khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

Hai bài Tình Ca

 

Nhân bài viết của Bs Ngô Thế Vinh về Phạm Duy, tôi chợt nhớ đến ca khúc nổi tiếng "Tình ca" của ông. Thật ra, Việt Nam còn có một ca khúc có cùng tựa đề của Nhạc sĩ Hoàng Việt và cũng nổi tiếng. Cái note này bàn về những khác biệt giữa 2 ca khúc.
Điều thú vị là Phạm Duy xuất thân từ một gia đình danh giá ngoài Hà Nội, nhưng viết ca khúc Tình Ca ỏ Sài Gòn vào năm 1953. Còn Hoàng Việt là người gốc Nam kì nhưng viết bài Tình Ca ở ngoài Hà Nội vào năm 1957. Ít ai biết rằng Hoàng Việt chính là Lê Chí Trực, người gốc Cái Bè, Tiền Giang. Và, ông chính là tác giả ca khúc nổi tiếng 'Tiếng Còi Trong Sương Đêm' (kí tên Lê Trực) mà thế hệ tôi ở trong Nam đều biết.
Về bối cảnh sáng tác, Phạm Duy cho biết ông viết bài Tình Ca sau bài Tình Hoài Hương trong một căn phòng ở đường Phan Thanh Giản, vừa bồng con vừa hát “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời… Bài Tình Ca này không còn thẳng băng ruột ngựa như những bài ca kháng chiến trước đây. Bây giờ nó muốn gắn bó tất cả người dân trong nước bằng một tình cảm thống nhất: tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi, yêu người nước tôi. Thật là may mắn cho tôi là nói lên được phần nào bản sắc quốc gia (identité nationale) qua bản Tình Ca này".
Còn bài Tình Ca của Hoàng Việt thì được sáng tác ngoài Hà Nội. Trong thời chiến, Hoàng Việt tập kết ra Bắc (1954) và nhớ vợ con. Một hôm ông nhận được thư của vợ từ Sài Gòn và cảm xúc dâng trào nên viết ra ca khúc này trong một căn gác nhỏ ở Hà Nội.
Tuy có cùng tựa đề, nhưng nội dung thì khá khác nhau. Tình Ca của Phạm Duy bao gồm 3 đoạn: yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi, và yêu con người Việt Nam. Còn bài Tình Ca của Hoàng Việt thì có vẻ tập trung vào 'tiếng ca' và 'em', với 'tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa' và 'xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu'.
Về giai điệu thì Tình Ca của Phạm Duy phải nói là rất tình tự dân tộc, dạt dào, giống như những tiếng ru, và mang âm hưởng dân ca Bắc Bộ. Còn bài Tình Ca của Hoàng Việt thì viết theo giai điệu nhạc Blue, nhưng có chút âm hưởng điệu hò Nam Bộ.
Bài Tình Ca của Phạm Duy được xem là một trong những ca khúc hay nhứt của tân nhạc Việt Nam. Đầu thập niên 2000 (?) công ti sản xuất máy karaoke Sơn Ca ở Sài Gòn đã mua 10 nốt nhạc đầu tiên của bài Tình Ca với cái giá 100 triệu đồng lúc đó. Phạm Duy tâm sự rằng "Nếu một trăm năm nữa, [...] người ta vẫn hát bài ‘Tình ca’ với câu ‘Tôi yêu tiếng nước tôi’, thì 999 bài còn lại người ta có quên đi cũng được."
Còn Bài Tình Ca của Hoàng Việt từng có thời bị cấm hát ở ngoài Bắc, nhưng sau này thì phổ biến và được nhiều người trong nước yêu thích. Bài này được các nhạc sĩ cung đình đánh giá là "bản tình ca hay nhất của dòng nhạc Cách Mạng".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét