Hàng rong vỉa hè là hình ảnh vô cùng quen thuộc đối với người Việt. Khi lần đầu tới những khu như Cabramatta hay Bankstown, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy các bà, các chị cũng tụ tập bên vỉa hè, bày ra bán những món hàng nho nhỏ, vài cái bánh, mớ rau củ như ở quê nhà.
Dọc con đường Chapel ở Bankstown, chỗ tập trung có nhiều shop bán hàng tạp hoá, cá, thịt, thường có những bác lớn tuổi ngồi bên vỉa hè bán ít rau, ớt để trong thùng xốp nhỏ.
Ngày thường thì lác đác 1,2 hàng, thứ bảy, chủ nhật thì đông hơn, khoảng 4,5 người bán.
Bà Hồng, 66 tuổi, ngồi sát bên trong vỉa hè, có vài thùng xốp nhỏ đựng ít rau trái hái trong vườn. Bà bán rau ở đây hơn một năm.
“Ở đây già cả chán lắm, ngồi ở nhà mình ên coi phim riết rồi bịnh chớ có đi chỗ này chỗ kia được đâu. Cách đây vài năm, tui bắt đầu trồng rau, trái ăn, để có chút niềm vui tuổi già. Rồi rau trái ra nhiều ăn không hết, tui mới nghĩ đem ra đây bán,” bà Hồng tâm sự.
Sáng bà dậy 6 giờ, tưới nước cho vườn rau, cắt rau trái bỏ vào xe đẩy rồi đón bus ra chợ bán. Bữa nào nhiều hái được nhiều thì bà nhờ con trai chở giùm.
Một năm bà bán được 3 mùa. Mùa hè, mùa thu thì có bầu, bí, khổ qua, rau thơm, ớt. Mùa đông thì có su hào, cải bẹ xanh. Mùa xuân thì ủ đất, gieo hạt.
“Cô coi nè, làm vườn cũng cực lắm, tưới nước, bón phân, bắt sâu, bắt ốc sên, ủ đất, làm riết đen thui, tay chân cùn móng hết nhưng miễn mình khoẻ mạnh là được,” bà xoè đôi
bàn tay đen nhẻm vì nhựa lá khoe với tôi.
Vừa kể chuyện bà vừa chào hỏi những người quen đi qua lại. Chừng 15 phút, rổ khổ qua khoảng 3 kg được bán hết sạch. Rau thơm cũng được nhiều người hỏi mua.
“Một ngày tui bán từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều, bữa nào bán nhiều được khoảng 70 đồng. Tiền một phần tui để giành đi holiday, còn lại làm từ thiện, đi chùa và giúp đỡ người nghèo. Tuổi già có đồng ra đồng vô để mình thích gì làm nấy cho vui,” bà kể tiếp.
Cách đó vài mét là hàng rau của cô Bảy. Trên thùng xốp nhỏ được bày mấy trái mướp, ít rau thơm, 2 cây ớt. Cô Bảy, 57 tuổi, bán rau ở đây đã được gần 4 năm.
Khi được hỏi “cơn gió” nào đã đưa cô đến với nghề bán rau vỉa hè, cô thật thà kể là bắt chước người khác.
“Lúc đầu trồng rau để ăn, sau nhiều quá thì đem cho hàng xóm, cho người quen. Rồi đi chợ thấy người ta bán vỉa hè nên mình cũng bắt chước đem ra bán. Thấy bán được nên rủ anh chị em cùng trồng rau trái rồi tui gom lại đem ra bán giùm luôn”.
Khi trò chuyện với tôi, mắt cô Bảy không ngừng nhìn xung quanh, mặt rất căng thẳng.
“Hôm bữa đang đứng bán thì gặp người của council đi tới, may là cô chạy đi kịp, nên giờ sợ quá, vừa bán vừa canh”.
Mà cháu biết không, cái con bán đối diện cô bữa nay nó nghỉ rồi, hôm bữa có người của council đi kiểm tra, nó được người quen bán ở đầu xa kia điện thoại báo, nó lật đật dọn dẹp đi mà không nói cho cô biết, để cô xém nữa bị bắt."
"Nghe kể bị bắt 1,2 lần còn cảnh cáo chớ nhiều lần là có người bị phạt tiền hai trăm mấy đồng, rồi bị đưa ra toà nữa. Ở đây còn bán được chớ ở Cabramatta là dẹp hẳn rồi," cô Bảy nói.
Tôi thắc mắc hỏi cô sao biết bán ở đây bị phạt thì cô bán chi cho “đau tim”.
"Hồi con còn nhỏ thì ở nhà nuôi con. Khi nó học xong rồi mình lớn tuổi xin việc khó, bán ít rau trái kiếm được vài chục đồng/ ngày, có tiền xài đỡ xin của con, mà nó cũng mới đi làm, đâu có dư”, nói xong, cô đẩy nhẹ tay tôi và nói thôi cháu đi nhé, để cô tập trung canh chớ không người ta bắt.
May mắn hơn cô Bảy, bà Hồng ngồi bán ở vỉa hè trước shop của em gái nên có “động tĩnh” gì, bà đã có “nơi trú ẩn” an toàn.
Những người bán ở vỉa hè đều biết những điều họ làm là không đúng luật, nhưng họ vẫn thích buôn bán bởi lẽ như các bà, các cô cho rằng: “Rau trái trồng trong vườn dư ăn không hết” và“tuổi già kiếm ít đồng để tiêu xài cũng là niềm vui”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét