Tên ông là La Thăng. Tay ông chơi đàn guitar, miệng ca vang bài hát viết cho giọng la thăng. Khi ông được Bộ Chính trị bổ nhiệm trở thành Bí thư Thành ủy Sài Gòn, người ta mong ông mang lại những giai điệu la thăng đầy ngẫu hứng thành phố này.
Ông Thăng sinh ra ở miền quê Nam Định. Người Sài Gòn mong ông mang chút hơi hướng của những hạt phù sa vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng kết nối với chất hào sảng, phóng khoáng của người Nam bộ. Ông sẽ vượt ra khỏi thói đố kỵ, bảo thủ, hẹp hòi, mang lại sinh lực, lành mạnh cho một thành phố mười triệu dân.
Vật lộn với đói nghèo và chiến tranh ở miền đất Sơn Nam Hạ, tuổi thơ của ông cũng thấm đượm chút nhân ái của thi ca trong những làn điệu hát văn, hát ru, hát giai, hát xẩm. Tâm hồn ông cũng chan chứa nỗi cô đơn, khắc khoải, nặng trĩu tâm tư của những thi sỹ lừng danh quê hương ông như cụ Tú Xương, Nguyễn Bính, Nguyên Hồng, Trần Dần hay Trần Mạnh Hảo.
Hoặc giả, ông cũng mang dáng dấp của những đồng hương tiên phong như Trường Chinh – Kiến trúc sư của Đổi Mới; Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch dám hy sinh sự nghiệp chính trị để bảo vệ chứng kiến của mình, hay Nguyễn Văn An – dám công khai những “lỗi hệ thống” cần dẹp bỏ.
Người ta mong ông kết liễu nạn cát cứ, lãnh chúa, lãnh địa, rừng nào cọp đó, trên bảo dưới không nghe, bè phái ở Sài Gòn kéo dài nhiều năm.
Nhưng mới nửa năm từ ngày ông nhậm chức những xiêm y rủng rỉnh cầu kỳ mà ngành truyền thông quốc doanh khoác lên người ông đã bị lột bỏ.
Tính nhân văn của ông Thăng không bằng Võ Văn Thưởng. Khi biểu tình nổ ra tại Quảng Ngãi, ông Thưởng không dùng dùi cui, hơi cay, côn đồ hay cảnh sát. Ông Thưởng giản dị gặp dân, lắng nghe những lời khao khát.
Nguyễn Bá Thanh của Đà Nẵng gần dân hơn. Ông Thanh vụt hiện lên như một thủ lãnh miền Trung, một thuyền trưởng dám đứng mũi chịu sào, nhậu với dân xe ôm, đá banh với đám thanh niên đường phố, hùng biện hàng giờ đồng hồ bằng ngôn ngữ xứ Quảng không cần nhìn vào những bản nghị quyết khô cứng, vô hồn, sáo rỗng của những con mọt sách Bắc kỳ.
Tầm nhìn và cách làm việc của ông Thăng không bằng Võ Văn Kiệt. Ông Kiệt hành động theo sự mách bảo của lương tri. Ông Kiệt cả gan xé rào để hồi sinh thành phố. Ông Kiệt vượt ra khỏi tầm nhìn hẹp hòi, định kiến, chủ nghĩa lý lịch. Ông Kiệt tin dùng công chức của Việt Nam Cộng Hòa.
Ngoài chuyện ông Thăng tự xưng là “Tư lệnh” toàn quyền quyết định trên chiến trường, và những màn “trảm tướng”, thì người ta chưa thấy ông La Thăng ca lên giai điệu la thăng nào đáng kể.
Sự kiện dân Sài Gòn biểu tình những ngày nửa đầu tháng Năm này là do lòng căm phẫn về tội ác của Formosa, là sự tức giận về thái độ bao che cho tội ác, là cơn thịnh nộ trút lên những kẻ vô trách nhiệm với đất nước.
Nhất định không phải hành động lật đổ chính quyền của Việt Tân. Đổ lỗi cho Việt Tân là một mánh khóe, một thủ đoạn. Tiếc thay, ông Thăng đã ngả theo đám thủ dâm chính trị.
Dưới ánh sáng mặt trời phương Nam, Sài Gòn nhìn thi thể ông Thăng rõ ràng hơn. Hình như Sài Gòn đã thất vọng. Những cây sao trăm tuổi ủ rũ, lặng câm ngơ ngẩn dưới chiều mưa như kẻ thất tình đang nhấm nháp lại lời cay đắng vang vọng một thời: “Giết người đi! Giết người đi! Giết người trong mộng đã bội thề… Giết người như loài bướm đong đưa…”
Miệng ông Thăng ca la thăng nhưng tay ông chơi la giáng. Ông giáng dùi cui, roi điện, đấm đá, túi bụi lên đầu người Sài Gòn đang tố cáo tội ác Formosa, đang khóc cho Vũng Áng, đang gởi niềm thương nhớ về khúc ruột miền Trung.
Bên cạnh hình ảnh đầy cảm xúc về một La Thăng “Miệng ca tay gẩy khúc đàn tương tư”, giờ đây lại có một La Thăng khác đang phùng mang, trợn mắt giáng những cú đấm cú đá vào mặt những em bé và phụ nữ tài sắc vẹn toàn của Hòn ngọc Viễn đông.
Giờ đây thì ông Thăng có thể rất tự hào ôm đàn, cất cao tiếng hát “Từ thành phố này Người đã ra đi. Bao năm ước mơ, đón Bác trở về…”. Khi Bác về thì Bác thành Chủ tịch Đảng kiêm Chủ tịch nước.
Cũng từ thành phố này, nhiều người theo chân Bác tới Ba Đình. Nguyễn Văn Linh trở thành Tổng Bí thư. Võ Văn Kiệt thành Thủ tướng. Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang thành Chủ tịch nước.
Nhưng cũng từ thành phố này còn có hàng triệu người gạt nước mắt ra đi, không mong ngày trở lại.
“Một duyên hai nợ ba tình
Chữ duyên chi vướng, mối tình ai mang.”
Ông Thăng tới Sài Gòn bởi nhân duyên của Đảng, nhưng còn nợ, còn tình?
Rồi, ông Thăng sẽ từ thành phố mang tên Bác theo chân Bác tới Phủ Toàn quyền. Nhưng chẳng lẽ ông ra đi mà không để lại đây những dấu ấn của tình yêu thương và của khát vọng Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét