Từ nguyên thủy, khi thế giới hiểu ra một số quy luật kinh tế thì ta đã học được một chân lý: “kinh tế cũng là chính trị”! Giới kinh tế mà thiếu ý thức chính trị thì chỉ là... thợ đếm, khó thành chiến lược gia có ích cho giới lãnh đạo. Tìm đọc Adam Smith (1723-1790) ta có thể thấy rõ, trước khi Karl Marx hậm hực viết dông dài về những chuyện ông ta không hề biết - rồi cùng Lenin gieo họa cho nhân loại....
Khi Ukraine bị Vladimir Putin xâm lược, vấn đề thành rắc rối hơn vì kết hợp nhiều yếu tố tương tác như kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao... Cuối Quý II 2022, thế giới chứng kiến nhiều thượng đỉnh quốc tế của nhóm G-7 (và Liên Âu) tại Đức, rồi thượng đỉnh của khối NATO tại Tây Ban Nha. Trong khi đó, còn có thượng đỉnh hôm 23 Tháng Sáu của nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Trung Cộng, Ấn Độ và Nam Phi.
Chúng ta chịu khó theo dõi mặt trận kinh tế vì Ukraine trong bối cảnh tính toán của các thượng đỉnh trên hầu có thể dự báo:
1/ Nhóm G-7 gồm bảy nước dân chủ giàu nhất là Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada (cùng Liên Âu EU). Khi Putin tấn công Ukraine, G-7 lập tức phối hợp nhằm a) yểm trợ Ukraine, b) trừng phạt Nga và c) chống đỡ hậu quả về kinh tế. Vấn đề rắc rối vì Nga phản đòn khi Âu Châu quá lệ thuộc vào năng lượng Nga, lại bị lạm phát tới 8,6%. Hậu quả là rủi ro kinh tế xã hội tại đa số Âu Châu ảnh hưởng tới chính trị và cả chiến lược yểm trợ Ukraine. Chiến cuộc còn chi phối số nông sản và xuất cảng lương thực của Ukraine, nên thượng đỉnh G-7 cần các nước phối hợp để ứng phó.
2/ Nói tới “mặt trận kinh tế”, khối dân chủ bèn phản đòn: hôm 28/6, nhóm G-7 đồng ý phong tỏa vàng của Nga! Putin có khối vàng dự trữ đáng kể nhằm hóa giải nạn cấm vận và giữ giá cho đồng rúp. Biết vậy, Tây phương gây sức ép lên đồng rúp và kinh tế Nga ngoài khu vực năng lượng, vì thế cấm Nga nhập cảng vàng là điều hợp lý: từ Tháng Ba, Hoa Kỳ đã cấm mọi giao dịch với Nga được thanh toán bằng vàng. Nôm na, trong trận đánh muôn hình vạn trạng, vàng cũng là võ khí có thể bắn cháy đồng rúp - và đẩy Putin vào thế thủ!
3/ Chưa hết! Giá dầu của Nga cũng là đối tượng phải triệt hạ vì là phương tiện xâm lược của Putin. Tới nay, các biện pháp cấm vận của Tây phương lại làm dầu thô lên giá! Mỹ và nhiều nước đã cấm mua dầu Nga mà đa số Âu Châu vẫn cần năng lượng Nga nên gãi đầu do dự. Để vượt rào cản đó, các nước đồng ý quy định giá dầu tối đa nhằm giới hạn sức tấn công của Putin. Nhưng từ lý thuyết tới thực hành còn lỗ hổng toang hoác mà Nga lách được. Tuy nhiên dù có lách, như không bán dầu theo giá tối đa hay không bán khí đốt qua các ống dẫn khí cho Âu Châu, Nga vẫn bị thiệt. Ai thiệt hơn ai là điều chưa ai biết, mà Ukraine rất muốn biết!
4/ Nhìn trận đánh kinh tế trên toàn cảnh – giải ảo mà! – ta thấy nhóm G-7 và khối Tây phương cần a) thêm đồng minh, b) trong cơ chế luật lệ quốc tế, c) có thể giảm sự lệ thuộc vào năng lượng của một chế độ hung đồ, d) đồng thời ứng phó trước một vụ khủng hoảng lương thực do Nga cố gây ra khi phá hủy kho thóc của Ukraine. Vì vậy, thượng đỉnh G-7 mời thâm năm nước tham dự là Ấn, Nam Phi, Indonesia, Senegal và Argentina, rồi ra thông cáo chung về Đối tác qua Chính sách Năng lượng. Tới nay, Argentina, Senegal và Ấn Độ có vẻ đáp ứng lời Âu Châu kêu gọi. Nhưng, từ đó tới lúc thi hành thì còn đàm phán lợi hại và làm dự án – ở rất xa Ukraine.
5/ Nhưng thật ra, tình hình của Nga cũng chẳng khá hơn! Do Putin, thượng đỉnh của Minh ước NATO đã định chế hóa một hệ thống phòng thủ quân sự dăm năm trước tưởng như bị xé làm tư vì các thành viên nhìn theo bốn hướng khác biệt! Tổng thư ký NATO – nguyên Thủ tướng Na Uy – đảm nhiệm thêm một năm để hoàn tất việc cải cách: a) Phần Lan và Thụy Điển sẽ tham dự sau khi Turkey đồng ý, b) Ba Lan lên tuyến đầu là hậu phương quân sự cho Ukraine, c) Hoa Kỳ tăng phái 100 ngàn lính tại Âu Châu và d) hệ thống võ khí NATO tiến xa hơn về hướng Đông!
6/ Từ khởi thủy nhóm BRICS chỉ là phát minh của Goldman Sachs để quảng cáo cho việc đầu tư vào các nền kinh tế “đang phát triển”. Nay năm thành viên ngó qua năm hướng khác nhau mà cứ được thổi là “lực lượng đối trọng của nhóm G-7” khi tổng sản lượng chưa lên tới 20 ngàn tỷ! Tại thượng đỉnh thứ 14, khi Putin kêu gọi nhóm BRICS liên kết chống Tây phương, câu trả lời là sự im lặng nặng nề, sau đó thông cáo chung nhắc tới Liên Hiệp Quốc và nhu cầu cứu trợ nhân đạo!
7/ Chưa kể là bên lề chuyện BRICS, Putin còn lãnh... cái tát! Tổng thống Kazakhstan cho biết a) xứ của ông không hề công nhận “Cộng hòa Nhân dân” Donestsk và Luhansk tại Ukraine, b) đa số các nước ngoài G-7 không muốn chọn phe cánh, và c) Nga nên cố gắng tranh thủ thêm bằng hữu!...
Kết luận ở đây?
Putin trông chờ vào sự phân hóa của Tây phương để tồn tại. Nhưng nhìn quanh thì dù có che cái dù lủng của BRICS, Nga lại thiếu bạn nếu so với Ukraine! Dễ ghét chừng nào!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét