khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Một Thời Tuổi Trẻ Với Ban Nhạc The Free Ones - Tác giả Julie Quang



Khoảng thời gian giữa năm 68, Duy Quang và tôi cùng bay ra phố biển Nha Trang để tụ với nhóm "The Free Ones", không biết ai đã đặt cái tên cho ban nhạc, nghe thì có vẻ êm tai nhưng không rõ nghĩa mấy. Ban nhạc gồm bốn nam: Jacques Báu (nam ca sĩ kiêm lead guitar), Võ Anh Tú - organ (tháng 4 năm 69 Duy Cường thay thế Anh Tú), Duy Quang (bass), Trần Xuân Nhu (trống) và nữ ca sĩ Julie. 
     
Julie trụ với ban nhạc The Free Ones một thời gian khá dài, kể ra dài vì trước khi gia nhập nhóm The Free Ones, Julie đã hát với nhiều ban nhạc khác với tính cách độc lập, nay ban này, mai nhóm khác, lần lượt góp tiếng hát với hầu hết các nhóm chơi nhạc (trong các căn cứ quân đội Hoa Kỳ) nổi tiếng lúc bấy giờ.

Trong số những ban nhạc ca sĩ Julie hợp tác trước đó phải kể đến ban nhạc The Sun Shines là ban nhạc đầu tiên cô đến với nhạc trẻ và được giới trẻ Saigon đón nhận nồng nhiệt trong Đại hội Nhạc Trẻ do nhật báo Sóng Thần tổ chức quyên góp cho nạn nhân lũ lụt miền Trung năm 67, tại rạp chiếu bóng Đại Nam. Màn ảnh được tháo gỡ nhường sân chơi cho người trẻ tung hoành. Trong suốt chương trình đại hội, nhà văn Duyên Anh người viết truyện tuổi thơ đã lần lượt giới thiệu từng ban nhạc, mỗi ca sĩ mầm non, như một người anh cả đại diện cho lớp người tuổi ngọc, đốt đuốc thắp sáng đường dài cho lớp trẻ tấn tới, cho những mầm non của hôm nay sẽ trổi vượt đến tài năng của mai sau. Mãi đến giờ đây, đã tròn nửa thế kỷ mà khi hồi tưởng lại, người viết vẫn cảm nhận cái hừng hực tuổi trẻ chưa nguôi của một ngày Đại Hội Nhạc Trẻ 50 năm về trước.

Hè 68, do chiến tranh leo thang, luật giới nghiêm ban hành, các sinh hoạt về đêm gián đoạn, vũ trường phòng trà tắt đèn, hàng quán đóng cửa, già trẻ lớn bé không ai ra đường, ngoại trừ lính và cảnh sát đi tuần tiễu. Các loài thiêu thân đã không còn đời sống, co ro rút cánh trong bóng tối vì có lúc giới nghiêm kể từ sáu giờ chiều.

Đêm đã không còn ánh đèn tỏa sáng thì mọi sinh hoạt trở nên náo nhiệt hơn gấp bội lúc ban ngày. Hộp đêm Catinat do cặp Jo Marcel và Như An điều hành đã không để sân chơi trống vắng mà mở cửa mỗi ngày từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Tiếng nhạc réo rắt khi êm ả lúc ầm ỉ, huyên náo cả con đường Nguyễn Huệ, từ nhạc tuyển (top 10-top 40), nhạc đồng quê (country music), nhạc rock (nhạc kích động) đều nằm trong dòng nhạc tuyển chọn hàng đầu của những chương trình phát sóng trên đài tiếng nói Hoa Kỳ AM- FM.

Ban nhạc, ca sĩ náo nức luân phiên lên sân chơi tha hồ đập trống, khua chiêng, bứt dây đàn, hả hê hò hét hết mức dấy loạn của tuổi trẻ sau một đêm bị cuồng chân trong bốn bức tường nhà.

Anh Jo Marcel là người khai phá mở đường cho những buổi ca nhạc ban ngày, người ta gán tiếng tây cho rôm rả: nhạc ma-ti-nê (matinee) tên gọi của cái thời buổi giới nghiêm và giới cấm... Sau anh Jo đến Trường Kỳ, Nam Lộc ở Hầm Gió, Kỳ Phát ở Queen Bee và đôi khi ở Crystal Palace. Từ dạo đó những tên tuổi Trường Kỳ, Nam Lộc, Kỳ Phát đã trở nên quen thuộc với giới trẻ mà một thời vang bóng đó đã tạo thành cái phù hiệu cho họ trong những lần tổ chức nhạc trẻ, tên của họ đã tự kết hợp, dính liền với thời kỳ phôi thai của nền nhạc trẻ Việt từ đó đến nay.

Ban nhạc The Free Ones trình diễn ở Club Long Bình cuối năm 1968. Trong ảnh, Julie Quang đang hát với tiếng Bass Duy Quang, tay trống Xuân Nhu.. Nếu để ý kỹ góc phải của hình, mỗi tối nơi này, có nhiều lính Mỹ ngồi thật sát sân khấu để chiêm ngưỡng và mê say tiếng hát huyền bí Julie.

Hè 42, tựa đề của một cuốn phim tình Summer 42 và từ nhạc phim, nhạc sĩ Phạm Duy viết lời như thế này "Hè đã đến rồi, mùa hè cười vui, cởi phăng áo đời, hè đi phơi phới...". Chuyện phim tóm lược câu chuyện tình của chàng thanh niên mới lớn, vừa ra trường, tự thưởng cho mình những ngày nghỉ hè cùng sóng nước trên vùng biển vắng. Nơi đó, mỗi ngày chàng trai trẻ lặng lẽ dõi mắt theo người đàn bà âm thầm rảo bước trên bờ biển. Trong tiếng sóng gió gào thét, dáng dấp người thiếu phụ xinh đẹp đứng trên cồn cát dường như trút hết tâm tư lên từng đợt sóng vỗ liếm tràn bờ, như gửi sóng cuốn trôi đi những nỗi niềm đau của cát ...

Cái khởi đầu của một cuộc tình nơi chốn thiên đường vắng vẻ, tất phải đến... Rồi dứt hè, người đẹp trở về với mái gia đình, chàng trai ra đi với nỗi sầu tương tư để mỗi năm vào độ hè về, chàng trở lại chốn cũ, nghe sóng thét gào và mong chờ một bóng dáng quen xưa nơi cồn cát...

Chuyện phim tình ướt át mà người xem đoạn đầu đã dự đoán được hồi kết thúc...những cái uẩn ức của tuổi trẻ, sự cô đơn nhỏ bé của cuộc tình trước cái đẹp hùng vĩ của thiên nhiên trong từng thước phim đã nói lên điều mà con người luôn hướng tới trong nỗi khát khao và một khi đã được một lần nắm bắt thì dường như suốt đời trăn trở nhiều ấm ức, trong trí nhớ khôn khuây!

Hè 68, một chuyện tình khác của đời thường trong lần đầu gặp gỡ, chàng và tôi chạm mặt nhau nơi hộp đêm Catinat của Jo Marcel (về sau là Đêm Màu Hồng của ban Hợp Ca Thăng Long), một ngày đẹp trời của lần hội diễn ma-ti-nê! Vừa bước xuống sân khấu, tôi khựng lại bởi một người dáng gầy dong dỏng đứng chắn ngang lối đi như người hâm mộ chực xin chữ ký của ca sĩ ... nhưng không phải thế!

Anh ngập ngừng ngỏ lời mời tôi gia nhập ban nhạc the Free Ones, hơi do dự vì chưa biết ban nhạc chơi thế nào và cái tên thì chưa nghe nói đến.

Tôi lịch sự nhận lời với một đề nghị bỏ ngỏ: “ lịch trình diễn của tôi kín đến cuối tháng nhưng nếu ban nhạc cần ngay một nữ ca sĩ thì em gái tôi là Vény có thể đi hát thay"...

Vì muốn bắt ngay nhịp cầu nối nên Anh lập tức ưng thuận lời đề nghị đó dù chưa biết cô em gái Vény hát như thế nào...

Và thế rồi cô em tôi đã trở thành ca sĩ bất đắc dĩ bởi cô chị nào có dịp hỏi ý cô em mà là sự áp đặt ngang xương, điều khiển quái, của cô chị!

Sự bắc cầu của Anh để tôi tham gia hát với ban nhạc và cũng là để tôi đến với một người khác, từ yêu thương dẫn dến oán hờn và bi kịch của một đời người bắt đầu từ đấy...

Nếu như cho đi lại từ đầu tôi sẽ không chọn một ai trong hai, để làm người tình!

Đã có câu "Yêu đôi bên nên quá khó, yêu như điên dại đó, cuộc tình ôi éo le, giữa hai người tình đam mê...(1) cuộc tình tam giác với những dư vị đắng cho cả ba, nếu như được xóa bàn làm lại tôi sẽ tặng cho cả hai người trong cuộc, một tình bạn. Một tình bạn vững bền, không vương bao nuối tiếc luống ngậm ngùi về sau.

Kể lại câu chuyện tình, lúc đầu đã hai thứ tóc muối tiêu quả thật không dễ dàng chút nào nhưng vẫn muốn kể lại như những thước phim đời, một kinh nghiệm sống vội, yêu cuồng, kể lại như một chứng nhân sống, kể lại cho đời sau những sai phạm trong tình yêu tham lam hầu tránh bớt vết chân ngựa cũ. Như lời thú nhận trước bình minh, như lần phán xét sau cùng trước khi ta gặp nhau nơi kiếp sau ...
Những người đã từng viết lại chuyện tình của chính họ chắc có cùng tâm trạng như tôi. Xin thưa rất khó, khi đắn đo lời mở đầu như thế nào cho chương đầu của một chuyện tình? như thế nào để không chạm đến điều thị phi tai tiếng? và làm sao để không va chạm đến đời sống của một người khác ??? Bấy nhiêu câu hỏi đó dồn tôi trong sự cân nhắc, xin mượn lời nhạc sĩ Phạm Duy để diễn tả cái khó trong tôi: "Biết dùng lời rất khó để mà nói rõ, ôi biết nói gì chuyện tình thứ nhất, cuộc tình quý giá như những ngọc ngà nàng dành cho ta, ôi biết nói gì?”...Nín thở, viết một hơi cho qua đoạn khúc mắc trong lòng để sang một chương khác, một chương tô hồng cho một thời tuổi trẻ của các bạn và tôi.
Mùa thu năm 68, con đường Duy Tân dọc theo bờ biển Nha Trang với những hàng dương reo trong gió nắng biển, những quán bar từ số 1 đến số 10 mọc lên rải rác trên bờ biển được nương nhờ hàng thùy duơng xanh mướt khi cơn bão lướt qua hàng thùy dương oằn mình che chắn gió. Bên kia đường là những cửa hàng bán quà lưu niệm, khách sạn, quán trọ, nhà hàng... Cũng đường Duy Tân, những nơi ban nhạc chúng tôi thường lui tới trình diễn, có cùng tên đường là King Duy Tân's Officer's Club (Câu Lạc Bộ sĩ quan Hoa Kỳ), Nautique (nhà hàng khách sạn Pháp), Neptune NCO Club (Câu lạc bộ hạ sĩ quan Hoa Kỳ), Rainbow EM'Club (Binh sĩ Hoa Kỳ), Skyhigh'Club gần đài radar phi trường (Câu Lạc Bộ dành cho chuyên viên kiểm soát trên không và phi công trực thăng có huy hiệu Death On Call).

King Duy Tan’s  tọa lạc ngay trên lộ đường Duy Tân, con đường chính chạy dọc bờ biển, đây là nơi giải trí, ăn uống, nghỉ ngơi dành cho các Sĩ Quan Quân Đội Hoa Kỳ hoặc gia đình thân nhân Sĩ Quan và còn để tiếp đón cả những đoàn văn nghệ từ Mỹ đến uỷ lạo. Phải nói, một câu lạc bộ có tầm mức về lối kiến trúc và sang trọng bậc nhất so với tất cả các câu lạc bộ Mỹ tại Việt Nam, vì hầu hết các club khác chỉ được dựng lên một cách sơ sài trong các căn cứ Quân đội.... Tôi tự cho nó "5 sao" gồm: khách sạn, dining room và ball room. Nơi đây là sân khấu đầu tiên của nhóm Free Ones khi lực lượng đã tập họp đầy đủ.

Chúng tôi đến Nha Trang không cùng một lúc mà từng nhóm, trước tiên là J. Báu, Xuân Nhu, Khải (manager) Dũng Cá (chuyên viên kỹ thuật nơi hậu trường trước và sau khi diễn, kiêm đầu bếp) rồi đến Duy Quang, Julie, Anh Tú là người đến sau cùng.

Thời gian đầu, chúng tôi thường trình diễn "chùa" ở cà phê Thảo, nơi đây chính là nơi tụ họp của các "dân chơi " thành phố Nha Trang, và cũng vì chưa có hợp đồng với bất cứ club Mỹ nào tại thành phố này nên chúng tôi "diễn chùa" kiếm cơm. Cái tuổi trẻ, chỉ biết vui chơi và nhất là yêu thích chơi nhạc, cũng không cần biết lấy tiền đâu mà có cái ăn cho ngày hôm sau. Chỉ biết được chơi nhạc, loại nhạc mà mình yêu thích là cũng đủ thỏa thích rồi.

Ban nhạc chúng tôi làm ngây ngất giới trẻ Nha Trang, tên ban nhạc thường được nhắc tới ở những nơi mà giới trẻ hay tụ hội. Thế là "nổi tiếng" mà không cần đến giới truyền thông báo chí! Miệng truyền miệng, chúng tôi được các bạn trẻ ở Nha Trang ngưỡng mộ, vậy là đã đủ "say sưa" mà không cần phải uống rượu... Tóm lại, thời gian đầu chúng tôi chưa chính thức chơi nhạc để kiếm tiền!
Đói meo đói mốc! Nhưng cũng may thời gian này không kéo dài bao lâu; những lần trình diễn ở các cà phê, thường thì họ chỉ có thể đãi chúng tôi những buổi ăn uống khá thịnh soạn nhất là tại Cà phê Thảo, đường Lý Thánh Tôn, một quán Café lớn nhất tại Nha Trang lúc bấy giờ.

Ngoài những buổi "cơm hàng cháo chợ", những lúc ở nhà thì các bữa ăn do tay Khải (ông bầu) hoặc Dũng Cá đảm nhiệm, thực đơn "căn bản" thường là trứng vịt hoặc trứng gà chiên, rau muống luộc chấm chao, và cứ thế mà ăn, đến lúc tôi phải lên tiếng than phiền, mà thật ra ngoài 2 món trên thì đâu biết làm món gì khác để thay đổi, các thành viên trong ban nhạc đều xuất thân là những công tử thì biết làm gì trong việc bếp núc, kể cả tay đầu bếp dỏm Dũng Cá cũng vẫn rau muống xào hay trứng luộc nước sôi là chấm hết!

Thế là tôi phải lăn vô bếp.... Món thịt bò xào của tôi hôm ấy không biết sao mà mặn chát và đầy hạt tiêu, tôi nghi 2 ông bếp dỏm thò tay mặt đặt tay trái rắc thêm cả đống muối vào chảo, cho uống nước trừ cơm, cho biết tay, lên mâm cơm mọi người gầm mặt nén cười không còn ai dám chê khen nửa lời. Ngày nay thì 2 người bạn này đã trở nên 2 ông chủ của 2 nhà hàng lớn tại MD, dù họ đã khởi nghiệp một cách bất đắc dĩ ở cái xó bếp trong căn nhà nhỏ trên con đường có cái tên sang trọng và thơ mộng, mang tên Đông Kinh, nơi xóm Phước Hải gần nhà thờ Núi, Nha Trang.

Thời gian còn lại chúng tôi thường kéo cả lũ kể cả bạn bè người Mỹ ra biển ngụp lặn hay phơi nắng đến cháy da, khét tóc cùng uống nước dừa trái nơi quán bar số 10, quán bar duy nhất còn đọng lại trong tôi những kỷ niệm vui đẹp với bạn bè. Một khi các thành viên chính thức của ban nhạc đã tập họp đầy đủ, chúng tôi bắt đầu đi "chinh phục" các Câu Lạc Bộ Quân Đội Mỹ tại vùng biển Nha Trang.

Nơi đầu tiên là King Duy Tan’s Club , sân diễn này không những là nơi dành cho cấp Sĩ Quan mà cả cho các công chức Hoa Kỳ và đôi khi cũng là chỗ cư trú cho các "star" từ Mỹ đến thăm viếng và ủy lạo các binh sĩ Hoa Kỳ đang tham chiến tại Việt Nam, nhớ nhất là có lần được gặp Greg Morris (Mission Impossible), được bắt tay và chụp hình chung lưu niệm nhưng sau thời gian mấy mươi năm, tấm hình bị thất lạc, rất tiếc!

Nhớ nhiều là đêm cuối năm, buổi giao thời của ngày cuối và đầu một năm; 68 bước lui, 69 đang tới (New Year's  Eve)! Chúng tôi chơi nhạc thật hào hứng, thật ra đâu có chơi lơ là chơi lấy lệ bao giờ đâu! Cái vui chơi hơi quá đà lại đúng vào dịp Lễ hội lớn giáp năm nên được hoan nghênh như những ngôi sao ca nhạc quốc tế thứ thiệt vậy....Với niềm kiêu hãnh và bồng bột của tuổi trẻ những tưởng rằng mình đã là những người nổi tiếng lắm rồi. Niềm hân hoan của các Sĩ Quan Mỹ tham dự trong buổi trình diễn đặc biệt ấy đã đem lại cho chúng tôi một niềm vui khôn tả mà mãi đến nay chúng tôi vẫn còn giữ nguyên vẹn trong ký ức lúc nửa  đêm chào mừng năm mới 1969.

Sau lần lễ hội đó chúng tôi trở lại club này vào mỗi cuối tuần trong suốt năm 69...  Ngoài King Duy Tân’s chúng tôi còn rất nhiều thành công khác tại các club (Delta) Liên đoàn 5 Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ - long line -3 recondo-MACV- Bộ Tư Lệnh viện trợ Quân sự Hoa Kỳ. Từ những căn cứ này chúng tôi được giới thiệu đi diễn ở các nơi xa hơn, dĩ nhiên là nguy hiểm hơn, có những hôm ban nhạc được di chuyển bằng trực thăng và đương nhiên tiền thù lao được nhân lên gấp ba.

Khánh Dương cách Nha Trang chừng 80 cây số, thời gian ấy sự di chuyển trên con đường này đã là một sự mạo hiểm đầy thách thức với tử thần, ngoài những cái "ổ gà" to như dấu "chân voi" do bị mìn giựt hoặc do đạn pháo kích gây nên, đó là chưa nói đến việc có thể bị VC phục kích bất ngờ.

Đi trình diễn tại các nơi này, tôi nhận thấy ngay cái điều đặc biệt hơn những nơi khác. Đến đón chúng tôi là những chiếc GMC to tướng dùng để chuyên chở dụng cụ nhạc và cả ban nhạc, trên xe lại có vài anh GI trang bị vũ khí hạng nặng, phòng khi bị VC phục kích và để bảo vệ những ...Yếu Nhân!
   
Suốt 2 tiếng đồng hồ nhảy "Aerobique" trong chiếc GMC, dù đường đi không xa lắm (gần Ban Mê Thuột) xe chỉ bò trên dưới 30km/h, có thể nói là một con rùa bò trên một con đường lồi lõm. Đến nơi, mệt rã rời nhưng vẫn chưa có gì đáng kể ...Thật ngạc nhiên khi lần đầu trình diễn nơi không có sân khấu, những người lính trẻ măng với gương mặt đầy bụi đỏ lem luốc, ánh mắt đờ đẫn với quân phục eo xèo, lượm thượm không tươm tất theo kỷ luật quân đội. Những ánh mắt lờ đờ chợt lóe lộ niềm vui, vui vì có văn nghệ, được giải khuây vài giờ có đủ an ủi người lính trận ngàn dặm xa quê nhà ? tôi tự hỏi!

Rồi chợt biết, nơi đây không phải là một căn cứ quân sự, mà chỉ là một tiền đồn ở một nơi khỉ ho cò gáy, những người lính đối diện với cái chết từng giờ, tôi hãi hùng... Ở tại một nơi mà sân khấu được ráp lại bằng  những tấm vỉ sắt để làm nền, những bao cát lấy từ những bunker chiến hào, những tấm ván ép lấy ra từ những conex để dựng sân khấu chưa đầy mươi mười phút phút là đã hoàn thành một sân khấu ngoài trời...dưới tấm bạt dù trên trốc!

Với cái nắng gay gắt của miền núi, ban nhạc và người trình diễn thoát y (Jackie Phương) xem ra cũng hết lòng , tận tình cống hiến cho những người lính chiến đấu sống nay chết mai... Với nỗi niềm ấy, giây phút chia tay thật là bịn rịn nhưng không kéo dài bằng những buổi chiêu đãi trong các clubs bình thường ở các căn cứ lớn... Chúng tôi phải rời nơi chốn này đúng giờ đã ấn định trước, với đoàn xe hộ tống, và một khi đưa chúng tôi về đến nhà an toàn, họ phải lập tức trở về tiền đồn ngay, không một giây phút chậm trễ!

Thay vì chiêu đãi chúng tôi như những clubs khác, các anh GI vác ra xe từng thùng trái cây và bánh kẹo... Trên đường về , đoàn xe hộ tống gồm một xe Jeep trang bị một khẩu Đại Liên M.60 mở đường, một GMC mui trần cho dụng cụ nhạc và ban nhạc, phía sau lại có 1 chiếc Jeep bọc hậu, cũng được trang bị Đại Liên M.60... Thật chu đáo!

Sự bảo vệ quá cẩn thận làm tôi càng run, càng sợ thì phải nghĩ làm gì để tự trấn an.... Xuân Nhu biết tôi đang sợ hãi, Duy Quang biết tôi cũng đang đói, cả hai đều quan tâm đến tôi.... J.Báu khui các thùng trái cây ra, chỉ có nho là tiện nhất vì không cần đến con dao để gọt cắt.....Và cứ thế là tôi ăn, ăn như điên và lần đầu tiên trong đời, tôi say, không vì rượu mà vì nho tươi!...

Về sau chúng tôi còn quay lại tiền đồn này đôi ba lần,  mà mỗi lần trở lại nhận thấy những khuôn mặt mới... Tim tôi se lại, chợt nghĩ đến những anh lính GI gặp gỡ lần trước, biết còn sống sót để trở về với gia đình hay đã chết trận nơi xứ lạ quê người? Cho dù một lần gặp gỡ tay bắt tay, cho dù anh đến giải đất này vì mệnh lệnh hay vì lý tưởng, thì với cái duyên tôi hát anh vỗ tay dù chỉ một lần chúng ta đã có sự đồng điệu, đồng cảm  trên cung bậc nào đó của tình người, qua âm nhạc gặp gỡ nhau trong phút giây rồi chia tay bình an, cầu chúc anh may mắn, sống sót trở về nơi nguyên quán.

Cầu ơn trên ban phúc lành cho mọi người ...
.
Vài giòng tưởng niệm nhân ngày Giỗ Duy Quang 19 tháng 12

(1) Trích trong bài Torn Between Two Lovers (Giữa Hai Cuộc Tình – lời Việt Phạm Duy)








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét