khktmd 2015
Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016
Công an Nhà nước CS hố to sau khi mời diễn viên hài Dưa Leo “làm việc” - Tác giả Trần Phong Vũ
Một hiện tượng “phản đòn” ngoạn mục vừa diễn ra quanh vụ diễn viên hài Dưa Leo bị Công an Sài Gòn “mời làm việc”. Ngay sau khi nhận được “giấy mời”, Dưa Leo một diễn viên hài danh tiếng tên thật là Nguyễn Phúc Gia Huy đã post nguyên văn trên fanpage của anh –một trang mạng có gần 800 ngàn người theo dõi- để mọi người nhĩ mục quan chiêm. Giấy mời do Phó trưởng phòng Nguyễn Đức Sơn ký kèm triện son yêu cầu đương sự phải có mặt lúc 8 giờ 30 sáng ngày 12-12-2016 tại phòng PA 85, 316 Khuông Việt, Phường Phú Trung, Quận Tân Phú. Lý do được nêu trong giấy mời để “làm việc về một số vấn đề liên quan đến việc trình diễn hài độc thoại và phát tán video blog”.
“Ông Nhà Nước” đã không ngờ rằng chuyện mời Leo “làm việc” ví như “hạt bọt sủi trong tách trà” bỗng nhiên biến thành cơn “sóng thần giữa đại dương”. Chỉ trong phút giây tin này được loan truyền đi khắp ngang cùng ngõ hẻm từ Bắc chí nam, từ chốn thị thành đô hội tới nơi thâm sơn cùng cốc, rồi lan truyền ra đến năm châu bốn biển.
Trước 8 giờ sáng hôm Thứ Hai, hàng trăm người trẻ nam nữ đã tụ tập trước đồn Công an Phú Trung, Tân Phú, Sài Gòn. Khi Dưa Leo Nguyễn Phúc Gia Huy xuất hiện họ bu lại hò reo, xúm xít quanh anh, thản nhiên kẻ chụp hình, người quay phim, coi đám Công an sắc phục lảng vảng chung quanh như không có. Qua link video thứ nhất của Hoàng Dũng người ta nghe được những câu trao đổi hồn nhiên vang lên trong nắng sớm.
– Anh Leo có sợ không?
– Các em nói sợ là sợ ai? Sợ Công an hả?
Nhìn người CA sắc phục bên cạnh, với cử chỉ, nét cười và giọng nói quen thuộc của một diễn viên hài, Leo nheo mắt nói tiếp.
– Việc chi mà sợ, các em nhìn coi, các anh ấy hiền khô hà.
– Thế lúc “làm việc” thì sao?
– Lúc ấy chỉ có hai người, chắc cũng phải sợ chứ!
Có tiếng người hỏi.
– Mong anh có một hợp đồng trình diễn một show hài với các bạn công an nhé.
Những tiếng cười tiếp theo câu nói đùa.
Đến giờ, Leo tươi cười đưa tay chào các fans của anh rồi đi về hướng cổng vào đồn CA bên kia đường. Có những tiếng nói đuổi theo anh.
– Dù anh phải “làm việc” đến 4, 5 giờ chiều tụi em vẫn đợi anh.
Link video nối tiếp do Nguyễn Nữ Phương Dung thực hiện lúc những người trẻ hâm mộ Leo túc trực sẵn sàng trước cổng đồn Công an đón anh. Sau đó một đoàn xe gắn máy chở Leo tới một quán cà phê. Và câu chuyện lại bắt đầu.
– Công an đã hạch hỏi anh những gì?
– Họ nói, là một diễn viên hài tại sao anh làm chính trị?
– Thế anh trả lời sao?
– Anh xác định, cho tới giờ phút này anh chưa bao giờ làm chính trị.
– Rồi sao?
– Họ hỏi, tại sao anh phát tán những video blogs nói những điều tiêu cực và chống phá nhà nước? Anh trả lời là anh không chống phá ai mà chỉ nói lên những mặt thật của xã hội quanh mình qua báo chí nhà nước.
– Trước khi rời đồn, anh có phải cam kết hoặc ký nhận điều gì không?
– Có. Những điều gì họ ghi lại trong biên bản mà đúng anh ký xác nhận.
Trên mạng Dân Làm Báo đọc được sáng Thứ Ba 13-12, cho biết, gần đây nhất, nghệ sỹ hài độc thoại (stand up comedy) Dưa Leo đã công bố rộng rãi trên mạng một clip video mang tên “Tự do ngôn luận # Nhục mạ cá nhân”. Bằng lối nói chuyện thẳng thắn, duyên dáng pha lẫn hài hước, Dưa Leo đã phân tích và so sánh quyền này ở nhiều quốc gia phát triển, đồng thời nói rằng Việt Nam không có tự do ngôn luận. Theo Dân Làm Báo, chính điều này đã khiến nhà nước chỉ thị cho công an Sài Gòn phải có biện pháp để dằn mặt anh.
Bản thân người viết bài này từng theo dõi một số link video hài của Leo nói về cuộc bầu cử TT ở Mỹ hôm 08-11, chuyện Hànội tổ chức quốc tang cho ông Castro, chuyện thiên hạ ném đá một cô gái sau khi tham dự show “Ai là triệu phú” và không khỏi cảm phục tài năng và tinh thần yêu nước và sự dũng cảm của anh. Sau khi đọc bản tin của Dân Làm Báo, tôi mở video “Tự do ngôn luận & Nhục mạ cá nhân”. Sau đây là tóm tắt nội dung những gì Leo trình bày trong hài độc thoại cùng với vài nhận định của người viết.
Mở đầu Leo cho hay gần đây trong những chuyện hài trên facebook, người Việt Nam bàn luận nhiều về cụm từ “Tự do ngôn luận”. Ngừng lại một giây rồi với giọng đùa cợt Leo lắc đầu cười nói nhanh.
“À mà lạ một cái là Việt Nam… làm gì có tự do ngôn luận mà bàn! Ah há!”
Trở lại với nét mặt nghiêm trang anh nói tiếp.
“Mà cũng ở Việt Nam cái chữ tự do ngôn luận lại thường bị lầm lẫn với tự do tấn công, tự do chửi bới, tự do nhục mạ cá nhân những ai họ muốn!”
Theo dõi cho đến hết 11 phút 43 giây trong clip này, theo nhận xét riêng, về mặt nổi diễn viên hài Dưa Leo muốn chỉ ra cho mọi người sự sai quấy của những ai thường lợi dụng quyền tự do ngôn luận để tấn công, bươi móc, nhục mạ người khác, mà chính bản thân anh cũng là một nạn nhân. Nhưng, nghe kỹ và nhìn sâu vào nội dung người ta dễ dàng nhận ra chủ tâm tác giả là nêu lên những ưu điểm của quyền tự do ngôn luận được vận hành ra sao tại các quốc gia tự do trên thế giới. Theo anh.
“…ở những nước phát triển… một trăm phần trăm những nước này trên thế giới đều có tự do ngôn luận hết. Mỹ, Pháp, Anh mấy cái nước đó tôi khỏi nói. Tôi không muốn nói tới các nước này vì hầu như mọi người Việt Nam suốt ngày ai cũng mơ qua Mỹ định cư hết á! Nếu nó không có tự do thì qua làm cái gì? Thậm chí cây cột điện có chân nó cũng đi và cũng mở miệng nói nữa!…..
Nhưng hôm nay tôi chỉ muốn lấy một thí dụ gần nhất với Việt Nam thôi. Đó là Hàn quốc. Như các bạn biết bà Tổng Thống Hàn quốc vừa bi người dân xứ này lên tiếng kêu gọi: ‘bà hãy từ chức đi’. Họ muốn bà từ chức vì bà ta lợi dung chức vụ để kiếm lợi cho bà và kiếm lợi cho bạn bà ta là bà đồng, bà cố, bà thép gì đó… Và khi người dân lên tiếng đòi TT của họ từ chức cảnh sát cũng không cản trở, đánh đập người dân bởi đấy là vì họ tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân.
Mà vì sao như vậy lại coi là phát triển? Các bạn để ý một chút xíu đi. Bà TT, bà cũng giống như một huấn luyện viên một đội bóng thôi. Nhiệm vụ của bà là đưa đội bóng Hàn Quốc tăng hạng trong bảng tổng sắp hạng toàn thế giới. Nhưng bà ấy lại dùng cái chức vụ ấy để kiếm tiền cho bà và bạn bà. Như vậy cho nên bà ấy mới bị kêu từ chức. Và dân ở đấy đang xử dụng đúng cái quyền tự do ngôn luận đó. Chứ còn cái nước gần gần đó, trời đất ơi! trời, trời, trời ơi, cái nước Triều Tiên… Qua bên đó mà bạn chơi giống như con heo là bạn cũng chết nữa. Ủn ỉn, ủn ỉn bạn chết liền!…
Còn mấy nước khác tôi sợ không dám nói đâu… mệt lắm!
Những nước mà người ta phát triển được là vì người ta có tự do ngôn luận. Bởi vì người ta lắng nghe người dân nói để biết mình sai chỗ nào để người ta sửa. Mà nè… ngay cả bác Hồ cũng đã từng nói rồi các bạn ạ. “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”.
Cái đám đó không hiểu làm sao nó nghe được câu đó. Chắc nó được dịch ra tiếng Nga, tiếng Hàn, tiếng Nhật tùm lum tùm la nên nó hiểu, nó đem về nó làm đúng, nên tụi nó phát triển. A há! OK!…”
Thuật lại câu chuyện cô đọng chứa đầy ẩn ý của một danh hài vốn được tiếng là thông minh, sâu sắc như Dưa Leo, nhất là lại chỉ tóm tắt, làm cách nào có thể chuyển tải được trong muôn một những ý tưởng thâm trầm anh gửi gấm trong đó? Nó không chỉ qua âm sắc giọng nói mà muốn hiểu, còn phải thấy để cảm nhận qua cử điệu, ánh mặt và nụ cười nửa miệng của anh. Mời xem clip “Vblog Tự do ngôn luận # Nhục mạ cá nhân” của diễn viên hài Dưa Leo để nghe trực tiếp tiếng nói và quan sát diễn biến trên khuôn mặt diễn xuất tài tình của anh:
Chỉ một câu nói bất chợt mang vẻ ngạc nhiên, hờ hững “À… mà lạ một cái là Việt Nam… làm gì có tự do ngôn luận mà bàn! À há!” Nhờ lối nói mang nhiều kịch tính –chính xác là “hài hước tính” của Leo đã cho phép anh tự biện hộ cho mình trước lời quy kết của viên công an khi cho rằng anh làm chính trị vì đã có những lời lẽ tiêu cực đối với chế độ.
Đề cập chuyện tự do ngôn luận tại các nước phát triển, anh hết lời ca ngợi và khi nêu dẫn chứng anh đã trưng ra sự kiện thời sự ở nước bạn Đại Hàn một thời cùng mang thân phận như dân tộc Việt của chúng ta. Đó là chuyện nhân dân nơi đây công khai xuống đường hàng trăm ngàn người, lớn tiếng đòi TT của họ phải từ chức vì đã có những hành vi sai trái, trong khi công an thản nhiên đứng nhìn, không có một hành vi khủng bố, đàn áp hay cản trở. Qua đó anh muốn chứng minh giá trị của quyền tư do ngôn luận tại các quốc gia phát triển. Rồi sau khi nhắc tới xứ sở của ông “ỦN” lãnh tụ nửa nước Cao Ly, anh hạ một câu lơ lửng: Còn mấy nước khác tôi sợ không dám nói đâu… mệt lắm!
Đúng là ý ở ngoài lời (ý tại ngôn ngoại).
Đến chuyện Leo nhắc lại câu nói của ông Hồ rồi với vẻ mặt ngẩn ngơ như vừa ngỡ ngàng vừa nuối tiếc về một sự thiếu sót nào đó dù không phải của mình, anh nói.
“Cái đám đó không hiểu làm sao nó nghe được câu đó. Chắc nó được dịch ra tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Hàn tùm lum tùm la nên nó hiểu, nó đem về nó làm đúng, nên tụi nó phát triển?…”
Dù có lú đến cỡ ông TBT Nguyễn Phú Trọng hẳn ông ta cũng phải thẹn thùng vì thua xa thiên hạ, đến quên cả lời “Bác” dạy!
Sau buổi “làm việc” với PA83
Sau khi được “mời làm việc” với Phòng An Ninh Chính Trị Nội Bộ (PA83), trả lời cuộc phỏng vấn của BBC hôm 13/12, nghệ sĩ hài Dưa Leo nói:
“Tôi quyết định đi theo giấy mời. Vì tôi nghĩ giấy mời này như mời tiệc cưới vậy, người ta có lòng mời thì tôi có lòng đi thôi. Không đi, người ta phật lòng. Nói dân dã hài hước là vậy, còn nói kiểu cứng nhắc thì là công dân Việt Nam, tôi tuân thủ hiến pháp và pháp luật. Nên tôi thu xếp thời gian làm việc cùng PA83 trên tinh thần làm tròn nghĩa vụ một công dân.”
Anh cho biết thêm về buổi “làm việc”.
“Nếu tôi bị phạt thì điều này mới chứng tỏ tôi xâm phạm tự do ngôn luận. Mà sự thật thì tôi không bị phạt. Về nội dung làm việc với bên công an thì xin lỗi quý đài là họ kêu tôi cam kết là không được công bố trên mạng nên tôi cũng khó nói lắm.”
Nội dung buổi “làm việc” dù Leo nói ra hay không có lẽ cũng không cần thiết. Điều mọi người chờ đợi là anh có giữ lời hứa với đám đông bạn trẻ hâm mộ anh trong cuộc gặp gỡ ở quán cà phê buổi chiều 12-12 sau khi rời khỏi Phòng PA83 hay không?
Và chỉ hơn một ngày sau, công luận đã có được câu trả lời cụ thể khi nghe Leo độc thoại trong một vblog vừa tung lên mạng: “Làm sao để đất nước Việt Nam phát triển?”
Leo cho biết mục tiêu của anh khi làm clip này là để đáp lại sự chờ đợi của những người hâm mộ anh sau biến cố kể trên. Anh cám ơn đám đông bạn trẻ đã tỏ ra quan tâm và nhiệt thành nâng đỡ anh. Tuy vậy anh nói thẳng là mọi hậu quả do hành động của anh đưa tới chuyện phải “làm việc” với CA, không phải ai khác mà chính anh và gia đình anh phải gánh chịu. Điều Leo mong mỏi là mọi người tích cực tiếp tay phát tán rộng rãi những clip hài của anh để mọi người biết đến, không nên chỉ nghe qua rồi bỏ. Nói về mục đích nhắm tới, Leo cho hay ngoài việc chọc cười thiên hạ anh còn mong những vấn nạn xã hội do anh nêu ra sẽ giúp mọi người nhận thức được những mặt tiêu cực của đất nước chúng ta hiện nay để cùng nhau chung lưng góp phẩn cải thiện.
Anh tâm sự mỗi lần có dịp đi ra nước ngoài, anh cảm thấy tâm trạng băn khoăn, bí bối và không khỏi xấu hổ khi thấy đất nước người ta văn minh vượt xa mình. Anh tự hỏi: người ta cũng là người, mình cũng là người, có đủ mọi thứ mà tại sao đất nước của họ phát triển, tiến bộ còn mình thì cứ lạc hậu hoài là sao?[1] Nhắc lại tư tưởng thường bám cứng trong tim óc anh từng được trình bày cặn kẽ trong một vblog có tên “Bầu cử Mỹ”, anh nói, dường như các bạn trẻ chỉ biết chờ đợi: phải chi có người?, phải chi ai đó?…, phài chi?…phải chi?…mà không tự hỏi tại sao người đó không phải là chính mình?
Leo lập đi lập lại câu nói “you’re the change that you need”.
Mường tượng ra trước mắt đám đông người trẻ đang vây quanh, Leo dằn going:
“Everybody think somebody will do something. Then nobody do anything!!! – Mọi người đều ngóng cổ chờ ai đó sẽ làm một cái gì. Cuối cùng, đ. có ai làm gì hết!”
Trong khi say sưa nói, diễn viên hài Dưa Leo bộc lộ qua cử điệu, qua giọng nói, qua diện mạo, ánh mắt tất cả niềm thao thức, trăn trở trong anh khi đề cập hiện tình đất nước.
Anh nói: từ nay anh sẽ không nói tới những vấn đề nhạy cảm mà người ta mệnh danh là chính trị, mà chỉ nói về những chuyện xã hội quanh mình với niềm hy vọng đất nước sẽ khá hơn. Anh kỳ vọng nhiều nơi thế hệ trẻ, vì theo anh “lớp người già bỏ đi rồi, họ đã bước vào giai đoạn sắp chết!”
Nghe anh phát ngôn như thế cá nhân tôi không khỏi choáng váng nghĩ tới mình, một ông già đã bước vào tuổi 84. Nhưng suy cho cùng, Leo nói quá đúng. Chính bản thân tôi, qua những bài viết, qua những buổi tâm tình với đông đảo thính giả năm châu trên các chương trình paltalk, tôi chẳng đã hơn một lần công khai nhận mình thuộc thế hệ “quá đát, hết xài” nên chỉ còn biết trông chờ vào thế hệ trẻ đó sao?
Vì thế, nếu bài viết này có cơ duyên đến với diễn viên hài Dưa Leo, tôi muốn hứa với anh rằng, cho dù đã tới ngưỡng cửa sự chết, nhưng tôi cam kết: sẽ không bỏ qua bất cứ clip video độc thoại nào của anh, ngày nào tôi chưa lú lẫn và Thượng Đế chưa thương tưởng gọi tôi về cùng Ngài.
---------------------------------
[1] Tâm trạng này của Leo khiến người ta nhớ lại cảm giác tương tự của Đức Cha Ngô Quang Kiệt, TGM/TGP Hànội mỗi lần ngài có dịp ra nước ngoài, trong bài phát biểu trước sự hiện diện của ông Nguyễn Thế Thảo Chủ tịch UBND Hànội ngót một thập niên trước.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét