Mạng xã hội Việt Nam tiếp tục sôi sục về vụ chùa Ba Vàng tổ chức 'giải vong' cho hàng ngàn người, thu hàng trăm tỷ đồng từ những người đến 'thỉnh oan linh oan gia trái chủ'.
Báo Giáo Dục hôm 19/03 đăng lời Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian, kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam, tiến sĩ Trần Hữu Sơn:"Đây là việc hoàn toàn mê tín, vì vong làm gì có quyền đòi tiền, mà đòi ai, vong thông qua lời nhà chùa nói như thế nào? Mà sao vong không nhập vào khách thập phương, mà lại chỉ nhập vào người của nhà chùa để phán truyền?"
Hôm 20/3, Báo Lao động công bố phóng sự "Gọi vong" chùa Ba Vàng - bí ẩn nguồn thu trăm tỉ tại ngôi chùa ở Uông Bí, Quảng Ninh.
Ngay sau đó, rất nhiều đoạn video clip và hình ảnh về các hoạt động 'cúng dường' ở chùa này lập tức được cộng đồng mạng chia sẻ với nhiều bình luận đầy bức xúc.
Nhà báo, Facebooker Nguyễn Đức bình luận hôm 22/3 trên trang cá nhân:
"Ma tăng Chùa Ba Vàng đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cúng một lễ oan gia mà bắt người dân nộp 950 triệu. Thật là cưỡng đoạt bá tánh vốn mê lầm tin lời ma sư.
Đây là đường dây lừa đảo trùm sò nhất bị lộ."
"Tôi đã trao đổi với một số đại biểu quốc hội. Theo đó, các đại biểu đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra hành vi vi phạm pháp luật của những kẻ mượn danh Phật, nhân danh đạo pháp để gây rối loạn, gieo mê tín u mê cho xã hội.
Để những kẻ mượn áo nhà sư trục lợi, làm bậy thì khác nào mặc nhiên cho tà đạo lên ngôi nhiễu loạn chúng sinh.
Họa này phải dẹp!"
"Start-up chùa"
Facebooker Ngọc Lan thì có cái nhìn hóm hỉnh, bình luận về chùa Ba Vàng dưới góc độ một 'start-up chùa'.
Chị nhận xét chùa này có hoạt động marketing "cực kỳ chuyên nghiệp, cả online, cả ofline", và biết nhìn ra cơ hội thị trường, "khai thác vào điểm yếu mù quáng của dân mình" và khôn ngoan tránh phải trả thuế khi tổ chức mô hình là chùa.
"Họ nhìn ra cơ hội thị trưởng ở cái xứ này, họ khai thác vào điểm yếu mù quáng của dân mình. Khách hàng của họ có điểm yếu là hễ bị gì là tin do nghiệp, họ cung cấp gói giải nghiệp để khách hàng yên tâm.
Còn định giá chát, thì ông nào làm sản phẩm - dịch vụ cao cấp đều biết tâm lý "Đắt - sắt ra miếng". Quả là bậc thầy về tâm lý kinh doanh," Ngọc Lan viết.
Về người chủ trì chùa Ba Vàng, chị bình luận ông có khả năng "thuyết trình hơn cả đa cấp, trình vượt trội anh vũ trọc luôn. Vừa bán hàng mà không hề hạ mình, đứng trên đầu trên cổ khách hàng mà chốt sale.
"Đây là một mô hình doanh nghiệp đi đúng xu hướng kinh tế thị trường cần nhân rộng ở từng tỉnh, từng huyện," bài viết kết luận đầy châm biếm.
Ai bảo kê cho chùa Ba Vàng?
Rất nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra quanh vụ chùa Ba Vàng - ai cho phép xây chùa? hoạt động 'thu tiền để thỉnh vong' của chùa có hợp pháp? và nhất là ai là người chống lưng cho các hoạt động này?
Bài viết có tựa đề "Ai bảo kê cho chùa Ba Vàng buôn tăng bán phật" của nhà báo Hoàng Hải Vân trên trang Facebook của ông được rất nhiều người bình luận và chia sẻ.
"Việc truyền bá mê tín dị đoan vong báo oán "mỗi năm thu trăm tỷ" của ngôi chùa Ba Vàng "kỷ lục Đông Dương" này là sự biến dị trơ tráo của tình trạng buôn tăng bán phật đang diễn ra khắp nơi. Việc lừa đảo trục lợi ở đây là rất khó chối cãi, cho nên cơ quan điều tra phải vào cuộc.
"Từ một ngôi chùa gỗ với một vài phế tích, chỉ trong vòng 10 năm người ta đã cho phép phá rừng để xây một ngôi chùa to hoành tráng trên diện tích hàng chục ngàn mét vuông thành "Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương" với số tiền trùng tu là gần 500 tỷ đồng (theo báo Nông thôn ngày nay).
"Giáo hội Phật giáo, dù là Trung ương, tỉnh hay trụ trì chùa Ba Vàng, đều không có khả năng tự mình phá rừng làm chùa. Cơ quan nào cho phép phá rừng ? Cơ quan nào cấp phép xây chùa ? Ai bảo kê cho các hoạt động lừa đảo phi pháp của ngôi chùa này ? Đó là các câu hỏi cần được các cơ quan bảo vệ pháp luật trả lời, nếu các cơ quan này muốn bảo vệ sự minh bạch của luật pháp, của chính sách tôn giáo và bảo vệ đồng bào Phật tử.
"Đây không phải là hoạt động tôn giáo hợp pháp. Đây rõ ràng là điển hình của sự lợi dụng tôn giáo để trục lợi. Các vị luật sư đừng nói do người nộp tiền đều tự nguyện nộp tiền nên không phạm tội hình sự nhé, dùng thần quyền đẩy người ta vào tròng để tước đoạt so với dùng thế quyền để tước đoạt không khác gì nhau đâu!"
Trong khi đó, trên mạng ngày 24/3 đã xuất hiện video phỏng vấn cựu thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn lên tiếng bênh vực chùa Ba Vàng.
Ông Sơn nói: "Tôi chưa một lần đến chùa Ba Vàng, chưa gặp Thầy Trúc Minh nhưng theo dõi rất nhiều bài trên mạng."
"Tôi đánh giá đây là hoạt động hiệu quả, hội tụ rất nhiều phật tử. Ngần ấy con người chịu đến nghe trong nhiều năm, chả nhẽ Thầy lừa được nhiều người thế," ông Sơn nói.
Chiều 20/3, sau khi giới truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin về chùa Ba Vàng, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã có buổi "pháp thoại" phát sóng trực tiếp trên trang web lẫn mạng xã hội.
Ông cho rằng vì "chùa lớn, có tiếng trong tỉnh Quảng Ninh, cả nước và cả trên thế giới nên có những người ganh ghét, đố kỵ".
Về việc cầu thỉnh vong linh, sư thầy Thích Bảo Tiến, phụ trách pháp thỉnh oan gia trái chủ nói "Tất cả khổ đều do duyên, phật tử không nên than trời, trách đất mà phải đổ cho kiếp trước, cái nghiệp của mình nhưng do mình vô minh nên không biết."
Cùng ngày, Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói trong học thuyết Phật giáo không có chuyện thỉnh, giải oan gia trái chủ như Chùa Ba Vàng và lời lý giải của Phật tử Phạm Thị Yến cũng không đúng với giáo lý nhà Phật, trái đạo đức xã hội.
Sang ngày 25/03, thành phố Uông Bí có văn bản yêu cầu trụ trì chùa Ba Vàng chấm dứt các hoạt động 'thỉnh vong', 'cúng oan gia trái chủ' tại chùa này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét