khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Xem phim “Thời Hùng Vương 18” - Tác giả Sơn Hà (1996)



Xem xong phim “Thời Hùng Vương 18”, và biết được một số dữ kiện về những người thực hiện cuốn phim này, chắc nhiều người giật mình! Thật vậy, những bạn trẻ ở tuổi mười mấy và hai mươi mấy đã dựng nên một cuốn phim dài 110 phút, diễn lại một giai đoạn vào thời Hùng Vương thứ 18. Từ bối cảnh lịch sử, phim trường, cảnh vật, hóa trang, âm thanh, ánh sáng,... tất cả là do bàn tay của những người bạn trẻ này, và đã tạo nên một cuốn phim nhựa, 35 ly. Đáng được khâm phục! Nhiều nhà làm phim lão thành đã lên tiếng khen ngợi là một cuốn phim điện ảnh đúng nghĩa.

Cuốn phim nhựa 35 ly mang tựa đề: “Thời Hùng Vương 18” có gì đáng chú ý?

Cuốn phim diễn lại bối cảnh hai nước Âu Việt và Lạc Việt vào năm 265, trước Tây Lịch. Vào lúc này, Tần Thủy Hoàng, vua Tàu đánh chiếm được Lục Quốc, thống nhất Trung Nguyên. Tần Thủy Hoàng vẫn tiếp tục củng cố binh bị, chờ cơ hội xâm lăng các nước láng giềng.

Lúc bấy giờ, nước Việt Nam là hai nước nhỏ nằm về phía Nam, có cùng chung một tộc: đó là Âu Việt và Lạc Việt. Âu Việt ở phương Bắc do An Dương Vương trị vì. Nước Lạc Việt ở phương Nam do họ Hồng Bàng qua 18 đời dựng nước, với đế hiệu là Hùng Vương. Cả hai vua An Dương Vương và Hùng Vương đều muốn hợp lực để chống sự xâm lăng của Tần Thủy Hoàng từ phương Bắc. Nhưng cha con đại thần của nước Âu Việt đã vì tham vọng cá nhân nên đã sử dụng các thủ đoạn gây ra sự rạn nứt tình hiếu hòa giữa hai nước Âu Việt và Lạc Việt.

Mỵ Nương của nước Lạc Việt trở thành nạn nhân của những cuộc xung đột đẫm máu. Trong tình huống đó, công chúa Mỵ Nương đã gặp Chí Quân, một chàng dũng sĩ hào kiệt, giàu lòng yêu nước. Cả hai đã phát giác ra âm mưu nội gián trong triều...

Ở đây, phim “Thời Hùng Vương 18” chắc chắn đã làm cho khán giả nhớ đến huyền sử Sơn Tinh và Thủy Tinh đã tranh tài với nhau để giành cưới Công Chúa Mỵ Nương làm vợ. Nhưng câu chuyện trong phim “Thời Hùng Vương 18” không mang tính huyền sử như truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh. Truyện phim đã được Nguyễn Chánh Trực (Charlie Nguyen) viết lại và soạn những đối thoại thật sống động, rất gần với thực tế, được lồng trong những cảnh âm mưu tạo phản của một vị thần đã vì lợi riêng mà có quên đại nghĩa. 

Chàng trai hào kiệt Chí Quân do Nguyễn Chánh Trực thủ diễn, vừa là đạo diễn, vừa là người viết truyện phim. Ở vào tuổi 24, Nguyễn Chánh Trực đã dựng cuốn phim về lịch sử Việt Nam, kể lại giai đoạn cách đây trên 2000 năm!


Thoạt đầu, nhiều người đã không đồng ý với cái tên quá lớn lớn so với kích thước của con người đạo diễn: Nguyễn Chánh Trực, một người thanh niên 24 tuổi. Nhưng sau khi coi phim, hình như ai cũng chấp nhận tựa đề này. Một cuốn phim có rất nhiều ưu điểm và ít khuyết điểm.

Trước tiên, xin đưa ra vài khuyết điểm. Khán giả có vẻ khó chịu vì phần lớn phim được quay vào ban đêm, với những ánh lửa bập bùng, hầu như lúc nào cũng có. Những cảnh buôn làng ăn mừng lúc được mùa lúa; những cảnh huấn luyện võ nghệ cho quan binh để phòng bị cho sự xâm lăng của giặc Tần Thủy Hoàng lúc nào cũng lăm le từ phương Bắc. Những cảnh tỷ đấu giữa những tay cao thủ của hai nước Âu và Lạc Việt cũng xảy ra ban đêm! Trong khán giả có người đã thốt lên: “Lẽ nào vào thời Hùng Vương thứ 18, người ta chỉ biết sinh hoạt ban đêm hay sao?”

Phải chăng chính những cảnh âm u, mờ mờ này đã đưa khán giả trở về thời đại của năm 265 trước Tây Lịch? Những con người của kỷ nguyên 2000, đang sống tại một nước văn minh nhất ắt phải khó chịu khi phải sống trong cảnh thiếu ánh sáng… Tuy nhiên, cho dù đây là dụng ý của đạo diễn thì cũng vẫn là khuyết điểm, vì đã dùng quá nhiều cảnh ban đêm. Ở đoạn sau, chúng ta sẽ được nghe chính đạo diễn và các bạn trẻ tâm sự tại sao lại mắc phải những lỗi kỹ thuật đó.

Ở xứ Hoa Kỳ này, phim ảnh sản xuất quá nhanh, với những kỹ thuật tiến bộ vượt bực. Khán giả chắc chắn phải trở nên khó tính đối với những cuốn phim không do các hãng phim của Mỹ thực hiện, xuất phát từ phim trường Hollywood, ở miền Nam California, nơi đã sản sinh ra những cuốn phim tốn kém bạc triệu đô-la Mỹ. Phim “Thời Hùng Vương 18” không thua kém những sản phẩm của Hollywood về mặt kỹ thuật. Các phân đoạn, phân cảnh được ráp nối và chuyện đổi rất nhanh, được pha trộn với tỷ lệ tương đối, xứng hợp với thị hiếu của những người quen thuộc với những phim của Mỹ.

Và do đó, khán giả dù có khó tính lắm cũng phải công nhận cuốn phim “Thời Hùng Vương 18” có tầm vóc quốc tế. Từ việc phân đoạn truyện phim đến phân cảnh kỹ thuật, từ việc chọn nhân vật đến việc hóa trang, tất cả là những công phu tuyệt vời của các đạo diễn diễn xuất và đạo diễn kỹ thuật. Màn tỷ đấu giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh tại đài đấu võ, trước mặt vua và triều đình đã làm cho khán giả say mê theo dõi và thật hài lòng. Đó là màn đấu võ không giống và hơn hẳn các phim Tàu.

Trong các trận thư hùng khác, với nhiều vũ khí khác nhau được sử dụng, nhưng hình như không mang một chút nào tính chất của phim kiếm hiệp Tàu. Cảnh cưỡi ngựa rượt đuổi đánh nhau, băng qua các đồi núi cũng hùng vĩ và khác lạ. Những ưu điểm vượt trội này đã che lấp hết những khuyết điểm nhỏ đã kể ở trên.

Phần âm thanh, từ tiếng động cho đến nhạc đệm, cũng đáng được khen ngợi. Những lần tập hợp của buôn làng, người ta nghe tiếng chuông, tiếng còng, tiếng trống đồng, vang dội núi rừng. Cũng có lúc nhạc du dương diễn tả cảnh thơ mộng của những trai gái yêu đương. Kỹ thuật âm thanh có lẽ không là vấn đề đối với hãng phim Cinema Pictures, vì họ đã nhiều kinh nghiệm trong những tác phẩm ca nhạc.

Về phần các diễn viên, ngoài Băng Châu là một tài tử điện ảnh kiêm kịch sĩ có tên tuổi của các đoàn kịch ở Sài Gòn, những người khác là những tài tử mới. Có nhiều người đóng phim lần đầu tiên. Nhưng, tất cả đã thủ các vai rất trọn vẹn, đã dành được ở khán giả sự yêu thương và lòng thán phục. Tài tử chính trong phim “Thời Hùng Vương 18” là Nguyễn Chánh Trực. Trong những tài tử phụ có Nguyễn Chánh Sử là cha, em trai là Nguyễn Chánh Trí (Tri Nguyen), em gái là Nguyễn Thanh Trúc (Thanh Nguyen). Chính yếu tố gia đình đã giúp cho hãng Cinema Pictures vượt qua bao khó khăn để hoàn thành cuốn phim lịch sử Việt Nam.

Có khán giả đã nêu thắc mắc: “Làm sao họ có thể đoán được thời ấy ăn mặc như thế nào mà cắt may áo quần và hóa trang?”. Đạo diễn Nguyễn Chánh Trực cho biết, những việc có tính cách nghiên cứu này được giao cho một chàng thanh niên 17 tuổi. Đó là người em trai tên là Nguyễn Chánh Trí. Nguyễn Chánh Trí là đạo diễn kỹ thuật đã vẽ mẫu cho các cảnh trí và kiến trúc các công trình ở phim trường như cung đình, cổng hoàng cung, đấu đài,... và đến cả áo quần, cung, kiếm dao, mác...

Nguyễn Chánh Trí đã lục lọi trong các thư viện để tìm các sử liệu, nhất là từ các hình trống đồng, và những đồ cổ bằng sứ, bằng đồng. Từ đó, anh có ý niệm và vẽ kiễu áo quần, đồ trang sức và vũ khí cho các diễn viên. Đây là điều khiến nhiều người kinh ngạc. Một chàng thanh niên 17 tuổi đã chu toàn công việc đạo diễn kỹ thuật từ việc vẽ mẫu cho cung đình, hoàng thành, áo quần, cờ xí, cung kiếm, đến những binh khí như đao, giáo, mác, hoặc những dụng cụ dùng trong việc đồng áng.

Trong giới nghệ thuật thứ 7 đã phải nhìn nhận năng khiếu đặc biệt của người bạn trẻ này. Anh vừa mới được một hãng phim Mỹ mời đóng một số đoạn quan trọng, đã được khởi quay vào tháng 3 vừa qua.

Nguyễn Chánh Trực, Nguyễn Chánh Trí và Nguyễn Thanh Trúc, ba anh em đã cùng nhau thành lập công ty điện ảnh Cinema Pictures, quy tụ 20 anh chị em bạn. Cinema Pictures làm việc với các châm ngôn: học hỏi không ngừng, gian nan không nản, thành công không kiêu, thất bại không lùi. Thật vậy, tác phẩm đầu tay của họ là phim nhựa 35 ly: “Thời Hùng Vương 18” là kết quả từ những châm ngôn ấy. Họ là những học sinh, sinh viên , nhiếp ảnh gia, đạo diễn, kiến trúc sư, vũ công, võ sinh, chuyên viên thẩm mỹ,... Tất cả đều ở tuổi mười mấy và hai mươi mấy.

Như chính anh Nguyễn Chánh Trực đã có lần tâm sự, họ đã gặp rất nhiều gian nan, trong suốt gần 3 năm để hoàn thành cuốn phim nhựa 35ly: “Thời Hùng Vương 18”. Cuốn phim được khởi công vào năm 1992 và hoàn tất vào năm 1995. Anh cho biết sở dĩ phải tốn nhiều thì giờ là vì các anh chị trong nhóm đã phải tự tay xây dựng cung đình, may áo quần cho diễn viên, quay phim, ráp nối hình ảnh và âm thanh,... Ngoài giờ đi làm hoặc đi học, còn lại ban đêm là giờ quay phim và đóng phim. Đó cũng là lý do tại sao phần lớn cuốn phim được thu hình vào ban đêm.
Từ những kỹ thuật cao của nền điện ảnh Tây Phương cộng với tinh thần yêu thương đất nước của nhóm Cinema Pictures, họ đã thành công với cuốn phim nhựa 35ly đầu tay: “Thời Hùng Vương 18”.
Giới điện ảnh ở hải ngoại đã hết lòng khen ngợi. Bởi vì với khả năng sẵn có của họ, có lẽ họ thừa sức thực hiện những cuốn phim xã hội vừa dễ thực hiện, vừa ít tốn kém, thu lợi nhiều hơn. Nhưng không. Nhóm Cinema Pictures đã chọn lựa làm phim lịch sử Việt Nam, và theo anh Nguyễn Chánh Trực cho biết là nhóm anh muốn duy trì văn hóa chính thống của dân tộc.

Với sự thành công về kỹ thuật và nghệ thuật, cùng với nội dung cao đẹp, cuốn phim “Thời Hùng Vương 18” đáng được ca ngợi. Sự ca ngợi này không chỉ để trao tặng cho một tác phẩm nghệ thuật, mà phải được trao cho những người bạn trẻ có tấm lòng yêu thương đất nước thật nồng nàn.

Văn hóa Việt ở hải ngoại vẫn còn nguyên vẹn của người Việt, không bị bóp méo hay gò ép bởi một bạo lực nào. Văn hóa Việt ở hải ngoại không chịu một ảnh hưởng lai căng nào, không bị làm nô lệ cho một chủ nghĩa nào. Trái lại văn hóa Việt tại hải ngoại lại được nuôi dưỡng bởi sự tự do sáng tác, bằng chính khối óc và con tim của những người còn mang bầu máu nóng của dòng giống Lạc Hồng.

Chính những yếu tố căn bản đó đã đưa đến sự thành công của cuốn phim “Thời Hùng Vương 18”.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét