khktmd 2015
Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016
Erich Fromm và lý thuyết về tình yêu - Tác giả Huỳnh Duy Lộc
Erich Fromm sinh năm 1900 ở thành phố Frankfurt am Main (Đức ), là con một của một đôi vợ chồng gốc Do Thái theo Do Thái giáo chính thống, có một tuổi thơ êm ả nhưng được quan tâm quá mức và chịu nhiều áp lực nên về sau này đã mô tả quãng đời thơ ấu của mình là thời kỳ “loạn thần kinh chức năng trầm trọng”. Năm 14 tuổi, ông chịu tác động mạnh mẽ của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất vừa mới bùng phát nên quan tâm nghiên cứu động thái của những tập thể, cố gắng tìm lời giải đáp cho những thắc mắc của mình trong những tác phẩm của Sigmund Freud và Karl Marx. Ông vào học khoa Xã hội học ở Đại học Heidelberg, lấy bằng tiến sĩ năm 22 tuổi (1922) và 2 năm sau bắt đầu nghiên cứu phân tâm học ở Đại học Frankfurt rồi chuyển sang làm nghiên cứu sinh ở Viện Phân tâm học Berlin. Năm 1926, ông kết hôn với Freida Reichmann, một phụ nữ lớn hơn ông 10 tuổi, nhưng cuộc hôn nhân tan vỡ chỉ sau 4 năm chung sống.
Erich Fromm được mời giảng dạy ở nhiều trường đại học và trong thời gian rảnh rỗi điều hành phòng khám phân tâm học tại nhà và viết nhiều tác phẩm nghiên cứu. Ông đã có công sáng lập Viện Phân tâm học Frankfurt, nơi ông giảng dạy từ năm 1929 tới năm 1932. Khi Hitler và đảng Quốc xã lên cầm quyền ở Đức, Viện Phân tâm học Frankfurt được chuyển sang Genève (Thụy Sĩ) và sau đó chuyển sang Đại học Columbia (Mỹ). Ông theo Viện Phân tâm học Frankfurt sang Mỹ, cùng với các nhà phân tâm học như Karen Horney và Harry Stack Sullivan lập ra Tân phái Freud và được mời giảng dạy ở nhiều trường đại học, trong đó có New Shool for Social Research ở Đại học Columbia và Đại học Yale. Sự phê phán những lý thuyết của Sigmund Freud, cha đẻ của phân tâm học, đã làm cho nhiều nhà phân tâm học ở Mỹ bất bình với ông nên Viện Phân tâm học New York dã đình chỉ việc giảng dạy của ông vào năm 1944.
Ông cũng tái hôn vào năm 1944, nhập quốc tịch Mỹ và chuyển đến Mexico City để giảng dạy và tìm một nơi có khí hậu ôn hòa để chữa bệnh cho người vợ thứ hai. Ông giảng dạy tai Đại học Tự trị của Mexico từ năm 1949 cho tới khi về hưu vào năm 1965. Người vợ thứ hai của ông mất vào năm 1952 và ông tái hôn lần thứ hai vào năm sau (1953). Trong thời gian ở Mexico, ông vẫn giảng dạy ở nhiều trường đại học như Đại học Michigan, Đại học New York rồi sau đó chuyển đến sống ở thành phố Muralto của Thụy Sĩ cho đến lúc qua đời vào năm 1980.
Erich Fromm được coi như một trong những nhà phân tâm học lớn nhất thế kỷ 20, là một trong những người sáng lập Tân phái Freud với những luận điểm phê phán một số lý thuyết của Freud. Ông phê phán quan điểm của Freud về mặc cảm Oedipe, về bản năng sống và bản năng chết (bản năng hủy hoại) và cả quan điểm về libido (dục năng) vì tin rằng xã hội và văn hóa cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển nhân cách. Ông cho rằng cuộc sống tự nó đã hàm chứa mâu thuẫn vì con người vừa là một phần của tự nhiên, vừa tách biệt với tự nhiên và từ mâu thuẫn này đã phát sinh những nhu cầu thiết yếu như nhu cầu sáng tạo, nhu cầu định ra khuôn khổ phát triển, nhu cầu nhận dạng cá tính và định hướng. Ông đã giải thích quan điểm của mình: “Tôi muốn hiểu rõ những quy luật chi phối cuộc sống của mỗi cá nhân và những quy luật chi phối đời sống xã hội. Tôi cố gắng chứng minh rằng những khái niệm của Freud cần phải được xem xét lại và tôi cũng làm điều tương tự với chủ nghĩa Marx và cuối cùng đạt tới một sự tổng hợp xuất phát từ việc tìm hiểu và phê phán những lý thuyết của hai nhà tư tưởng này”.
Tác phẩm của Erich Fromm:
• Escape from Freedom, 1941
• Man for himself, 1947
• Psychoanalysis and Religion, 1950
• The Sane Society, 1955
• The Art of Loving, 1956
• The Heart of Man, 1964
• The Nature of Man, 1968
• The Anatomy of Human Destructiveness, 1979
• The Art of Being, 1993
• On Being Human, 1997
Trong “The Art of Loving” in vào năm 1956, Erich Fromm đã triển khai quan điểm về bản tính con người từng được ông trình bày trong những tác phẩm trước đó như “Escape from freedom” và “Man for himself”, coi tình yêu như một kỹ năng mà con người có thể học và phát triển. Ông phủ nhận quan điểm coi tình yêu như một cái gì mầu nhiệm và kỳ bí không thể phân tích được hay không thể lý giải được nên rất nghi ngờ điều mà người ta thường gọi là “phải lòng” (fall in love) hay tình trạng bất lực khi đối mặt với tình yêu. Từ trong bản chất, con người đã trở nên xa lạ với người khác và xa lạ với tự nhiên nên luôn cố gắng vượt qua tình trạng biệt lập, khắc phục cảm giác cô đơn bằng một tình yêu lãng mạn hay bằng một cuộc hôn nhân. Tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng tình yêu đích thực không phải là điều có thể tìm thấy ở tất cả mọi người: chỉ khi nào phát triển nhân cách và khả năng yêu thương đồng loại với “sự khiêm cung thật sự, sự dũng cảm, niềm tin và kỷ luật”, người ta mới có được khả năng trải nghiệm một tình yêu đích thực. Trải nghiệm này là một điều thật sự hiếm hoi. Từ đó, ông khẳng định rằng tình yêu đích thực bao gồm 4 yếu tố căn bản là sự chăm lo, trách nhiệm, sự tôn trọng và sự hiểu biết. Mỗi yếu tố này rất khó xác định và có thể rất khác tuỳ theo tâm tính và hoàn cảnh của mỗi người. Nói như vậy có nghĩa là tình yêu là một việc gian nan nhưng cũng là việc mang lại phần thưởng quý giá nhất:
“Con người có lý trí, có ý thức về chính mình, về đồng loại, về quá khứ và những tiềm năng của tương lai. Ý thức về bản thân như là một thực thể biệt lập, ý thức về cuộc đời ngắn ngủi của mình, về việc mình sinh ra rồi chết đi ngoài ý muốn của mình, mình sẽ chết trước hoặc chết sau những người mình thương yêu, ý thức về sự đơn độc và sự biệt lập của mình, về sự bất lực của mình trước những sức mạnh của tự nhiên và của xã hội - tất cả những điều đó khiến cho con người cảm thấy cuộc sống biệt lập và không có chiều hướng rõ rệt của mình giống như một ngục tù không thể chịu đựng nổi… Trải nghiệm về tình trạng biệt lập làm phát sinh mối ưu tư và thật sự là nguồn gốc của mọi nỗi ưu tư. Ở trong tình trạng biệt lập có nghĩa là bị cách ly, không tận dụng được những năng lực của chính mình. Vì vậy, biệt lập có nghĩa là bất lực, không có khả năng nắm bắt thế giới – bao gồm cả con người và mọi vật – một cách tích cực; điều đó cũng có nghĩa là thế giới sẽ tràn ngập chúng ta mà chúng ta không có được một phản ứng nào. Không chỉ làm phát sinh nỗi ưu tư, tình trạng biệt lập còn làm nảy sinh cảm giác hổ thẹn và mặc cảm tội lỗi. Câu chuyện Adam và Eve trong Kinh thánh thể hiện rất rõ cảm giác hổ thẹn và mặc cảm tội lỗi phát sinh trong tình trạng biệt lập. Sau khi bất tuân mệnh lệnh của Thượng đế và ăn trái của “cây tri thức về thiện và ác” trong Vườn địa đàng, Adam và Eve đã thoát khỏi tình trạng hợp nhất có tính chất thú vật với tự nhiên, trở thành những con người và chợt nhận ra mình “hoàn toàn trần truồng và thấy xấu hổ vì điều đó”.
Con người sẽ điên loạn nếu không thoát ra được ngục tù này để vươn ra hợp nhất dưới hình thức này hay hình thức khác với những người khác hoặc với thế giới bên ngoài. Vì vậy, khát vọng sâu xa nhất của con người là khát vọng vượt qua tình trạng biệt lập, thoát ra khỏi ngục tù của sự cô độc. Con người của mọi thời đại và mọi nền văn hóa đều phải tìm ra giải pháp cho một vấn đề như nhau: đó là làm cách nào để thoát ra khỏi tình trạng biệt lập, kết hợp được với người khác, vượt lên trên đời sống cá nhân và đạt được sự hợp nhất. Tình yêu giúp con người vượt qua cảm giác lẻ loi và tình trạng biệt lập, nhưng khác với sự hợp nhất bằng việc cộng sinh, tình yêu đích thực là sự hợp nhất trong đó người ta vẫn giữ vẹn tính cách và cá tính của mình. Tình yêu là một năng lực mạnh mẽ có thể phá đổ những bức tường ngăn cách chúng ta với những người khác, giúp chúng ta hợp nhất với họ, vượt qua được tình trạng biệt lập, khắc phục cảm giác cô đơn để trở thành chính mình. Trong tình yêu, có điều nghịch lý là hai người là một và là một nhưng vẫn là hai…” (The art of loving, tr. 6, 7, 17)
Trong tác phẩm “Psychoanalysis and Religion” (Phân tâm học và tôn giáo), ông đã nói rõ hơn về điều kiện để có được tình yêu thật sự: “Tình yêu là gì? Người ta có cảm tưởng rằng sự lệ thuộc, sự phục tùng và sự bất lực trong việc xê dịch khỏi cái ‘tàu ngựa’ quen thuộc, sự thống trị, chiếm hữu và lòng khao khát chế ngự - tất cả những điều ấy là tình yêu. Thèm khát tình dục và việc không thể chịu đựng được cô đơn được cảm nghiệm như là bằng chứng của năng lực yêu đương nồng nàn. Người ta tin rằng yêu thì rất giản dị, nhưng được yêu mới là khó nhất. Người ta nghĩ rằng mình không được yêu bởi vì không đủ “quyến rũ” – sự quyến rũ dựa trên dáng vẻ, y phục, trí thong minh, tiền bạc, địa vị xã hội và thế lực. Người ta không biết rằng vấn đề thật sự không phải là nỗi khó khăn trong việc được người yêu, mà là khó khăn trong việc yêu người, và người ta chỉ được yêu khi người ta có thể yêu, khi khả năng yêu thương của mình làm phát sinh tình yêu nơi một người khác, và khả năng yêu thương thực thụ chứ không phải tình yêu giả dối mới là công việc khó khăn nhất…”
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét