Cách nay gần 160 năm (1862) trên đất Sài Gòn xuất hiện một tu viện dòng Saint Paul de Chartres (Thánh Paul thành Chartres) do Mẹ bề trên Révérend Benjamin cho xây dựng. Ngày nay tu viện vẫn còn trên đường Tôn Đức Thắng (thời Pháp là Rue de la Citadelle, sau là Cường Để) gần căn cứ Hải quân. Ban đầu tu viện được xây cất bằng gỗ, sau này được làm lại bằng gạch, bê tông và tu viện được mở rộng thêm ra.
Nhiều tài liệu cho rằng ông Nguyễn Trường Tộ là tác giả thiết kế tu viện Saint Paul. Ðiều này hoàn toàn đúng ở giai đoạn đầu khi vào tháng 9/1862, Mẹ bề trên Benjamin nhận lời tiến cử của Ðức Giám mục Gauthier và Linh mục Croc, giao cho ông Nguyễn Trường Tộ phác hoạ sơ đồ và trông coi việc xây dựng. Nguyễn Trường Tộ là bậc nho sĩ kỳ tài xứ Bắc, hướng lòng phụng sự xã hội, chấp nhận vào Sài Gòn làm việc không nhận thù lao và phải mất hai năm công trình tu viện Saint Paul (ban đầu có tên là La Sainte Enfance) mới hoàn thành. Tu viện được làm hoàn toàn bằng gỗ trên mảnh đất rộng lớn. Ðiểm nhấn là một ngọn tháp như một mũi tên vươn cao và được ghi nhận là ngọn tháp cao nhất Sài Gòn bấy giờ.
Tu viện cũng là biểu tượng đẹp nhất của Sài Gòn (trước khi có Dinh Thống Ðốc), thu hút bất kỳ du khách phương Tây mới đặt chân lên cảng Sài Gòn. Trung úy hải quân Richard khi miêu tả về Sài Gòn và vùng lân cận đầu năm 1866, đã viết: “Tu viện dòng Saint Paul có một ngôi nhà nguyện nhỏ nhưng tuyệt diệu với ngọn tháp cao, duyên dáng nổi bật trong vùng này. Tu viện giống lối kiến trúc của Ý pha lẫn những nét trang trí của người Việt”. Trong chuyến viếng thăm ba ngày đến Sài Gòn từ 25 – 27/10/1863, bên cạnh việc hội đàm với chính quyền Pháp tại Sài Gòn, vua Phra Norodom của Campuchia cùng phái đoàn của mình cũng đã đến thăm viếng tu viện tuyệt đẹp của dòng Sainte Enfance.
Sau này nhiều nhà kiến trúc bình luận ngọn tháp do ông Nguyễn Trường Tộ thiết kế có phần giống ngọn tháp của nhà thờ Ðức Bà Paris. Ðiều này có thể đúng, dù gì ông cũng từng học thiết kế ở Pháp (1858-1861) trong thời gian Nhà thờ Ðức Bà được Kiến trúc sư danh tiếng Viollet-le-Duc trùng tu và xây thêm ngọn tháp mũi tên duyên dáng.
Tiếc là công trình tu viện Sainte Enfance chỉ tồn tại được 20 năm do gỗ bị hư hỏng. Ðây có thể là một lý do khiến công trình không thể trụ vững lâu dài. Xu hướng sử dụng gạch và xi măng đang phát triển khắp nơi tại Sài Gòn với những công trình to lớn, lần lượt được xây dựng khiến cho kiến trúc gỗ trở nên lỗi thời, lạc lõng giữa các công trình kiến trúc thuộc địa tân kỳ của Sài Gòn Hòn ngọc Viễn Ðông. Năm 1885, tu viện được trùng tu do thừa sai Charles Boutier, người thiết kế xây dựng Nhà thờ Huyện Sĩ và Thủ Ðức. Ngọn tháp được thay thế bằng ngọn tháp thấp hơn để phù hợp với khung cảnh của một nhà nguyện và là nơi dạy dỗ các em mồ côi bản xứ.
Ngọn tháp thấp này ngày nay cũng không còn trong tu viện. Vài tài liệu ghi rằng, nó bị phá sập bởi bom đạn của không quân Mỹ oanh tạc quân Nhật ở cảng Ba Son vào năm 1945. Tuy nhiên, một bức không ảnh chụp hồi năm 1929 cho thấy toàn bộ hình ảnh tu viện Saint Paul (năm 1924, tu viện Sainte Enfance chính thức đổi tên thành Saint Paul) không có một ngọn tháp, dù cao hay thấp. Có thể ngọn tháp này đã được dỡ bỏ trước đó rất lâu trong một đợt trùng tu nào đó. Hàng cây xà cừ ven đường đang vươn cao chưa thành cổ thụ như sau này. Ngày nay, hàng trăm cây cổ thụ phải đốn hạ để mở rộng khoảng không phục vụ cho nhu cầu xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Tiếc thật! Tiếc những ngày thơ mộng đạp xe tà tà dưới bóng mát cây cao trên đường Cường Ðể mỗi khi tan trường, ngồi uống ly nước mía ngoài vỉa hè cạnh vách tường tu viện. Bây giờ chỉ có nắng và khói bụi.
Bên cạnh việc truyền đạo cho các tín hữu bản xứ, mục đích chính của tu viện là giúp những trẻ em mồ côi có nơi nương tựa, được dạy dỗ thành người có ích cho xã hội. Thuở đó, trẻ em mồ côi nhiều lắm. Ðọc những tài liệu trẻ cô nhi thời Pháp thuộc mà thấy xốn xao trong lòng. Con lai, con hoang bị gia đình hắt hủi, bỏ rơi ngoài cổng chùa, cổng chợ khá nhiều.
Tài liệu của nhà nghiên cứu Trương Phúc Hải về Mẹ Benjamin năm 1865, ghi rằng: “Mẹ có dẫn một cậu bé gốc Hoa ở Hồng Kong sang Sài Gòn nuôi dưỡng trong tu viện. Cậu bé đó là Francois Pierre d’Assou, sau này chính là Cha Tam, người xây ngôi Nhà thờ Chợ Lớn (Nhà thờ Cha Tam) dành cho người Hoa ở vùng Chợ Lớn. Ngày 30/11/1882, Cha Tam cử hành Thánh lễ đầu tay sau khi thụ phong linh mục tại ngôi nhà nguyện dòng Saint Paul trước sự chứng kiến của Mẹ Benjamin”.
Như vậy, một trong những mầm non trong tu viện Saint Paul đã có công đóng góp cho lịch sử phát triển Công giáo ở Sài Gòn. Sau khi Mẹ Benjamin xây xong tu viện, 150 trẻ em mồ côi đã đi cùng các nữ tu về ngôi nhà mới. Những đứa trẻ này chính là một phần công việc, niềm vui trong công tác mục vụ của các nữ tu dòng Saint Paul.
Cô nhi viện đầu tiên nằm trong khuôn tu viện Saint Paul được gọi là trường Nhà Trắng, trung bình thu nhận từ 600 – 700 trẻ em mồ côi và con lai bị bỏ rơi. Ðến năm 1869, Mẹ Benjamin mở một trường nội trú dành cho các em nhỏ, trong đó, chia làm hai khu vực riêng biệt: một để nuôi dưỡng dạy dỗ các trẻ em con cái công chức châu Âu theo mô hình các trường học ở Pháp; phần còn lại dành cho các trẻ em bản địa cũng được nhận một nền giáo dục kiểu Pháp để các em có một vị trí thích hợp trong xã hội sau này. Như vậy, khối kiến trúc cô nhi viện trong tu viện Saint Paul lúc này bao gồm một nhà trẻ mồ côi dành cho các cậu bé bản địa dưới 7 tuổi, được nuôi dạy sau đó sẽ được gửi đến trường Adran gần đó; một nhà trẻ mồ côi dành cho các bé gái được chăm sóc cho đến khi họ kết hôn hoặc cho đến khi họ có một vị trí công việc trong xã hội; một ngôi nhà đặc biệt dành cho các cô gái châu Âu, các cô gái công chức hoặc nhân viên, con gái của các thương nhân ở Sài Gòn và các khu vực lân cận.
Không chỉ nuôi trẻ cô nhi, Mẹ Benjamin còn mở một nhà nội trú dành cho phụ nữ lầm đường lỡ bước có nơi nương tựa và học một nghề nào đó để có thể trở lại cuộc sống bình thường, cũng như mở rộng nhiều cơ sở chăm sóc dạy dỗ trẻ em mồ côi tại khắp Nam kỳ và cả vùng Sài Gòn – Chợ Lớn.
Bên cạnh đó, các nữ tu dòng Saint Paul đã thành lập các bệnh viện bản địa. Một bệnh viện ở Thị Nghè đã được thành lập. Các bệnh viện lần lượt được mở ở Biên Hòa, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long. Mỗi năm, các nữ tu đã tiếp nhận trên 1000 bệnh nhân nghèo đến khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân.
Sau khi xây cất xong nhà dòng và một số cơ sở cô nhi viện, Mẹ bề trên Benjamin còn lập một Viện dưỡng lão ở Thị Nghè và Tân Ðịnh. Ngày 10/06/1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré cấp giấy phép xây dựng. Chỉ trong vòng vài tháng, đến cuối năm 1876, Viện dưỡng lão Phú Mỹ, Thị Nghè đã hoàn thành. Viện dưỡng lão Thị Nghè còn có tên gọi là Viện dưỡng lão Phú Mỹ hay Nhà thương Thị Nghè vì không chỉ phục vụ cho người già neo đơn, nơi đây còn đón nhận chăm sóc các bệnh nhân, đặc biệt là các thai phụ và trẻ sơ sinh.
Trải qua gần 160 năm, về mặt lịch sử, tu viện Saint Paul xứng đáng là một di sản tôn giáo có mặt tại Sài Gòn lâu đời nhất. Ngày nay, tu viện còn lưu giữ nhiều hiện vật và mô hình xây dựng qua từng thời kỳ để người đời sau có dịp tìm hiểu sự cống hiến và phụng sự tôn giáo cũng như xã hội của các nữ tu dòng Thánh Paul. Tuy nhiên, sau năm 1975 tu viện bị trưng dụng một phần trở thành trường đào tạo giáo viên mẫu giáo và có nguy cơ tu viện còn bị trưng dụng nhiều cơ sở khác trong khuôn viên nhà dòng.
Hãy giữ nguyên những giá trị văn hoá tôn giáo của những công trình xưa để ký ức của người Sài Gòn luôn sống mãi với hình ảnh lịch sử của nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét