.
1.Mở bài
Vụ án làm kinh động nước Mỹ khiến cho Nhà Trắng vào cuộc và Điện Kremlin thừa nước đục thả câu, phát động tuyên truyền chống Mỹ trên thế giới.
Sự việc bắt đầu bằng vụ thủ tiêu gián điệp hai mang tên Thái Khắc Chuyên, là thông dịch viên người Việt Nam làm việc trong toán Biệt kích Mủ xanh B-57 có nhiệm vụ thực hiện Dự án Gamma (Project Gamma) mục đích vượt qua biên giới Cam Bốt thu thập tin tức tình báo về hoạt động của Cục R trên vùng Mỏ Vẹt của xứ Chùa Tháp.
Chỉ huy trưởng Lực Lượng Đặc Biệt là Đại tá Robert Bradley Rheault và 7 quân nhân của toán biệt kích B-57 bị cáo buộc về tội giết người và âm mưu giết người.
Ở Mỹ, gia đình của những quân nhân bị cáo, vận động khắp nơi khiến cho các dân biểu, TNS đối lập nhảy vào chỉ trích chính quyền Nixon. Các hãng thông tấn cử người qua Việt Nam làm phóng sự tường thuật tại chỗ.
Các hãng tin lớn của Mỹ như New York Times, Charlotte Observer, Time, International Herald Tribune và Washington Post… đều cử ký giả vào Việt Nam làm phóng sự.Các đài truyền hình như NBC, CBS, ABC cử thông tín viên sang điều tra, phỏng vấn những nơi liên hệ.
Liên Xô phát động một chiến dịch tuyên truyền tiếp theo vụ Mỹ Lai. Hà Nội la ó lên chửi Mỹ. Vợ của Thái Khắc Chuyên mặc đồ tang đến trước cửa sứ quán Mỹ khóc lóc, kể lể, lăn lộn gây ồn ào, giới truyền thông lấy làm đề tài ly kỳ hấp dẫn.
2. Lịnh thủ tiêu gián điệp Việt Cộng Thái Khắc Chuyên
Ngày 20-6-1969, lịnh thủ tiêu gián điệp hai mang Thái Khắc Chuyên được thi hành.
Khoảng 8 giờ tối, Đại úy Robert Marasco và những nhân viên của ông thi hành lịnh của chỉ huy trưởng Lực Lượng Mũ Xanh, đại tá Robert Bradley Rheault, là hạ sát và thủ tiêu Thái Khắc Chuyên.
Thiếu úy Edward Boyle đè giữ Thái Khắc Chuyên nằm duới sàn nhà trong khi Đại úy Leland Brumley chích mũi morphine thứ hai vào Chuyên. Vài phút sau, Chuyên nhắm nghiền đôi mắt, hơi thở yếu dần và mê mang như một xác chết.
Dán băn keo bịt miệng. Trói hai cườm tay ra sau lưng. Thân thể Chuyên được cuốn tròn trong chiếc poncho, và chỉ trong vài phút cuộn poncho được đưa lên xe tải chở ra bờ sông.
Hai quân nhân Mỹ khiêng cuộn poncho xuống tàu, trên đó đã có đại úy Robert Marasco và Đại úy Budge Williams chờ sẵn. Trung sĩ Kautson lái tàu.
Chiếc tàu vượt qua những con sóng lớn, nhấp nhô hướng ra cửa biển. Bổng nhiên có tiếng rên nho nhỏ từ chiếc poncho, đó là tiếng của Thái Khắc Chuyên sau khi thuốc ngủ tan dần.
Đại úy Leland Brumley vội rút khẩu súng nòng dài có gắn ống hãm thanh, loại súng đặc biệt để trang bị cho nhân viên CIA, số súng không có ghi trong các danh mục vũ khí của quân đội, mà nó được đăng ký ở trung tâm Okinawa. Một phát súng bắn vào đầu Chuyên. Tiếng rên im bặt.
Đến nửa đêm, con tàu ra tới cửa biển, đảo Hòn Tre lù lù hiện ra ở phía xa. Ba người dùng dây xích thật nặng bó chặt chiếc poncho rồi ném xuống biển.
Tưởng đâu việc thủ tiêu gián điệp hai mang nầy là kết thúc câu chuyện, nhưng không ngờ nó lại bắt đầu một vụ án phức tạp mà tạp chí Time gọi là “vụ bê bối tình báo nghiêm trọng chỉ đứng sau vụ Mỹ Lai mà thôi”.
3. Dự án Gamma (Project Gamma)
Thái Khắc Chuyên được lính mũ nồi xanh hộ tống đến biên giới để xâm nhập Campuchia
3.1. Thu thập tin tức tình báo Cục R trên đất Cam Bốt
Căn cứ B57 ở Nha Trang * Phù hiệu của Đơn vị Tình báo B57
Dự án Gamma (Project Gamma) là công tác mật nhằm thu thập tin tức tình báo về hoạt động của Cục R cung cấp cho CIA và Quân đội Hoa Kỳ. Đồng thời cung cấp tọa độ cho B-52 đến dội bom. Cục R là Trung Ương Cục Miền Nam VN trực thuộc Ban Chấp Hành TW đảng CSVN, có nhiệm vụ chỉ đạo Mặt Trận GP/MN/VN. Cục R được Hoàng thân Norodom Sihanouk ủng hộ và cho phép đặt căn cứ trên đất Cam Bốt ở Vùng Lưỡi Câu, Mỏ Vẹt, giáp ranh với Việt Nam.
Dự án Gamma do toán biệt kích B-57 của Lực Lượng Đặc Biệt (Special Force), còn gọi là Mủ Nồi Xanh (Green Berets) thực hiện. Lực Lượng Đặc Biệt do Đại tá Robert Bradley Rheault làm chỉ huy trưởng, bản doanh đóng tại Nha Trang.
Căn cứ của toán B-57 đặt tại trại A-414 ở xã Thạnh Trị, huyện Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường, (Trước 1975) chỉ cách biên giới Campuchia 2km. Cũng giống như các dự án khác, gồm Project Delta do B-52 thi hành ở biên giới Lào, Project Sigma do B-56 phụ trách, căn cứ tại Ban Mê Thuột, các dự án đều do CIA tài trợ và điều hành.
3.2. Vài nét về Thái Khắc Chuyên
Thái Khắc Chuyên sinh năm 1938 tại Miền Bắc Việt Nam. Cha là Thái Khắc Quy, mẹ là Thái Thị Lục.
Năm 1954, di cư vào Nam. Lúc đó Chuyên 16 tuổi. Ba anh trai và hai chị gái còn kẹt ở Miền Bắc. Gia đình di chuyển nhiều nơi nên việc học hành bị gián đoạn, thi tú tài nhiều lần mà không đậu.
Chuyên làm việc cho hãng thầu Mỹ RMK-BRJ được 3 tháng thì bỏ việc. Đi làm thông dịch viên cho đơn vị Mủ Xanh (Green Berets) đóng ở Ashau, Đà Nẵng.
Chuyên bỏ việc thì 3 hôm sau căn cứ Ashau bị mất vào tay CSBV. Chuyên làm thông dịch viên cho toán Biệt Kích Mỹ B-57 đóng ở Mộc Hóa, Kiến Tường. Cấp trên của Chuyên là Trung sĩ Alvin Smith, bí danh là Peter Sands. Chuyên có ám số nhân viên là SF7-116. Nhiệm vụ là theo tổ biệt kích vượt qua lãnh thổ Cam Bốt thu thập tin tức tình báo của Cục R ở vùng Mỏ Vẹt và Lưỡi Câu.
Vợ Chuyên tên Phan Kim Liên và em dâu tên Lâm Hoàng Oanh sống tại nhà số 53/1/46 đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn.
Thái Khắc Chuyên làm gián điệp cho Việt Cộng, bị hạ sát và thủ tiêu ngày 20-6-1969.
4. Thái Khắc Chuyên là gián điệp của Việt Cộng
Tháng giêng năm 1969, Đại úy Robert Marasco, bí danh là Mike Martin, được cử đến chỉ huy toán biệt kích B-57. Marasco tổ chức được 20 cộng tác viên người Cam Bốt làm nhiệm vụ dọ thám vùng Mỏ Vẹt, căn cứ của Cục R, đồng thời dọ thám các hoạt động của Norodom Sihanouk.
4.1. Sự mất tích của các cộng sự viên người Cam Bốt
Cuối tháng 4 và đầu tháng 5 năm 1969 những cộng tác viên người Cam Bốt bổng nhiên mất liên lạc, mất tích. B-57 lâm vào tình trạng nguy hiểm, có thể bị tiêu diệt. Nhiều nghi vấn được đặt ra, không loại bỏ có gián điệp Việt Cộng nằm vùng trong đơn vị. Một cuộc điều tra được bí mật tiến hành. Thái Khắc Chuyên là mục tiêu vì là người Việt Nam, có khả năng liên lạc với Việt Cộng, có anh em đang sống ở miền Bắc. Những quân nhân Mỹ khó bắt liên lạc với Cộng Sản.
Cuộc điều tra gặp khó khăn vì hồ sơ không đầy đủ. Thiếu rất nhiều chi tiết mà nhân viên tình báo phải có là: những đơn vị phục vụ trước kia, kết quả trắc nghiệm bằng máy phát hiện nói dối trong hồ sơ tuyển dụng. Trung sĩ Alvin Smith là người tuyển dụng Chuyên, đã không thực hiện đúng theo quy định tuyển dụng nhân viên tình báo. Chuyên là người rất giỏi tiếng Anh mà tại sao không làm việc ở Sài Gòn để sống với gia đình, lại phải xuống tận nơi “địa đầu giới tuyến” ở Mộc Hóa, Đồng Tháp Mười?
Cuộc điều tra không có kết quả nào cả. Chỉ phát hiện được một vụ những người Việt làm cho Mỹ đã tham gia vụ bán vũ khí và thuốc men cho Việt Cộng.
4.2. Phát hiện gián điệp hai mang
Đến một ngày, trong cuộc hành quân vượt qua biên giới, biệt kích Mỹ thu được nhiều tài liệu trong đó có một cuồn phim. Sau khi rửa ra thì thấy hình một người trong đám cán bộ Việt Cộng, đó là hình của Thái Khắc Chuyên. Chính người đã tuyển dụng và cũng là bạn thân của Chuyên là Trung sĩ Alvin Smith cũng xác nhận người trong hình chính là Thái Khắc Chuyên.
4.3. Báo cáo của Trung sĩ McIntosh
Trung sĩ Terry McIntosh chỉ huy một toán 12 người đi phục kích, Thái Khắc Chuyên có mặt trong toán đó. Khi chạm địch, giao tranh dữ dội xảy ra nhưng Chuyên cứ loay quay với khẩu súng mà không bắn ra viên đạn nào cả. Máy truyền tin bị trục trặc nên không gọi pháo binh yểm trợ được. Phải vất vả lắm toán biệt kích mới thoát ra khỏi tầm đạn của địch và nằm chờ cho qua đêm.
Sáng hôm sau, kiểm tra lại thì thấy máy truyền tin bị ai đó bật qua kênh khác, sai tần số nên không hoạt động. Chuyên cho biết là súng của anh bị kẹt đạn nên không bắn trả lại được.
Thế là Chuyên bị bắt giữ và bí mật chuyển ra Bộ chỉ huy B-57 ở Nha Trang để điều tra. Bị thẩm vấn suốt 10 ngày. Chuyên không vượt qua được máy phát hiện nói dối (Polygraph) nhưng anh ta không công nhận hoạt động cho Việt Cộng, kể cả việc liên lạc với một nữ giao liên ở Mộc Hóa mà anh thường xuyên tiếp xúc, đã bị theo dõi.
Thái Khắc Chuyên được xác định là gián điệp của Việt Cộng. Gián điệp nhị trùng.
4.4. Đại tá Robert B. Rheault ra lịnh thủ tiêu Thái Khắc Chuyên
B-57 liên lạc với văn phòng CIA Sài Gòn để xin ý kiến xem nên giải quyết vụ việc như thế nào. CIA im lặng. Mười ngày sau, thêm một công điện mật và khẩn, nhưng CIA trả lời lập lờ.
Cuối cùng đại tá Robert Bradley Rheault, Tư lịnh Lực Lượng Đặc Biệt ở Việt Nam, ra lịnh hạ sát và thủ tiêu đương sự.
4.5. B-57 dàn cảnh cho việc vắng mặt của Thái Khắc Chuyên
Sau khi thủ tiêu Thái Khắc Chuyên, B-57 dàn dựng một màn kịch để giải thích sự vắng mặt của Chuyên. Đó là cử Trung sĩ Wayne Ishimato, gốc Nhật Bản, đóng vai Chuyên đi công tác ở Campuchia và mạo danh Chuyên gởi về những báo cáo giả mạo.
Ishimato khai tất cả những chi tiết trong hồ sơ tòa án.
4.6. Đóng cửa tìm biện pháp thủ tiêu Thái Khắc Chuyên
Trung sĩ Alvin Smith phản đối việc thủ tiêu Thài Khắc Chuyên
Các nhân viên của B-57 họp mật bàn biện pháp thủ tiêu gián điệp nhị trùng Thái Khắc Chuyên.
Nhiều biện pháp được nêu ra: “Chở qua Đài Loan thủ tiêu, đưa vào rừng rậm thủ tiêu, đạp xuống biển từ phi cơ trên cao độ, dàn cảnh một vụ tự tử bằng thắt cổ…
Nhiều biện pháp được nêu ra: “Chở qua Đài Loan thủ tiêu, đưa vào rừng rậm thủ tiêu, đạp xuống biển từ phi cơ trên cao độ, dàn cảnh một vụ tự tử bằng thắt cổ…
Chỉ riêng Trung sĩ Alvin Smith phản đối việc thủ tiêu.
Ngày 20-6-1969 Thái Khắc Chuyên bị giết, ném thây xuống Biển Đông.
5. Bùng nổ Vụ án Thái Khắc Chuyên (The Green Beret Affair)
5.1. Trung sĩ Alvin Smith tố cáo vụ thủ tiêu Thái Khắc Chuyên
Trung sĩ Alvin P. Smith là người tuyển dụng Chuyên, cũng là bạn thân của Chuyên và là người duy nhất phản đối việc hạ sát Chuyên.
Khi thấy Chuyên bị thủ tiêu, Smith lo sợ cho số phận của anh ta, có thể giống như Chuyên. Giết người diệt khẩu. Smith lo lắng. Không dám ngủ trong phòng của anh, mà xuống nhà kho lấy một tấm nệm rồi đêm đêm ngủ bí mật ở nhiều nơi. Súng luôn có đạn lên nòng, để dưới gối nằm.
Cuối cùng, Smith chạy đến văn phòng CIA Nha Trang tố cáo mọi việc và xin được tỵ nạn. Smith không phải là lính mủ xanh, mà là cựu nhân viên CIA được cử sang B-57.
CIA Nha Trang báo cáo về CIA Sài Gòn, và vụ việc được báo cáo lại cho Đại tướng Chỉ huy MACV (Military Assistance Command Vietnam) là Creighton Williams Abrams, Jr. . Tướng Abrams gọi đại tá Rheault về trình diện.
Tại MACV, Rheault trình bày với tướng phụ tá tình báo của Abrams là Trung tướng George L. Mabry. Nội dung là câu chuyện được dàn dựng do trung sĩ gốc Nhật Bản Wayne Ishimato giả dạng Thái Khắc Chuyên đi công ở Cam Bốt để chứng minh sự vắng mặt của Chuyên.
5.2. Tướng Abrams tức giận ra lịnh bắt giam đưa ra tòa
Tướng Creighton Abrams * Đại tá Rheault
Tướng Abrams nổi giận, cho rằng đại tá Rheault nói dối để gạt ông ta, và ra lịnh bắt điều tra tất cả những người liên hệ.
Đại tá Rheault, đại úy Ramasco và 6 quân nhân khác bị bắt để điều tra, với lý do là giết người và đồng lõa giết người. Đó là các sĩ quan Mủ Xanh ở toán B-57, gồm có Đại úy Marasco, Brumley, Boyle, Williams, Middleton, Crew, Ken Facey, Kautson
Ngày 21-7-1969, tám người bị đưa về nhà giam ở căn cứ Long Bình, viết tắt là LBJ (Long Bình Jail) được mỉa mai sửa LBJ lại là khách sạn Johnson (Lyndon Baines Johnson là tên Tổng thống Mỹ)
5.3. Vụ án làm náo động nước Mỹ
Vụ án nổi tiếng đến mức tất cả những tờ báo lớn nhất nước Mỹ đều gởi phóng viên đến Sài Gòn để tường thuật trực tiếp về vụ án. Các báo: New York Times, Charlotte Observer, Time, International Herald Tribune, Washington Post, Life, Los Angeles Times, Chicago Tribune, Newsweek và các đài truyền hình CBS (Columbia Broadcasting System), NBC (National Broadcasting Company), ABC (American Broadcasting Company).
Sau vụ rùm beng Mỹ Lai năm 1968, vụ nầy cũng làm cho Tướng Abrams nhức đầu không ít.
Báo, đài và các chính trị gia đối lập làm ồn ào, náo động cả nước Mỹ.
Sau khi hoàn tất hồ tư pháp lý, tháng 8 năm 1969, phiên tòa quân sự được mở ra ở căn cứ Long Bình.
Theo luật của Mỹ, luật sư của các quân nhân mủ xanh bị cáo yêu cầu tòa cho gọi các nhân chứng, trưng ra vật chứng bao gồm hồ sơ của CIA và VNCH có liên quan đến nạn nhân VN và 8 bị cáo người Mỹ. Đồng thời phải có xác chết của nạn nhân để chứng TKC đã chết.
5.4. Các nhân chứng từ chối ra tòa
Hai nhân chứng là sếp CIA, Theodore Shackley và Tướng Abrams. Cả hai từ chối ra tòa, viện dẫn lý do về an ninh quốc gia, về bí mật quân sự, vì thật ra B-57 hoạt động trái phép khi xâm nhập lãnh thổ Cam Bốt. Riêng CIA viện dẫn luật bãi miễn dành cho CIA.
5.5. Không tìm thấy xác Thái Khắc Chuyên
Người nhái trên tàu dò mìn USS Woodpecker chuẩn bị lặn tìm xác Thái Khắc Chuyên
Bộ chỉ huy Hải Quân Mỹ ở Việt Nam phải mượn lịnh của Đại tướng Abrams mới được Hạm Đội 7 cung cấp phương tiện mò tìm xác của nạn nhân. Bảy ngày sau, chiếc tàu rà mìn USS Woodpecker đến duyên hải Nha Trang. Trong ngày đầu, toán thợ lặn báo cáo sóng to, gió lớn, dòng chảy nước khá lớn, bùn ngập tới đầu gối, tầm nhìn chỉ có 2m.
Đến chiều ngày hôm sau, thợ lặn mới tìm thấy chiếc mỏ neo mà họ thả xuống ngày hôm trước, mà 24 gờ sau nó đã trôi xa hơn 100 yards. Họ cho rằng với tình trạng nầy, xác của Chuyên lúc 6 tháng trước thì nay có thể đã trôi đến phân nửa con đường trở về Hà Nội của Chuyên rồi.
6. Bà Phan Kim Liên quậy “tưng bừng”
Phan Kim Liên là vợ của Thái Khắc Chuyên, cư ngụ ở số 53/1/46 đường Phan Thanh Giản Sài Gòn, cùng với người cha và cô em dâu tên Lâm Hoàng Oanh.
Khi nghe tin luật sư Gregory đến Việt Nam, bà Liên tìm đến khách sạn Caravelle gặp và khóc lóc xin giúp đỡ tìm chồng. Nhưng ông nầy từ chối và cho biết ông là luật sư đại diện cho những quân nhân đã giết chồng bà.
Tờ Washington Post cử đại diện là Robert Kaiser và người phụ tá người Việt tên Vũ Thụy Hoàng qua Việt Nam. Ngày 18-8-1969 báo nầy đưa tin, vụ án bị cho chìm xuồng vì lý do chính trị. Căn cứ vào tin nầy, người anh của bà Phan Kim Liên đòi đưa 8 bị can ra tòa án Việt Nam Cộng Hòa để không bị ảnh hưởng vì lý do chính trị ở Mỹ. Còn bà Liên thuê luật sư gởi đơn đến Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker và chỉ huy trưởng MACV là Đại tướng Creighton Williams Abrams, Jr. đòi cho biết về tình trạng sống chết của người chồng mất tích. Bản sao gởi cho Tổng thống VNCH. Nội dung trong đơn ghi rõ, chồng bà thuộc gia đình chống Cộng, không phải là VC mà cũng không phải là điệp viên vì ông ấy tánh tình nóng nảy không giữ bí mật được. Hơn nữa, ông ấy chỉ là một thông dịch viên quèn, không có ngạch trật, cấp bậc nào cả.
Thấy mình là trung tâm của vụ án mà không có ai đá động gì tới, cho nên ngày 18-8-1969 bà Liên đến tòa đại sứ Mỹ đưa đơn khiếu nại.
Ngồi chờ ở bàn tiếp khách suốt mấy tiếng đồng hồ mà không được tiếp, nên đành phải để đơn lại, ra về.
Hôm sau, đại diện sứ quán Mỹ đến nhà nhưng người cha không cho gặp bà Liên và từ chối trả lời những câu hỏi.
Người đại diện để lại lời nhắn, là nên khiếu nại quân đội Mỹ vì chồng bà làm việc cho Green Berets.
Nhận được lời nhắn đó, bà Liên bỏ việc yêu cầu đưa vụ việc ra tòa án VNCH. Thay vào đó yêu cầu tòa đại sứ Mỹ và Quân đội Hoa kỳ phải bồi thường thiệt hại.
Bà Liên bồng hai đứa con, 2 tuổi và mới sanh đến cổng sứ quán Mỹ khóc lóc, kể lể và quy trách nhiệm cho chính phủ Mỹ, bà nguyền rủa rằng oan hồn của chồng bà sẽ không tha thứ và theo đuổi họ suốt đời. Bà cũng đòi tự tử rồi ngất xỉu trước sứ quán Hoa Kỳ. Báo chí có đề tài làm bản tin.
Ngày 2-10-1969, một sĩ quan tài chánh đến nhà và trao cho bà số tiền mặt là 6,472 USD, nói rằng đó là tiền tử tuất, tương đương với 3 tháng lương của chồng bà. Kèm theo là giấy cam kết yêu cầu bà ký tên vào, là từ nay không khiếu nại gì thêm nữa.
Khi được tin chính thức về các quân nhân mủ xanh được thả, các nhà báo quốc tế thực hiện một cuộc phỏng vấn ứng khẩu với các bên liên hệ trước tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Bà Phan Kim Liên xuất hiện trong bộ đồ tang trắng, khóc sướt mướt, lăn lộn, kể lể: “Chồng bà di cư vào Nam để tìm tự do và đã làm việc giúp người Mỹ thế mà người Mỹ giết anh ta và trốn tránh trách nhiệm. Các nhà báo nước ngoài bao quanh người phụ nữ “đau khổ” với thái độ thông cảm.
Bà Liên đòi tự tử tại chỗ và nói: “Họ phải lãnh trách nhiệm về cái chết của anh ta hoặc cái chết của tôi ngày hôm nay. Oan hồn chồng tôi sẽ theo ám ảnh họ suốt đời”.
Bà Liên không đá động gì tới những bằng chứng chồng bà là gián điệp cho Việt Cộng cả.
Sau 1975, bà Phan Kim Liên sống trong tình trạng nghèo khổ tại thành phố đổi tên.
Mấy người anh của Thái Khắc Chuyên ở Hà Nội cũng thuộc về thành phần công dân hạng bét của chế độ, cũng như bao nhiêu tín đồ Thiên Chúa Giáo khác. Hồi tháng 8 năm 1991, con trai của Thái Khắc Chuyên tên Thái Quốc Việt vẫn tin cha anh còn sống, viết thơ cho nhà báo Jeff Stein hỏi về số phận của cha anh và thú nhận ”thật là khó sống với những năm tháng dài trong ngờ vực”.
7. Xếp lại vụ án
7.1. Các quân nhân B-57 được trả tự do
Luật sư của các bị cáo đòi tướng Abrams và những lãnh đạo CIA ra trước tòa làm nhân chứng. Những người nầy từ chối ra tòa.
Theo chỉ thị của Toà Bạch Ốc (Tổng thống Nixon), Bộ trưởng Lục quân Mỹ, Stanley Reson, tuyên bố bãi bỏ những cáo buộc 8 quân nhân Mủ Xanh vì lý do an ninh quốc gia.
Đó là các toán biệt kích B-57 hoạt động tình báo bên trong lãnh thổ Campuchia, vi phạm luật quốc tế và lộ bí mật quân sự.
Đại úy Marasco cho biết, ông là quân nhân thi hành mệnh lịnh của cấp trên nên không chịu trách nhiệm. Việc truy tố được bãi bỏ, tất cả các bị cáo được tự do.
Riêng đại tá chỉ huy trưởng Lực Lượng Đặc Biệt ở Việt Nam, Robert B. Rheault bị buộc phải giải ngũ. Ông từ trần ngày 16-10-2013 tại nhà riêng thuộc Owls Head, bang Maine hưởng thọ 87 tuổi.
7.2. Vài nét về Đại tá Robert Bradley Rheault
Đại tá Robert Bradley Rheault (31-10-1925 – 16-10-2013) tốt nghiệp Học Viện quân sự West Point, New York. Đã từng tham dự chiến tranh Triều Tiên. Ông phục vụ trong Lực Lượng Đặc Biệt trú đóng ở Đức, Okinawa trước khi đến Việt Nam. Rheault giữ chức chỉ huy trưởng lực lượng lính mũ xanh từ ngày 5-5-1969, bản doanh đóng tại Nha Trang.
Người cha của ông đã từng phục vụ trong ngành cảnh sát Hoàng gia Canada. Gia đình ông di cư đến Mỹ năm 1943. Rheault nói thông thạo tiếng Pháp từ lúc còn nhỏ. Ông tốt nghiệp cao học ngành bang giao quốc tế tại Đại học Paris.
Năm 1947, Rheault kết hôn với Caroline “Nan” Young. Có 3 người con. Năm 1977, kết hơn với người vợ thứ hai là Susan St. John.
Các đồng nghiệp cho biết, Đại tá Rheault là người được tôn trọng và kính mến nhất trong binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt. Con đường binh nghiệp của ông có thể tăng lên cấp tướng trong quân đội Hoa Kỳ. Nhưng ông kết thúc binh nghiệp sau vụ thủ tiêu gián điệp hai mang tên Thái Khắc Chuyên.
Dự án Gamma ngưng hoạt động vào ngày 31-3-1970.
8. Liên Xô phát động chiến dịch tuyên truyền ầm ĩ
Vụ án Thái Khắc Chuyên nổ ra bị cho là “bê bối tình báo chỉ đứng sau vụ Mỹ Lai mà thôi”, tạp chí Time nhận định như thế.
Liên Xô lợi dụng sự việc nầy phát động chiến dịch tuyên truyền rầm rộ. Đài phát thanh Moscow, Hà Nội và báo chí Cộng Sản tố cáo lực lượng mũ xanh Hoa Kỳ là những kẻ suy thoái tâm thần, bản chất cướp bóc, phá hủy, chà đạp phần còn lại của thế giới loài người tiến bộ. Tố cáo lính mũ xanh giết nông dân, không thương xót, không buông tha phụ nữ, người già và trẻ em Việt Nam.
9. Kết luận
Mỹ có bằng chứng Thái Khắc Chuyên là gián điệp của Việt Cộng. CIA ngầm bật đèn xanh cho việc thủ tiêu nhưng lại không chịu trách nhiệm. Vì chỉ có tòa án hợp pháp mới có quyền xét xử. Án tử hình cũng phải do luật định hợp pháp mà tòa kết án.
Vụ án gây ồn ào làm náo động cả nước Mỹ. Tòa Bạch Ốc (Tổng thống Nixon) chỉ thị cho Ngũ Giác Đài hủy bỏ những cáo buộc 8 quân nhân Mủ Xanh. Tất cả được tự do. Riêng Đại tá Robert B. Rheault bị buộc phải giải ngũ.
Vụ án có phần phức tạp. Về mặt pháp lý, Thái Khắc Chuyên là người Việt Nam, mang quốc tịch VNCH. Làm việc cho tình báo Mỹ. Làm gián điệp cho Cộng Sản Bắc Việt. Vậy tòa án nào có đủ thẩm quyền pháp lý để xét xử vụ án nầy?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét