khktmd 2015
Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015
Dư âm một chuyến đi - Tác giả Nguyễn Điền Lăng
Sau khi chuyến đi “lịch sử” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành lịch sử. Sau khi những tuyên bố ồn ào đầy kỳ vọng về mối quan hệ ngoại giao vừa được thắt chặt đã chìm xuống và những bàn tán, xôn xao nhiều hy vọng lẫn thất vọng của đám đông (tùy theo thế đứng chính trị và nhìn từ góc cạnh nào) đã lắng đọng, dư âm của chuyến đi còn lại là gì? Hãy thử tóm tắt qua vài sự kiện trong nước cũng như ở hải ngoại!
Trong nước, dư âm đó là hình ảnh blogger Nguyễn Chí Tuyến với đầu vỡ máu và bản tin gia đình 12 người của Nguyễn Mai Trung Tuấn bị bắt giam. Với số tuổi 15, Nguyễn Mai Trung Tuấn, người tù lương tâm trẻ nhất trong năm đã giúp Việt Nam hôm nay có thêm một kỷ lục tệ hại khác.
Trong lúc lời tuyên bố tôn trọng nhân quyền của Nguyễn Phú Trọng còn vang vọng thì sự kiện “kẻ lạ” đả thương blogger Nguyễn Chí Tuyến và gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn bị bắt giam là minh chứng cho giá trị thực tế của lời tuyên bố kia.
Dư âm đó cũng là bài nhạc Ca Ngợi Tổ Quốc (Trung Hoa) được mở đầu cho bài diễn văn của Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang trong chương trình nghệ thuật (!) với chủ đề “Khát Vọng Đoàn Tụ”(?) Nhà cầm quyền Việt Nam muốn gởi đến nhà cầm quyền Trung Quốc thông điệp gì? Thông điệp “Mặt ngoảnh về Tây nhưng Lòng vẫn hướng về Đông” hay thông điệp “Đứa con hoang đang tìm về nhà”?
Không biết cụ Tiên Điền Nguyễn Du sẽ vui hay buồn khi thấy câu thơ “Đưa người cửa trước, rước người cửa sau” và “Vành ngoài bẩy chữ, vành trong tám nghề” được minh họa rất sống động bởi chính những người lãnh đạo cao nhất nước hiện nay?
Ở hải ngoại dư âm đó là bản tin của trang nhà BBC cho biết Bác Sĩ Nguyễn Thể Bình dù có giấy mời tham dự, nhưng đã “được mời” ra khỏi Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược (CSIS), nơi chốn không hề xa lạ với BS Nguyễn Thể Bình, trước khi Nguyễn Phú Trọng tuyên bố “Bảo vệ và tăng cường quyền con người là mục tiêu của chính phủ Việt Nam”.
Dư âm đó cũng là thái độ dị ứng với lá cờ vàng trong cuộc tiếp xúc giữa Ted Osius, Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, và cộng đồng Việt Nam ở Nam Cali, một sự dị ứng khác thường, chưa từng thấy ở những vị đại sứ tiền nhiệm.
Với dư âm đắng ngắt như thế chúng ta còn ngần ngại gì không đối diện nốt với những sự thật phũ phàng khác:
1- Chân lý “mạnh vì gạo – bạo vì tiền”. Qủa thực CSVN hơn lực và hơn tiền chúng ta. Có lực họ đủ sức để theo đuổi một mục tiêu dài hạn. Có tiền họ mua kiến thức, kinh nghiệm và mua luôn cả uy tín của những cơ quan, học giả, ký giả tên tuổi rất kêu bằng những số tiền thấp đến độ ngạc nhiên để đạt được mục đích.
2- Theo thời gian và số lượng ngưòi được tung ra nước ngoài ưu thế sân nhà càng ngày càng giảm dần cho phía người Việt quốc gia. Ngoài ra khuynh hướng sinh hoạt co cụm, ta với ta, tự giới hạn bằng những hoạt động mang tính xuân thu nhị kỳ, nặng phần trình diễn, coi trọng hình thức, ít quan tâm đến kết qủa thực tế, xem nhẹ mục tiêu đường dài đã không giúp cho phong trào đấu tranh dân chủ trong nước và tạo một cộng đồng ổn định ngay tại xứ sở mình đang cư ngụ.
3- Trong cuộc tranh chấp dành ảnh hưởng ở biển Đông, CSVN ý thức vị trí đang được vỗ về bởi Tầu và o bế bởi Mỹ, từ đó họ tận dụng tối đa những thuận lợi do yếu tố thời điểm mang lại.
4- Số người có khả năng ngoại vận trong cộng đồng chúng ta có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong đó số người chọn thái độ trực diện chiến đấu như BS Nguyễn Thể Bình càng hiếm.
Tuy nhiên viết ra những điều đau lòng trên không phải để tuyệt vọng. Sự kiện BS Nguyễn Thể Bình “được mời” ra phòng họp nói lên được hai điều có ý nghĩa:
a- Không một tổ chức, đảng phái đứng đằng sau hậu thuẫn, hành động đơn thương, độc mã vào hang hùm của người phụ nữ mang tên Nguyễn Thể Bình là một hành động dấn thân dũng cảm, rất đáng trân trọng và ngưỡng mộ. Mong sao hình ảnh đó sẽ là một tấm gương thôi thúc nhiều người khác cùng dấn thân. Hy vọng một Nguyễn Thể Bình đơn đao phó hội sẽ là khởi đầu cho một chuyển hướng mới trong đấu tranh với thái độ tích cực, dũng cảm và trí tuệ hơn. Dù trong những lúc tuyệt vọng nhất, tôi vẫn muốn tin. Hôm nay tôi muốn tin có những người đứng dậy và đi lên bằng chính đôi chân của mình. Tôi muốn tin có những tấm lòng thật sự trong sáng. Tôi hy vọng có những người đấu tranh không bị ràng buộc, giới hạn bởi mục tiêu là những khoản tài trợ nào đó từ một cơ quan nước ngoài.
b- Dù không có cơ hội trực diện để đối đầu với đối thủ có tầm cỡ cao nhất, nhưng ít ra việc làm của BS Nguyễn Thể Bình đã tạo được một tiếng vang qua báo chí, qua dư luận và chính giới.
Hành động của Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược (CSIS) vô tình đã mang lại phản ứng ngược, bất lợi cho uy tín của tổ chức này. Câu hỏi về tính khách quan của tổ chức, giá trị của sự trung thực trong những bài viết và lương tâm của tác giả là những câu hỏi nhức nhối.
Đau đớn hơn là công phu dàn dựng cho chuyến đi và nỗ lực xây dựng uy tín cho Nguyễn Phú Trọng đã bị xụp đổ tệ hại bởi một quyết định xuất phát từ sự sợ hãi.
Riêng trong nước, chiến dịch “We Are One”, từ khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đồng loạt phát động cùng nhiều quốc gia tại ba châu lục là một tia hy vọng khác. Đối diện với nguy hiểm chực chờ hàng ngày, hàng giờ, bằng chính mồ hôi, nước mắt, trí tuệ và những đồng tiền tự gom góp, những người trẻ trong và ngoài nước đã kết hợp để làm nên kỳ tích.
Rạng rỡ vô cùng hình ảnh của biết bao người Việt khắp ba miền trong nước cũng như ở hải ngoại cùng một lòng dấn thân cho quê hương, cho tự do, cho nhân phẩm con người.
Viết như thế cũng để nhớ đến hình ảnh của những người đã bao năm qua miệt mài lái xe hàng trăm cây số để tham dự biểu tình, những người âm thầm đóng góp trong mọi lãnh vực bằng hết khả năng của mình ở hải ngoại và những người dân oan, những người đấu tranh dân chủ trong nước đang khẳng khái đối diện với khó khăn và nguy hiểm.
Báo cáo qua các phiên họp định kỳ ở Liên Hiệp Quốc về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam càng lúc càng dài thêm. Hồ sơ nhân quyền Việt Nam tại nhiều bộ Ngoại Giao của các quốc gia Âu Mỹ bao năm qua không có gì thay đổi về nội dung. Cái gọi là áp lực qua vận động nhân quyền đã mang lại được một số kết qủa cụ thể cho vài nhà bất đồng chính kiến, nhưng về đại cương đã không đạt được kết qủa như chúng ta mong muốn. Điều này không có gì lạ. Trong thế giới đầy biến động hôm nay ngoài Việt Nam còn bao nhiêu quốc gia, dân tộc khác đang chịu gánh nặng tai ương. Lòng tốt của bất cứ ai cũng đều có giới hạn, hơn nữa lòng tốt đó cũng không thể đi xa hơn quyền lợi của quốc gia họ!
Vận mệnh của một quốc gia không thể tùy thuộc vào lòng tốt của ngoại nhân. Nhân phẩm của một dân tộc không thể xin xỏ bằng thái độ chầu rìa bên chiếu bạc chính trị của các đại cường.
Để sống và được đối xử như một con NGƯỜI thì dân tộc đó phải hành xử như một con NGƯỜI. Điều đó có nghĩa là chính chúng ta phải tự đổ mồ hôi, nước mắt và trả giá máu cho những giá trị thiêng liêng cao qúy mang tên Tự Do, Dân Chủ và Nhân Phẩm.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét