khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Tết Xưa - Tác giả Nguyễn Tường Thiết

 

Hàng năm mỗi lần Tết đến khi tôi hồi tưởng về những cái Tết đã đi qua trong đời mình thì hình ảnh Tết Kỷ Hợi bao giờ cũng hiện lên trước nhất. Nó nổ trong ký ức tôi tiếng pháo đùng đón giao thừa từ Thanh Ngọc Đình vọng vào đêm rừng. Nó lóe trong trí nhớ tôi hình bóng căn nhà chập chờn ánh lửa tỏa từ đám củi cháy dưới nồi bánh chưng sôi sục và tiếng kèn của cha tôi lan đi trên dòng suối Đa Mê. Suối mơ! Bên rừng thu vắng. Giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng...
Thanh Ngọc Đình là tên cha tôi đặt cho một căn nhà ông xây cất ở giữa rừng Fim Nôm vào những năm cuối đời, để thưởng cho một loài hoa ông cho là tiên cách nhất. Căn nhà do chính cha tôi vẽ họa đồ, được xây toàn bằng vật liệu nhẹ, tọa lạc bên dòng suối Đa Mê, cách Quốc L 20 Sài Gòn-Đà Lạt khoảng một nghìn thước, ngang cây số 27 tính từ thành phố Đà Lạt, và thuộc xã Fim Nôm.
Thực ra đó chỉ là một căn nhà trong mộng. Bởi vì Thanh Ngọc Đình không bao giờ được hoàn thành. Năm 1959 căn nhà bị sụp đổ hoàn toàn sau một đêm giông gió, chỉ còn trơ lại cái nền nhà trống. Cũng may là nó sụp đổ sau Tết Kỷ Hợi (ngày 8 tháng 2 năm 1959), là năm mà đông đủ chúng tôi đã ăn cái Tết sau cùng ở Fim Nôm.
Năm ấy là năm đầu tiên cha tôi tổ chức ăn Tết trong rừng. Một phần để ăn mừng căn nhà xây gần xong, phần khác chắc là ông muốn làm sống dậy không khí những cái Tết xưa ở trại Cẩm Giàng. Hồi đó chúng tôi đều ở Sài Gòn. Năm trước cha tôi đã bỏ Đà Lạt về Sài Gòn làm báo. Tháng giêng năm 1959 ngay sau khi số báo Văn Hóa Ngày Nay số Xuân Kỷ Hợi được phát hành, cha tôi lên Fim Nôm đôn đốc việc xây nhà và sửa soạn đón xuân. Ông mời một số thân hữu và gia đình của họ lên Fim Nôm ăn Tết. Tôi nhớ có gia đình các bác Nguyễn Hữu Phiếm, Nguyễn Sĩ Dinh, Bùi Khánh Đản, Lê Đình Gioãn... Thời gian đó tại Fim Nôm bà nội tôi ở chung với người em trai của bà là cụ Nghị Biên trong một căn nhà gỗ sơ sài ở cây số 27 ngay sát quốc l. Bà nội tôi tu ở đó, mẹ tôi thuê một con bé giúp việc tên là Tình lên ở Fim Nôm trông nom bà nội tôi. Bà lúc này đã yếu nên không muốn bầy vẽ tổ chức Tết lớn. Nhưng cuối tháng chạp cha tôi khẩn khoản bà nội đứng ra phụ trách nấu nồi bánh chưng. Ông nói:
–Mẹ ơi mẹ, Tết mà mẹ không nấu bánh chưng thì kể như không phải là Tết. Con nhớ những ngày ở Cẩm Giàng, ở quê nhà, bao giờ nhà cũng có gói bánh chưng vui lắm.
Bà nội tôi trả lời:
–Mẹ bây giờ già lắm rồi. Không gói bánh được đâu.
Cha tôi năn nỉ:
–Thôi mẹ ơi, mẹ gói bánh chưng đi cho con vui.
Bà nội tôi cũng chiều ý cha tôi nhận gói bánh chưng. Thật ra vai trò nấu bánh của bà nội chỉ có tính cách tượng trưng vì trên thực tế có bà Trẻ là vợ của cụ Nghị và chị Thoa tôi làm hết mọi việc. Bà nội tôi bấy giờ đã trên bẩy mươi đâu còn khoẻ mạnh như hai thập niên trước, những năm của thập niên 19(30) một mình bà đã quán xuyến tổ chức những cái Tết thật to ở trại Cẩm Giàng, mời bao nhiêu là văn nhân thi sĩ, tạo nên một không khí Tết đặc thù mà sau này nó đã được ghi lại trong nhiều áng văn của Tự Lực Văn Đoàn.
Tôi còn nhớ buổi chiều ngày hôm ấy, chiều 30 Tết, trong bộ áo quần mới tôi súng sính bước vào tuổi đôi mươi.
Ngày chưa đi sao gió vương... Ngày của những giờ phút năm cùng tháng tận. Chúng tôi ngồi trong một quán lá ở Fim Nôm uống bia nhìn ra ngoài quốc l. Chiều cao nguyên hiu hắt. Ngay bên kia đường là ngã ba đi Đơn Dương. Nhìn suốt từ cả ba hướng, hướng Sài Gòn, hướng Đà Lạt, hướng Đơn Dương, không một chiếc xe chạy đến Fim Nôm. Thỉnh thoảng lắm mới có chiếc xe đò Minh Trung chạy vù qua từ hướng Di Linh lên, mang theo những hành khách cuối cùng của Sài Gòn lên Đà Lạt. Xã Fim Nôm xơ xác những căn nhà xiêu cũ bên kia đường, ẩn sau những bụi chuối. Phía xa trên nền trời là dẫy núi cao, trên đó, người thượng đốt rừng làm rẫy từng đám, khói lam từ những mảng đen bay lên tỏa trong sương chiều. Bên này con phố quán chúng tôi ngồi duy nhất còn mở cửa. Mặt lộ vắng. Lề phố vắng. Sinh hoạt của Fim Nôm thu hẹp lại. Mấy con chó gầy gò loăng quăng sục sạo tìm thức ăn trước những quán hàng giờ này đã đóng cửa. Anh tôi nói:
–Chúng mình về thôi cho họ còn đóng cửa sửa soạn Tết chứ!
Như để nhắc nhở, có tiếng pháo đì đạch ở sau quán. Ngay sau đó tiếng pháo nối nhau ở phía xa trên con phố vắng. Không gian ở đây loãng quá. Tiếng pháo không nổ vang mang lại niềm vui hay niềm phấn kích như tiếng nổ trong thành phố, nó chỉ lẹt đẹt mấy tiếng rời rã càng làm tăng cái yên vắng buồn bã của thôn xã vào buổi chiều cuối năm.
Fim Nôm nằm trên cây số 25. Tôi theo chân người anh yên lặng đi men theo quốc lộ 20 về phía quận Đức Trọng. Quãng đường về Thanh Ngọc Đình khoảng hai cây số. Hai anh em quần áo mới, giầy tây mới, đi trên mép quốc lộ vắng ngắt. Tôi lấy trong túi quần ra cái kèn Harmonica hình cong cong rồi vừa đi tôi vừa thổi vang lên ca khúc “Đường Lên Sơn Cước”: Đường lên núi rừng, sao hãi hùng, ôi gió lộng, muôn lá động, cành trong bóng thê lương... Vài đứa bé con cởi trần bận quần đùi thò ra khỏi bụi chuối tò mò nhìn chúng tôi, hai thanh niên tỉnh thành, đi lạc lõng ở xóm quê.
Ở một khúc đường cong ngang cây số 27 có vài tiếng pháo lẻ tẻ đón chúng tôi. Tại cây số này hai năm trước cha tôi đã mua một lô đất rộng chừng vài mẫu. Lô đất phía trước tiếp giáp quốc lộ phía sau tận cùng suối Đa Mê, nằm giữa hai lô đất của cụ Nghị Biên và của bác sĩ Nguyễn Sĩ Dinh. Trên lô đất của cụ Nghị gần quốc lộ là một căn nhà gỗ, nơi bà nội tôi và ông bà cụ Nghị Biên ở. Cha tôi thì ở một căn nhà nhỏ bên suối Đa Mê. Thật ra đây chỉ là căn bếp của Thanh Ngọc Đình được xây xong từ cả năm trước, dùng làm chỗ ở tạm trong thời gian cha tôi cho xây căn nhà trong mộng bên bờ suối. Cả hai căn đều không có hệ thống điện nước dẫn tới. Đêm đến căn nhà tù mù ánh đèn dầu. Tết này mẹ tôi từ Sài Gòn mang lên hai cái đèn măng-xông mới tinh làm quà cho cha tôi. Giữa hai lô đất là một con đường đất hẹp đi vào suối Đa Mê. Khi chúng tôi tới nơi tôi thấy có hai chiếc xe hơi đậu trước căn nhà gỗ. Tôi nhận ra một chiếc của nhà bác Gioãn.
Anh tôi đi thẳng vào suối. Còn tôi bước vào nhà cụ Nghị. Trong nhà tôi chỉ thấy bác Gioãn gái, còn bác trai và mấy người con của hai bác tôi đoán đã vào nhà trong suối thăm cha tôi. Có năm người ngồi trên phản gỗ. Bà nội tôi, cụ Nghị Biên, bà Trẻ, bác Gioãn và cô Năm. Bà nội tôi bận áo nâu, đầu chùm cái mũ len dầy cũng màu nâu. Bà ngồi yên như một pho tượng. Cụ Nghị đang rít hơi thuốc lào kêu sọc sọc. Bà Trẻ, bác Gioãn và cô Năm trò chuyện. Trừ bà Trẻ và bác Gioãn, ba người kia nom rất giống nhau, mắt sâu, mày rậm, mũi cao. Đặc biệt là cụ Nghị trông cứ y như cha tôi. Cụ rít xong điếu thuốc lào, ngồi lịm đi một lát rồi cụ ôm ngực ho sặc sụa. Chặp sau tiếng ho đổi ra tiếng khò khè nghe như cưa gỗ. Cụ ngửa cổ ra, há to miệng như con cá lên cạn ngáp ngáp để đớp không khí. Bà Trẻ xoay qua vuốt ngực cụ Nghị nói:
–Cái ông này đã xuyễn kinh niên rồi mà không chịu bỏ thuốc lào!
Bà Trẻ nom trẻ lắm. Đầu bà vấn khăn như kiểu các bà già xưa và có nét mặt thanh tú. Nghe nói bà Trẻ trước kia là cô đầu đi theo cụ Nghị làm vợ bé. Lát sau mẹ tôi bước vào, có thằng Trợ theo sau bê một rổ to đựng trái cây. Mẹ tôi bày trái cây lên bàn thờ để sửa soạn cúng giao thừa. Thằng Trợ mẹ tôi thuê làm cau ở Sài Gòn, bà cho nó lên Fim Nôm để trồng cây ăn trái trên miếng đất của cha tôi. Cây được trồng từ hai năm trước. Tôi không biết là những trái cây này được hái trong vườn hay là mua từ chợ ở quận Đức Trọng. Trên phản có cái tráp đựng trầu cau. Bà Trẻ và bác Gioãn vừa cơi trầu vừa nói chuyện với cô Năm. Miệng hai bà nhai trầu bỏm bẻm. Căn nhà ngoài này là chỗ mẹ tôi ở trong mấy ngày Tết ở Fim Nôm. Còn căn nhà trong suối Đa Mê mới là thế giới của cha tôi và tất cả chúng tôi. Hai căn cách nhau non cây số. Bà nội tôi lúc này đã yếu nên không cuốc bộ vào rừng được, mẹ tôi vì vậy phải ở căn nhà ngoài để trông nom bà mẹ chồng. Số phần của cha mẹ tôi là như vậy. Ít khi cha mẹ tôi được ăn Tết cùng nhau dưới một mái nhà. Ngay cả trong cái Tết này, cái Tết mà chính cha tôi đã phải nài nỉ mẹ tôi lên Fim Nôm thật sớm vì mẹ tôi không bao giờ muốn rời cửa hàng cau ở chợ An Đông Sài Gòn vào những ngày trước Tết là thời gian việc bán buôn bận rộn nhất trong năm. Cạnh tráp đựng trầu cau, tôi thấy có một cái tráp nữa có chia nhiều ngăn đựng đầy hạt dưa và mứt kẹo. Tôi bốc một nắm hạt dưa thủ túi, lại bốc thêm một nắm mứt sen rồi tôi bước ra ngoài.
Con đường đất hẹp dẫn tôi vào suối. Hai bên đường cứ cách một quãng lại có một đống củi chất cao. Đi được nửa đường tôi thấy có mấy thanh niên và một đám trẻ con đang bẻ củi khô chất thành từng đống y như những đám củi tôi đã thấy ở ngoài. Mặc dù những người ấy là bà con nhưng tôi chẳng nhận ra ai là ai. Hình như đám đó là con cháu phía bên cụ Nghị. Nghe họ nói chuyện với nhau tôi mới biết là cha tôi nhờ họ kiếm củi khô chất đống để chờ tối đến sẽ đốt lửa suốt đêm. Tối nay những thân hữu của cha tôi và gia đình họ từ xa đến dự giao thừa ở Thanh Ngọc Đình. Họ cứ lần theo ánh sáng đám củi cháy mà vào trong suối. Hoặc giả sau giao thừa nếu không tiện ngủ lại trong rừng thì họ có thể theo ánh lửa mà lần ra chỗ xe đậu ở nhà ngoài để về lại Đà Lạt. Rừng Fim Nôm là rừng thưa. Ngoài cây thông ra còn nhiều loại cây khác mà tôi không biết tên. Có một loại cây không cao lắm, thân nhỏ, vỏ cây sần sùi, nhánh khẳng khiu, là loại cây mà hoa phong lan, đặc biệt là Nhất Điểm Hồng, rất thích bám vào. Sau hai năm liền nhiều lần đi theo cha tôi vào rừng kiếm lan bấy giờ tôi có thói quen cứ hễ vào rừng mắt tôi lại ngước nhìn những thân cây loại ấy.
Chưa tới suối tôi đã nghe tiếng kèn clarinette của cha tôi vẳng đến. Nghe kỹ thì có hai tiếng kèn hoà tấu. Tôi biết tiếng kèn kia là của anh Hậu, con bác Gioãn. Họ hoà tấu bản nhạc “Hẹn Một Ngày Về” của giáo sư kiêm nhạc sĩ Lê Hữu Mục. Cha tôi năm trước có dậy tôi học kèn clarinette, nên tôi có thể phân biệt được tiếng kèn của hai người. Tiếng kèn của cha tôi điêu luyện hơn, nó “đanh” và “tròn” hơn tiếng kèn của anh Hậu. Cha tôi đã rành xử dụng nhạc khí này trên hai mươi năm, từ cái thời Tự Lực Văn Đoàn ở Hà Nội.
Vào tới suối nghe tiếng cười nói trong trẻo của các thiếu nữ tôi biết là ở trong này đã có khá đông khách tới. Các người con của bác Gioãn, bác Dinh, bác Đản đã có mặt ở đây. Năm đó tôi chưa đến tuổi đôi mươi. Các cô Mai, cô Thục con bác Gioãn; cô Kim, cô Vân con bác Đản tôi xem như bậc chị vì họ chơi thân với chị Thoa tôi. Chỉ có hai cô Dung và Diễm con bác Dinh là nhỏ thua tuổi tôi. Trong đám các cô gái tôi chỉ đế ý đến chị Mai con bác Gioãn. Tôi thấy chị đẹp lắm. Người chị cao, gương mặt trái soan, đôi mắt to và nước da trắng. Lúc tôi đến suối thì các cô ấy đang nghịch nước, có chị Thoa tôi trong đám. Ở cách một quãng, chỗ có mắc một cái võng cha tôi thường nằm để viết truyện, anh Triệu tôi và anh Tố, một người cháu của cụ Nghị đứng bên bờ suối. Tôi đến gần và nghe anh tôi hỏi anh Tố:
–Không biết suối này có cá không nhỉ?
Người cháu của cụ Nghị trả lời:
–Anh này hỏi ngu quá. Chỗ nào có nước thì phải có cá. Đây là định luật tất nhiên của tạo hóa!
Anh tôi tỏ vẻ tức nhưng không nói gì. Anh lẳng lặng bước xuống suối, vốc nước đầy trong hai lòng bàn tay chụm nhau rồi vừa đi lên vừa nhìn chăm chú vào lòng bàn tay, nói trống không:
–Rõ ràng là có nước ở đây mà sao quái lạ nhìn mãi không thấy cá!
Người kia biết là anh tôi nói xỏ xiên nên bỏ đi chỗ khác chơi. Vừa lúc ấy cha tôi bước xuống, tay ông lần một sợi giây buộc vào một rễ cây, kéo lên một cái giỏ nằm dưới lòng suối. Trong giỏ có khoảng chục chai bia Larue con cọp. Ông lấy ra một chai rồi lại đặt cái giỏ xuống suối. Đa Mê là cái tủ lạnh ướp bia thiên nhiên của cha tôi.
Có tiếng một cô gái từ dưới suối đưa lên:
–Bác Tam ơi! Cháu đọc báo Văn Hoá Ngày Nay của bác mới biết tên của con suối này. Cháu không nhớ bác gọi suối này là suối Đam Mê hay là suối Đa Mê ?
Cha tôi trả lời:
–Đa Mê không phải Đam Mê.
–Tên Đa Mê hay quá có phải bác đặt tên cho nó không?
–Không, tên suối Đa Mê có ghi trên bản đồ. Cũng như suối Đa Tam chạy song song với con suối này nhưng nằm phía bên kia quốc l. Rất nhiều con suối ở vùng này có tên bắt đầu bằng chữ Đa.
Cha tôi nói rồi lật đật rời suối, tay mang chai bia, vì có tiếng gọi rất to của bác Phiếm. Bác vừa đến nơi. Chưa thấy bác đâu mà giọng nói cứng cỏi và khỏe mạnh của bác đã đi trước. Bác Phiếm tôi thấy lúc nào cũng vui vẻ. Mặt ông hồng hào. Đi theo bác Phiếm có hai cô con gái bác là cô Tuyết và cô Chi. Tôi theo ba người đi về phía Thanh Ngọc Đình. Căn nhà bếp khá rộng được xây trên một nền đất cao. Ở bốn đầu nhà có căng bốn cái bạt lớn để hứng nước mưa vào trong bốn cái lu sành. Bác Dinh nghe tiếng bác Phiếm thì ở trong bước ra. Vào trong nhà tôi thấy bác Gioãn và bác Đản đang ngồi chụm đầu hai bên chiếc bàn. Trên bàn phủ kín những tờ giấy bản viết chi chít những chữ Hán còn nguyên mùi mực tàu. Chắc bác Bùi Khánh Đản đang làm thơ vịnh xuân. Ở trên vách có treo nhiều bức Hán tự của bác và của cha tôi. Trong thời gian gần đây tôi thấy bác Đản, bác Gioãn và cha tôi hay nghiên cứu và tập viết chữ Hán. Tôi nghe cha tôi nói với bác Đản là ông rất thích nét bút của Tô Đông Pha. Một bức tranh cha tôi vẽ suối Đa Mê cũng được treo. Tôi lại gần bức vẽ. Phía dưới có câu thơ “Nhớ người lòng suối Đa Mê gợn buồn” (Nhất Linh – 19-1-59) cho tôi biết bức tranh này được cha tôi vẽ mới hai tuần lễ trước. Ngoài những bức chữ Hán, trên vách cha tôi còn treo nhiều giỏ phong lan với đủ kiểu hoa khác nhau. Trong số tôi chú ý nhất đến một chùm hoa sắc đỏ thắm như màu máu mà cha tôi đặt tên là Huyết Nhung Lan. Mới tháng trước tôi đưa cha tôi xem một truyện ngắn của tôi mang cùng tên, truyện ngắn đầu tay, trong đó tôi tả về cái chết của cha tôi. Tôi tưởng tượng một hôm đi kiếm lan, ông với một nhánh Huyết Nhung Lan ở bờ vực rồi hụt chân rơi xuống khe núi.
Có tiếng pháo nổ ran ở bên ngoài. Khi tôi bước ra thì ở bên bờ suối cha tôi đang cầm bản họa đồ và chỉ cho bác Phiếm căn nhà đang xây cất. Thanh Ngọc Đình mới chỉ có khung và mái rạ. Trông nó phảng phất như dẫy nhà ngang của trại Cẩm Giàng tức căn nhà Ánh Sáng mà hình ảnh còn in lại mơ hồ trong trí nhớ tôi. Sau đó cha tôi dẫn bác Phiếm xuống suối. Tôi ngửi thấy vương trong không khí mùi khói pháo thơm của mùi Tết. Một đám đông cháu cụ Nghị, chắc vừa trở về sau khi hoàn tất công việc chất củi mà cha tôi giao phó, đứng tụ ở đó. Vài đứa nhóc trong đám này không biết kiếm đâu ra một số pháo đùng nổ rất to và cứ rình rình để vứt vào chân các cô gái lúc này đã rời suối và đang đứng quây quần quanh nồi bánh chưng.
Đang đi cha tôi chặn bác Phiếm đứng lại. Trên mặt đất ngay phía trước hai người có ai vừa thẩy một chiếc pháo lớn đang xì khói. Cha tôi nói với bác Phiếm:
–Tiếng pháo thì tôi không sợ. Ghét nhất là cứ phải nhìn cái pháo nó sắp nổ trước mặt mình. Cứ phải chờ đợi hồi hộp. Này, nó sắp nổ đấy, nó sắp nổ đấy. Gặp pháo nào tịt ngòi lại càng phải hồi hộp lâu hơn. Dạo này tôi bị cái bệnh hồi hộp không căn cớ, lúc nào cũng ở tâm trạng y như một người sắp sửa đi thi.
Bác Phiếm nói:
–Bệnh đó không có gì lạ. Tại năm vừa rồi anh về Sài Gòn làm báo đấy. Anh mà cứ ở đây tu tiên thì bệnh gì cũng hết.
–Tôi cũng tính thế đấy, ít tháng nữa căn nhà này xây xong thì tôi cũng dẹp luôn tờ Văn Hoá Ngày Nay lên đây vui với hoa lan. Chuyện thế sự gác sang một bên. Tôi cũng mệt mỏi rồi.
Lúc ấy trời ngả sâu về chiều. Bác Phiếm đòi đi về Đà Lạt trước khi tối trời. Cha tôi muốn lưu bác ở lại đón giao thừa nhưng bác từ chối. Bác quay lại nhờ tôi đi kiếm hộ hai cô con gái mà tôi không biết chị Thoa tôi đã dẫn họ đi chơi đâu ở trong rừng. Lát sau cha tôi đưa tiễn ba cha con bác Phiếm ra tận nhà ngoài.
Chị Thoa từ trong căn nhà bếp ra đưa tôi một nắm xôi. Chị nói:
–Em ăn đỡ xôi. Đêm nay thằng Trợ sẽ bưng vào đây nồi cháo gà. Mình sẽ ăn cháo và canh bánh chưng đón giao thừa. Chị phải chạy ngay ra nhà ngoài trước khi trời tối để phụ mẹ làm cơm ở ngoài đó. Mắt chị dạo này kém lắm. Trời tối nhìn không rõ đường. Chắc tối chị phải đi theo cậu vào lại đây.
Chị Thoa đi rồi tôi trở ra suối. Không có ai ở đấy. Gần suối, chỗ miếng đất trống trước Thanh Ngọc Đình, trên một bệ gạch dùng làm bếp là một cái thùng phuy làm nồi bánh chưng đun từ buổi trưa, xung quanh nồi bánh tôi không thấy ai. Tất cả mọi người chắc đều vào cả trong nhà. Tôi ngồi trên một phiến đá rộng và phẳng bên bờ suối bốc xôi ăn. Suối Đa Mê nhỏ. Bề ngang nhiều chỗ eo lại chỉ rộng vài thước, như một con lạch. Nước suối thật trong. Có thể nhìn tận đáy. Dưới chân những hòn đá lớn rêu xanh bở ra từng mảng tua tua vẫy trong làn nước chảy. Ở một chỗ nước lặng hình như có một con nhện vừa loáng qua để lại trên mặt một vệt nhăn. Có thật một con nhện nước vừa băng ngang? Hay vết nhăn trên nước chỉ là hình ảnh một kỷ niệm vừa thoáng trong trí tôi?
Lửa nồi bánh chưng bỗng sáng lên. Ở đâu đó trong rừng những đám củi đã được đốt cháy. Tôi rời phiến đá đến chiếc võng mắc giữa hai thân cây bên cạnh suối rồi nằm gọn lỏn trong lòng chiếc võng của cha tôi. Chiếc võng mà cha tôi vẫn ngồi viết cuốn trường thiên Xóm Cầu Mới.
Đêm xuống. Cùng với bóng tối phủ xuống thì tiếng động của thiên nhiên lại như được nâng cao. Không gian ri ri tiếng rạo rực của côn trùng. Rồi thỉnh thoảng trong vũng tối âm u của suối rừng có tiếng động to lên bất chợt. Một tiếng quẫy. Rồi tõm một cái. Một con cá vừa ngoi lên? Một con nhái vừa quăng mình?
Tôi nhớ hai hôm trước đúng chỗ phiến đá nơi mà tôi vừa rời chỗ cha tôi ngồi rửa chân. Lúc ấy nắng ban trưa lọt qua lùm cây rọi trên mặt suối lóe những đốm sáng. Ở bên cạnh chị tôi đang rửa lá dong. Những tấm lá dong xanh mượt uớt át. Chị nói với cha tôi:
–Nước trong mát quá! Con giúp bà Trẻ rửa lá dong để nấu nồi bánh chưng. Hôm nay đã hai mươi tám Tết rồi. Cậu mời khách có đông không để bà Trẻ liệu đường gói bánh?
–Mời thì cũng nhiều đấy nhưng từ Sài Gòn đến Fim Nôm đâu dễ. Phải có ô-tô con ạ. Ngày xưa ở Cẩm Giàng thế mà tiện hơn nhiều. Cứ nhẩy lên tàu hỏa xuống ga Cẩm Giàng là tới, mà trại thì lại ở gần ga.
–À, Tết này con nấu cho cậu nồi cá nục kho. Con biết cậu chỉ thích món kho. Hoặc cá kho hoặc đậu kho. Còn mợ thì chỉ thích món sào. Món hẩu sực của mợ là món thịt bò sào cải làn cũng như của cậu là cá nục kho.
Chị Thoa thương cha tôi lắm. Mấy năm trước ba cha con tôi sống ở Đà Lạt. Chị săn sóc cha tôi từ miếng ăn. Cha tôi chỉ thích nồi cá nục kho do chính chị tôi nấu. Ba cha con thường lặng lẽ ngồi ăn trên chiếc chiếu hoa trải trên sàn gỗ đánh bóng, trong căn nhà bằng đá ở đèo Prenn. Bữa cơm nào chị tôi nấu cũng có nồi cá kho và đậu phụ. Đậu thì hết kho lại rán, rồi lại nấu canh. Sau nhà, ở triền một đồi thông, có một dàn cây su su, quanh năm lúc nào quả cũng chi chít. Chị tôi biểu diễn làm “su su bẩy món”. Không biết chị học nấu những món này ở đâu hay chị chế lấy. Căn nhà bằng đá ấy rộng và lạnh lẽo lắm. Hồi mới dọn đến chị nói căn nhà này có ma làm tôi cũng thấy rờn rợn. Chị Thoa bảo tôi:
–Nhà này có ma thật em ạ! Nhưng con ma này hiền lắm, nó chỉ trêu chị thôi chứ không hại ai cả. Đầu tiên chị không để ý nhưng sau chị thấy là lạ. Cứ mỗi lần lên giường đi ngủ chị để đôi guốc ở cạnh giường thì sáng ngày hôm sau, lạ quá em ơi, đôi guốc cứ tự động xoay 90 độ, đúng chiều chị sỏ chân.
Mấy tháng sau chị lại bảo tôi:
–Chị biết con ma ấy là ai rồi. Tối hôm qua chị tỉnh dậy ở giữa đêm rồi cứ nằm trằn trọc mãi không ngủ lại được. Chị nhìn ra ngoài màn thấy ở bàn trong góc phòng cái đèn chụp còn bật sáng. Dưới ánh đèn chị chỉ thấy lờ mờ cái lưng của cậu. Cậu đang ngồi viết văn. Lát sau cậu đứng dậy vươn vai. Rồi cậu quay lại nhìn về phía giường chị. Trước khi tắt đèn đi ngủ chị thấy cậu rón rén đến bên cạnh giường cúi xuống xếp lại đôi guốc của chị.
Rồi chị tôi bật lên khóc:
–Cậu vẫn thường nói trong năm giác quan thì thị giác là quan trọng nhất. Không nhìn thấy được những cái đẹp ở đời thì đời còn gì đáng sống? Chị bị đau mắt hột từ bé hồi còn ở Hà Nội. Vú em của chị lây bệnh đau mắt hột sang chị và sang cả anh Thạch nữa. Bây giờ cả anh Thạch và chị mắt kém lắm, phải mang kính cận rất nặng. Cậu rất khổ tâm về chuyện này và cứ nghĩ rằng vì mình đi làm cách mạng xa gia đình nên mới thế. Mà nào chị có nghĩ như thế đâu chứ! Chắc là cậu sợ đêm chị thức dậy đi tiểu mà mắt kém không mò ra được đôi guốc nên cứ xoay sẵn cho đúng với chiều sỏ chân.
Nằm trong võng trong đêm tối tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện chị tôi kể và tôi ngủ thiếp đi lúc nào tôi không biết.
Hình như tiếng kèn của cha tôi đánh thức tôi dậy. Trời còn tối đen. Nhưng tôi có cảm tưởng mình vừa ngủ được một giấc dài và câu chuyện chị tôi kể đã trôi trong trong giấc ngủ của tôi. Câu chuyện ấy chỉ là mơ? Hay nó có thực? Tôi không chắc. Tôi chỉ biết khi thức giấc thì bờ mắt tôi đã ướt nhẹp và một cảm giác vô cùng buồn bã thấm đọng vào không gian. Không gian ngập bóng tối nơi chỗ tôi nằm. Không gian đầy ánh lửa ở phía ngoài kia.
Từ trên võng tôi nhìn ra ngoài nơi ánh sáng của nồi bánh chưng mà lòng thổn thức. Cảnh tượng tôi nhìn thấy lúc đó thật ra rất vui. Và đẹp nữa. Nhưng sao tôi thấy buồn như đó chỉ là một cảnh đã ở sâu trong kỷ niệm? Nó hiển hiện trước mắt nhưng đã bị trí tưởng tôi đẩy xa, lùi sâu, vào thời quá vãng để trở thành hình bóng đã hoàn toàn mất. Gợn lên trong tôi một nỗi đau thương rờn rợn tỏa ra khắp người y như cảm giác khi tôi viết xong truyện ngắn đầu tay Huyết Nhung Lan tả về cái chết của cha tôi.
Trước mặt tôi quanh bếp lửa đỏ rực là một vòng sáng hồng trải rộng trên mặt đất. Quanh ánh hồng mười mấy người ngồi quây quần canh nồi bánh chưng. Bóng của mấy người đi qua lại in chập chờn trên mái rạ của Thanh Ngọc Đình.
Có tiếng vỗ tay khi tiếng kèn của cha tôi vừa dứt. Lát sau bác Bùi Khánh Đản đứng lên. Chắc bác ngâm bài thơ bác vừa sáng tác. Giọng ngâm nhỏ quá tôi không nghe rõ. Rồi một người khác quay lưng về phía tôi đứng lên, tôi không biết là ai, nhưng tôi đoán anh ta kể một chuyện vui, vì có nhiều tiếng cười rộ lên.
Sương đêm rơi xuống làm người tôi rùng lên vì lạnh. Ngay cả ở ngoài kia bên ánh lửa một số các cô gái ngồi ở vòng ngoài đã bắt đầu phải khoác lên vai tấm chăn dạ. Có hai người vừa đứng lên là cha tôi và chị Thoa. Chị bắt đầu cất tiếng hát. Tiếng hát của chị lan đi trong bóng đêm. Bài Thiên Thai của Văn Cao. Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng...Cha tôi đưa cây kèn clarinette lên phụ họa (tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng...) Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên... Tiếng kèn (nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên...). Rồi tiếng kèn hòa cùng tiếng hát: Kìa! Đường lên tiên! Kìa! Nguồn hương duyên! Theo gió tiếng đàn xao xuyến...Tiếng hát lại tách ra: Phím tơ lưu luyến...
Có ánh đèn pin loáng lên ở ngoài rừng. Rồi tiếng người nói trong đêm vẳng tới. Dưới ánh lửa của những đám củi cháy trên con đường dẫn từ nhà ngoài vào tôi thấy thấp thoáng bóng của một đám người. Người đi đầu tiến đến đám lửa, lại gần cha tôi lúc ấy đã chơi xong bản hoà tấu, nói to:
–Tôi cứ lần theo tiếng kèn của anh mà tìm đến được Thiên Thai.
Tôi không nhận ra người ấy là ai. Ông ta nói xong bắt tay cha tôi. Một số người khác đi theo ông hơ tay trên lửa sưởi ấm rồi nhập chung vào đám ngồi canh nồi bánh chưng. Lát sau thằng Trợ và con Tình gánh nồi cháo gà tới. Rồi kẻ đứng người ngồi cầm bát cháo ăn. Tôi đoán tất cả cũng khoảng hai chục người đứng ngồi xếp thành hai vòng tròn xung quanh nồi bánh.
Thốt nhiên tôi thấy tủi thân. Tôi vừa lạnh lại vừa đói. Tôi có cảm tưởng riêng mình tôi là một thế giới. Thế giới của bóng tối, cô độc và buồn bã. Ngoài kia là thế giới của tất cả mọi người, thế giới của ánh sáng và vui vẻ. Không ai nghĩ đến tôi cả. Cha tôi cũng không nghĩ đến tôi nữa. Ông đang cười nói. Mặt ông mang đầy ánh hồng trước ánh lửa. Hay cha tôi có nghĩ đến tôi nhưng ông lờ đi vì còn đang giận tôi về cái truyện ngắn tôi viết? Truyện tôi mơ thấy ông chết? Không, cha tôi hoàn toàn không có vẻ giận sau khi đọc xong truyện ấy. Hình như ông chỉ buồn. Linh tính cho tôi biết cha tôi buồn chắc vì ông nghĩ đã truyền cho tôi cái mầm của sự bất thường trong ông mà vì thương con ông không muốn tôi có.
Tôi lại thiếp đi một lát. Trong mơ màng có ánh lửa chập chờn và tiếng ai gọi tên tôi như từ ở một nơi xa xăm lắm. Rồi nhiều tiếng gọi theo sau. Bỗng một bàn tay sờ vào trán tôi làm tôi sực thức giấc. Tiếng chị Thoa bên tai:
–Dậy ăn cháo đi em! Em ngủ say quá cả nhà gọi mãi cứ sợ em đi lạc ở đâu trong rừng. Mãi sau chị Mai nói có thấy em ở suối nên dẫn chị xuống đây!
Tôi dụi mắt nhìn lên. Chị Mai đứng ở cách xa tôi hai thước. Vì tối nên cả khuôn mặt chị chìm trong bóng đen nhưng viền mái tóc của chị thì hoe vàng trong ánh lửa chiếu từ phía sau lưng chị. Sự hiện diện của chị đột nhiên làm tan hết nỗi buồn trong tôi. Tôi đứng dậy theo hai người về phía ánh lửa.
Cha tôi nhìn tôi rất lâu. Vẫn cái nhìn đằm thắm mà ông thường có. Nhưng lần này cái nhìn làm tôi ngượng vì tôi có cảm tưởng ông thấy hết đôi mắt ướt của tôi. Tôi giả vờ ngáp một cái thật dài, làm như tôi ngáp đến chẩy cả nước mắt, rồi ngồi xuống trên một khúc cây gần lửa bên cạnh chị tôi. Vừa ăn bát cháo tôi vừa nhìn những thanh củi cháy dưới nồi bánh chưng. Đó là những thanh củi to gộc cháy đỏ rực ở một đầu và ở đầu kia khói hun ra có sủi nhựa vàng rỉ trong thớ củi. Tôi lấy tay cời một khúc củi cháy rồi lấy ngón tay quyệt vào chỗ nhựa cây còn sủi nóng bôi lên hai bờ mép. Tuần trước tôi mua cây kèn harmonica mới, cả tuần nay thổi kèn khiến mép bị lở. Tôi nghe nói là nhựa cây trị bệnh lở mép hiệu nghiệm lắm. Trên bếp trong thùng phuy nước sôi sùng sục, bốc hơi ngùn ngụt. Khói và hơi nóng khiến tôi phải lùi người lại. Phía bên kia nồi bánh sau làn hơi nước không khí rung rung những khuôn mặt chập chờn ánh lửa. Lát sau có một người lách phía sau tôi thọc sâu vào lửa một cây củi lớn, lửa trong bếp bỗng phừng lên, tàn lửa tóe ra đỏ rực. Thoáng bên kia nồi bánh tôi bắt gặp đôi mắt chị Mai nhìn tôi, ánh mắt sáng lên trong ánh lửa và cả khuôn mặt chị, theo với lửa bùng, đột nhiên rạng lên. Hình như có một nụ cười của chị thoáng qua trong cặp mắt ấy. Không một ai đế ý đến tôi. Trừ chị. Chị là người đã lôi tôi ra khỏi vùng tối của sự buồn bã. Hầu như tất cả đám thanh niên ở đây đều nhìn chị Mai bằng cặp mắt ngưỡng mộ vì chị đẹp. Thế mà chị không để ý đến ai mà chỉ nhìn tôi và để ý đến tôi. Ý nghĩ này làm tôi sung sướng. Tuy chị không nhìn tôi nữa nhưng kể từ lúc ấy lâu lâu tôi liếc sang nhìn trộm chị. Mỗi lần như thế dù chị có vẻ lắng nghe người ngồi bên cạnh nói chuyện, tôi lại thấy chị hơi nghếch mặt sang một bên đưa tay vén mái tóc khoác lên vành tai và một nụ cười nhẹ thoáng trong khóe mắt. Mặc dầu chị không nhìn tôi nhưng tôi luôn luôn có cảm tưởng chị biết tôi đang nhìn chị và cái dáng điệu có vẻ hơi kiêu sa ấy chỉ vì chị biết có người đang nhìn mình.
Chị Thoa quay sang bên tôi và nói to với tất cả mọi người:
–Em Thiết tôi có một cái tài là em thổi kèn Harmonica rất hay. Nhưng em tôi dấu tài không bao giờ thổi trước đám đông. Tôi đề nghị tất cả cho một tràng vỗ tay.
Tất cả con mắt đều quay nhìn về phía tôi vỗ tay. Tôi ngượng ngùng vì chưa bao giờ có nhiều con mắt nhìn tôi như thế. Tôi toan từ chối vì nghĩ rằng cái nhạc cụ này chỉ dành cho con nít chơi không đáng để biểu diễn nhưng tôi đổi ý khi thấy đôi mắt sáng lên của chị Mai nhìn tôi khuyến khích. Tôi đứng dậy lấy kèn trong túi quần cầm tay. Tôi cảm thấy cha tôi đang nhìn tôi. Tuần trước tôi rụt rè xin cha tôi một trăm đồng bạc, một số tiền khá lớn hồi đó. Ông hơi ngạc nhiên nhưng rút ví đưa ngay tiền cho tôi, không hỏi tôi một câu dùng tiền để tiêu vào việc gì. Bây giờ thì chắc cha tôi biết tôi mua cái kèn hiệu Hohner mắc tiền này. Tôi nói:
–Chưa đến giao thừa nhưng xuân cũng sắp đến. Tôi xin thổi bài này để đón xuân. Bài Xuân Và Tuổi Trẻ của La Hối.
Tôi để kèn giữa hai lòng bàn tay gập vào nhau rồi đưa ngang miệng. “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi sáng. Ta muốn hái muôn ngàn đoá hồng...”. Thổi đến giữa bài thì một người cháu của cụ Nghị đứng lên hô mọi người cùng hát theo tiếng kèn. “Vui sướng đi cho đời tươi sáng! Vui sướng đi cho lòng thêm tươi! Ta hát ca đón mừng xuân mới. Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái...”.
Có tiếng pháo nổ trong rừng vọng lại. Lũ trẻ con hiện ra lăng xăng chen vào đứng gần lửa. Bóng chúng chạy chờn vờn trên vách. Cha tôi và gần hết những người lớn tuổi vào cả trong nhà. Rồi đám trẻ cũng tản mát đâu mất. Quanh nồi bánh bây giờ chỉ còn lại một đám mấy thanh niên. Trên một manh chiếu trải dưới đất tôi chùm chăn dạ ngồi dựa vào một khúc thân cây, lát sau đầu tôi gục xuống.
Vào một lúc nào đó trong đêm tôi nghe thấy có tiếng ai nói mơ hồ: “Giao thừa! Giao thừa!”. Rồi một tiếng nổ đùng xuyên vào giấc mơ. Tiếp theo là một tràng dài những tiếng pháo lẹt đẹt nối nhau, nối nhau mãi không ngừng.
Có ánh lửa bập bùng. Có tiếng người gọi nhau, chào nhau lao xao trong rừng. Có tiếng nói của cha tôi như lời giã biệt đám đông. Rồi tiếng kèn lan xa. Suối mơ! Bên rừng thu vắng... Giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng... Chiều chưa đi sao...
Và cái buồn bã của tôi trở lại, thấm vào trong giấc ngủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét