khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Khơi dậy lòng tự hào tự tôn dân tộc ư? - Tác giả Tương Lai




Kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc Kháng chiến 19.12.1946 càng khơi dậy sự phẫn nộ trong lòng mỗi người Việt Nam có lương tri đang ưu tư về vận nước khi truyền thống vẻ vang đang bị băng hoại vì một bộ phận cầm quyền chóp bu đặt lợi ích của chúng, được khoác cho tấm áo “ý thức hệ” rách nát lên trên Tổ quốc và dân tộc...

Mặc cho nước mắt giàn giụa, tôi vẫn chú mục vào màn hình tivi đang có hình ảnh “Hà Nội 12 ngày đêm”. Những giọt nước mắt thanh lọc tâm hồn nhờ những hoài niệm ập đến. Vâng, thanh lọc tâm hồn! Để làm gì? Để tìm lại cho mình những phút sống cứ ngỡ đã một đi không trở lại bởi những uế tạp nhiễu nhương đang đầu độc mình, mà dù có gắng hết sức để xua đi bộ mặt lì lợm ấy, vẫn chất giọng ngái ngủ đều đều phát buồn nôn ấy mà vẫn không sao thoát được. Thế rồi, từng hình ảnh, từng câu chuyện kể lại của Hà Nội quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh như một chất tẩy độc loại bỏ cái ám ảnh tệ hại kia ra khỏi đầu óc.

Những hoài niệm ấm lòng bật dậy, lay động tâm hồn. Chẳng hiểu sao chợt nhớ đến câu thơ Thâm Tâm: “Đưa người ta không đưa qua sông / Sao có tiếng sóng ở trong lòng” cho dù thơ của con người Hà Nội ấy viết từ những năm 40.

Tiếng sóng xốn xang gợi nên sự vương vấn tiễn biệt. Tiễn biệt một quá khứ? Với tôi, tiếng sóng trong lòng gọi về một sự trôi giạt những kỷ niệm ấm lòng. Chả là cũng một dịp “mùa đông Hà Nội” cách nay ba bốn năm gì đó, tôi gặp lại Tuấn Khoa, học sinh cũ từ những năm 55-60 lúc tôi từ Việt Bắc về dạy tại Hà Nội. Khoa là con trai của nhà thơ Thâm Tâm. Anh nhắc lại kỷ niệm về bài thơ của bố anh (người đã mất trong khi tham gia chiến dịch Biên giới 1950) và buổi tôi bình giảng bài thơ ấy trên lớp học. Cùng với Khoa, những học sinh khác của tôi ở trường Chu Văn An buổi ấy nay cũng đã ngoại 70 xuân đều nhắc lại niềm xúc động được khởi động lòng yêu nước và khát vọng dấn thân cho một lý tưởng cao đẹp.

Kỷ niệm gọi dậy kỷ niệm. Chúng tôi sống trong những kỷ niệm ấm lòng ấy và tự cảm nhận được đó là những phút sống đẹp nhất. Phải chăng vì vậy mà kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến 19.12.1946 hôm nay, trong lòng vẫn dội lên những tiếng sóng? Đúng, tiếng sóng về sự trôi giạt những kỷ niệm ấm lòng cần được nhớ lại để tự tin mà dấn bước.

Sau buổi gặp ấy, tôi có viết cho các học sinh cũ của tôi: “Gợi lại một vài hình bóng xưa cũ không nhằm ngoan cố ngụy biện cho những dại dột cả tin của một thời ấu trĩ, mà là để biết gìn giữ và khẳng định những nét đẹp không thể phôi pha trong vang bóng một thời thanh sạch và non tơ của một thế hệ đón chào bình minh của độc lập tự do ra đời từ máu lửa kháng chiến.

Với tôi, đó là gợi lại trong suy tư và tự nhìn lại mà tự vấn, liệu có phải từ trên bục giảng, mình đã “xui dại” một thế hệ “cả tin” để rồi họ chưng hửng, ngơ ngác trước những sự thật phũ phàng của cuộc đời đầy bụi bặm và không thiếu lừa lọc, dối trá rồi vỡ ra rằng: “cách mạng” không “cách mạng” như người ta tưởng, và tệ hơn, như người ta nói!

May thay, lời tự vấn ấy tôi đã nhiều lần tâm sự với nhiều thế hệ các học sinh, sinh viên cũ, tôi đều nhận được cùng một câu trả lời: “Đó là một thời đáng nhớ sau khi đã thanh lọc, gạt bỏ những dại dột, xốc nổi rất dễ hiểu, và trong chừng mực nào đấy, cũng rất đáng yêu của sự vụng dại chân thành. Vì, nói cho cùng, có những giá trị nhất thời được đánh bóng mạ kền nhưng khi được phơi ra dưới ánh sáng thật của cuộc sống đã sớm nhạt nhòa, han rỉ để cho những giá trị thật không cần tô son vẽ phấn của tính nhân bản đích thực, nền tảng của sự định hình tính cách con người, sẽ tự khẳng định ý nghĩa bền vững của chúng.

Lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc chính những giá trị manh tính bền vững ấy.

Thế nhưng khi đọc “Bản đề cương tuyên truyền về kỷ niệm 70 ngày Toàn quốc kháng chiến 19.12” của Ban Tuyên giáo Trung ương vừa đưa ra, trong đó cũng đòi phải “khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc” tôi lại có cảm giác chờn chợn! Mà chờn chợn vì nó gợi lại cái nghịch lý đã trở thành phổ biến đang đọng lại trong tâm lý xã hội “nói vậy mà không phải vậy”. Thì chẳng phải cũng hệ thống Tuyên giáo này đã quyết liệt chỉ đạo đục bỏ những tấm bia kỷ niệm liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược đó sao?

Yêu nước và tự hào dân tộc là điểm nhạy cảm bậc nhất trong tâm thế Việt Nam. Đương nhiên, “yêu nước và tự hào dân tộc” không chỉ là sản phẩm độc đáo Việt Nam, mà là một phẩm chất được xem là cao cả nhất của con người trong mọi dân tộc, trên mọi quốc gia. Nhưng do đặc thù của sự hình thành quốc gia, do vị thế địa - chiến lược không giống nhau mà mỗi dân tộc được hun đúc, nuôi dưỡng phẩm chất cao cả đó không hoàn toàn giống nhau. Quá trình trường kỳ dựng nước và giữ nước trong một vị thế đặc biệt của một bán đảo liền kề với một nước khổng lồ phương Bắc chưa bao giờ nguôi tham vọng bành trướng, đã hình thành, nuôi dưỡng phẩm chất cao cả đó, khiến cho yêu nước quật cường, thà chết không cúi đầu làm nô lệ cho “thiên triều phương Bắc” trở thành một bản lĩnh để tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam, lưu chảy trong huyết quản của mỗi người Việt Nam. Ngoại xâm có thể đến từ nhiều hướng, phía Nam, phía Tây và từ biển, nhưng chủ đạo vẫn là từ phương Bắc.
 
Không hay gì nuôi dưỡng mối thù truyền kiếp. Nhưng không thể không thấy rõ rằng đó thật sự là một nét hằn lịch sử chỉ ngày càng tô đậm thêm chứ chưa bao giờ nguôi ngoai, có chăng, chỉ là những biến tướng lắt léo oái oăm hơn mà thôi. Cho nên, trong tâm thế Việt Nam, xưa cũng như nay, tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, lòng tự hào tự tôn dân tộc thường đi liền với chống Tàu. Hình ảnh này không chỉ được ghi vào trong sử sách mà ông cha ta còn tạc cả vào hình thể núi sông đất nước để răn dạy con cháu. Chỉ cần gợi lên 99 ngọn đồi và một ngọn thứ 100 bị vạt mất đỉnh ở miền đất trung du Phú Thọ. Tương truyền đó là con voi bỏ đàn quay đầu về phương Bắc bị chém mất đầu. Lời răn dạy của ông cha ta thật là nghiêm cẩn và dữ dội.

Và lịch sử cũng thật là sòng phẳng và bao dung để mong đến một lúc nào đó, khi “bốn phương vô sản đều là anh em” thì chắc trong “hình khe thế núi gần xa, đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao” sẽ khỏa lấp đi lời cảnh báo được tạc vào núi sông kia. Nhưng rồi thực tế phũ phàng đã nghiền nát cái ảo ảnh mang tính hoang tưởng để trở về với cuộc chiến đấu chống hơn nửa triệu quân do Hứa Thế Hữu chỉ huy. Cần biết thêm rằng tên tướng Tàu xâm lược ở thế kỷ 20 này là hậu duệ của Hứa Thế Hanh xưa kia đã bỏ xác trong cuộc xâm lược Việt Nam thế kỷ 18. Họ Hứa là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, “người chiến sĩ cận vệ của Mao Chủ tịch”, vị thượng tướng được phong đầu tiên của quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, người bảo vệ Đặng Tiểu Bình trong nguy khốn, được giao làm tổng chỉ huy cuộc đánh chiếm Hoàng Sa 1974 và cuộc Chiến tranh Biên giới 1979! Thế đó!
Ngộ nhận lịch sử lớn nhất phải chăng cũng là ở đây? Và bi kịch lịch sử lớn nhất cũng nằm ở cái gọi là “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông” trong mười sáu chữ bịp bợm mà “thiên triều mới” của Trung Quốc xảo quyệt đưa ra và các nhà lãnh đạo Việt Nam hớp lấy. Người hăng hái nhất trong tâm trạng “chết đuối vớ được cọc” này là Nguyễn Văn Linh với định kiến hẹp hòi và tầm nhìn thiển cận, đặt “ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” cao hơn Tổ quốc và dân tộc, chui đầu vào cái thòng lọng và ngày càng bị trói chặt vào mật ước Thành Đô để khiến đất nước ngày càng lún sâu vào sự lệ thuộc Trung Quốc về chính trị, kinh tế và nhiều mặt khác. Riêng bài này chỉ nói đến sự xúc phạm, làm băng hoại truyền thống yêu nước và “lòng tự hào tự tôn dân tộc” của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam.

Thái độ hèn nhát cúi đầu trước kẻ xâm lược của bộ lãnh đạo chóp bu, với bộ máy tuyên truyền lừa bịp của hệ thống Tuyên giáo các cấp được mở hết công suất khiến trong một thời gian dài hàng mấy chục năm liền không một ai được nhắc đến cuộc chiến tranh xâm lược do Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Táng tận lương tâm hơn, để làm vừa lòng kẻ thù, chúng đã dám cho đục bỏ những bia liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu chống quân thù, không cho phép đưa vào sách giáo khoa về cuộc chiến tranh biên giới đó để dạy lòng yêu nước nhằm “khơi dậy lòng tự hào tự tôn dân tộc” cho tuổi trẻ Việt Nam mà chỉ nhồi vào đầu họ 16 chữ vàng oan nghiệt và bịp bợm!
 
Nếu so với sắc chỉ ngày 8 tháng Bảy năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406) của Minh Thành Tổ trao cho tổng binh Lương Năng, viên tướng viễn chinh xâm lược: “Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến cả những loại (sách) ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh một chữ chớ để còn thì những giải pháp nói trên được chính những tay sai ngoại bang thực hiện thì bài bản và “sáng tạo” hơn nhiều. Đã thế lại còn được sự hỗ trợ quyết liệt của bộ máy bạo lực trấn áp thẳng tay những ai dám cưỡng lại. Nếu đối chiếu với “sắc chỉ của Minh Thành Tổ” và những việc làm của Lương Năng thế kỷ 15 trên đất nước ta thuở ấy thì, ở thế kỷ 21 này, lũ “tổng binh trá hình” được cài đặt một cách quy mô trên khắp nước ta còn tinh vi và trắng trợn đến mức nào?

Mà nào đã là chuyện quá khứ! Chắc nhiều người vẫn nhớ rõ cách giải thích vừa lì lợm vừa vô sỉ của những “cán bộ tuyên giáo được trên cử về” làm báo cáo viên tại các cuộc sinh hoạt Đảng ở cơ sở và các đoàn thể quần chúng cách đây chưa lâu để học tập đường lối chính sách của Đảng liên quan đến những điều vừa nêu tưởng cũng chẳng cần nhắc lại. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc chính là nội dung bọn dư luận viên này né tránh vì sẽ dễ dàng khơi dậy những câu hỏi dồn chúng vào ngõ cụt.

Thì đó, chuyện Trương Đức Giang, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Chủ tịch Nhân đại) của Trung Quốc nghễu nghện ngồi trên đầu các ông bà nghị Việt Nam tại phòng Diên Hồng để dự khán Quốc hội Việt Nam đang họp thì so với những việc làm của tên tổng binh Lương Năng xưa trong việc hủy diệt lòng tự hào tự tôn dân tộc của người Việt Nam, thủ đoạn nào gian manh, xảo quyệt hơn?

Xin nhắc với những ai thiết kế nên, hoặc bị ép phải thực hiện chuyện “dự khán” trơ trẽn này để các ông nghị, bà nghị Việt Nam ngồi tại phòng Diên Hồng hôm đó, nơi mà chưa lâu họ Tập đã đến ban truyền chiếu chỉ và các vị đã im thin thít “lĩnh chỉ” chứ không dám có mảy may chút phản ứng nào, hãy nhớ lại lời cảnh báo của nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại: “Kẻ phản bội Tổ quốc, đầu hàng ngoại bang, vừa không được sự tôn trọng của ngoại bang, vừa bị sự khinh miệt của đồng bào”. Có lẽ, về “ngoại bang” thì chúng nó mắc gì phải tôn trọng các vị khi chúng hiểu quá rõ cái tâm thế của các vị, còn sự khinh miệt của đồng bào thì chắc cũng chẳng cần nói gì thêm.

Để làm rõ hơn vấn đề trên, hãy nói đến chuyện vừa xảy ra ngày 8/12/2016, lãnh đạo Hải quân Trung Quốc đã tổ chức kỉ niệm cái gọi là “70 năm thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa”. Ngoài mấy lời phản đối quen thuộc của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, thì vẫn là những lời tụng ca quen thuộc lũ kẻ cướp trắng trợn đó về: “đi sâu thực hiện nhận thức chung quan trọng đạt được …nắm chắc định hướng đúng đắn trong phát triển quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tăng cường giao lưu kinh nghiệm quản lý đất nước, sâu sắc hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt phát triển ổn định, lành mạnh lâu dài”! Kẻ thù đã ngang ngược tổ chức lễ “Kỷ niệm 70 thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa”, những vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ta mà chúng xâm chiếm bằng vũ lực, một hành động có tính toán từ cấp cao nhất, thế mà lờ tịt chuyện ngang ngược đó đi để rồi kêu gào “khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc” thì quả là trơ tráo!
 
Trong bối cảnh hiện nay, nhân kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến 19.12.1946, làm sống lại truyền thống quật cường của dân tộc là điều hết sức cần thiết trước những thách đố gay gắt mà đất nước đang phải đương đầu. Nhưng cũng phải thấy rằng đây là chuyện trái khoáy. Trái khoáy là vì truyền thống ấy đã bị chà đạp bởi một bộ máy cầm quyền hư hỏng và ngày càng hư hỏng của một bộ phận rất lớn thoái hóa, biến chất đang thao túng toàn bộ guồng máy vận hành xã hội. Dưới cái vỏ “ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” bọc ngoài, thực chất chỉ là lợi ích trần trụi và bẩn thỉu của giai cấp cầm quyền mới được hình thành và củng cố trong quá trình thâu tóm quyền lực bằng tiền mọi biến tướng khác. Cho dù cả bộ máy tuyên truyền dối trá và bịp bợm được mở hết công suất cũng không thể nào che giấu được cái thực tế nhầy nhụa đã phơi bày trước mắt mọi người. Vì thế, sự nhẫn nhục chịu đựng của đám đông thầm lặng chỉ là khoảng lặng trước một cơn bão!

Trong những ngày này, dù muốn hay không, những hình ảnh được gợi lại về tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh của người Hà Nội trong 62 ngày đêm kiên cường chiến đấu kìm chân địch để cả nước chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ đang lay động tâm hồn Việt Nam. Với những cựu chiến binh cũng như với những ai từng cống hiến tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp cứu nước càng xúc động nhớ lại quãng đời chiến đấu với những đồng đội đã hy sinh, trong lòng càng dâng trào sự phẫn nộ vì sự nghiệp thiêng liêng của mình đang bị phản bội. “Lòng tự hào, tự tôn dân tộc” nếu có, thì chính là được khơi dậy từ sự phẫn nộ đó chứ không từ những lời bẻm mép trơ tráo kia.

Kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc Kháng chiến 19.12.1946 càng khơi dậy sự phẫn nộ trong lòng mỗi người Việt Nam có lương tri đang ưu tư về vận nước khi truyền thống vẻ vang đang bị băng hoại vì một bộ phận cầm quyền chóp bu đặt lợi ích của chúng, được khoác cho tấm áo “ý thức hệ” rách nát lên trên Tổ quốc và dân tộc. Máu người không phải là nước lã. Một sự nghiệp bị phản bội, thì gợi nhớ lại những trang hào hùng của sự nghiệp ấy sẽ càng làm cho sự phẫn nộ dâng trào.

Cái tứ thơ trong Tống biệt hành của Thâm Tâm trở nên mông lung, giục giã: “Chí nhớn chưa về bàn tay không / Thì không bao giờ nói trở lại”. Liệu có phải đang cần một cuộc dấn thân tìm đường mới giữa một “Bóng chiều không thắm, không vàng vọt / Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”? Thì chẳng phải đất nước đang chìm vào bóng hoàng hôn của một triều đại suy tàn trước ngưỡng sụp đổ đó sao. Bỗng nhớ đến ý của Bùi Văn Nam Sơn nói hôm rồi: “Cần khẳng định ta đang là ai, cần phải làm gì và làm thế nào”. Đã chín muồi cho việc tự định hình một cuộc dấn thân mới của những ai đang ưu tư về vận mệnh đất nước.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét