Người đã cố hết sức mình để ngăn chặn thảm sát Lục Tứ 1989 là Triệu Tử Dương tiên sinh đã qua đời sau thời điểm thảm sát 15 năm.
Vậy nhưng, bất cứ ai tôn trọng sự thật lịch sử đều không thể không thừa nhận, trong kỷ nguyên cải cách làm cho người ta sôi động nhân tâm của thập niên 1980 đó, Triệu Tử Dương đã có cống hiến to lớn đối với công cuộc chuyển biến xã hội Trung Quốc, cụ thể là cải cách kinh tế và cải cách chính trị. Nhưng bởi vì những cứng nhắc và bảo thủ về chính trị của tập đoàn các nhân vật nguyên lão cao tầng Đảng Cộng sản Trung Quốc mà cầm đầu là Đặng Tiểu Bình, đã khiến Triệu Tử Dương kết thúc sinh mệnh chính trị của mình với hình tượng bi kịch về người anh hùng.
Từ sau Lục Tứ 1989, dư luận cả ở trong và ngoài Trung quốc đều có người trích dẫn về “lý thuyết trách nhiệm”, đưa ra đánh giá tiêu cực đối với việc từ chức của Triệu Tử Dương: Bản thân Triệu Tử Dương là Tổng bí thư nắm giữ quyền lực quan trọng trong tay, đáng ra không nên chỉ vì hình tượng đạo nghĩa cá nhân mà từ bỏ đi “lý thuyết trách nhiệm về mặt chính trị”, biểu hiện kiên trì ý kiến của bản thân đối với vấn đề giới nghiêm quân sự, ít nhất là một biểu hiện của sự không chín chắn về mặt chính trị. Loại phê phán này đặt ra một giả thiết: Nếu như Triệu thoả hiệp với Đặng, ngay cả khi không thể nào tránh khỏi việc tuyên bố giới nghiêm, cũng có thể tránh khỏi thảm sát đổ máu; ngay cả khi không thể nào tránh khỏi thảm sát đổ máu, nhưng chỉ cần Triệu có thể giữ được quyền lực cho bản thân, có thể giảm thiểu đi những trấn áp, truy bắt và thanh tẩy diễn ra ngay sau thảm sát Lục Tứ 1989, cải cách chính trị ở Trung quốc cũng không đến mức bị dừng lại hoàn toàn trong 15 năm tiếp sau đó.
Đạo đức lãnh đạo chính trị và lương tri làm người
Có quan điểm cho rằng việc kiên quyết bảo vệ ý kiến bản thân đối với vấn đề giới nghiêm quân sự là biểu hiện ngây thơ chính trị của Triệu Tử Dương; tôi không thể chấp nhận được quan điểm này dù với bất kỳ góc nhìn nào. Bởi vì, có đồng ý giới nghiêm quân sự hay không thì tuyệt đối không phải là tranh chấp sách lược về việc làm thế nào để đối phó với khủng hoảng xã hội, mà là tranh chấp liên quan đến thị phi thiện ác chính trị.
Nếu như còn muốn che giấu đối với vấn đề này, vậy thì Triệu Tử Dương cũng không còn là một dị số khác biệt trong hàng ngũ quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc nữa, mà sẽ giống hệt như những chính khách theo đường lối chủ nghĩa cơ hội khác trong chế độ độc tài. Ngay cả khi giữ được quyền lực, ông ta cũng không còn là Triệu Tử Dương, người quyết tâm thúc đẩy dân chủ hoá chính trị và nhân cách chính trị cao quý nữa, mà chỉ bất quá là chính khách tầm thường phổ biến thuộc tầng lớp lãnh đạo cấp cao trong giới quan trường của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
May mắn là, thông qua quyết định đứng trước đúng sai đối với phong trào dân chủ 1989, Triệu Tử Dương tiên sinh đã lựa chọn thà từ bỏ vị trí đảng trưởng cùng những lợi ích thiết thân to lớn đi kèm theo; ngược lại, ông lựa chọn kiên trì theo tiêu chuẩn đạo đức chính trị và lương tâm làm người; đây là tiền lệ duy nhất trong suốt lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Triệu Tử Dương đã thất bại trong hiện thực đấu tranh quyền lực, nhưng lại giành được vinh dự chính trị và tài nguyên đạo đức chính nghĩa về lâu dài, đồng thời cũng trở thành hình mẫu quan chức điển hình đối với những quan chức cấp cao trong Đảng cộng sản Trung Quốc có tư tưởng khai phóng “thân tại Tào doanh tâm tại Hán[1]”, góp phần giữ lại tôn nghiêm đạo đức chính trị đối với những nhân vật chính trị Trung Quốc.
Nhìn từ góc độ lý thuyết trách nhiệm đối với các nhân vật chính trị mà nói, trong khoảng thời gian diễn ra phong trào sinh viên 1989, Triệu Tử Dương đã cố gắng hết sức nhằm khống chế cục diện bằng phương thức hoà bình. Sự khai minh của ông ta cũng là cực hạn trong lịch sử những đảng trưởng cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu chính quyền Trung Quốc đáp lại những đòi hỏi từ phía người dân giống như cách mà Triệu Tử Dương chủ trương, Trung Quốc không những sẽ không rơi vào trong “động loạn” giống như Đặng Tiểu Bình đã từng sợ hãi, ngược lại từ đó sẽ dần hình thành nên mối quan hệ tương hỗ tốt đẹp giữa chính quyền và người dân. Bởi vì, hoàn cảnh xã hội trong và ngoài Trung Quốc vào thời điểm đó, rất thuận lợi để tiến hành “thay đổi xã hội quy mô lớn có thể kiểm soát được”. Sự xuất hiện của phong trào dân chủ 1989 chính là một trong những thành quả quan trọng nhất của cải cách, nó không những không thể chứng minh có xảy ra “động loạn”, ngược lại nó chứng minh được sự bất mãn mãnh liệt của dư luận đối với tham nhũng hủ bại cũng như sự ủng hộ to lớn của dư luận đối với cải cách chính trị.
Đầu tiên, sức thu hút lớn lao của cải cách cũng như lợi ích chung mà người dân nhận được từ cải cách, đã khiến chính phủ vẫn như cũ có được quyền khống chế và sức mạnh quyền lực mạnh mẽ. Đặc biệt là khi những quan chức giữ vị trí trọng yếu bên trong thể chế thuộc phe khai minh đề xuất mô hình giải pháp mới nhằm giải quyết xung đột giữa người dân và chính quyền dựa trên quỹ đạo dân chủ và pháp chế, không những đã nhận được sự ủng hộ từ những thành phần ủng hộ cải cách chính trị là những phần tử trí thức tự do cũng như giới công thương nghiệp, mà còn nhận được sự ủng hộ to lớn từ phía dân chúng một cách tự phát.
Tiếp đó, bản thân phong trào dân chủ 1989 về cơ bản là “lý tính, hoà bình, có trật tự”, ngay cả sau khi tuyệt thực, bên trong thành phố Bắc Kinh vẫn là có trật tự ngay ngắn, không hề có cái gọi là “bạo động rối loạn”.
Tiếp nữa, hoàn cảnh quốc tế của Trung Quốc vào thời điểm đó đều hết sức hữu hảo, các quốc gia chủ chốt Phương Tây toàn lực ủng hộ cải cách ở Trung quốc. Trước thời điểm ban bố lệnh giới nghiêm quân sự, dư luận Phương Tây không những ủng hộ những đòi hỏi hoà bình của sinh viên, mà còn có đánh giá tích cực đối với phương thức bắt đầu đối thoại giữa tầng lớp lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với người dân, gọi đó là “sự nhường nhịn và khoan dung của chính quyền trước những đòi hỏi của dư luận”.
Tất cả những điều kiện thuận lợi như vậy, có thể nói là chưa từng có trong lịch sử hiện đại hoá một trăm năm qua ở Trung Quốc, nhờ vậy phong trào dân sự tự phát của người dân trên quy mô lớn không hề tạo nên sự hỗn loạn theo kiểu vô chính phủ bởi khoảng trống quyền lực đối với chính quyền, ngược lại có thể bảo đảm rằng: Dưới tiền đề ổn định xã hội được kiểm soát, có thể tiến hành cải cách chính trị mang tính tương hỗ tốt đẹp giữa người dân và chính quyền.
Trong suốt lịch sử cầm quyền 50 năm của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi xảy ra xung đột lớn giữa chính quyền và người dân, bản thân Triệu Tử Dương với vai trò là Tổng bí thư của đảng cầm quyền, lại đã công khai từ bỏ lập trường của chính quyền mà đứng về phía dư luận nhân dân, tư thái đạo đức chính nghĩa này thực sự là chưa từng có.
Hiện tại, Triệu Tử Dương tiên sinh đã ra đi ở tuổi 85, nhưng những cống hiến to lớn của ông đối với cải cách Trung Quốc vào thập niên 1980 là không thể bị xoá nhoà bởi bất kỳ ai; Sự lựa chọn thái độ đạo đức chính nghĩa của Triệu đối với vấn đề thị phi chính trị cũng trở thành dị số trong nền chính trị độc tài và được sử sách ghi nhận; Di sản chính trị và di sản nhân cách mà Triệu Tử Dương để lại đã tạo nên áp lực về đạo đức chính nghĩa rất lớn đối với tầng lớp quan chức lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc; Sự khác biệt giữa mô hình Đặng Tiểu Bình và mô hình Triệu Tử Dương, cũng đã đánh dấu ra phương hướng cho cải cách ở tương lai của Trung Quốc.
Xe tăng tiến vào Thiên An Môn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét