Nguyên Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát trưa mùng tám Tháng Bảy 2022, giờ địa phương, tại Nara miền Tây của Nhật Bản gần trung tâm Osaka. Ông bị hai viên đạn, một vào cổ, một vào tim, nên mấy tiếng sau đã từ trần trong bệnh việc trước sự bàng hoàng thương tiếc của rất nhiều người trên thế giới và tất nhiên của người Nhật.
Tin tức ấy đang được bổ túc căn cứ trên điều tra của nhà chức trách. Ta chỉ biết một nghi can tên là Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, lập tức bị bắt tại chỗ. Cục Phòng Vệ Nhật (Quân đội) cho biết một người cùng tên đã từng phục vụ một đơn vị Hải quân trừ bị trong ba năm. Chi tiết đáng chú ý là nghi can xác nhận mình bắn. Võ khí là loại y tự chế theo kiểu thủ công nghệ và ở nhà, trong một phòng tại chung cư Nara, an ninh có tìm thấy nhiều võ khí tương tự....
Trong khi chờ đợi thêm phát giác mới, vì Shinzo Abe không là người tầm thường - Thủ tướng cầm quyền lâu nhất của Nhật đã có nhiều quyết định độc đáo táo bạo - chúng ta cố nhìn xa hơn: tương lai Nhật Bản sau Shinzo Abe....
1/ Sinh vào Tháng Chín, 1954, Abe làm Thủ tướng lần đầu, năm 2006-2007, rồi phải từ chức vì lở ruột già. Ông trở lại lãnh đạo đảng Tự Do Dân Chủ (Tự Dân, Anh ngữ là LDP), làm Thủ tướng lần hai từ 2012 tới 2020. Sau đó, ông lại từ chức vẫn vì bệnh ở ruột già. Nhưng hết cầm quyền, Abe vẫn có ảnh hưởng mạnh nhất trong đảng qua hệ phái Seiwa Seikaku Kenkyu-kai. Vì vậy, hết là Thủ tướng rồi từ trần, ông để lại một khoảng trống cho đảng Tự Dân - và cho Nhật Bản: dân Nhật phải bù đắp vào sự trống vắng đó. Đấy là chính trị trong nội tình nước Nhật:
2/ Nhưng, tâm lý con người vẫn tác động. Shinzo Abe tử nạn khi vận động cho đảng tại cuộc bầu Thượng Viện vào Chủ Nhật mùng 10 này. Sau tai họa, đảng Tự Dân có đòn bẩy tâm lý nên các ứng viên sẽ thắng hơn mọi dự đoán trước, để đảng thi hành các ưu tiên. Nếu chiếm đa số siêu đẳng ở viện trên, đảng Tự Dân sẽ đưa ra các đề luật cải cách và tu chính Hiến pháp (như xác định lại vai trò của Lực lượng Phòng vệ cho khác với Hiến pháp Mỹ giải giới Nhật ở điều 9 sau năm 1945). Nhưng muốn tu chính Hiến pháp thì cần đa số hai phần ba tại Hạ Viện (gọi là Diet) - là điều đảng Tự Dân chưa có.
3/ Khi làm Thủ tướng, ông Shinzo Abe hiểu ra nhu cầu bảo vệ an ninh Nhật khác hẳn hoàn cảnh sau 1945. Dân Nhật bị chiến tranh tàn phá – còn ăn hai trái bom nguyên tử - nên có tâm lý chủ hòa, phản chiến, nhưng cục diện quốc tế đã thay đổi hẳn và Abe thấy vậy. Vừa cải tổ kinh tế sau khi Nhật bị khủng hoảng từ 1991 và đảng Tự Dân thất cử năm 1993 sau 55 năm lãnh đạo, ông lại vừa kín đáo suy diễn lại điều 9 của Hiến Pháp do Mỹ viết cho: nước Nhật không được có quân đội, chỉ có lực lượng tự vệ và không được gây chiến với bất cứ ai! Năm 2015, Shinzo Abe lách khỏi trò ngố đó mà suy diễn lại Hiến pháp: Nhật có quyền tham chiến ở hải ngoại nếu một đồng minh – như Hoa Kỳ - bị tấn công! Ai tấn công thì ai cũng biết.... Nếu ta nhớ cũng Shinzo Abe khi làm Thủ tướng lần đầu, thời 2007 đã nêu sáng kiến liên kết Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương giữa bốn nước là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, thì ta hiểu Bắc Kinh mừng thế nào khi Shinzo Abe bị hạ sát!
4/ Do đó, nếu nghễng ngãng theo dõi báo chí Mỹ, ta hiểu vì sao họ nêu câu hỏi ra vẻ uyên bác: ai sẽ là Thủ tướng sau Fumio Kishida! Lý do: như nhiều xứ dân chủ, Nhật theo chế độ đại nghị (parliamentary system) theo đó người dân bầu ra Quốc hội (Parliament) và Quốc hội mới chỉ định người cầm đầu chính đảng có đa số cao nhất sẽ lãnh đạo, với chức vụ Thủ tướng. Trong đảng Tự Dân, nhân vật có ảnh hưởng nhất để đề nghị ai sẽ là Thủ tướng chính là Abe. Ông gật đầu nên Yoshihide Suga rồi Fumio Kishida lên làm Thủ tướng. Shinzo Abe mất rồi, lãnh tụ các hệ phái trong đảng Tự Dân sẽ là... cá đối bằng đầu, ông Kishida cũng thế. Vì thế sau cuộc tổng tuyển cử 2025, ai cũng có thể là Thủ tướng, trong quãng một năm, điều ta đã thấy sau 1993 cho tới khi Junishiro Koizumi và Shinzo Abe xuất hiện.
5/ Nhưng dù nội tình đảng Tự Dân là vậy, và vì các phe đối lập đều bất tài phân hóa, tương lai vẫn là đảng Tự Dân sẽ đề ra các ưu tiên cho dân chúng chọn - như cũ. Về nội chính, chưa ai dám lấy loại quyết định táo bạo và ngược ngạo của Shinzo Abe – như tái khởi động nhà máy hạch tâm cho nhu cầu năng lượng của một xứ không có tài nguyên thiên nhiên; hoặc lặng lẽ tái võ trang nước Nhật! Cái may cho Nhật là Trung Cộng cùng Bắc Hàn - và cả Nam Hàn dưới chế độ thân cộng của Văn Tại Dần trước đây - đã thuyết phục dân Nhật là phải thay đổi. Các cuộc khảo sát gần đây (của Nikkei) cho thấy 53% dân Nhật ủng hộ việc khai thác lại các nhà máy hạch tâm, và (của Kyodo News) 51% dân chúng ủng hộ việc tu chỉnh điều 9 của Hiến pháp! Còn lại, các chính khách có dám noi gương Shinzo Abe hay chăng?
Kết luận tạm ở đây?
Mọi người gần xa đều có thể thương tiếc Shinzo Abe, bậc ái quốc kỳ tài của Nhật. Nhưng chính Bắc Kinh mặc nhiên giúp dân Nhật nhìn ra sự thật và hiểu được chủ trương táo bạo của Tiên sinh Abe, Abe-san.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét