Lê Thị Huệ: Và nói đến văn chương của Hồ Đình Nghiêm không thể không nói đến tính nghịch ngợm. Nghịch ngợm trong nhận xét, nghịch ngợm trong cách xử dụng từ, nghịch ngợm một cách yêu đời và hồn nhiên .... như một nhà văn đại tài. Tôi hơi cường điệu khi xử dụng cụm từ "nhà văn đại tài" . Vì cả hai chúng ta đều cầm bút, có lẽ Hồ Đình Nghiêm cũng biết, nhà văn tài ba thì làm sao thiếu tính nghịch ngợm. Tài năng càng cao, khả năng nghịch ngợm càng thông mình. Càng tài năng, cách nghịch càng khéo, khéo viết đến độ nhiều khi những nhà phê bình mắt ếch cóc nhìn ra được khía cạnh ấy của họ. Nhà văn có nhận xét gì về điểm này
Hồ Đình Nghiêm: Nhận xét của mình là đằng ấy nói không sai vào đâu được. Vấn đề là cách nói của đằng ấy dễ làm người khác ngộ nhận. Gây ngộ nhận có khi làm mình vui, đôi khi gieo phiền muộn. Và theo như sự hiểu “thô thiển” của mình, đằng ấy chẳng ke những ngộ nhận. Chả có ông kẹ nào làm đằng ấy chùn bước, ăn nói hơi bị “vô tư”. Mình thích nghịch ngợm, thuở nhỏ ưa sờ vú mẹ, ưa bú tí. Luôn bị nạt nộ, luôn bị bợp tai, luôn bị đá đít… liền cai sữa. Xin chừa. Già đầu như ri đây mà còn nghịch thì e là “châu về hợp phố” mất rồi. Bản tính chăng, có căn tu chăng? Hề hề. Mình thích đọc văn chương Nhật bản vô hậu, bởi đa số các tác giả xứ phù tang đều có lối hành văn rất hợp tạng mình, dí dỏm, thông minh, tinh tế, nhẹ nhõm, ấn tượng… khi viết những trang văn chương ẩm ướt, rốt ráo về dục tính. Nó mang mình tiếp cận một vẻ đẹp ngời sáng, đánh rơi hoàn toàn cái nhầy nhụa xấu xí do bởi những kẻ non tay nghề viết ra. Sau tài ba của Haruki Murakami, giờ đây mình đang “mặn” một Amy Yamada.
Lê Thị Huệ: Nói đùa thế, chứ tôi tin là nhà văn cũng đã được những lời khen thưởng của nhiều người khác . Nhà văn nghĩ thế nào về vai trò của các nhà phê bình Việt Nam đối với các tác phẩm của nhà văn
Hồ Đình Nghiêm: Mình chưa được (bị) một ai phê bình. Nói theo ngôn ngữ đời thường là chưa được lọt vào mắt xanh. Và chả có kẻ nào đá lông nheo cả. Thế có buồn không cơ chứ, hở giời!
Tình thật mà nói mình không mấy ưa người làm phần việc phê bình, họ chủ quan quá, sự chủ quan đôi khi làm cái nhìn lệch xa dụng tâm của tác giả- kẻ bị phê bình. Tác giả viết: Tôi ăn bát phở ấy rất ngon… Nhà phê bình phán: Lếu láo, cậu đang húp xì xụp tô bún rõ ràng là thế mà đánh lừa người đọc. Và đã là nhà phê bình, vũ khí họ trang bị: ưa khoe vốn kiến thức. Họ ưa viện dẫn ông này ông nọ, bên Tiệp bên Nga bên Hung bên Tây Ban Nha bên Ý bên Đức bên Pháp bên Mỹ… Trường phái này triết thuyết nọ, vô vàn chuyện trọng đại chỉ để phủ chụp vào một tác giả Việt đang chập chững bước vào văn đàn nhược tiểu. Khi đọc những bài phê bình, cảm giác của mình thường bị ngộp thở, không dưng họ dẫn mình vào mê lộ và tới tận cùng dấu chấm mình vẫn chưa lai tỉnh. Thực ra thì họ đã bỏ bộn thời gian để truy cứu tài liệu. Tốn công sức như vậy nhằm đánh đổi được điều gì? Thuyết phục người có học thức hơn mình chăng? Ôi, thương cho người bị phẩu thuật mà cũng sợ cho dao kéo nọ biết bao!
Trích: http://www.gio-o.com/GioO10NamPhongVanHoDinhNghiem.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét