khktmd 2015
Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016
'Cần học Việt Nam Cộng Hòa: Hoàng Sa phải có dân'
“Cần học Việt Nam Cộng Hòa: Hoàng Sa phải có dân.” Đó là điều ông Bùi Văn Tiếng, cựu Trưởng Ban Tổ Chức Thành Ủy Đà Nẵng, nay là chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Đà Nẵng, nhấn mạnh với tờ Tuổi Trẻ.
Ông Tiếng bảo rằng, trước Tháng Tư, 1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã “kéo” Hoàng Sa vào đất liền bằng cách sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang của Đà Nẵng và điều này đã “tạo cho chúng ta một tiền lệ lịch sử đáng quý.”
Chuyện Hoàng Sa phải có dân trở thành cấp bách vì có những bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang dùng thường dân để “hợp thức hóa” việc chiếm đóng Hoàng Sa và một phần Trường Sa.
Tuần trước, hê thống truyền thông của Trung Quốc bắt đầu quảng cáo rầm rộ cho đường bay từ phi trường Mỹ Lan trên đảo Hải Nam, đến phi trường Vĩnh Tây trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo những quảng cáo vừa kể thì chưa bao giờ chuyện thăm thú Biển Đông thuận tiện như hiện nay vì một hãng hàng không có tên là Hainan đã mở đường bay đến quần đảo Hoàng Sa. Đường bay này được hê thống truyền thông của Trung Quốc ca ngợi là bước khởi đầu cho một kỷ nguyên phát triển hoạt động thương mại ở Biển Đông.
Trước đây, nhiều chuyên gia an ninh quốc phòng từng cảnh báo rằng, sau khi phát triển hệ thống hạ tầng tại những hòn đảo, bãi đá ngầm mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để gia tăng sự hiện diện của thường dân trên những hòn đảo, bãi đá ngầm đó nhằm củng cố các yếu tố pháp lý, hỗ trợ cho yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông.
Nay Trung Quốc bắt đầu làm đúng như thế tại quần đảo Hoàng Sa và người ta tin rằng, ít lâu nữa sẽ là quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc đã bắt đầu đưa thường dân đến du lịch tại quần đảo Hoàng Sa từ năm 2012. Gần đây, Trung Quốc đã thiết lập xong hệ thống hạ tầng để đưa thường dân đến cả quần đảo Hoàng Sa lẫn quần đảo Trường Sa.
Tháng trước, truyền thông Trung Quốc giới thiệu một loạt hình ảnh về việc du khách đến thăm bãi đá Chữ Thập, nay là một hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Chuyến “du lịch” bãi đá Chữ Thập diễn ra ngay sau khi Trung Quốc tổ chức cho ba phi cơ dân sự thử hạ và cất cánh ở đó.
Song song với sự kiện vừa kể, truyền thông Trung Quốc còn loan báo, chính quyền “thành phố Tam Sa” đã thảo xong kế hoạch kêu gọi tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng trên những hòn đảo ở Biển Đông.
Tam Sa là tên một “thành phố” được Trung Quốc thành lập vào Tháng Bảy, 2012. Thành phố này thuộc tỉnh Hải Nam và bao gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, cùng với tất cả các bãi đá nằm trong phạm vi mà Trung Quốc đòi chủ quyền tại Biển Đông. Thủ phủ của “thành phố Tam Sa” được đặt tại đảo Phú Lâm mà Trung Quốc cưỡng đoạt của Việt Nam hồi Tháng Giêng, 1974, khi thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Theo một phó thị trưởng của “thành phố Tam Sa” thì chính quyền “thành phố Tam Sa” muốn mời gọi đầu tư từ tư nhân để xây dựng trung tâm cấp cứu về y tế và hàng hải, kéo cáp quang và phủ sóng wifi trên tất cả các đảo, bãi đá, có hay không có người ở,& Kế hoạch mang tên “Chương trình đối tác công tư” này sẽ được thực hiện ngay trong năm nay và kể từ năm nay, Trung Quốc sẽ thiết lập một đường bay, thường xuyên thực hiện các chuyên bay đưa người đến “thành phố Tam Sa.”
Trong chuyện bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, chính quyền CSVN không “nhìn xa, trông rộng” như chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Sau Tháng Tư, 1975, Hoàng Sa coi như đã “xong.”
Mãi tới năm 1982, chính quyền CSVN mới có quyết định thành lập huyện đảo Hoàng Sa, trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Tuy nhiên, đến năm 2009, huyện đảo Hoàng Sa mới có ủy ban nhân dân với vài cán bộ. Giám đốc đương nhiệm của Sở Nội Vụ Đà Nẵng kiêm nhiệm vai trò chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa.
Hồi Tháng Bảy năm ngoái, tại một kỳ họp của Hội Đồng Nhân Dân Đà Nẵng, một phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Thành Phố mới nêu đề nghị, tách hai phường Thọ Quang và Mân Thái thuộc quận Sơn Trà để nhập vào huyện đảo Hoàng Sa, biến huyện đảo này thành một thực thể chính quyền có đất, có dân nhưng đến nay chưa thấy bất kỳ động tĩnh nào từ phía chính quyền trung ương.
Ông Đặng Văn Ngữ, cựu chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, vừa nhấn mạnh, Luật Tổ Chức Chính Quyền Địa Phương của Việt Nam qui định, nơi nào có chính quyền thì nơi đó phải có đầy đủ hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Riêng huyện đảo Hoàng Sa thì chỉ có chính quyền nhưng không đầy đủ các cơ quan hành chính, không có dân. Chính quyền huyện đảo Hoàng Sa không có đất vì phần lãnh thổ này bị Trung Quốc tạm chiếm. Theo ông Ngữ thì phải sớm điều chỉnh để huyện đảo Hoàng Sa vừa có đất, vừa có dân.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét