khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Cơm Bụi Bà Cả Đọi - Tác giả Từ Kế Tường

 

Đường Nguyễn Huệ thuộc địa bàn Q1, nằm ở trung tâm Sài Gòn. Trước năm 1975 đường Nguyễn Huệ vẫn là con đường đẹp nhất thành phố. Đây là khu thị tứ, buôn bán sầm uất với rất nhiều cửa hàng sang trọng, đặc biệt có một dãy kiosque chuyên bán máy ảnh đủ loại chạy suốt từ đầu đường từ Tòa Đô chính đến hết ngã tư Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế thẳng ra Bến Bạch Đằng. Dãy kiosque này nằm trên “con lươn” phân tuyến cho hai làn xe ô tô và gắn máy riêng biệt nhau. Bây giờ hai bên con lươn được trồng hoa và những cây cau cảnh rất đẹp. Ngoài mỗi năm vào dịp Tết trở thành Đường hoa, ngày thường đường Nguyễn Huệ là phố Đi bộ, tấp nập nhất vào ban đêm.
Nằm về phía cuối đường bên tay phải, có một con hẻm rộng, dài khoảng hơn 200m, nhà cửa hai bên hẻm san sát mà phần lớn là nhà người Hoa với kiến trúc rập khuôn giống như chung cư một trệt, một gác gỗ, nhỏ hẹp, cứ thế chạy suốt con hẻm. Gần cuối hẻm, bên tay trái là một quán cơm bụi nổi tiếng thời bấy giờ, đó là quán cơm “Bà Cả Đọi”. Quán là căn gác nhỏ, mái lợp tôn, có la - phông, nhưng vì trần nhà thấp, chật chội như cái chuồng chim bồ câu, lại thêm cái bếp chế biến thức ăn nằm chình ình ngay giữa lối đi lúc nào cũng đỏ lửa và bốc khói ngùn ngụt nên lúc đông người thực khách cảm thấy như bị ngợp thở giống như chui vào cái lò bánh mì. Nhưng đây lại là đặc trưng của quán cơm bụi nổi tiếng ở Sài Gòn một thời.
Buổi trưa là giờ “cao điểm” của quán cơm bụi Bà Cả Đọi, khách phần lớn là công chức, nhân viên văn phòng mà đông nhất có lẽ là cánh nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ tới đây ăn trưa. Muốn lên quán phải đi lần lượt từng người, do cầu thang nhỏ hẹp mà nếu sơ ý có thể trượt chân té như chơi, nhất là các cô, các chị mặc áo dài mang guốc cao gót. Vào thời đó phụ nữ hầu như đều mặc áo dài tha thướt với guốc cao gót thấp nhất là 5cm. Gọi là quán cho “sang” chứ quán cơm bụi “Bà Cả Đọi” chỉ là căn gác lửng hẹp té chỉ đặt vài cái bàn và một bộ đi-văng cũ kỹ choáng hết diện tích quán. Do đó khách đến sau thường phải chờ cho khách đến trước ăn xong, bước xuống cầu thang mới có chỗ trống để bước lên nên thường buổi trưa là cảnh thực khách “rồng rắn” xếp hàng chờ từ đầu cầu thang kéo dài xuống tới một khúc hẻm. Nhưng điều lạ lùng là chẳng thấy ai bực bội, sốt ruột, mà gương mặt người nào cũng rất vui vẻ. Kẻ đứng sẵn trên cầu thang xếp hàng tới lượt mình, cũng như người dưới chân cầu thang ngóng cổ đợi đều bình thản, trầm lặng, đầy “tín ngưỡng” như chuẩn bị bước vào một thánh đường ẩm thực.
Nếu người chưa tới quán cơm Bà Cả Đọi lần nào hẵng sẽ thắc mắc ăn được bữa cơm cực như thế, vậy chắc là thức ăn của quán ngon cực kỳ? Người khác không biết nhận xét thế nào chứ tôi thường ăn ở đây và thấy thức ăn cũng chẳng có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là chế biến rất dơ bẩn và chắc cũng không bảo đảm vệ sinh. Mà không dơ bẩn sao được trong cái phạm vi chật hẹp ấy? Vừa là chỗ ngồi ăn, vừa là bếp nấu nướng, vừa nơi trưng bày thức ăn? Nếu nói theo bây giờ thì là ô nhiễm môi trường cực kỳ. Quán cơm bụi “Bà Cả Đọi” thức ăn bình dân chế biến rặt hương vị Bắc, những món quen thuộc cũng chỉ là thịt đông dưa chua, mắm tôm, cà pháo, trứng vịt rán chã, giò heo giả cầy, canh cua rau đay, cá bóng kho tiêu mỡ, ốc nấu chuối… cơm nấu bằng loại gạo bình thường chẳng phải dẻo thơm gì, giá cũng không rẻ. Thế nhưng, không hiểu sao thực khách cứ ùn ùn kéo tới, không chỉ có dân Sài Gòn mà người ở tỉnh xa lên Sài Gòn cũng cố mà chen chân xếp hàng, ngóng cổ chực chờ để “thưởng thức” cho bằng được một bữa cơm bụi Bà Cả Đọi mới thơ thới, hân hoan ra về.
Không chỉ có dân “cơm hàng, cháo chợ” độc thân vui tính, người có gia đình cũng đưa cả gia đình hoặc riêng vợ con đến ăn cho biết. Bạn bè chiêu đãi nhau một bữa nhân dịp sinh nhật hay kỷ niệm gì đó, những đôi tình nhân cũng đưa nhau tới đây như tìm một cảm giác lạ, đặc biệt để nhớ mãi. Thậm chí trong mối quan hệ làm ăn, tiếp khách ở phương xa tới Sài Gòn, người Sài Gòn cũng đưa khách tới cơm bụi “Bà Cả Đọi” để chiêu đãi. Quả thật là thế, chỉ có vài cái bàn thì lúc nào cũng không “có cửa” cho người đến sau, nên tất cả nhảy xổm lên phủi chân ngồi xếp bằng trên bộ đi - văng cáu bẩn, nghe đâu chiếc đi-văng này được gia đình Bà Cả đưa tận ngoài Bắc vào nên trở thành chiếc đi - văng huyền thoại của quán. Thế là thực khách khắp nơi, người lạ cũng như người quen, tình nhân cũng như tình thiên hạ, khi đã tới đây đều xúm xít trên chiếc đi - văng huyền thoại như đi ăn giỗ… trong cảnh nóng bức, mồ hôi vã ra vì chỉ có hai cái quạt máy không đủ sức đuổi hơi nóng hầm hập, khói lửa mù mịt nhiều lúc thực khách mắt cay xè vừa ăn vừa xịt mũi, rút khăn lau nước mắt ứa ra.
Tôi và bạn bè trong cánh nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ thường xuyên “đóng đô” ở quán Bà Cả Đọi buổi trưa đến nỗi bà chủ quán mặt khó đăm đăm ít thấy cười cũng không cần hỏi chúng tôi ăn gì mà vẫn “chế biến” đúng gout, hợp khẩu vị và cứ thế người nhà của quán tự động mang ra. Lâu ngày tôi mới ngẫm ra rằng, quán cơm bụi Bà Cả Đọi nổi tiếng khắp Sài Gòn tới tận miền Tây, miền Trung và cả miền Bắc một thời gian sau năm 1975 trước hết là nhờ… không khí, một thứ không khí đặc trưng của quán mà không nơi nào có được. Nó không phải sang trọng như nhà hàng máy lạnh mà là sự chật hẹp gần gũi, thân tình, đầy mùi vị của… thức ăn và lửa khói. Không gian chật hẹp mà bày trí lại lượm thượm giống như nhà mình, tường vách bụi bám, nhện giăng, chiếc quạt máy cũ kỹ lúc nào cũng rè rè nghe rất quen thuộc và người ta như… nghiện cái không khí ấy nếu vài ba ngày không được quay lại thì đâm ra nhớ nhung, ngơ ngẩn.
Kế đến là cách “thông tin tuyên truyền” tự nguyện của thực khách đến trước rỉ tai người đến sau gợi sự tò mò, khám phá một nơi chốn mà họ chưa hình dung ra, chưa tin là nó có thật về một ngôi quán “ly kỳ” giữa Sài Gòn hoa lệ. Tôi không biết Bà Cả Đọi có tốt nghiệp “Đại học Marketing” không, mà chắc là không vì bà là dân Bắc di cư chính cống lại có vẻ lam lũ, chân quê. Thế thì tại sao bà tạo ra được một mạng lưới tiếp thị rộng lớn kiểu “lấy nó nuôi nó” gồm nhiều tầng lớp, thành phần quảng bá không công cho quán Bà Cả Đọi đến nước ngoài còn biết tiếng? Mà quả như thế thật, về sau này, Việt kiều về thăm quê hương vẫn tới đây ăn, có cả khách là người nước ngoài Tây, Đầm cũng cố gắng thưởng thức một lần cho biết.
Bây giờ quán cơm bụi Bà Cả Đọi ở căn gác lửng trong con hẻm đường Nguyễn Huệ không còn nữa. Bà chủ quán còn sống hay đã mất tôi không biết, nhưng nghe nói “chi nhánh” do con cháu bà mở ra là hai quán cơm Đồng Nhân ở đường Tôn Thất Thiệp và đường Trương Định cũng thuộc địa bàn Q1 bây giờ. Tất nhiên những người còn giữ trong tâm khảm hình ảnh quán cơm bụi Bà Cả Đọi ngày xưa trong con hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Huệ cũng giống như tôi sẽ không thích đến ăn cơm ở hai chi nhánh này vì nó không còn mang hình ảnh của kỷ niệm. Và kỷ niệm bao giờ cũng làm cho người ngậm ngùi không chỉ vì thời gian đi qua rất nhanh. Nó còn là biến cố lịch sử, từng bước ngoặt thăng trầm trong cuộc đời, còn là tình cảm vương vất đâu đó trong nắng mưa, năm tháng, mùa màng, thời tiết. Và hơn thế nữa nó là… Sài Gòn.
Ngay như bây giờ, trong công việc hàng ngày, tôi vẫn phải đi ăn cơm bụi vào những buổi trưa. Nhưng đôi lúc, ngồi ăn cơm bụi ở một quán nào đó, tôi giống như một gã tương tư cứ nhìn mải miết một con phố chạy ngang, hàng cây thả bóng dài trút lá theo tiếng ve trưa, một mảng trời nắng chói chang chao đảo đám lá vàng bay túa trên mặt đường và chao ơi, nhớ rất nhớ những buổi trưa Sài Gòn ngồi trong căn gác nóng đầy lửa khói của quán cơm bụi Bà Cả Đọi sực nức mùi thức ăn với bạn bè, với tình nhân, với vui buồn chôn giấu, vùi lấp trong ký ức xưa cũ mà vẫn chưa xa chợt bùng dậy…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét