khktmd 2015
Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015
Viết Từ Hà Nội: Nghĩ Về Nước Mỹ- Tác giả Nguyễn Việt
Tác giả là một nhà giáo đã 82 tuổi, viết từ Hà Nội, với niềm tin “Rồi sẽ sớm đến ngày người gây lỗi nhận lỗi với đồng bào, giúp cho hai bên có thể ngồi lại trao đổi với nhau...” Bài được phổ biến toàn văn, không biên tập sửa chữa. Tác giả tự giới thiệu: “Tôi là Nguyễn Việt (bút hiệu), 82 tuổi, dạy Vật Lý ở trường CĐSP, cựu học sinh trường Chu văn An (1947 - 48), trường Nguyễn Trãi (1948 - 51), trường Albert Sarraut (1951 - 54), Hà Nội, gia đình thuộc tầng lớp trên, không phải đảng viên CS. Hiện nghỉ hưu ở quê tại Hà Nội.” Sau đây là bài viết của ông, bắt đâu bằng “Vài lời bộc bạch.”
Đọc mục Người Việt xa xứ ở báo Lao Động cuối tuần, và qua thư từ trao đổi với họ hàng, bạn bè sống ở Mỹ, tôi hiểu qua tình hình của bà con.
Mới đây được tặng cuốn Viết Về Nước Mỹ lần thứ XV của quý báo xuất bản năm 2014, tôi nảy ra ý nghĩ viết một bài gửi quý báo để quý báo cũng như đông đảo bà con biết thêm về những suy nghĩ, những tình cảm của một ông già sống trong nước trải qua mấy chế độ, mấy cuộc chiến, đối với nước Mỹ, đất nước mà bà con hàm ơn nhiều, coi như từ một góc nhìn khác.
Trong thâm tâm tôi thấy dân VN chúng ta ai cũng yêu nước, không bao giờ quên Đất Mẹ dù ở đâu, chịu khổ đau đã nhiều, đã đến lúc nên tìm cách xích lại gần nhau, như ở phần cuối bài tôi đã viết.
Vài lời bộc bạch mong được chia xẻ.
Kính thư
Nguyễn Việt
*
Tháng 7 – 2015 một đứa cháu đang dạy học ở Mỹ về thăm, mang theo cuốn sách dày 640 trang “Viết Về Nước Mỹ - năm thứ XV” - quà tặng của mẹ cháu, vốn là bạn cũ hiện đang sống ở Mỹ - một tuyển tập những bài của đồng bào gửi đăng trên Việt Báo, kể lại những câu chuyện về hoàn cảnh của mình, thân phận của mình trước và sau khi đến định cư ở Mỹ. Nhìn tôi đoc lướt qua phần giới thiệu có vẻ thích thú, cháu gợi ý: Bác cũng có thể viết bài dự thi gửi cho báo với tư cách là một người Việt ở trong nước, nói lên những cảm nghĩ của bác về nước Mỹ.
Ừ nhỉ, mình có thể viết, sao lại không viết chứ!
Với tôi, nước Mỹ lạ mà không lạ. Lạ do tôi chưa bao giờ sang Mỹ, chắc bây giờ so với những gì tôi được học về nước Mỹ trước đây có nhiều đổi thay. Không lạ do tôi biết đến nước Mỹ từ khi còn học phổ thông, biết nước Mỹ nằm ở Bắc Mỹ, phía bắc giáp giới với Canada, phía nam, với Mexico, phía đông và tây, với Đại Tây Dương và Thái Bình Dương; trước đây là thuộc địa của đế quốc Anh, hiện nay là một nước gồm 50 bang, có 2 bang ở cách xa là Alaska và Hawai, có cờ “sao và vạch” nên còn được gọi là nước Hoa Kỳ.
Trước khi trở thành một nước hùng mạnh và dân chủ như hiện nay, nước Mỹ đã phải trải qua hai cuộc nội chiến, một cuộc giữa những người da trắng nhập cư từ châu Âu và những cư dân bản địa – người da đỏ, có thể gọi là cuộc xâm lăng của người da trắng, rất dai dẳng, rất tàn ác, rất đẫm máu, kèm theo các cuộc buôn bán người da đen được chở từ châu Phi trên những con tầu buôn nô lệ, đến làm nô lệ cho những chủ đồn điền trông bông ở miến Nam, hoặc các quý ông chủ nhà băng hay chủ các hãng buôn lớn ở miền Bắc; Một cuộc chiến nữa vô cùng khốc liệt giữa 2 miền Nam – Bắc với trận chiến đẫm máu Gyttesburg (1 đến 3-7-1863).
Một số tiểu thuyết do người Mỹ viết, như “Người Mohican cuối cùng”, “Túp lều bác Tom”, “Nanh trắng”… càng giúp tôi hiểu thêm nước Mỹ.
Lịch - sử - hình - thành nước Mỹ có những trang tàn nhẫn, đẫm máu khiến người ta ghê sợ, không thể tán thành, song lịch - sử - xây - dựng nước Mỹ lại đem đến cho nhân loại nhiều bài học quý báu, vô giá.
Trước tiên là bản Hiến pháp Hoa Kỳ. Đây là bản Hiến pháp đã có từ lâu, tồn tại lâu dài, chưa hề phải làm lại mà chỉ có thêm các “tu chính án” do thực tế cuộc sống phát triển đòi hỏi bổ sung, chứng tỏ đó là một văn bản mang trong mình những chân lý khách quan của nhân loại, mà ai ai cũng phải công nhận. Thứ đến là cách cư xử hợp tình hợp lý của miền Bắc đối với miền Nam sau khi chấm dứt nội chiến.
Ngày 19-11-1863, chỉ hơn 4 tháng sau trận chiến Gyttesburg, chính quyền Liên bang Mỹ đã cho lập Nghĩa trang quốc gia Gyttesburg, nơi chôn cất khoảng 7.500 tử sĩ và mấy ngàn xác ngựa trên khoảnh đất rộng cỡ 69.000 mét vuông. Tại buổi Lễ Cung hiến nghĩa trang, tổng thống Abraham Lincoln đã đọc bài diễn văn lịch sử cực ngắn chỉ có 271 từ mà sau này được đánh giá là văn bản bằng tiếng Anh hay nhất, trong đó ông nhắc đến “mọi người sinh ra đều bình đẳng” và tôn vinh tất cả mọi binh sĩ đã ngã xuống, không hề phân biệt là thuộc miền Bắc hay miền Nam.
Rồi năm 1865 sau chiến thắng của miền Bắc, mọi quân nhân của cả 2 miền đều được giải giáp hồi hương, mọi công dân đều được đối xử bình đẳng không phân biệt Nam hay Bắc, miền Bắc không lấy thế bên thắng cuộc áp bức miền Nam. Chính cách đối xử nhân bản này đã lấp đầy hố chia rẽ Nam – Bắc, thống nhất được lòng người, cùng góp sức xây dựng đất nước mà không cần đặt ra vấn đề hòa hợp – hòa giải dân tộc.
Thứ nữa là việc thực thi quyền tự do dân chủ cho người dân ở Mỹ với đặc thù là chỉ tồn tại 2 đảng luân phiên nhau cầm quyền là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, lúc đảng này cầm quyền thì đảng kia là đảng đối lập, chuyên phản biện các chính sách của đảng cầm quyền khiến cho quyền tự do dân chủ của người dân được đảm bảo. Tất nhiên bức tranh xã hội chưa thật hoàn hảo, vẫn còn có người thất nghiệp, vẫn còn tệ phân biệt chủng tộc điển hình là Đảng 3K Ku Klux Klan, song thất nghiệp ở mức thấp và điều đáng quý là mọi công dân đều có cơ hội thành đạt ngang nhau trong xã hội, đặc biệt là cho đến nay không ở đâu trên thế giới, trừ ở Mỹ, có một tổng thống người da đen gốc Kenya.
Hiện nay lác đác có nơi, có người còn gọi nước Mỹ là đế quốc Mỹ. Trước đây có thời gian nước Mỹ có thuộc địa là Philippines, song từ sau Thế Chiến II (1939 – 1945), tổng thống Mỹ đã tuyên bố chống chủ nghĩa đế quốc, trả lại độc lập cho Philippines thì làm gì còn đế quốc Mỹ. Rồi do các nước Châu Âu đều bị kiệt quệ sau chiến tranh, nước Mỹ đã hỗ trợ các nước này khôi phục kinh tế, tái thiết đất nước, nhờ vậy châu Âu sớm trở lại phồn vinh. Với Nhật Bản, nước Mỹ còn làm hơn thế, không những hỗ trợ tái thiết về kinh tế mà còn giúp tạo dựng lòng tin, biên soạn một Hiến pháp thể hiện tính dân chủ, sau đó biến Nhật Bản cũng như Châu Âu thành những đồng minh cùng bảo vệ hòa bình.
Trước khi chế độ Cộng sản cáo chung ở các nước Đông Âu và ngay ở Liên Xô, trên thế giới hình thành 2 phe Tư bản và Cộng sản tiến hành chiến tranh lạnh với nhau, nước Mỹ đã hỗ trợ các nước đồng minh về tài chính, về quân sự đế ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa Cộng sản, tuyệt nhiên không hề có ý định xâm chiếm đất đai, bóc lột tài nguyên. Bây giờ khi cần, Mỹ chỉ dùng đòn kinh tế để cảnh cáo răn đe là đủ.
Điều gây ấn tượng nhất làm tôi xúc động nhất là tính nhân đạo của nước Mỹ đối với đồng bào của tôi sau ngày 30- 4-1975, thể hiện qua chính sách của chính phủ Mỹ, qua hành động của người dân Mỹ. Nhiều đồng bào tôi, do kỳ thị chủ nghĩa Cộng sản, đã một lần chạy trốn Cộng sản năm 1954, nay lại chen lấn nhau tìm cách ra đi. Nước Mỹ đã không bỏ rơi những người cộng sự đã từng làm việc cho mình, cho máy bay trực thăng chở người tị nạn ra các tầu biển, hàng chục, hàng trăm chuyến, rồi đưa sang Mỹ, giúp họ định cư, tìm công ăn việc làm rồi cho con cái đi học.
Tiếp theo là chính sách HO tiếp nhận gia đình các viên chức đã từng làm việc cho Mỹ, chương trình “Con lai” tiếp nhận những đứa trẻ bố My - mẹ Việt được mở ra nhờ Luật Amerasian Homecoming, chương trình cứu giúp những thuyền nhân vượt biển – những người liều chết đi tìm sự sống, quyết từ bỏ một cuộc sống mà “đến cái cột điện, nếu có chân, cũng bỏ ra đi”.
Người dân Mỹ cũng tỏ ra rất thấm nhuần chủ nghĩa nhân đạo, từ các quân nhân viên chức đã tận tình giúp đỡ người di tản lên trực thăng rồi lên tầu biển, bất chấp mọi hiểm nguy đến các viên chức ở các cơ quan tiếp nhận ân cần tạo điều kiện cho người mới đến sớm ổn định cuộc song
Tôi có một người bạn rời Hà Nội vào Sài Gòn năm 1954, đi học tiếp trở thành giáo sư Tiếng Anh, dạy ở trường Mạc Đĩnh Chi, đã phải dằn lòng gửi đứa con gái đầu lòng vượt biển sang Mỹ, được nước Mỹ giang tay đón, trở thành giáo sư – tiến sĩ dạy ở một trường đại học; cháu đã bảo lãnh cho bố mẹ cháu cùng các em cháu sang định cư ở Nam Cali khoảng năm 1990, sau khi bố mẹ cháu đã nếm trải cuộc sống tem phiếu trong nước 15 năm. Hiện bố mẹ cháu và các em đều đã ổn định cuộc sống, bố mẹ cháu hưởng tiêu chuẩn người già, có nhà ở, có tiền trợ cấp hàng tháng, có bảo hiểm y tế, các em cháu đều đã có công ăn việc làm, có gia đình riêng, cuộc sống đầy đủ, thoải mái. Cháu cho biết sáng sáng bố mẹ cháu dạy sớm, đi bộ thể dục khoảng 1 tiếng đồng hồ; mẹ cháu còn tham gia dạy ở lớp Tiếng Anh thiện nguyện cho những đồng bào muốn lấy được “Thẻ Xanh”.
Một bà chị vợ có chồng làm ở Sở Đoan, tức Sở Hải quan Sài Gòn, năm 1975 bị lỡ không thể di tản kịp, đã cùng chồng con trải qua cuộc sống tem phiếu khoảng 20 năm, sau khi ông chồng đi học cải tạo trở về. Vốn là một phụ nữ chỉ quen việc nội trợ, chị đã phải lao ra đường phố bươn trải, đem đồ đạc quần áo cũ của gia đình ra chợ bán, rồi buôn bán thượng vàng hạ cám lấy tiền nuôi gia đình 9 miệng ăn.
Trước các chính sách kinh tế xã hội của chính quyền mới kỳ thị người dân, nào đi học tập cải tạo, nào đổi tiền, nào đi xây dựng kinh tế mới… chính sách nào cũng hành dân là chính, chị thấy, cũng như hầu hết các gia đình khác tương tự như gia đình chị, chỉ còn một con đường sống là liều mạng vượt biển đi tìm tương lai, chủ yếu là cho các con chị, nhiều cháu còn nhỏ, ngây thơ, gầy guộc, bị đói khát chỉ biết ngước mắt buồn bã nhìn bố mẹ. Chị dũng cảm gom góp tiền vàng dành dụm được, đóng góp gửi con theo người thân họ hang xuống tầu vượt biển nhiều lần; dăm lần đi không thoát bị bắt trả về, có cháu bị tù hàng mấy tháng, có cháu đi cùng người chị họ bị hải tặc chiếm thuyền trấn lột, chị họ cháu bị cưỡng hiếp rồi bắt đem đi cho đến nay không có tin tức gì, bản thân cháu bị đánh đập ngất đi, đến lúc tỉnh lại thấy trên mình chỉ còn chiếc quần lót lênh đênh trên xác thuyền trôi vật vờ theo sóng, sau may mắn được một tầu buôn vớt, cứu sống, đưa đến một trại tị nạn, rồi được đưa đến Mỹ.
Rồi đến một ngày chị nhận ra là không còn đủ tiền vàng để đóng góp cho con tiếp tục vượt biển.dù biết rằng có thể may mắn chúng thoát, cũng có thể chúng bị bắt lại đi tù, hoặc làm mồi cho cá mập hay hải tặc. Có ai hiểu thấu cho nỗi lòng người mẹ ở hoàn cảnh này!
Khi biết có chính sách HO, anh chị mừng rỡ nộp đơn rồi hồi hợp chờ ngày được phỏng vấn, phấp phỏng chờ ngày được ra đi. Chị yêu cầu mấy đứa con còn ở lại nghỉ học chờ, thậm chí yêu cầu một cháu gái cắt đứt tình yêu vì sợ lỡ chuyến đi…
Rồi một ngày kia, Trời thương Phật độ, gia đình còn lại của chị được lên máy bay đi Mỹ, định cư ở Nam Cali, để lại 2 cháu gái đã lập gia đình. Anh chị hưởng tiêu chuẩn người già, được cấp nhà, được có bảo hiểm y tế, hàng tháng được trợ cấp sinh hoạt phí mỗi người vài trăm đô la đủ sống thoải mái, nếu khéo tiết kiệm, có thể thỉnh thoảng gửi tiền về nước đóng góp với họ hàng xây mộ, cải tạo nhà thờ tổ tiên, giúp đỡ họ hàng túng thiếu… Một cháu gái đã có bằng bác sĩ Nha khoa, nộp đơn xin học lại, tốt nghiệp, mở phòng khám riêng, lâu dần có điều kiện mua nhà riêng, phụng dưỡng bố mẹ tốt hơn. Ba cháu trai đã vượt biển thoát trước đây, do hoàn cảnh riêng, định cư ở các bang khác. Rồi cuối cùng gia đình 2 cháu gái còn ở lại trong nước, từ cuối những năm 2000, cũng đã được bảo lãnh sang sinh sống ở Nam Cali gần chị. Thế là cuối cùng đại gia đình chị đã được đoàn viên, thỏa lòng mong ước của chị, hằng năm tổ chức họp mặt dăm lần vào những dịp đặc biệt, nhất là vào ngày giỗ anh.
Cuối năm 2014, chị gửi giấy mời vợ tôi sang thăm, rồi giữ lại ăn Tết Nguyên đán với chị. Nhân dịp này các cháu tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, đánh ô tô đưa vợ tôi đi thăm thú nhiều nơi như khu Phúc Lộc Thọ, các khu chợ của người Việt mua sắm, thậm chí tổ chức một chuyến đi thăm thành phố Las Vegas.
Về nước vợ tôi kể chuyện, rất lưu ý tới tình hình sinh sống của bà con người Việt ở Mỹ, gia đình nào cũng có ô tô, người mới đến có việc làm là được vay tiền mua, thường là ô tô đã qua sử dụng, đường phố rộng rãi phong quang, sạch sẽ, nhà nào cũng có một khu vườn trồng rau, chủ yếu là trồng hoa, nhà nào cũng có các thùng rác đặt ở ven đường trước nhà, hàng tuần có nhân viên đến cắt cỏ tưới cây, dọn vườn, lấy rác đem đi. Vợ tôi lưu ý nhất với tính nhân đạo của chính sách đối với người mới đến, mặc dù mới có thẻ xanh chưa được nhập quốc tịch, song vẫn được trợ cấp, con cái vẫn được nhận vào học ở các trường, được đối xử bình đẳng. Trò chuyện với chị phải biết ý giữ mồm, tránh đừng nói đến các từ “giải phóng, tiếp quản…”
Vợ tôi kể trong buổi họp mặt đại gia đình đón vợ tôi mới sang thăm, trong câu chuyện một cháu mới sang Mỹ được dăm năm, vô tình lỡ mồm nói “hôm Sài Gòn mới được giải phóng…”, chị lừ mắt, cháu lúng túng sửa lại “à quên, hôm Sài Gòn mới bị mất…” rồi lè lưỡi nhìn mọi người. Chị ít nói về 3 đứa con sống ở các bang khác, có lẽ do không muốn nhớ lại những kỷ niệm buồn. Đứa đầu lòng gửi họ hàng đi thoát đầu tiên, 2 đứa sau, một đứa bị hải tặc bắt, một đứa lần đầu trốn đi không thoát bị bắt vào tù 4 tháng, lần sau mới thoát.
Cách đây mấy hôm trên FB một cháu post lên bức ảnh toàn gia đình chị mới họp mặt, lần đầu tiên tôi mới nhìn thấy 3 đứa cháu có số phận không may, 2 dứa mái tóc đã bạc phơ. Vợ tôi chỉ tay giới thiệu từng đứa, cho biết thêm một cháu cho đến nay vẫn độc thân, sống khép kín, hầu như không giao thiệp với ai, chính là đứa đã bị hải tặc đánh đập đến chết ngất, còn cô chị họ đi cùng bị bắt đem đi mất tích. Tôi nghĩ rằng đó là do cháu bị chấn thương tâm lý rất nặng, suốt đời không thể nào quên những cảnh hãi hùng đã trải qua.
Báo Lao động cuối tuần có chuyên mục Người Việt xa xứ, thỉnh thoảng đăng lại bài viết của bà con ở Mỹ, giúp nhiều người trong đó có tôi hiểu biết phần nào cuộc sống của bà con. Tôi thấy hầu như ai mới qua Mỹ cũng đều rất vất vả trong cuộc mưu sinh, nhưng rồi với bản tính cần cù chăm chỉ, lâu dần ai cũng có công ăn việc làm, có cuộc sống ổn định, nhiều bà con mình vẫn giữ nền nếp của gia đình Việt trong việc nuôi dạỵ con cái, dạy con nói tiếng Việt từ nhỏ với suy nghĩ rất đúng là còn biết nói tiếng Việt là sẽ không bị mất gốc. Chính phủ Mỹ cũng rất tôn trọng văn hóa của bà con ta cũng như của nhiều dân tộc khác sống trên đất Mỹ, người Mỹ gốc Việt cũng đã có đại diện của mình trong Quốc hội.
Tôi còn có một đứa cháu ngoại, năm 2014 học lớp 12 trường phổ thông trung học Amsterdam ở Hà Nội, nhận được học bổng của một trường đại học thuộc bang Maryland sang du học. Cháu được giới thiệu với một gia đình người Mỹ, những ngày nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ được gia đình này đón về nhà chơi, sinh hoạt với gia đình để cháu đỡ nhớ nhà và chủ yếu là để cháu sớm quen với văn hóa Mỹ, nếp sống Mỹ. Gia đình có 2 con trạc tuổi cháu, các cháu làm quen nhau dễ dàng, trò chuyện, rủ nhau đi công viên, đi siêu thị mua sắm.
Vừa rồi về nhà nghỉ hè 3 tháng, cháu cho biết học rất thú vị, thoải mái, các giáo sư đòi hỏi cao về học tập nhưng rất sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ khi có yêu cầu, bạn bè thân mật, cởi mở. Cháu đã đến Nam Cali thăm bà chị vợ tôi, được các bác khen là ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, sống cởi mở, hồn nhiên.
Với tôi, nhận thức về nước Mỹ không phải thẳng băng một chiều, mà nhiều lúc dích dắc lên xuống. Cũng đã có thời gian tôi coi nước Mỹ là đế quốc đem quân xâm lược nước tôi, gọi cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa 2 miền Nam – Bắc là cuộc chiến tranh chống Mỹ; nhưng sau rồi nhờ đọc các blog lề trái, các bài viết trên mạng Internet, dần dần nhận thức của tôi thay đổi, sát với sự thật hơn. Đúng là nước Mỹ có những nét đẹp như đã nói ở trên những cũng có những vết đen làm lu mờ đi vẻ đẹp tỏa sáng.
Nước Mỹ có truyền thống dân chủ, tự do nhưng cho đến nay tệ phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại dai dẳng. Chưa cần nói đến đảng 3K, gần đây rõ ràng là cảnh sát Mỹ da trắng đã giết hại một thanh niên da đen mà tòa án lại tha bổng khiến cộng đông người da đen xuống đường phản đối gây hỗn loạn đường phố.
Nước Mỹ đến Việt Nam với danh nghĩa giúp VNCH chặn làn sóng cộng sản, khởi đầu giúp tài lực vật lực trị giá hàng tỷ đô la kèm các cố vấn, không xong, đành gửi quân tổng cộng đến nửa triệu, bao gồm cả những sắc lính tinh nhuệ nhất như sư đoàn Tia chớp nhiệt đới, hỗn danh Anh Cả Đỏ, như binh đoàn thủy quân lục chiến, thế mà vẫn thua, thua vì quá tin tưởng ở sự vượt trội về vũ khí, khí tài chiến tranh, vì quá chủ quan không chịu tìm hiểu lịch sử giữ nước của người Việt, mà Bức tường ghi danh sách 58000 lính Mỹ tử trận ở Việt Nam hiện là một lời nhắc nhở đau lòng.
Chính vì chính phủ Mỹ đưa hàng nửa triệu lính đến tham chiến động đến lòng yêu nước của toàn dân Việt Nam, khiến đông đảo thanh niên miền Bắc hăng hái tòng quân, khiến một bộ phận dân miền Nam tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng với lòng tin đây là cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đây là sai lầm lớn của chính phủ Mỹ.
Tôi không có ý nói chuyện thắng thua mà chỉ muốn nhắc đến những việc làm của người lính Mỹ, của chính phủ Mỹ đã khiến tôi vô cùng đau xót cho đồng bào tôi, vô cùng công phẫn trước những hành động phi nhân tính, đi ngược với hình ảnh nhân văn về nước Mỹ trong tôi. Đó là việc chính phủ Mỹ cho máy bay rải chất độc da cam để lại di hại lâu dài cho hàng triệu đồng bào tôi, là việc máy bay B52 ném bom rải thảm tàn phá Bệnh viện Bạch Mai, khu phố Khâm Thiên giết hại hàng trăm người, là vụ lính Mỹ gây ra vụ thảm sát Mỹ Lai hủy diệt cả một làng… Rồi đến việc chính phủ Mỹ đã bỏ rơi VNCH để bắt tay với Trung Cộng, chứng minh một chân lý là “không có đồng minh cũng như kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn”!
Hôm 30 - 4- 2015, bật tivi VTV1 thấy đưa tin về Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hôm sau xem trên Youtube thấy hình ảnh bà con mit tinh, diễu hành ở Bolsa kỷ niệm 40 năm ngày Quốc hận hay Ngày Tháng Tư Đen (Black April); rồi nhớ lại trước đề nghị của đồng bào ở Canada, Quốc hội Canada đã thông qua luật về Ngày hành trình đi tìm Tự Do, tôi thấy quả là thống nhất đất nước đã khó, thống nhất lòng người còn khó hơn nhiều.
Tiếc là dân tộc Việt Nam ta không có người lãnh đạo sáng suốt, vị tha, nhân đạo như Tổng thống Abraham Lincoln, mà lại chỉ có những người đã đề ra những chính sách sai lầm, quá tả trước đây như Cải cách Ruộng đất, Cải tạo tư sản, Cải tạo những người bị gọi là ”ngụy quân, ngụy quyền”, Xây dựng kinh tế mới…, dẫn đến phong trào “thuyền nhân vượt biển”, những chính sách không thống nhất được lòng người mà còn đào sâu thêm hố ngăn cách vốn đã rất sâu.
Hôm nay ngồi gõ máy viết những giòng trên đây là nhằm trao đổi cởi mở với đồng bào đang sống ở Mỹ, để đồng bào có một cái nhìn xác thực hơn về nhận thức, tình cảm của một bộ phận đồng bào đang sống trong nước. Lại nhớ hôm trước xem trên Youtube thấy truyền đi bộ phim thời sự của nhà nước Việt Nam hiện nay, về trận hải chiến Hoàng Sa giữa hải quân VNCH và bọn TQ do chính phủ VNCH quay năm 1974, rồi lại đọc được tin nhà nước Việt Nam vừa mới tổ chức kỷ niệm trận chiến Gạc Ma, chuyên Tổng bí thư ĐCSVN sang Washington gặp tổng thống Mỹ, chuyện Việt Nam sắp tham gia TPP…
Tất cả giúp tôi nghĩ rằng đây là bước khởi đầu, rồi sẽ sớm đến ngày người gây lỗi nhận lỗi với đồng bào, giúp cho hai bên có thể ngồi lại trao đổi với nhau (mà suy đến cùng chẳng nên nói đến thắng thua, thắng về mặt nào thua về mặt nào), dẫn đến việc hòa giải – hòa hợp dân tộc mà tôi mong, tôi tin là không còn xa lắm nữa.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét