khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Cảm Ơn California - Tác giả Huy Phương



Hơn một tháng trước đây, 20 tiểu bang của miền Đông nước Mỹ đã chịu một trận bão tuyết lịch sử, trận bão tuyết đã làm khốn khổ 85 triệu dân, gây ra tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, với 42 người chết. Tại nhiều nơi ở Mỹ, nhiệt độ hạ xuống dưới độ âm, băng giá bao phủ mọi nơi, đường sá ngập tràn trong tuyết lạnh. Đài truyền hình CBS đưa tin, chỉ trong ngày 9 Tháng Mười Hai, 2015, đã có đến 1,650 chuyến bay bị hủy, hơn một nửa là tại sân bay quốc tế Dallas-Fort Worth của hãng American Airlines trong tổng số hơn 6,000 chuyến bay đã bị hủy trên toàn quốc. Tình trạng mất điện do tuyết đóng trên các đường dây, làm gãy cột điện cũng phổ biến tại các tiểu bang Virginia, Maryland, và thủ đô Washington, DC. Hàng trăm nghìn gia đình đã phải chịu cảnh sống không có điện trong đợt bão tuyết này.

May quá, tôi là người đang sống ở California với những ngày nắng ấm chan hòa, cũng khó mà tưởng tượng ra cái cảnh tuyết xuống mịt mù, lạnh lẽo, cơn gió thổi buốt xương và những ngày cực nhọc dọn tuyết để kiếm một lối ra cho chiếc xe của mình, như câu chuyện cách đây 20 năm.

Tôi đến Mỹ vào một ngày nắng ấm cuối Tháng Tám, 1990. Quá cảnh tại San Francisco, gia đình tôi được chuyển máy bay đi Ontario, một phi trường khá lớn gần nhà cô em gái đứng ra bảo trợ. Đối với những người từ vùng nhiệt đới đến Mỹ, thời tiết Tháng Tám xem như khá lạnh với chúng tôi. Đến Ontario vào lúc 8 giờ 30 tối nhưng trời vẫn còn rất sáng, làm cho tôi có ý nghĩ là người Mỹ ngủ rất ít mà làm việc quá nhiều.

Một hai tháng sau, tôi nhận ra là người Mỹ làm việc nhiều thật, mỗi người hai ba công việc. Lúc nào cũng thấy họ tất bật, uống cà phê và đôi khi ăn sáng trên xe, phần đông đều thiếu ngủ, nhiều phụ nữ rời nhà rất vội vã, còn kẻ viền mắt qua cái kính chiếu hậu trên xe nữa, nhưng tôi thì không có việc làm. Thời gian bây giờ tôi thấy những người trai trẻ khoảng tuổi tôi, 53, khi đến Mỹ rất mạnh khỏe giỏi giang, mà hồi ấy bằng tuổi này, khi đến Mỹ, tôi cảm thấy mình già nua, ốm yếu quá. Nước Mỹ giàu có, không có công việc nào cho một “thanh niên” như tôi, chỉ mới đặt chân đến Mỹ vài tháng, không biết tiếng Anh, chỉ quen ăn mì gói chứ chưa biết ăn hamburger.

Thế là tôi đành mang mối hận với nước Mỹ, chịu cảnh thất nghiệp. An ủi cho tôi là thỉnh thoảng tôi cũng thấy nhiều anh chàng tóc cả tháng không cắt, râu không cạo mang chữ “homeless” đứng đầu đường. Bạn tôi nói họ lười biếng, nghiệp ngập không chịu đi xin việc làm. Tôi không lười biếng, nghiện ngập mà cũng không kiếm ra việc, kể ra cũng oan cho họ.

Nếu nói Mỹ không có việc làm cho tôi thì cũng không công bằng. Những việc như cắt chỉ, đóng khuy trong shop may, bỏ báo, mang cái bị đi bỏ tờ rơi quảng cáo, đi lượm thùng carton, lượm lon, hay đứng ở chỗ đèn xanh đèn đỏ... thì lúc nào cũng có. Trong hoàn cảnh ấy, tôi đành phải bỏ California bốn mùa nắng ấm, khí hậu ôn hòa mà đi!

Tôi nghe lời “dụ dỗ” của bạn bè nhắm hướng Philadelphia đi tới, người ta nói đi hái trái cây cũng có tiền, mà lại tiền mặt. Tôi nhắm khu South là nơi anh em H.O. đã tụ tập từ lâu, làm việc rất vất vả, nhưng kiếm khá nhiều tiền mà ít tiêu pha. Người ta nói đúng: “Ở Mỹ, không phải có cây đô la mà ai cũng phải vất vả khó nhọc mới có tiền!” Ở đây, một người mới nhập cư vào đất Mỹ phải vất vả gấp hai lần hơn một người sống ở California.

Bạn cứ tưởng tượng có những công việc làm mà bạn phải thức dậy từ 5 giờ sáng, khi trời đất còn lờ mờ, trong cơn gió tuyết lạnh lẽo, như nghề bỏ báo, nghề này, cái cửa xe luôn luôn phải hạ xuống. Hay khổ hơn phải chờ hai, ba chuyến xe bus dưới khí trời lạnh giá để đến sở làm, và chiều đến, giờ tan sở, cũng vậy, khi bạn phải trở về nhà.

Nhưng các bạn tôi ở đây, sau trên dưới 20 năm, ai cũng có một căn nhà tươm tất và con cái khá thành đạt.

Nếu bạn là một người đã đến và sinh sống ở California năm bảy tháng rồi mà phải đến Philadelphia thì bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng. Philadelphia là một thành phố lịch sử của Hoa Kỳ có nhiều di tích lịch sử, với những khu phố, đền đài, nhà cửa tráng lệ, những cũng có những khu phố nghèo nàn đành cho những người mới đến nhập cư, đầy tội ác, trong những khu phố da đen, đường dầy dẫy những quán “bar.” Vách phố hay trường học đầy nạn vẽ bậy và trên đường phố những mảnh chai vỡ vất đầy ngoài đường. Mỗi đêm, gần như thường trực, tiếng xe cảnh sát hú còi qua những con phố một chiều, chật hẹp. Trong tâm trạng đó, đứa cháu ngoại tôi, mới lên năm, đã nói với tôi: - “Ông ngoại ơi, mình đi chỗ khác đi, đây đâu phải là Mỹ, ông ngoại!” - “Đi thì đi!” Thế là chưa đầy một tháng, gia đình tôi lại dắt díu nhau, rời bỏ Philadelphia để đi Virginia, như giã từ một mùa Đông u ám để trở lại mùa Xuân. Đúng nơi đây là mùa Xuân vì Virginia không những có lá mùa Thu đẹp mà hoa mùa Xuân cũng ngạt ngào.

Nhưng đến mùa Đông, Viginia thường chịu chung số phận của những cơn bão tuyết của miền Đông nước Mỹ. Cơn nóng chưa tan, trong nhà vừa tắt máy lạnh thì một tuần sau, người ta đã phải mở máy sưởi ấm. Tuyết xuống đêm ngày, đóng băng, rồi tuyết tan. Mùa hoa anh đào đẹp đẽ mới đây, mùa lá Thu vàng của Skyline hình như không hiện hữu ở nơi này. Tôi thấy nơi đây, hình như đời sống vất vả hơn ở California. Những căn phố mua bán, cửa ra vào có hai lớp, có những thứ cây chỉ sống được một mùa, mùa hoa nở trong những tháng Xuân cũng đem lại dị ứng cho mọi nhà, và tôi không thấy cảnh những ông già rỗi công ngồi đánh cờ trong khi một số người khác đứng bâu quanh, ngoài công viên hay trong phố chợ Việt Nam.

Đôi lúc tôi nhớ bạn bè ở xa, những bạn bè mà mỗi lúc tôi gọi họ thì họ chưa thức dậy lúc ban sáng, họ gọi tôi thì tôi đã lên giường vào buổi tối. Trong gia đình nhỏ bé của tôi, chưa có ai có một nghề nghiệp khiến phải giữ chân một chỗ. Những đứa cháu tôi, những năm tiểu học, có năm đổi ba lần trường, vì cảnh nhà thuê. Còn tôi, ngày trước tôi than không tìm ra việc, ngày nay với việc của tôi, chỗ nào cũng có, nếu chỉ cần năm, bảy đồng một giờ chịu khó đứng trong xưởng thợ. Con đường quá dài, tôi không bao giờ đi hết, dù tôi có cố gắng hết sức cũng không có nổi một căn nhà tươm tất, hay số thời gian hưu đủ mỗi năm, cứ đến mùa Hè, đi du lịch một chuyến thế giới. Tôi cũng không cần có một ngôi mộ thật đẹp trong một nghĩa trang đắt tiền đầy bóng mát nhìn xuống một hồ nước. Từ năm 1975 trở đi, tôi đã bỏ phí 25 năm cho một quãng đời thanh xuân không có gì bù đắp nổi. Trong cuộc đua đường dài, tôi không theo kịp bạn đến đích, con người ta không thể chạy lui, thì tôi đứng lại một chỗ.

Ở miền Đông, tôi thường nhớ đến California. Nhớ nắng ấm, nhớ bạn bè. Tôi có những người bạn nghèo, suốt 26 năm nay vẫn còn giữ nguyên một địa chỉ, trong khu chung cư một phòng. Tôi có nhiều bạn bè hình như thích hẹn chung một chỗ về, đó là khu đất trong Peek Family ở cuối con đường Bolsa.

Tôi thường nghe câu nói: “Hòn đá lăn hoài không đóng rêu!” Tôi là một hòn đá như vậy. Tôi đã quyết định trở về California. Các bạn đồng nghiệp người Mỹ tiễn tôi bằng một cái nhún vai hay lè lưỡi với hai chữ “động đất!” và nhiều người tin rằng rồi đây California sẽ trôi ra biển, ra biển rồi California sẽ trôi đi đâu, hay cứ tìm hướng Tây mà trôi tới?

Tôi trở về California cùng với mớ hành trang cũng như lúc bỏ California ra đi, chiếc xe hình như cũng không mới hơn nhiều so với thời gian năm năm qua. Khi tôi trở về, có nhiều bạn tôi đã sớm ra đi, mà từ đó đến nay, bạn bè bỏ tôi cũng không ít. Ít ra tôi còn viếng thăm được, thắp cho bạn một nén nhang và đưa bạn đi một quãng đường ngắn. Phần tôi, cũng như bạn, tôi đã chọn California là trạm cuối cùng.

Ở đây, chỉ cách quê nhà có một vùng biển thôi, khi chúng ta chưa chọn cho mình một quê nhà Việt Nam thì đành chọn mình một mảnh đất California.

California (dù Nam hay Bắc) vẫn được xem là chốn “gió tanh mưa máu,” thậm chí ở đây bây giờ có đến hai cộng đồng, hai hội chợ, hai tượng Đức Thánh Trần... Tại đây cũng có những cái “nhiều” đáng quý như 20 đài truyền hình, năm đài phát thanh, 20 tờ báo, có tờ phải bỏ tiền mua, nhưng cũng có tờ vứt ở chợ. Hai đặc tính của California là vui và... đông. Năm nào ở đây cũng có múa lân, đốt pháo, đôi khi còn có “bầu cua cá cọp” nữa, xem diễn hành Tết, xong ta lại đi hội chợ Tết.

Sáng nay, sau mấy ngày lạnh lẽo, trời nắng ấm, thấy đời bỗng vui, lòng hạnh phúc, muốn ra phố tìm ăn một bát phở hay uống một ly cà phê nóng, tình cờ được gặp anh chị Đàm Trung Pháp ở Houston, Texas, từ 40 năm nay, vừa mới “dọn về Nam California” được mấy tháng nay. Câu trả lời của cư dân mới của California, khi được hỏi lý do chọn nơi đây, là: “Khí hậu California quá tuyệt!”

Chừng đó thôi, cũng đủ!

Xin cám ơn California!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét