khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Vĩnh biệt, Xà Cừ! - Tác giả Khánh Phương



Lẽ nào ngày hôm nay tôi ngồi đây viết lời giã biệt với các bạn, những người bạn đại thụ thân yêu, từ hàng trăm năm qua, đã âm thầm, chắt chiu hút mạch nước ngầm từ bộ rễ khoẻ và sâu tới hàng trăm mét, toả bóng xanh tươi che chở Đền Voi Phục, một trong Tứ Trấn Linh Thiêng của kinh thành Thăng Long xưa còn lại, che chở suốt một dải đường từ ngã ba Cầu Giấy, La Thành, Kim Mã dân cư đông đúc vào bậc nhất của thành Hà Nội từ thuở tàu điện còn leng keng... những người bạn mà sự sống có lẽ chỉ còn tính thêm từng ngày, không phải vì sâu bệnh hay bất cứ lý do tự nhiên nào.
 
Đó là chưa kể hơn 700 người bạn xà cừ từ cổ thụ tới đại thụ đã đồng loạt bị bức tử trong “chiến dịch” chặt hạ cây xanh trên hai tuyến đường Nguyễn Trãi-Thanh Xuân và Trần Phú-Văn Miếu, để phục vụ xây dựng đường sắt cao tốc. Chưa kể vài trăm người bạn người bạn cây xanh khác đã thiệt mạng trên các con đường Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ... trong “chiến dịch thay cây”. Theo trang vnmedia.vn ngày 13 tháng 1 năm 2016 đưa tin, cho tới ngày 20 tháng 1, có thêm 62 cây xanh trên đường Cầu Giấy sẽ bị chặt hạ, di chuyển, trong đó có nhiều cây xà cừ cổ thụ và sưa đỏ, để phục vụ xây nhà ga tàu cao tốc. Dự tính chỉ trong quý 1 năm 2016, để thi công phần ngầm 4 km của tuyến đường sắt cao tốc Nhổn-ga Hà Nội dài 12,5km, sẽ có thêm 231 cây xanh đã vào tầm ngắm để chặt hạ.
 
Tôi biết các bạn sẽ đau dường nào khi đang khoẻ mạnh, đang hít thở, đang yêu thương, bỗng nhiên bị xẻ ngang thân mình. Cái chết của cây cũng đau đớn như cái chết của con người. Thậm chí còn đau đớn hơn. Bởi vì các bạn bị cắt xẻ nhiều lần, chết nhiều lần. Và bởi vì cái chết của các bạn sẽ kéo theo cái chết của con người, vì thiếu oxy, vì ô nhiễm, vì vô tình, vô cảm trước sự sống bị huỷ hoại.
 
Viết tới đây, tôi xin được dừng để gửi lòng biết ơn của cá nhân tôi đến những vị trung niên, những bạn thanh niên đang mang ruy-băng xanh, chỉ là những dải ruy-băng mỏng manh, tới các con đường để thay lời cây xanh kêu cứu. Các bạn đang làm thay phần công việc mà tôi cũng phải và sẵn sàng tham gia. Các bạn đang gánh vác thay cho tôi những bất trắc và nguy cơ có thể đến khi bạn đang chỉ làm một công việc bình thường là bảo vệ môi trường sống.
 
Chặt hạ tới con số hàng ngàn cây xanh trong đó phần nhiều là cổ thụ, đại thụ không bị sâu bệnh, để xây dựng đường sá, công trình hạ tầng, là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử xây dựng của bất kỳ quốc gia hay thành phố nào trên thế giới. Cây xanh được mọi quốc gia trân quý và giữ gìn, đặc biệt là các cây đại thụ, cổ thụ, được xem như báu vật quốc gia mà toàn thể người dân đều bảo vệ, chung sống.
 
Một người bạn xa của tôi sống ở Budapest, chị Ildiko Sebok, tên Việt Nam là Hà Thị Kim Liên, kể cho tôi nghe một câu chuyện cảm động. Trong vườn chị có một cây dâu tằm lớn, đứng đó đã nhiều năm nay. Cây dâu ra trái chín gọi từng đàn chim kéo về ăn mà tiếng hót kỳ diệu “như xoá đi trái tim tôi” (Ildiko). Nhưng người hàng xóm khó tính của chị không hài lòng vì những trái dâu chín rụng xuống lối đi nhà họ. Chị Ildiko bị kiện ra toà án quận và nhận phán quyết sẽ phải chặt cây. Chị thương cây dâu đứt ruột, đứng ngồi như lửa đốt vì sắp đến ngày phải thực thi phán quyết của toà. May sao, vừa lúc đó, chính phủ Hungary ra lệnh: không được chặt bất kỳ một cây xanh nào trên toàn lãnh thổ đất nước, trừ phi có lý do liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. “Phép màu” đến từ trí tuệ sáng suốt và lòng nhân từ đã cứu sống cây dâu của chị Hà Thị Kim Liên. Tôi viết những câu thơ về chị, về tình yêu mà chị dành cho thiên nhiên: “... Người đàn bà mái tóc đã nhạt màu. Ôm cây dâu vào lòng.”
 
Có nhiều phương án quy hoạch xây dựng đường sá, hạ tầng và cả quy hoạch trồng cây, thảm cỏ khả thi để có thể tránh được việc xâm phạm di sản cây xanh, di sản văn hoá của Hà Nội, Saigon hay bất cứ thành phố nào khác. Để làm được việc này, các nhà khoa học, trí thức và toàn thể người dân phải được quyền tham gia bàn bạc, tư vấn, góp ý và phủ quyết; chứ không phải một nhóm người, bừng bừng “tinh thần dự án”, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, toàn quyền sinh sát thẳng tay triệt hạ nguồn lợi lâu dài và vẻ đẹp, nếu đã mất không bao giờ còn có thể khôi phục của thành phố Ngàn Năm.
 
Trước đây, vài trăm nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, tướng lĩnh, nhân sĩ, trong và ngoài nước, người Việt và người nước ngoài đã nhất tề đứng ra can gián dự án Bauxite Tây Nguyên, “nên chờ vài chục năm nữa, khi trình độ khoa học phát triển hãy nghĩ tới khai thác để đảm bảo an toàn cho môi trường và dân sinh”. Hàng trăm trí thức tiếp tục ký tên vào bức thư ngỏ gửi tới các ông Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Nga, trong một cố gắng tuyệt vọng, đề nghị những con người sáng suốt này không cộng tác, giúp đỡ dự án điện hạt nhân sẽ xây dựng tại Phan Rang. Con số lỗ khổng lồ của nhà máy bauxite Tân Rai khi đi vào hoạt động và số lỗ này sẽ còn duy trì vài chục năm kế tiếp là câu trả lời thật rõ ràng. Tây Nguyên, mái nhà chung về quân sự của toàn bán đảo Đông Dương, mái nhà chung về văn hoá của các tộc người gốc Asean trong đó có người Việt, đã bị xâm phạm. Với trình độ quản lý yếu kém và đạo đức con người khủng hoảng như hiện nay, hai dự án Bauxite tại Tây Nguyên và hai dự án điện hạt nhân tại Phan Rang đi vào thực thi chính xác là đem sinh mạng quốc dân đùa với lưỡi hái tử thần.
 
Việc đi ngược lại lòng dân và đi ngược lại các nguyên lý khoa học đang gây ra thảm trạng nhỡn tiền.
Khi xấp xỉ một ngàn cây xanh ở Hà Nội vừa bị chặt hạ, cơn lốc tố kinh hoàng đầu mùa thu 2015 lập tức tàn phá hàng loạt các công trình dân sinh, gây lụt lội chưa từng thấy trong vòng 100 năm nay. Đó không phải là hiện tượng thiên tai bất thường mà chỉ là câu trả lời của Mẹ Thiên Nhiên, khi mái nhà xanh che chở cho thành phố không còn nữa.
 
Một chi tiết khó hiểu, đó là xấp xỉ 1000 cây, đa phần là cổ thụ, đại thụ ở Hà Nội đã bị đốn hạ, nhưng số gỗ thu được đem ra bán đấu giá cho ngân sách lại chỉ có tổng cộng 375,83 mét khối gỗ xà cừ và các loại khác, thu được 1 tỷ đồng, theo Vietnamnet 24/07/2015.
 
Cây xanh không chỉ là tài nguyên. Không chỉ là vẻ đẹp. Cây xanh là bài học đầu đời cho mọi con người về tình yêu, lòng sẻ chia, đùm bọc, tinh thần cộng đồng, lòng trung thực, sự cống hiến. Cây xanh chính là sự sống. Không có sự phát triển nào hay “tinh thần dự án” nào xứng đáng được trả giá bằng sự sống hay bằng mối liên kết giữa con người.
 
Cây không có tội, chỉ lòng tham của con người đã biến cây thành kẻ cản đường họ. Cây cho bạn nhiều hơn những gì bạn tưởng. Khi cây đã bị sát hại rồi, thì những điều bạn tưởng là bạn đã giữ trọn vẹn khi im lặng nhìn cây bị giết, ví dụ như căn nhà êm ấm của bạn, thu nhập của bạn, chiếc xe hơi của bạn, tương lai của con cái bạn... đều không còn được bảo vệ an toàn như trước, như khi cây còn tồn tại.
 
Nếu ngày mai, tất cả chúng ta cùng không tỉnh ngộ. Nếu ngày mai, khi lưỡi cưa máy nghiến ngang thân mình những người bạn tốt nhất của chúng ta trước những giọt nước mắt đau xót và phẫn uất của một số ít, trước sự đồng loã bằng im lặng của hầu hết những con người mà trong sâu thẳm hẳn cũng vô cùng đau xót khi cây xanh - sự sống bị triệt hạ, điều đó cũng có nghĩa là tất cả chúng ta đã quay lưng lại với lòng tốt và nhân tính của chính mình.
 
Đừng bao giờ bạn hỏi rằng tại sao tội ác ngày càng lộng hành dã man và công khai thách thức mọi tầng lớp trong xã hội. Đừng bao giờ bạn hỏi rằng vì sao Việt Nam đứng thứ nhất từ dưới lên trong bảng xếp hạng những cống hiến cho sự phát triển của con người. Đừng hỏi tại sao phụ nữ Việt làm điếm nhiều nhất Đông Nam Á và cô dâu Việt bị rao bán như một món hàng có kèm khuyến mãi trên internet. Đừng hỏi tại sao dân Việt chết vì ung thư nhiều nhất thế giới...
 
Vĩnh biệt Xà Cừ. Vĩnh biệt lòng tốt và phẩm giá.
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét