khktmd 2015
Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015
Diện Mạo Nhà Phê Bình Văn Học Việt Nam Hải Ngoại - Tác giả Bửu Sao
Thế còn tại hải ngoại thì sao? Trên địa bàn tự do tư tưởng này có bao nhiêu cách, có bao nhiêu khía cạnh để phê bình một nhà văn? Lấy tiêu chuẩn nào để chọn lựa những nhà phê bình văn học sắc sảo nhất? Có bao nhiêu nhà phê bình văn học chịu đứng dưới một quan điểm với nhà văn đối tượng của phê bình? Từng ấy câu hỏi cũng đã cho thấy rằng vấn đề phê bình văn học tại hải ngoại thật không đơn giản: nhà phê bình sắc sảo nhất đối với nhà văn này lại có thể là tồi tệ nhất đối với nhà văn nọ. Ông A đối với tôi là nhà phê bình sắc sảo nhất vì ổng tán thành quan điểm của tôi, vì đã khen lời văn tôi viết; còn ông B là người phê bình tồi tệ nhất vì chẳng biết gì mà dám phê bình tôi. Rồi cuộc sinh hoạt văn chương tại hải ngoại cứ việc xoay vần như thế. Chung quy, tại các quốc gia văn minh, ngay trên bình diện chuyên nghiệp, không ai là nhà phê bình sắc sảo nhất cả. Theo tiêu chuẩn văn học tại đây, nhà phê bình văn học tiếng tăm là nhờ vô số các nhà văn gởi tác phẩm đến xin phê bình trên báo chí, trên màn ảnh, trên Ti Vi, nhưng đấy chỉ là sự sắc sảo trong nghề làm ăn, buôn bán, không liên hệ mảy may gì đến văn học cả. Từ các năm 1993 đến 1996 tôi cũng đã thủ vai ''nhà phê bình văn học'' nhân việc Trung tâm thư viện Hoa Kỳ đặt tại New York nhờ tôi giới thiệu các sách Việt ngữ để ghi vào Thư Mục của các thư viện Hoa Kỳ. Trong mỗi tháng tôi đã nhận biết bao nhiêu là sách các tác giả gởi đến, rồi cũng đã mất bao nhiêu thời giờ để phê bình và chọn lựa, do đó đã có người gọi tôi là ''nhà phê bình văn học!''. Bên Pháp, đầu thế kỷ 20 ông Emile Faguet được kể là nhà phê bình văn học chuyên nghiệp, nhưng có ai cho ổng là nhà phê bình sắc sảo nhất đâu? Tại các xứ văn minh này không có lối lý luận 1 hay 0 đâu! ngoại trừ trong lĩnh vực quảng cáo, chiêu hàng thì đâu đâu cũng chỉ thấy toàn là ''number one'' cả! Bây giờ trong giới nhà văn Pháp người ta chỉ còn biết đến ông Bernard Pivot, người chuyên môn mở các dịp ra mắt sách trên đài truyền hình quốc gia. Nhà văn nào cũng muốn được ông Bernard Pivot chiếu cố, vì một khi tác giả được đưa lên chương trình Bouillon de Culture(Nước cấy vi khuẩn) của ổng thì số sách của tác giả được bán rất chạy. Nhưng có ai bảo rằng Bernard Pivot là nhà phê bình văn học sắc sảo nhất đâu? Ông Bernard Pivot có thể là người chuyên nghiệp trong vụ trình bày các tác phẩm văn học, nhưng chuyện phê bình văn học lại do các nhà văn được ông Pivot mời đến; nhà văn này đồng ý điểm này, nhà văn kia phản bác điểm nọ, rốt cuộc, huề cả làng, và tác phẩm được bán chạy như tôm tươi: bán chạy không phải vì đồng một quan điểm với cụ Mác, cụ Ghen, bác Hồ, nhưng chỉ vì trên chợ trời văn hóa tự do có nhiều quan điểm được bày biện để thiên hạ tùy thích lựa chọn mua bán. Các vụ ra mắt sách của người Việt tại hải ngoại cũng tương tự như thế thôi. Những nhà văn tôi mời đến trong dịp ra mắt sách của tôi, hoặc các bạn nhà văn nhờ tôi chiêu hàng tác phẩm mới của họ đều không tiếc lời khen ngợi tôi. Lời nói không mất tiền mua mà! Song đâu vì thế mà các đấng ấy gọi tôi là nhà phê bình sắc sảo nhất! Vậy xin hỏi: Ai là người có tầm hiểu biết sâu rộng đủ để lượng giá một nhà phê bình văn học, hoặc để lượng giá cả một nền văn học, như nền văn học hải ngoại?
Trong 28 năm qua, cộng đồng người Việt hải ngoại đã thực hiện một công trình tốt đẹp cho quê hương: một nền văn học Việt Nam hải ngoại đã thành hình và khởi sắc, khả dĩ cứu vãn được một phần nào những mất mát về văn hóa,văn học, văn chương ở trong nước. Vào cuối thập niên 80, vừa bước chân đến Hoa Kỳ, tập Bút ký văn nghệ của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn dưới nhan đề Nhìn Lại Một Thập Niên đã cho tôi một thoáng nhìn về cuộc sinh hoạt trong giới nhà văn Việt Nam hải ngoại, những nhà văn khả kính, sáng giá hay chê bỏ theo quan điểm của Nguyễn Ngọc Ngạn. Rồi nhân việc lãnh công tác thực hiện Thư mục Việt ngữ cho các thư viện Hoa Kỳ do Thư Viện Trung Ương NewYork giao phó, tôi đã có dịp truy tích một khối lượng lớn tác phẩm văn học Việt Nam, và riêng văn học Việt Nam hải ngoại. Công việc này đã giúp tôi gom góp khá nhiều dữ kiện để đạt một nhận xét gọi là tạm ổn về nền văn học Việt Nam hải ngoại.
Khác với tình trạng trong nước, văn chương hải ngoại thật đúng là văn chương tự do: tự do với tất cả những cái tốt đẹp cũng như những cái xấu xa, cái tồi tệ của nó. Nhưng bảo là trì trệ, lạc hậu, bảo thủ và tẻ nhạt thì thật là khó hiểu. Hai cán bộ Hoàng Ngọc Hiến, và Nguyễn Huệ Chi do trung tâm William Joiner đài thọ để mà viết như vậy thì cũng không có gì lạ: họ đâu có được một vốn kiến thức và văn hóa nhân bản nào làm cơ sở cho một nhận thức đúng đắn về nền văn học tự do? Họ ra hải ngoại thừa hành một công tác kiều vận; thêm vào đó một khuynh hướng cố chấp thì muốn phán gì chả được? Nhưng một giáo sư đại học taị hải ngoại thì chắc ổng đã tốn công đắn đo nhiều lắm trước khi giáng một lời phán quyết nặng nề như thế, và chắc cũng đã thuyết minh đầy đủ trong một tác phẩm lớn mà tôi chưa được đọc, nếu đã được xuất bản; bằng chưa xuất bản thì đây, xin Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc vui lòng giải thích trên dư luận về lời phê phán được viện dẫn trên đây. Đấy là một lời mời gọi của tôi, Bửu Sao, xin chuyển đến Giáo Sư.
Đã nói đến nền văn học Việt Nam hải ngoại thì cũng nên phác họa một vài nét chấm phá, tạm đủ để chứng minh một nền văn học khả trọng. Trong công tác chọn lựa sách báo cho các thư viện Hoa Kỳ, tôi sắp các tác phẩm văn học Việt Nam vào ba chủng loại: nhân văn, văn hóa, và văn chương, với chủ tâm xác định tầm mức nhu cầu học hỏi của độc giả. Những tác phẩm liên hệ đến nhân văn như các tác phẩm tự thuật, tự truyện, hồi ký, nhất là liên hệ đến nhân chứng vượt biên, trại tù CS, cuộc sống tỵ nạnv.v. rồi đến niên giám, sử học, văn học sử v.v đấy là những tài liệu mà các thế hệ con em chúng ta sẽ dựa vào để truy cứu về lịch sử văn hóa của một dân tộc. Chủng loại thuộc về nhân văn có thể chiếm đến từ 55% đến 60% khối lượng văn học Việt Nam hải ngoại mà tôi biết. Về khía cạnh văn hóa thì phần biên khảo(essais, traités) liên hệ đến chính trị, kinh tế, kỹ thuật, kỹ nghệ, nghệ thuật, âm nhạc, giáo dục, và truyền thống văn hóa xã hội Việt Nam, chung quy là mọi tác phẩm thuộc khoa văn minh học tổng quát. Chủng loại này cũng chiến đến từ 25% đến 30% của tổng số. Phần còn lại là 1ừ 10% đến 15% liên hệ đến mọi tác phẩm văn chương thuần túy: thơ văn, tiểu thuyết, giả sử, và mọi tác phẩm thuộc loại hư cấu. Chủng loại này các thư viện Hoa Kỳ không nhận, vì không mấy độc giả tìm đến.
Đưa ra một lời phê phán về phẩm chất của nền văn học Việt Nam hải ngoại thì chắc phải viết một cuốn sách biên khảo từ 500 đến 700 trang, một công tác mà tôi ước mong có ngày sẽ thực hiện; nay chỉ trông vào tác phẩm của giáo sư Nguyễn Hưng Quốc.
Để phê bình một công trình của trí tuệ chúng ta nên dựa vào nguyên tắc mà triết gia kiêm bác học Descartes đã đề ra: ''Lương thức là cái vốn được chia đồng đều nhất trong thiên hạ'', Le bon sens est la chose du monde la mieux partagéeẠ. Tuy nhiên, vốn lương thức cần phải được bồi dưỡng, khai phóng để đạt được một mức độ hoàn hảo khiến có sự sai biệt giữa những người muốn thực hiện một công trình văn học. Mà đã phê bình thì phải thuyết minh bằng những thí dụ, như thế không thể vơ đủa cả nắm được. Có người nói: giá trị văn học ở chốn này chốn nọ thì ''thượng vàng hạ cám'', hay ''cá mè một lứa cả'', hoặc ''văn chương hạ giới rẻ như bèo'' v.v. những người quen nói như thế thường đặt mình ra bên ngoài và bên trên tất cả. Sự đời là thế. Điều kiện phê bình văn học, phần nội dung lệ thuộc vốn học hỏi của mỗi người, không mấy liên hệ đến bằng cấp. Nếu vốn học hỏi đã hạn hẹp, thêm thay lại vướng vào cái não trạng cục bộ, cố chấp, thì, khắp nơi, đương sự chỉ nhìn thấy có một tình trạng trì trệ, lạc hậu, bảo thủ và tẻ nhạt mà thôi!
Tuy nhiên, sự tẻ nhạt có thể lệ thuộc vào điều kiện quảng bá tư tưởng, nói nôm na là vấn đề ''đầu tư văn hóa'', liên hệ đến tiền tệ, mà ở đây tiền là tệ. Một số không ít nhà văn đang phải sống với ''tiền già'' hay với đồng lương nhỏ bé sau không quá 20 năm làm lại cuộc đời từ con số không nơi chốn tha phương cầu thực. Không mấy ai sống bằng ngoài bút: viết văn lắm lúc là một sự hy sinh của bản thân trong công cuộc đấu tranh cho một chính nghĩa, hay nhằm bảo vệ hoặc phổ cập niềm tin của mình. Nhưng cũng có trường hợp viết văn để châm chọc thiên hạ, đưa chén đắng cho người uống nhằm giải tỏa nỗi ấm ức trong lòng. Những điều kiện kinh tế hoặc tâm lý này có thể chi phối chất lượng của một tác phẩm. Một Tuần báo hay Nguyệt san đứng đắn không nhận quảng cáo và chú trọng đến chất lượng của bài viết. Những tập san này sống nhờ sự đóng góp của độc giả. Các tác giả thường không nhận thù lao vì có đáng là bao nhiêu! rồi lại còn phải đóng góp để nuôi sống tờ báo nữa. Ngoài ra, muốn bài viết được ''cho đi'' trong một tập san thì chớ gởi đến các tập san khác: đấy vốn là sự đòi hỏi của một số lớn các cơ sở báo chí người Việt hải ngoại. Nếu tác giả nhận thù lao thì cố nhiên đấy là một điều kiện hợp lý, bằng không thì đấy là một chuyện hàm hồ, bất công. Mấy năm trước đây tôi có nhận thù lao $30 một trang đánh máy do một vài tập san đài thọ để viết bài, nhưng về sau, nhận thấy rằng thu không bù chi nên đã xé rào gởi bài đến tất cả các báo, ai muốn đăng thì cứ việc tùy nghi.
Nếu phải tìm cho ra một ''con dê tế thần'' thì chắc phải đề cập đến một hiện tượng đang được phổ biến rộng rãi: hiện tượng ''siêu thị văn học'' hải ngoại. Riêng trên nước Mỹ, văn học là một thị trường béo bở. Đấy là một chướng ngại trong công cuộc phát triển nền văn học hải ngoại. Nói đến ''siêu thị văn học'' tôi muốn ám chỉ thị trường báo biếu. Báo biếu là một hiện tượng xuất phát tại nhiều nơi trên thị trường kinh tế tự do. Tại San Francisco, tờ Examiner đã trở thành tờ báo biếu đầu tiên tiếng Mỹ trên đất Mỹ. Bên Pháp có tờ ''20 Minutes''. Tờ Examiner ký hợp đồng với tổ hợp San Francisco Chronicle, tờ 20 Minutes lệ thuộc quyền quản lý của Ouest France. Các cơ sở báo biếu này được quyền đăng lại những bài thuộc bản quyền của các tổ hợp lớn mà họ có liên hệ hợp đồng. Trái lại, theo chổ tôi biết, các tập báo biếu người Việt hải ngoại thì hoàn toàn tự do, hay đúng ra, lệ thuộc khách hàng quảng cáo, do đó đang dần dần biến thành những tập quản cáo cho các xí nghiệp, các tiệm ăn, các phòng khám bệnh, phòng luật sư, tiệm Neo, tiệm chạp phô v.v. rồi các bài viết chỉ là một ''cớ'' để được gọi là tập san thôi. Tập báo biếu A, đếm 164 trang mà chỉ có 45% quảng cáo, và các bài viết không bị phân thành ba, bốn cột: đấy là một tờ báo biếu còn thuộc hạng đứng đắn, còn có chất lượng văn học. Ngoài ra, số đông: tờ B, 256 trang chiếm 68% quảng cáo, tờ C 248 trang, 72% quảng cáo, trong ấy các bài viết bị phân thành ba, bốn cột, không phân biệt với tin tức, quảng cáo. Đấy là những ''siêu thị văn học'' trong ấy văn chương và mắm muối, vàng thau lẩn lộn, không mấy ai còn nhìn ra được các bài viết nữa. Liệu có phải tình trạng này đã gây nên ấn tượng tẻ nhạt đối với những người chỉ thích vạch lá tìm sâu nhằm chỉ trích, bôi bác môi trường tự do tư tưởng mà họ đã từng một thời bị thiếu vắng chăng?
Trích: http://ttntt.free.fr/lienlacnhanvan/003lienlacvn05.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét