khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Tự Do Phát Biểu Bị Chà Đạp Tại San Jose- Tác giả Bùi Văn Phú



Trong buổi thảo luận với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam là ông Ted Osius hôm 14 tháng 7 tại tòa thị chính San Jose, một phụ nữ trong ban tổ chức đã yêu cầu một người đến dự là cô Đỗ Minh Ngọc phải tháo bỏ dây đang đeo trên cổ, rồi tịch thu trước khi cho cô vào phòng họp. Dây đeo của cô Ngọc có biểu tượng hình cờ Mỹ và cờ cũ của Việt Nam Cộng hoà với nền vàng ba sọc đỏ.

Việc làm của nữ nhân viên này rõ ràng đã vi phạm quyền tự do phát biểu của một công dân Mỹ được bảo đảm trong Tu Chính án Số 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Sau buổi thảo luận, cô Ngọc gửi thư phản đối đến Nghị viên Ash Kalra, người điều hợp chương trình hôm đó, và cũng đồng chuyển lá thư cho Thị trưởng Sam Liccardo và các nghị viên hội đồng thành phố San Jose.

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã có nhiều người lên tiếng bất bình với hành động của nữ nhân viên này. Tuy nhiên cho đến nay chưa ai nhận trách nhiệm về vụ việc.


blank
Cô Đỗ Minh Ngọc đang đặt vấn đề cô bị cấm không cho mang cô biểu tượng cờ vàng trên người vào phòng hội thảo (ảnh Bùi Văn Phú).

Trong thư trả lời cô Đỗ Minh Ngọc, văn phòng Nghị viên Ash Kalra thẳng thừng chối là nhân viên của ông không can dự vào vụ việc. Lá thư cũng cho biết Thị trưởng Sam Liccardo và nhân viên thành phố San Jose không có ai dính dáng gì đến việc bắt cô Ngọc cởi bỏ dây đeo.

Vì buổi hội thảo do văn phòng của Dân biểu Mike Honda đứng ra tổ chức nên đại diện tại khu vực là Tiến sĩ Edwin Tan cũng đã gửi thư cho cô Ngọc xác nhận Đại sứ Osius, Nghị viên Ash Kalra và Dân biểu Honda tuyệt đối tôn trọng “Lá cờ Việt Nam Tự do”. Lá thư cũng cho biết là vì buổi hội thảo với đại sứ là một hoạt động của bộ ngoại giao nên không được treo cờ vàng. Tiến sĩ Edwin Tan thành thật xin lỗi cô Ngọc nếu đã có sự hiểu lầm về sự bất kính đối với lá cờ vàng.

Đến nay đã hơn một tháng trôi qua, với nhiều thư phản đối gửi đến các dân cử nhưng chưa một giới chức nào cho biết ai đã ra lệnh cho nữ nhân viên phụ trách ở cửa phòng họp, hay hoàn toàn do cô ấy tự ý, đã đòi hỏi cô Ngọc phải cởi bỏ biểu tượng cờ vàng thì mới được vào tham dự hội thảo. Dù có lệnh từ cấp trên hay không, hành động đó xảy ra ngay tại toà thị chính San Jose là vi phạm quyền tự do phát biểu của một công dân và sự thiếu minh bạch của ban tổ chức khiến nhiều người Mỹ gốc Việt thắc mắc và tức giận.

Từ tháng 12 năm ngoái, ông Ted Osius đến Hà Nội trong vai trò là đại sứ thứ sáu của Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ khi hai nước nối lại bang giao năm 1995. Đầu tháng 7 vừa qua ông trở lại Thủ đô Washington cùng với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong một chuyến viếng thăm lịch sử. Hôm 7 tháng 7 tại Bạch Ốc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama đã thảo luận một kế hoạch toàn diện để nâng cấp quan hệ hai nước, trong lúc đang có căng thẳng về chủ quyền trên biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia khu vực bao gồm Philippines và Việt Nam.

Đại sứ Osius ca ngợi cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước là dấu chỉ quan hệ ngày càng thân thiết hơn giữa hai cựu thù.

Tuy nhiên quan hệ của đại sứ với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, một cộng đồng luôn bị Hà Nội có cái nhìn nghi ngại, lại gặp nhiều thử thách.



blank
Biểu tượng cờ vàng như trong hình đã bị cấm mang vào phòng hội thảo (ảnh Bùi Văn Phú).

Trên đường trở lại Việt Nam làm việc, Đại sứ Osius đã ghé qua California và có những buổi gặp gỡ, thảo luận với cộng đồng và giới doanh nhân Mỹ gốc Việt về quan hệ hai nước trong hai thập niên qua cũng như trong tương lai.

Trong những buổi tiếp xúc ở Quận Cam với Thượng Nghị sĩ Tiểu bang Janet Nguyễn, với Giám sát viên Andrew Đỗ cũng như tại buổi thảo luận ở San Jose, Đại sứ Osius đã công khai yêu cầu ông không muốn chụp hình, dù tình cờ, với lá cờ vàng bởi vì ông lo ngại Hà Nội sẽ cho ông về nước.

Lá cờ vàng là biểu tượng của Việt Nam Cộng hoà cũ, một đồng minh của Mỹ đã chiến đấu chống lại cộng sản Bắc Việt từ 1954 cho đến khi đầu hàng vào ngày 30/4/1975. Chiến thắng của cộng sản đã đưa hơn 100 nghìn người Việt đến Hoa Kỳ, kéo theo làn sóng thuyền nhân vượt biển với gần một triệu người trong hai thập niên sau và từ đó đã khai sinh ra cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Năm 1995 Hoa Kỳ và Việt Nam tái lập quan hệ ngoại giao. Người Mỹ gốc Việt lo sợ Hà Nội sẽ cắm cờ đỏ sao vàng trong cộng đồng, điển hình qua sự kiện một chủ tiệm trong khu Little Saigon Quận Cam, thủ phủ của người Việt tị nạn, đã treo cờ đỏ và hình Hồ Chí Minh dẫn đến việc tranh cãi trước toà về quyền tự do phát biểu và những cuộc biểu tình phản đối kéo dài gần hai tháng, có lúc lên đến hàng vạn người.

Qua sự việc đó, để lên tiếng nói không ủng hộ chế độ cộng sản, người Việt khởi động vận động dân cử Quận Cam đưa ra những nghị quyết công nhận Cờ Vàng là biểu tượng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Khởi đi từ thành phố Westminster và Garden Grove, chiến dịch lan ra toàn nước Mỹ và đến nay đã có vài chục thành phố, hàng chục quận hạt và nhiều tiểu bang công nhận Cờ Vàng.

Ở miền bắc California, thành phố San Jose đã công nhận và tuyên dương biểu tượng này. Sau đó là Milpitas và Quận hạt Santa Clara. Ngày nay lá cờ vàng thường thấy tung bay tại các khu Little Saigon và trong sinh hoạt văn hoá, xã hội và chính trị của cộng đồng người Việt.


blank
Đại sứ Ted Osius trong buổi hội thảo ở San Jose hôm 14/7/2015 (ảnh Bùi Văn Phú).

Vì thế tại buổi thảo luận với nhà ngoại giao Mỹ, cô Đỗ Minh Ngọc đã nêu vấn đề và thắc mắc tại sao cô phải cởi bỏ biểu tượng cờ vàng mà cô đang đeo thì mới được cho vào phòng họp. Nhân quyền của cô có đã bị vi phạm?

Đại sứ Osius không trực tiếp trả lời, nhưng đã phát biểu rằng ông rất tôn trọng lá cờ và biểu tượng mà cô mang theo. Rồi ông lập lại điều giống như đã nói với cử tọa ở Quận Cam mấy hôm trước, là khi đến đây ông cũng đã yêu cầu không có treo cờ vàng treo phòng họp vì điều đó có thể gây khó khăn cho ông với chính quyền Hà Nội.

Ông giải thích: “Tôi là đại diện của quí vị đối với chính quyền hiện thời của Việt Nam. Nếu tôi chụp hình có lá cờ đó ở phiá sau hay với cờ trên bục diễn thuyết thì tôi không thể tiếp tục làm nhiệm vụ của mình, tôi không thể là người bênh vực cho quí vị ở Việt Nam nữa vì họ [chính quyền Hà Nội] sẽ cho tôi về nước.”

Phát biểu của Đại sứ Mỹ làm một số người Việt bực tức. Bác sĩ Phạm Đức Vượng là một thành viên cao cấp trong Tập thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà Hải ngoại đã rời phòng họp để phản đối.

Những người khác trong cộng đồng cũng vô cùng phẫn nộ. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình mạng CaliToday, Tiến sĩ Đỗ Hùng là Chủ tịch của Little Saigon San Jose Foundation đã yêu cầu đại sứ Mỹ từ chức hay bị cách chức. Ông viết thư cho Dân biểu Zoe Lofgren để phản đối những phát biểu của nhà ngoại giao Mỹ và yêu cầu bà đòi hỏi bộ ngoại giao giải thích rõ chính sách, vì người tiền nhiệm của ông Osius là cựu Đại sứ David Shear đã từng chụp hình với cờ vàng mà không bị Hà Nội đuổi về nước.


blank
Khách dự trò chuyện với Đại sứ Ted Osius sau hội thảo (ảnh Bùi Văn Phú).

Sau đó, ngày 24 tháng 7 hai dân biểu Zoe Lofgren và Mike Honda đã viết thư cho Ngoại trưởng John Kerry yêu cầu giải thích chính sách của liên bang liên quan đến lá cờ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Trong văn thư trả lời Dân biểu Zoe Lofgren hôm 7 tháng 8, phụ tá ngoại trưởng về các vấn đề pháp lý Julia Frifield xác định Đại sứ Osius đã không ngăn cấm ai đeo lá cờ trên người và việc “Trưng bày lá cờ hiển nhiên là quyền hợp pháp và chính đáng của mọi công dân Mỹ.”

Thế tại sao một nhân viên làm việc trong buổi hội thảo với Đại sứ Ted Osius hôm 14 tháng 7 tại toà thị chính San Jose đã yêu cầu cô Đỗ Minh Ngọc phải cởi bỏ biểu tượng lá cờ trước khi cho cô vào phòng họp.

Rõ ràng là quyền tự do biểu đạt của cô Ngọc, một công dân Hoa Kỳ, đã bị chà đạp ngay tại tòa thị chính San Jose mà đến nay không giới chức nào nhận trách nhiệm.

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt đòi hỏi văn phòng biện lý mở cuộc điều tra cho rõ ai đã chà đạp lên dân quyền của cô Đỗ Minh Ngọc để những sự việc như thế không xảy ra trong tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét