khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Tản mạn về chữ Thân nhân năm Bính Thân 2016 - Tác giả Đoàn Thanh Liêm



Năm Bính Thân 2016 này nhắc tôi nhớ lại bao nhiêu chuyện vui buồn cách nay đúng một chu kỳ 60 năm, đó là vào năm Bính Thân 1956 lúc tôi còn là một sinh viên theo học tại Đại học Luật khoa Sài gòn ở miền Nam Việt nam. Vào năm 1956 đó, thì về đại cuộc chế độ Việt nam Cộng hòa bắt đầu được củng cố với những cơ cấu hành chính chính trị vững chãi. Nhờ vậy mà nếp sinh họat kinh tế xã hội ở miền Nam đã được khôi phục tương đối khả quan ổn định. Và đặc biệt là lớp người di cư từ miền Bắc vào Nam trong các năm 1954 – 55 cũng đã lần hồi thích nghi được với môi trường sinh sống mới lạ tại miền Nam so với nơi quê hương bản quán của mình ở miền Bắc.

Và rồi đến năm Mậu Thân 1968, nhân dân của cả miền Nam đã thật sự kinh hòang sửng sốt với vụ người cộng sản tàn ác đã ra tay sát hại hàng mấy ngàn thường dân vô tội ở Huế. Tội ác tày trời này sẽ không bao giờ đảng cộng sản lại có thể biện minh hay che dấu lẩn tránh mãi được.

Đó là hai cái cột mốc vui buồn trái ngược trong lịch sử dân tộc ở miền Nam mà lại đều xảy ra trong những năm Thân chỉ cách nhau có một con giáp 12 năm – tức là các năm Bính Thân 1956 và Mậu Thân 1968.

Nhưng trong bài viết này, tôi muốn trình bày những suy nghĩ miên man liên hệ đến chữ Thân mà luôn được mọi người nói đến trong cuộc sống mỗi ngày của cá nhân cũng như của tập thể. Xin được lần lượt ghi lại qua các mục sau đây.

I – Chũ Thân ở dạng tĩnh từ.

Ở dạng tĩnh từ, chữ Thân đi kèm theo một danh từ nhằm biểu lộ tính cách gần gũi, quen biết, cụ thể như cụm từ: “Người thân”, “Bạn thân” v.v…

Còn thường ra, thì chữ Thân lại đi kèm với một chữ khác nữa để trở thành một “tĩnh từ kép” nhằm diễn tả sự gắn bó, trìu mến yêu thương nhẹ nhàng. Điển hình như: Thân ái, Thân cận, Thân mật, Thân mến, Thân quen,Thân tình, Thân thiện, Thân thiết, Thân thương, Thân yêu v.v…

Còn khi chữ Thân đi kèm với một danh từ thì trở thành một “danh từ kép” nhằm diễn tả sự thân thiết, gắn bó. Điển hình như: “ Thân hào, Thân hữu, Thân mẫu, Thân nhân, Thân phụ, Thân quyến, Thân sinh, Thân tộc, Thân thích,Thân thuộc, v.v…

II – Chữ Thân ở dạng danh từ.

Ở dạng danh từ, chữ Thân có nhiều y nghĩa, đại khái như sau:

21 – Theo nghĩa thể lý vật chất, người ta thường nói Thân thể, Thân xác (body, corpse). Chữ Thân còn để chỉ cái phần chính, phần ở giữa của con người, của động vât hay của sự vật như Thân mình, Thân cây, Thân bài v.v…

22 – Theo nghĩa rộng, chữ Thân thường có nghĩa là cuộc sống, là số phận, số kiếp của từng người. Như dân gian hay nói: “Có thân thì phải biết lo”, “Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai?”, “Biết thân, biết phận”, “Con người Thân lập Thân” (self – made man) v.v…

23 – Riêng danh từ kép “Thân phận”, thì còn có ý nghĩa rất rộng, như trong cụm từ “Thân phận con người” (human condition) , “Thân phận của một quốc gia nhược tiểu”, “Thân phận nô lệ”, “Thân phận tôi đòi” v.v…

Hồi đầu thập niên 1930, nhà văn người Pháp André Malraux cho ra mắt cuốn tiểu thuyết nhan đề là “La condition humaine” (Thân phận con người). Cuốn sách gây được sự chú ý của đa số độc giả và trở thành rất nổi tiếng – với cốt chuyện dựa trên bối cảnh của thành phố Thượng Hải ở Trung quốc vào thời kỳ bắt đầu có sự tranh chấp gay gắt giữa phe Quốc Dân Đảng và phe Cộng sản theo Liên Xô.

24 – Trong ngôn ngữ của Thiên chúa giáo, các tín đồ có niềm xác tín vào màu nhiệm “Thiên Chúa Nhập Thể” (Incarnation) – tức là sự kiện Chúa Giêsu được sinh ra từ người mẹ là Maria, thì có “bản tính con người” (human nature) như tất cả mọi người sinh sống trên thế gian này. Và do đó, Chúa Giêsu cũng có “thân phận con người” – như mọi người Do Thái sinh sống vào thời ấy tại xứ Palestine do đế quốc La mã thống trị mà người đại diện là vị Tổng trấn đày quyền uy có tên là Philato.

Sách Giáo lý Công giáo còn ghi rõ là: Chúa Giêsu cũng có “bản tính Thiên chúa” nữa (divine nature) vì Ngài là chính là Thiên Chúa Ngôi Hai vậy.

* Tóm tắt lại, ngòai ý nghĩa thông thường để chỉ con vật thứ 9 là “con khỉ” trong một con giáp, thì chữ Thân còn là một từ ngữ rất thông dụng trong ngôn ngữ thường ngày của số đông quần chúng. Nó hàm chứa một nội dung rất sâu sắc và phong phú – mà giới bình dân cũng như giới trí thức đều sử dụng để bày tỏ những suy nghĩ và tình cảm của mình vậy.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét