viết tiểu thuyết như các ông Lê văn Trương, Vũ Trọng Phụng. Tôi mơ ước tôi sẽ sáng tạo được những thế giới của riêng tôi, trong thế giới đó tôi cho những nhân vật của riêng tôi sống chết, yêu thương, thù ghét như ý tôi muốn.
Như vậy là, xin nhắc lại, tôi mơ được viết tiểu thuyết từ những ngày xưa tôi còn bé. Tôi không bao giờ mơ, hay muốn, thích, làm bác sĩ, kỹ sư. Tôi lại càng không ưa làm tri phủ, tri huyện — những ông Phủ, ông Huyện tôi thấy ở Hà Ðông năm xưa ấy đều là những mẫu người chẳng hào hoa, phong nhã chút nào. Cũng cần phải nói thêm tôi vốn dốt nát, lười biếng, ham chơi hơn học, lơ đãng, tôi có muốn làm kỹ sư, bác sĩ cũng chẳng có được. Nhưng quả thực là ngay từ khi mới nứt mắt, tôi đã ước mơ mai sau trưởng thành tôi viết tiểu thuyết.
Một chiều thứ bẩy ông bố tôi không phải đi làm. Ngủ trưa trở dậy ông uống trà Tầu, hút vài điếu thuốc lào, nói vài ba câu với mẹ tôi rồi dắt tôi đi ra cánh đồng gần nhà. Thời ấy thị trấn liền với cánh đồng. Chiều xuân, cảnh sắc cánh đồng của bố con tôi không hẳn như cảnh xuân được tả trong Kiều: “Cỏ non xanh rợn chân trời. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” nhưng cũng rất đẹp. Cánh đồng trồng toàn các thứ rau xanh mơn mởn. Ông bố tôi có bà vợ chết chôn ở cánh đồng này. Chiều ấy ông đi thăm mộ.
Trên đường đi, bố tôi hỏi tôi mai sau tôi muốn làm gì? Câu hỏi bất ngờ, tôi không chờ đợi và cũng chưa bao giờ ngờ có ngày tôi sẽ bị hỏi một câu như thế, câu trả lời đã nằm sẵn trong tiềm thức của tôi. Không nghĩ ngợi cũng không chút đắn đo, tôi trả lời ngay boong:
— Mai sau con muốn làm văn sĩ.
Ðang nắm tay tôi bước đi, câu trả lời xanh rờn của tôi làm ông bố tôi phải đứng lại. Ông nhìn tôi rồi ông nói:
— Viết văn, làm thơ không phải là một nghề nuôi nổi mình. Con phải đi học, đi làm như thầy, con phải kiếm được tiền nuôi thân con và vợ con con. Lúc đó con có thể làm thơ, viết văn, nhưng chỉ làm để chơi thôi.
Ông bố tôi nói câu trên vào năm 1940. Năm ấy ông nói đúng. Khi khuyên anh con như thế ông nghĩ đến những ông nhà thơ như Trần Tế Xương, Tản Ðà. Báo chí A-nam trước 1945 chưa thành một kỹ nghệ. Mười năm sau ở Sàigòn — 1950 — tình hình đổi khác.
Sau bốn năm đi kháng chiến chống Pháp ở vùng Gia Lâm, Thuận Thành, Lang Tài, Từ Sơn, Tiên Du tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, tôi trở về Hà Nội.
Tôi đi xem xi-nê ở tất cả những rạp xi-nê mới cũ của Hà Nội: Rạp Majestic mới xây cất lại sau chiến tranh Việt Pháp, rạp mới toanh, hiện đại nhất Ðông Dương, Studio Majestic nằm ngay cạnh rạp chính, Rạp Eden cổ kính với những thân cột đá trang nghiêm giống như những đền thánh Ba Tư trong những phim thần thoại Ngàn Lẻ Một Ðêm, Rạp Studio Eden cũng nhỏ như Studio Majestic — hai rạp Studio này chuyên chiếu những phim Pháp thuộc loại sân khấu chuyển thể thành phim phục vụ Tây Ðầm — Hà Nội có thêm rạp xi-nê Ciro’s mới toanh, rạp Porte d’Or trong Cao Lâu Ðông Hưng Viên cũng mới toanh, rạp Philharmonique ở Bờ Hồ, rạp Trung Quốc Hàng Bạc. Rạp Moderne Hàng Ðàn, Xi-nê Olympia Chợ Hàng Da bị tàn phá vì chiến tranh vừa mới được sửa lại.
Tôi ăn thịt bò khô chú Tầu Bờ Hồ, uống nước chanh đá Quán Mụ Béo, ăn phở Hàm Long. đi bơi Hồ Tây, Rặng Oi, cắp sách trở lại Trường Văn Lang đường Phạm phú Thứ . Và tôi bắt đầu viết truyện.
Không những tôi chỉ viết truyện ngắn mà thôi, tôi còn viết cả truyện dài. Năm ấy — 1950 — tôi chưa được hân hạnh quen biết, cũng chưa có dịp nào mon men đến gần một ông dzăng sĩ, báo sĩ nào của làng văn, làng báo Hà Nội, kể cả những ông dzăng sĩ, báo sĩ hạng bét. Năm ấy tôi chưa dủ sức viết nổi một truyện ngắn. Việc tôi viết truyện dài là chuyện hoang tưởng.
Nhưng tôi cứ cặm cụi viết. Tác phẩm đầu tay của tôi nằm trong hai tập vở học trò, mỗi tập 100 trang, trừ đi 4 trang bià còn 96 trang. Viết một mặt giấy nên cả cái gọi là truyện dài của tôi chưa được đủ 100 trang chữ viết tay.
Tôi đem tác phẩm đầu tay đến nhà xuất bản. ông chủ nhà xuất bản nói:
— Anh để tác phẩm lại đây chúng tôi xem. Sẽ trả lời anh sau…
— Thưa… bao giờ tôi trở lại được?
— Tuần sau.
Một tuần chờ đợi đầy những hy vọng. Biết đâu tác phẩm của tôi lại chẳng được ông chủ nhà xuất bản cho là có thể xuất bản được? Biết đâu đấy! Khi ta chờ đợi, ta thấy thì giờ qua thật lâu. Ðúng một tuần sau tôi trở lại nhà xuất bản. Vẫn cái nhà đó, vẫn ông chủ nhà tôi gập và trao tác phẩm ngày này tuần trước, chỉ có một chuyện cần nói là ông ta không nhớ ông đã gập tôi. Ông nhìn tôi như nhìn một kẻ hoàn toàn xa lạ với ông:
— Thưa ông.. tôi đến xin ông cho biết về quyển truyện của tôi…
Ông théc méc:
— Quyển truyện nào nhỉ?
— Thưa quyển truyện tôi đưa ông tuần trước. Ông nói để ông đọc, ông hẹn tôi hôm nay trở lại.
— À… à..
Ông tìm trong ngăn kéo. Tôi thấy rõ tác phẩm của tôi được ông bỏ vô đấy và ông quên đi.
Ông lấy “tác phẩm” của tôi ra, hai quyển vở, đưa trả lại tôi. Tôi để mất cái gọi là “tác phẩm đầu tay” năm xưa ấy của tôi. Nếu còn, tôi đã đăng lên đây để quí vị độc giả của tôi đọc.
Năm 1951, lần thứ hai tôi đem tiểu thuyết của tôi đi dạm bán. Lần này xẩy ra ở Sài Gòn. Ông thân tôi là công chức. năm 1950 ông được chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn làm việc. Mẹ tôi và anh em tôi vào Sài Gòn theo ông.
Tôi viết cái gọi là “tác phẩm đầu tay” thứ hai của tôi ở Hòa Hưng, Sài Gòn. Cũng vẫn 2 quyển vở học trò. Lần này tôi mang “tác phẩm” tới tòa soạn nhật báo Saigonmoi. Người tiếp tôi là ông chủ bút Nguyễn Dân.
Bổn cũ soạn lại:
— Xin ông xem.. Nếu được, xin đăng báo.
— Để chúng tôi đọc. Tuần sau anh trở lại.
Ông chủ bút Nguyễn Dân báo Saigonmoi coi bộ còn quên nhiều hơn ông chủ nhà xuất bản ở Hà Nội. Ông ngơ ngác:
— Quyển truyện nào?
Tôi nhắc ông. Ông mở ngăn kéo lấy “tác phẩm” của tôi ra đưa trả tôi:
— Truyện này không hợp với nhà báo chúng tôi
.
Ba năm sau – năm 1954 – một hôm Nguyễn Ngọc Tú – tức Ngọc Thứ Lang, dịch giả The Godfather: Bố Già – bảo tôi:
— Tao gập bà Bút Trà báo Saigonmoi ở Bộ Thông Tin. Bà ấy nói Saigonmoi cần một ri-pọt-te. Mày đến xem.
Lần thứ hai tôi đến tòa soạn nhật báo Saigonmoi. Ông chủ bút Nguyễn Dân đã qua đời. Đây là lần thứ nhất tôi gặp Bà Bút Trà. Tôi tự giới thiệu tôi từng làm phóng viên nhật báo Ánh Sáng. Bà nhận tôi vào làm trong tòa báo ngay. Hai, ba năm sau, khi đã là nhân viên thân tín của nhà báo, tôi hỏi bà Bút Trà:
— Khi tôi đến xin việc, tại sao bà nhận tôi vào làm ngay mà không cần hỏi gì về khả năng của tôi.
Bà trả lời:
— Khi ấy có mấy anh tới. Tôi có biết tài năng các anh ra sao đâu. Tôi chọn anh là vì tôi thấy anh ăn bận đàng hoàng.
Thì ra tôi được nhận vào làm nhân viên nhật báo Saigonmoi, tờ nhật báo có một thời nhiều người đọc nhất Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa là vì tôi trang phục đàng hoàng, áo sơ-mi dài tay, khuy manchette, đi giầy tây, đầu tóc gọn ghẽ, nói năng lễ độ.
Việc tôi làm nhân viên nhật báo Saigonmoi trong 7 năm liền – từ năm 1957 đến năm 1964 – là một sự kiện quan trọng trong đời tôi. Thời gian 7 năm, từ 1957 đến 1964, là thời gian đẹp nhất trong đời tôi.
o O o
Dường như Khổng Tử là người tóm tắt thời gian đời người trong câu:
— Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận
…
Tôi hiểu: Người ta ba mươi tuổi biết mình làm gì, bốn mươi tuổi không còn nghi ngờ, năm mươi tuổi biết mệnh trời, sáu mươi tuổi nghe chuyện gì cũng được…
Có thể tôi hiểu không đúng ý nghĩa những câu tiếng Hán trên đây.
Vào cuộc đời này Tháng Ba Năm 1933, cầm tinh Con Gà – Quý Dậu – năm nay tôi 84 tuổi. Tôi đã Viết dài dài, đều đều trong 60 năm. Lẽ ra nay tôi phải ngừng Viết. Tôi thích Viết Truyện từ năm tôi 10 tuổi, tôi Viết năm tôi 18 tuổi, tôi làm ký giả nhà báo năm 1952, tôi thành ký giả nhà nghề năm tôi 30 tuổi. Cùng năm tôi thành người viết truyện phơi-ơ-tông – feuilleton – cho các báo Sài Gòn. Tôi sống được với cái nghề tôi yêu – nghề viết tiểu thuyết – trong suốt cuộc đời tôi. Tôi sống được với nghề, tôi nuôi được vợ con tôi bằng nghề Viết của tôi.
Chuyện 70 năm xưa: một buổi chiều thứ bẩy năm 1941, hay năm 1942, ông bố tôi đi thăm mộ người thân của ông trong cánh đồng cuối tỉnh Hà Đông. Ông thân tôi có cái số gọi là “trung niên táng thê,” ông có hai bà vợ qua đời trước khi ông “rổ rá cạp lại” với bà mẹ tôi. Ông mua một sào ruộng ở cánh đồng làng Đơ để chôn hai bà vợ. Tôi theo ông đi thăm mộ. Đường đến mộ gần thôi, bố con tôi đi bộ. Buổi chiều ấy cuối mùa thu. Cánh đồng khô, trồng toàn rau, trời nắng nhạt, trong và mát. Đang đi, bố tôi hỏi tôi:
— Mai sau con lớn, con muốn làm gì?
Nếu lúc đó tôi trả lời “Con muốn làm kỹ sư…, con muốn làm bác sĩ..,” chắc ông bố tôi vui lắm. Nhưng tôi trả lời ông:
— Con muốn làm văn sĩ.
Câu trả lời của tôi làm ông bố tôi ngạc nhiên. Bố con tôi nắm tay nhau. Ông đứng lại nhìn tôi, như để xem tôi nói thật đến là chừng nào. Khi thấy tôi nói thật, ông bố tôi bảo tôi:
— Viết văn, làm thơ không phải là một nghề có thể nuôi thân. Con phải học, con phải có một công việc như thầy, con mới có thể nuôi thân con và nuôi vợ con con. Viết văn, làm thơ không phải là một nghề nuôi được người.
Ông bố tôi nói đúng. Những năm 1940, 1941 việc viết văn, làm thơ trong xã hội ta không phải là một nghề nuôi được người làm văn, làm thơ. Hai mươi năm sau, những năm 1960, xã hội ta có nhiều báo, nhiều sách truyện được in ra, tôi làm nhân viên tòa báo Sài Gòn Mới, tôi viết tiểu thuyết phơi ơ tông cho nhật báo Ngôn Luận, tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, tuần báo Màn Ảnh, Phụ Nữ Ngày Mai …v..v.. Tôi kiếm được nhiều tiền. Ông bố tôi nói:
— Con làm nghề ký giả mà lại hay đấy. Làm báo, viết văn, ngoài việc có tiền nuôi vợ con con, con còn giúp được thầy mẹ, giúp được các em con.
Hai lần ông bố tôi nói đều đúng. Hai lần ấy cách nhau 20 năm.
o O o
Năm tôi Tám Bó tuổi đời, tôi gặp câu “Lão lai tài tận.Già đến, tài hết.”
Tôi thấm câu nói: “Già đến, tài hết.” Tài đây là tài năng, và tài tiền.
Ngày vợ chồng tôi đến Hoa Kỳ — Tháng 12 năm 1994 – các bạn tôi, những người đến Hoa Kỳ trước chúng tôi, gửi tiền cho chúng tôi thật nhiều. Không phải chỉ khi đến được nước Mỹ tôi mới nhận được tiền của các bạn tôi. Khi đi tù lấn thứ hai – 6 năm – trở về mái nhà xưa, tôi đã nhận được tiền của nhiều bạn tôi ở nước ngoài gửi về giúp. Trong 6 tháng đầu vợ chồng tôi đến Kỳ Hoa, chúng tôi được nhiều bạn chúng tôi gửi tiền giúp. Nhiều vị không quen, không ở trong giới văn nghệ, đã sốt sắng gửi tiền giúp chúng tôi. Xin cám ơn quí vị.
Trong 2 năm 1996-1997 nhật báo Người Việt gửi cho tôi mỗi tháng 500 đô. Năm 1997 Người Việt đăng truyện Dữ Hơn Rắn Độc của tôi theo kiểu tiểu thuyết Phơi-ơ-tông. Truyện này của tôi năm ấy được nhiều người tìm đọc.
Trong 10 năm – từ năm 1995 đến năm 2005 – tôi kiếm được nhiều tiền với những bài Viết ở Rừng Phong. Nhiều báo Việt đăng bài viết của tôi, đăng và trả tiền, mỗi bài là 50 Mỹ kim. Có báo Việt ở Canada, ở Úc. Nhiều báo Việt ở Mỹ đăng truyện Kiều Giang của tôi khi tôi chưa đến Mỹ. Có ông bà chủ báo viết thư cho tôi:
– Trong lúc không liên lạc được với ông, báo tôi đăng truyện Kiều Giang của ông mà không xin phép ông. Nay ông bà sang, chúng tôi xin gửi ông bà tiền nhuận bút.
Thời gian qua, tôi rơi vào tình trạng “lão lai tài tận.” Những tờ tuần báo Việt Nam trên đất Kỳ Hoa cứ chết dần. Đến nay – Tháng Mười Hai 2016 – chỉ còn tuần báo SAIGONNHO, tờ báo đang ở trên tay bạn, còn đăng bài Công Tử Hà Đông Viết ở Rừng Phong.
Lão lai tài tận… Tuổi già đến, người ta hết tài, hết tiền.
Tuổi già đến với tôi, tôi hết tài, hết tiền. Như mọi người. Không có gì khác lạ.
Tôi cho ảnh phim Le Destin Execrable de Guillemette Babin vào bài VoRP này để tặng những ông 60 năm xưa đã xem phim ấy ở rạp xi-nê Ciro’s Hà Nội. Năm xưa ấy các ông trẻ nhất cũng phải 17, 18 tuổi. Năm nay – 2016 – các ông phải ở số tuổi Tám Bó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét