Ca sĩ KIm Ngân thời son trẻ |
Cư dân gốc Việt sống tại Little Saigon không ai xa lạ với hình ảnh người phụ nữ gầy rạc, nhem nhuốc, đen đủi, vai đeo cái túi, tay cầm ly cà phê dang dở, hàng ngày đi lang thang dọc theo lề phố Bolsa.
Người phụ nữ bước đi, lúc lầm lũi, yên lặng, lúc bỗng dưng hung dữ, vô cớ chửi bới vang trời. Ít người biết, người phụ nữ này từng là hoa khôi, là ca sĩ của Little Saigon, những năm 80 của thế kỷ trước.
Ông Lý Văn Điệp, cư dân Westminster, nhìn người đàn bà đang trong cơn thịnh nộ qua cửa kính xe hơi. Ông quay kính xuống, lắc đầu rồi nói: “Tội nghiệp!”
Bà Phan Hoàng Yến, chủ nhà sách Tú Quỳnh nói về người đàn bà này bằng giọng nhỏ nhẹ: “Mỗi lần cô ấy vô đây, tôi phải nhẫn nhịn, yên lặng để mặc cô ấy muốn làm gì thì làm. Coi vậy chứ rất khó vì nhiều lần, cô ấy la lối um sùm làm khách lạ sợ hãi. Khách quen thì họ quá biết cô ấy là người vô hại nên làm lơ. Tôi coi cô ấy như con cháu trong nhà thôi. Cô ấy ra chơi ngoài này từ hồi xưa rồi."
Bà nói với giọng thông cảm: “Con người ai cũng có lúc thoải mái, lúc bực bội. Người tỉnh táo thì mới biết kiềm chế chứ. Hồi đó cô ấy cũng tiểu thơ khuê các chớ đâu phải thường.”
Rất nhiều lần, “bà điên homeless” này, vì không vừa ý điều gì đó, đã đổ ly cà phê trên tay lên sách vở của nhà sách Tú Quỳnh. Bà quơ tay, quơ chân chửi bới oang oang một lúc rồi ... trở nên bình thường.
“Vì biết quá khứ cô ấy, tôi ráng mà chìu sự phá phách của cô thôi. Được cái là cô không bao giờ hành hung người khác nên tôi cũng yên tâm,” bà Yến cho biết.
Bà chỉ cuốn sách mang tựa đề “Share Phòng, Share Tình” của tác giả Lâm Tường Dũ. Hình bìa là một cô gái trẻ có khuôn mặt vô cùng lôi cuốn: “Đó, cô ấy hồi trước đó. Đẹp như công chúa mà bây giờ như vầy, ai mà không thấy thương.”
Bà nhấn mạnh: “Hồi đó cô ấy là một ca sĩ, rất đẹp. Ca sĩ Kim Ngân.”
Nhà hàng Thành Mỹ cũng là một nơi từng biết về cựu ca sĩ Kim Ngân. Bà chủ nhà hàng, được mọi người gọi là “cô Ba nhà hàng Thành Mỹ”, thường giúp đỡ bà Kim Ngân.
"Cô Ba" kể: “Kim Ngân ghé đây thường lắm. Được cái là cô ấy chưa bao giờ lớn tiếng hay phá phách ở đây. Vô đây, cô ấy chỉ khi thì xin tiền, khi thì xin đồ ăn. Chỉ qua cách cô ấy 'order' đồ ăn là mình biết ngay đây là người có một quá khứ 'ngon lành' lắm. Tô phở phải có rau giá thiệt tươi, và phải sắp xếp trên đĩa thiệt đẹp mới chịu ăn.”
“Thường thường, ăn xong, cô ấy vô 'restroom' lau chùi mình mẩy rồi chải tóc,” bà thêm.
“Cô Ba nhà hàng Thành Mỹ” nhận xét thêm về Kim Ngân: “Hút thuốc lá thì cô ấy tự ra ngoài chứ không cần ai nhắc. Nhiều lần nhìn phong cách của Kim Ngân, cách cầm điếu thuốc, cách đưa lên miệng hút, tôi thấy một cái gì rất 'oai', rất 'sang trọng, quí phái. Cuộc sống khổ cực, theo tôi, không làm mất đi tiềm thức của cô.”
Các nhân viên tiệm Food to Go Hương Hương, Westminster, thường giúp bà Kim Ngân bằng cách bán thức ăn với giá rẻ. Họ nói: “Cô ấy chưa bao giờ xin nên chúng tôi bán giá đặc biệt. Cô ấy hay gây gỗ với khách làm tụi tôi khó xử. May là cô chưa tấn công ai bằng chân tay hết.”
Họ nói thêm: “Trời ơi, coi vậy chứ cô này đài các lắm, kiếm chuyện chê bai đủ thứ chứ không phải thường đâu.”
Khắp phố Bolsa, hầu như ai cũng cảm thương người ca sĩ trẻ đẹp trong quá khứ, từng ngấp nghé ngưỡng cửa của thành công, rồi lại lâm vào cảnh không may đến nỗi phải ra nông nỗi này.
Quá khứ chìm sâu trong trí óc rối bời bời như mớ bòng bong, không dễ dàng trở về chút nào. Kim Ngân cũng thế.
Kiều nữ một thời của Little Saigon phải cố gắng lắm thì quá khứ mới về dần, từng đợt, từng đợt. Quá khứ ấy lẫn lộn với những ưu tư, đôi khi đến vớ vẩn, của cuộc sống hiện tại; nên thoạt nghe, người ta tưởng rằng tất cả những gì thốt ra từ miệng chỉ là một chuỗi lảm nhảm của một người mất trí.
Để có thể nghe được từng nốt thăng trầm của cuộc đời một người từng làm các vũ trường, sân khấu ca nhạc Little Saigon hực cháy vì dung nhan đầy ma lực của mình, chỉ cần kiên nhẫn một chút. Vâng, hãy kiên nhẫn lắng nghe bà, với chút tình người, và cả một chút cảm thông.
Điều đầu tiên mà những người từng biết bà, nay nhắc lại, là: Bà từng là một người rất đẹp, cái đẹp có hấp lực mê hồn, pha chút liêu trai.
Hãy lắng nghe bà Kim Ngân nói về đời mình: “Kim Ngân sang đây năm 1975 với má và hai em, một gái, một trai. Năm đó Kim Ngân 12 tuổi và không rành tiếng Việt vì hồi ở Việt Nam chỉ học tiếng Pháp từ lúc 5 tuổi, cho tới khi đi Mỹ.”
Bà ngừng nói, dùng những ngón tay xinh xắn thuôn dài, những ngón tay cáu đen đất cát không dấu được nét thanh tao của một thời đài các, xé nhỏ miếng chả lụa trong đĩa bánh cuốn, cho vào miệng rồi trệu trạo nhai trong cái miệng không đủ răng. Phải một lúc lâu mà mới nuốt được một miếng nhỏ.
Rồi bà quay lại câu chuyện, nhớ lại từng chi tiết, một cách khó khăn. Khi chưa rời Việt Nam, gia đình Kim Ngân ở đường Hoàng Diệu, khu Khánh Hội, và thân mẫu làm “tài pán” cho vợ chồng ông Ưng Thi, chủ rạp ciné Rex ở Quận Nhất, Sài Gòn.
Bà khẽ nhăn vầng trán nhỏ nhắn mịn màng gần bị nắng mưa tàn phá, chớp cặp mắt tinh anh, cố đuổi bắt một kỷ niệm đẹp rồi nhoẻn cười, nhỏ nhẹ khoe: “Tất cả là nhờ bố Hải. Bố thương Kim Ngân lắm, bố chỉ cho Kim Ngân hát hoài.”
Thật vậy, người dẫn dắt cô bé 22 tuổi Kim Ngân vào con đường văn nghệ năm 1983 là nhạc sĩ Trường Hải.
“Bà xã tôi quen với mẹ Kim Ngân là bà Võ Thị Nhơn, có tên Mỹ là Annie. Lúc ấy Kim Ngân còn trẻ lắm và vô cùng xinh đẹp mà cũng biết ca chút ít nên tôi mời cháu hát bản 'Không!' của Nguyễn Ánh 9 cho cuốn video đầu tiên của Trung Tâm Trường Hải tại Hoa Kỳ mang chủ đề 'KHÔNG!',” nhạc sĩ Trường Hải kể.
Video “KHÔNG!”, sản xuất năm 1983, là cuốn video Việt Nam đầu tiên được sản xuất tại hải ngoại. Ngoài Kim Ngân còn có những giọng ca kỳ cựu như Trường Hải, Elvis Phương, Lê Uyên Phương, v.v..
Ông lặng người hồi tưởng rồi khẽ khàng nói: “Ấn tượng đầu tiên của tôi về Kim Ngân là cô rất đam mê ca hát mặc dù giọng hát của cô không phải là xuất sắc, cô lại không rành tiếng Việt cho lắm. Phải mất thời gian tập luyện rất công phu mới thu âm xong bài ‘Không!’”
"Nhưng chỉ thấy mặt cô là tôi không cần phải lo." Ông Trường Hải thú nhận. "Quả thật cô ca bài đó rất có ‘lửa’ và cuốn băng ấy bán rất chạy và được rất nhiều người khen.”
"Vua Guitar" Trung Nghĩa, “Mười ngón tay vàng,” cũng không quên được vẻ đẹp của ca sĩ Kim Ngân thời ấy. Ông khẳng định: “Kim Ngân vào thời 1985 là một mỹ nhân của Bolsa. Đệ nhất mỹ nhân, chẳng thua kém ai cả. Kim Ngân đẹp kinh khủng. Vừa đẹp vừa sang cả như một tiểu thư trong cổ tích. Tất cả mọi phòng trà thời đó, chỉ cần có in hình cô là bán hết bàn; không cần biết có cô trình diễn hay không.”
Ca sĩ Kiều Nga vui vẻ nói về Kim Ngân: “Chị Kim Ngân rất ‘sexy,’ dễ thương và cởi mở với tất cả mọi người. Chị ấy đẹp tới nỗi đàn bà cũng phải mê.”
Nhạc sĩ Anh Tài cũng có ấn tượng riêng về Kim Ngân. “Nhắc tới Kim Ngân là tôi nhớ một bản nhạc Pháp, duy nhất – Adieu Sois Heuse. Không thể nào quên được Kim Ngân hát bài này,” ông nói.
Bà Kim Ngân cười nhưng nghiêm giọng: “Muốn hay, mỗi bản nhạc phải có linh hồn riêng.”
Ca sĩ Giáng Ngọc cũng nhớ rõ quãng thời gian ca sĩ Kim Ngân trình diễn chung sân khấu với nhóm “Ma Nữ Đa Tình” gồm năm ca sĩ Giáng Ngọc, Thúy Vi, Zaza Minh Thảo và Ngọc Anh và Linda Trang Đài. Giáng Ngọc kể: “Chị Kim Ngân rất đẹp, nhưng đặc biệt, rất bình dị, dễ thương và hòa đồng với mọi người. Nhạc chị hát có vẻ nhộn nhịp hơn ca sĩ Ngọc Lan.”
Bà Kim Ngân cố tìm tòi trong ký ức rồi gật đầu: “’Ma Nữ Đa Tình’ ‘quậy’ lắm. Người nào cũng nhảy giỏi, hát hay và tốt bụng. Mỗi lần lên sân khấu là đàn ông, con trai la hét vỗ tay quá trời. Vui ơi là vui.”
Ông Triệu Thái Hòa, cư dân Fountain Valley, là khán giả rất "trung thành" của Kim Ngân. Để tả về nhan sắc cô, ông có ba chữ: Yêu kiều, khả ái và mê hồn.
Ông cười bẽn lẽn nói: “Hồi năm 1986, tôi còn ở Dallas, Texas. Lần đầu tiên được nhìn thấy cô bằng xương, bằng thịt, chân tay tôi rụng rời, còn tim thì ... đứng im. Tôi ngộp thở. Mà tôi đâu phải mới lớn đâu. Lúc đó tôi có bốn đứa con, ba người vợ - hai bà ở Việt Nam, một bà mới cưới bên này. Nói thiệt, lúc đó, chỉ cần Kim Ngân gật đầu một cái, tôi sẵn sàng bỏ tất cả để theo cô.
"Gia đình tôi gốc Hồng Kông, tôi dư tiền lo cho cô sang giàu suốt đời. Tới năm 1997, khi nghe cô ấy ca tôi vẫn còn nghĩ vậy mà,” ông Hòa tình thật nói.
Ông Trần Hữu Hoan, ngụ tại Westminster, cũng từng bị sắc đẹp của ca sĩ Kim Ngân lôi cuốn: “Lần đầu nghe Kim Ngân hát ở vũ trường Majestic, cô bạn gái của tôi tên Hoa, vì thấy tôi ngẩn mặt ra nhìn Kim Ngân nên cô ấy hất đổ ly rượu trên bàn ướt lênh láng rồi hùng hục giật bóp bỏ về. Còn tôi thì mãi nhìn Kim Ngân trên sân khấu nên không muốn chạy theo. Người đâu mà xinh xắn lại nóng bỏng lạ lùng.”
Ông Nam Nguyễn, cư dân Westminster, dường như có vẻ “cứng rắn” hơn. Ông kể: “Nhan sắc của Kim Ngân làm đàn ông say hơn say rượu nặng. Tôi không mê cô chút nào, nhưng hồi đó, cô hát ở đâu là tôi có mặt ở đó. Có lần tôi phải bay qua New Orleans (Louisiana), để ngắm cô vì hơn ba tháng liên tiếp cô không hát ở đây (khu Little Saigon).”
“Lúc đó tôi mới hiểu rằng nếu anh em, bạn bè mà bỏ nhau vì cô, tôi chấp nhận,” ông thêm.
Bà Diễm Hoàng, ngụ tại Fountain Valley, lại có nhận xét khác: “Tôi thì nhớ là hồi đó cô này lên sân khấu là nhảy nhót, uốn éo như con điên.”
Năm 1982, ca sĩ Kim Ngân lấy chồng là Nguyễn Tiến Bắc, em trai bà Dương Thị Thanh Lan, giám đốc trung tâm phát hành băng nhạc Thanh Lan, năm cô 19 tuổi. Họ có hai đứa con gái, Mai Khanh và Thúy Anh.
Bà Kim Ngân nói: “Mai Khanh lớn hơn Thúy Anh 3 tuổi, năm nay 30 tuổi rồi.” Thở dài, mắt nhìn xa xăm một lúc, bà hỏi một câu hỏi rất đàn bà: “Con lớn như vậy Kim Ngân có già không?”
Đến năm 1993 thì Kim Ngân không ở với ông Tiến Bắc nữa. Hỏi về chuyện này, bà lặng thinh một lúc lâu rồi thở dài và hỏi: “Chuyện vui không nói, sao nói chuyện buồn? Đàn ông mà, không ai có linh hồn hết.”
Đã có lúc bà có trung tâm phát hành băng nhạc riêng – Trung tâm Kim Ngân (gần tiệm Hủ Tiếu Thanh Xuân ngày nay).
Thế rồi, đến một lúc, Kim Ngân thay đổi. Các đồng nghiệp nói bà bắt đầu trễ nãi, không đúng hẹn, ăn nói không cẩn thận và lem nhem tiền bạc làm nhiều người không hài lòng. “Kim Ngân buồn thì ‘chơi’ cho đỡ buồn chứ đâu có lường gạt ai đâu mà xấu xa,” bà phân bua.
Năm 1996, bà Kim Ngân có thêm một đứa con trai nữa. Đứa bé này được nhân viên Sở Xã Hội đến đem đi. Lúc đó em bé vừa một tuổi.
Ca sĩ Lê Uyên nói với giọng thương tâm: “Thấy thương, tôi đưa hai mẹ con về ở chung cả năm. Trời ơi, thằng nhỏ hơn một tuổi mà nhỏ xíu như đứa bé bốn tháng. Nó cũng không biết đi vì mẹ nó cứ cặp nó trên nách suốt ngày. Mà lại còn thiếu ăn nữa. Nhà có sữa mà mẹ nó chỉ cho bú nước mới lạ lùng. Mình cho nó bú thì Kim Ngân không chịu.”
Thời gian này, trí óc bà Kim Ngân vẫn còn lúc tỉnh, lúc mê.
Kim Ngân khoe là vào năm 2003, bà vẫn còn vừa đi hát vừa học làm răng giả. Bà nói: “Khi đó tôi ở Fountain Valley. Hát không đủ tiền nên tôi ráng kiếm nghề đàng hoàng nuôi con.” Lúc này, con bà đã không ở với bà rồi.
Hỏi về đứa con trai, bà Kim Ngân lộ vẻ bực bội: “Hai đứa lớn, người ta bắt đi vì Kim Ngân làm biếng, không chịu bồng con. Đứa này, mình bồng ngày, bồng đêm mà cũng tới bắt mất tiêu.”
Bà Yến bỏ cuốn sách có hình ca sĩ Kim Ngân trẻ đẹp xuống, bà nói: “Đã có mấy lần các nghệ sĩ tổ chức ca nhạc gây quĩ cho Kim Ngân. Họ thương cô ấy lắm."
“Có. Tôi và Trung Nghĩa cùng một số ca sĩ khác từng tổ chức buổi văn nghệ ngay tại tòa soạn báo Người Việt quyên tiền cho Kim Ngân. Được một số tiền nhưng không dám đưa hết cho cô ấy vì sợ cô ấy hút chích. Tôi chỉ giữ $3,000 để mua thức ăn cho hai mẹ con Kim Ngân thôi,”ca sĩ Lê Uyên kể.
Bà Yến nói: “Má Kim Ngân cũng nhiều lần khuyên cô ấy cai nghiện nhưng không được. Cô ấy nói rằng mình là người tự do và không chịu bị nhốt vô một chỗ.”
“Bây giờ không ai biết Kim Ngân có trợ cấp xã hội hay không và có chịu uống thuốc tâm thần hay không,” bà Kim Yến lắc đầu cho hay.
Ông Daniel Rascon, ngụ tại Westminster, biết bà Kim Ngân mười mấy năm trước khi bà hay vào khu nhà tiền chế, mobile home, là khu ông ở, có tên Rancho de Sol tại góc đường Bolsa và Brookhurst. Ông nói: “Cô ấy giới thiệu tên mình là 'Kim' nhưng tôi hay gọi cô là 'Olivia' vì cô gầy như một nhân vật phim hoạt hình tựa đề 'Popeye'.”
“Tôi cho cô ở trong mobile home với tôi một thời gian. Nhà chật nên cô ngủ trên air mattress (giường bơm hơi). Tôi nhớ là cô rất ít ngủ. Ban đêm, cứ chừng một tiếng cô lại ra ngoài hút thuốc hay làm gì đó với vài người quen nữa. Tôi hỏi họ là ai thì cô nói là 'boss' của cô. Sau đó tôi gặp trục trặc hôn nhân nên dọn đi nơi khác. Tôi quay lại nhà này cách đây bốn năm. Năm ngoái, cô đến gõ cửa nhiều nhà trong khu này xin vô ở. Tôi nhận ra cô nên đồng ý,” ông Rascon phân trần.
“Gần đây, một người đàn bà trong gia đình cô, tên Jan hay Jane, tôi không rõ, có tiếp xúc với tôi qua điện thoại và đề nghị mua mobile home của tôi để cô Kim ở luôn nhưng tôi chưa quyết định,” ông Rascon cho hay.
Ông kể rằng nhiều lần ông về trễ nên bà Kim Ngân phải đứng tựa lưng vào tường chờ đợi rất mệt mỏi. Ông cũng nói bà cứ nằm tạm ở trước cửa ra vô cho đỡ mệt nhưng chưa bao giờ bà làm vậy. Bà Kim Ngân quắc mắt: “Kim Ngân đâu phải con chó giữ nhà. Con người phải giữ linh hồn chứ.”
Theo lời ông Rascon, lần cuối bà Kim Ngân về nhà ông là ngày 11 Tháng Mười Hai, 2015. Ông mừng cho bà Kim Ngân đã có người chăm sóc.
Bà Kim Ngân gọi người đàn bà này là “má Yến.” Kim Ngân kể: “Má Yến lo cho Kim Ngân chỗ ăn, chỗ ở bên này. Kim Ngân không phải 'homeless'.”
Hiện thời, bà Võ Thị Nhơn, mẹ bà Kim Ngân, đã tái định cư tại Việt Nam và cũng đã có lúc đưa bà về nước nhưng sau đó Kim Ngân lại đòi quay lại Mỹ. “Mình ở xứ này quen rồi. Quen người ta, quen con đường. Con đường có linh hồn của nó.” bà Kim Ngân nói.
Ca sĩ Lê Uyên đang dự trù tổ chức một buổi văn nghệ nữa để giúp Kim Ngân trong thời gian tới. Bà mong sẽ được khán giả mọi nơi đến tham dự đông đảo. “Vấn đề khó nhất bây giờ là phải làm sao cho Kim Ngân ăn mặc sạch sẽ và có mặt hôm đó,” ca sĩ Lê Uyên chia sẻ nỗi lo.
Để đóng góp cho chương trình này, nhạc sĩ Trường Hải gởi tặng một poster chính gốc cho video "KHÔNG!" để kỷ niệm thành quả đầu tiên của bà Kim Ngân năm 1983.
Dưới màn nước tầm tã của trận bão El Nino, bà Kim Ngân, toàn thân ướt sũng, vẫn cầm ly cà phê lủi thủi đi bên lề con đường Bolsa trơn trượt. Không rõ bà có biết trời đang mưa.
Một điều được bà nhắc đi, nhắc lại một cách bực bội và đay nghiến, mỗi khi bà nói về đàn ông. Bà gằn giọng: “Đàn ông Việt Nam ai cũng có một câu giống nhau: ‘Anh có nhiều bạn gái nhưng mà anh chỉ yêu có mình em’.”
Dư âm của một tình khúc buồn cho những linh hồn quá khứ?
Bà Kim Ngân năm 2016 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét