khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Phải chăng ăn ớt có thể sống lâu?






Thường xuyên ăn thức ăn có ớt cay có thể giúp kéo dài tuổi thọ, giảm bớt nguy cơ bị ung thư, các bệnh về mạch máu và hô hấp.
 

Theo một nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Y tế Trung Quốc, được đăng trên tạp chí y tế Anh Quốc BMJ, ngày 04/08/2015, thì có mối quan hệ theo tỷ lệ nghịch giữa việc tiêu dùng những thức ăn cay như ớt và tỷ lệ tử vong nói chung do một số nguyên nhân, như ung thư, các bệnh động mạch vành, các bệnh hô hấp.

Công trình nghiên cứu nói trên đã tiến hành thử nghiệm gần 500 000 người Trung Quốc và họ được theo dõi trong vòng nhiều năm. Theo các tác giả, nghiên cứu cho thấy  những người hàng ngày dùng thức ăn nhiều ớt cay thì có nguy cơ tử vong thấp hơn 14% so với những người chỉ dùng thức ăn cay dưới một lần mỗi tuần.

Mối quan hệ theo tỷ lệ nghịch này đúng với trường hợp cả nam lẫn nữ và dường như rõ nét hơn nếu ăn nhiều ớt, nhưng không uống rượu.

Bên cạnh đó, tiêu dùng thường xuyên các loại thức ăn có ớt cay còn làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư, các bệnh động mạch vành và bệnh hô hấp.

Nhóm chuyên gia Trung Quốc cho rằng « các kết quả đi theo hướng các nghiên cứu trước đây, cho thấy những tác dụng tiềm tàng bảo vệ sức khỏe con người của các loại thực phẩm có ớt cay ».
Ớt được tiêu thụ rất nhiều tại Trung Quốc, có thành phần chính là chất capsaicine. Theo các nhà nghiên cứu, chất này có tác dụng chống béo phì, viêm nhiễm, lão hóa và ung thư.

Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc thừa nhận đây chỉ là kết quả của các quan sát, theo dõi và không thể đưa ra những kết luận về mối quan hệ nhân-quả của hiện tượng này.

Mặt khác, cho dù tiến hành thử nghiệm, theo dõi gần nửa triệu người trong nhiều năm, nhưng nghiên cứu của các chuyên gia Trung Quốc vẫn có những điểm thiếu hụt, như không có thông tin chi tiết về các loại thức ăn khác mà người tham gia thử nghiệm đã dùng hàng ngày. Do vậy, theo bác sĩ Nita Forouhi, chuyên gia về dinh dưỡng và bệnh dịch học thuộc đại học Cambridge, Anh Quốc thì « người ta không rõ phải chăng các mối liên hệ được quan sát thấy là kết quả trực tiếp của việc ăn ớt hay đây lại là kết quả của những yếu tố tích cực khác trong việc dùng những thức ăn mà không được đánh giá ».

Theo chuyên gia này, cần phải có những nghiên cứu mới để biết rõ hơn là phải chăng việc tiêu dùng thức ăn có ớt cay có thể giúp cải thiện sức khỏe và trực tiếp giảm nguy cơ tử vong, hay đây là tác dụng của các thói quen dùng thực phẩm và những lối sinh hoạt phù hợp, tốt cho sức khỏe con người.

 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét