Thưa độc giả:
1.- Lối "nói lái " trong sách tôi tuyệt nhiên không có do cái ý gì khinh thường độc giả ! Chỉ duy là bởi một phép... ( mép phột ) huyền môn tâm pháp thượng thừa niêm hoa vi tiếu - thể theo lối lập ngôn của Bồ- Tát Bát Nhã Ba La Mật Kinh. (Mấy ngàn năm tư tưởng Tây Phương, chỉ duy có Homère, Shakespear, Nietzsche Whitman và Heiddeggers là huy hoàng đạt tới cõi lập ngôn tối thượng đó ở tại chổ bách xích can đầu).
2.- Những người bạn trẻ mà Như Lai Thượng đế đã an bài thế nào đó cho họ tìm tới tôi khoảng mười lăm năm nay, - tôi đã từng có phen vui lòng nhận ra (trong số đó) dăm bảy kẻ có chân tài, thực năng. Tôi có đưa lời khuyến khích . Thì rốt cuộc, Như Lai Thượng Đế đã cho tôi nhận ra một cái lẽ "huyền hoặc" dị thường : mọi kẻ đó đều rốt cuộc đã xô bồ kiêu hãnh và đố kỵ nhiều nhất với tôi.
Vậy thì mọi ý kiến của những bồ bịch cũ nọ đưa ra, xin độc giả chớ nên lầm tưởng đó là lời chính đáng.
Kính thư
Bùi Giáng
T.B. 1. - Riêng bạn Phạm Châu Trí Tích Vu Loan (xấp xỉ tuổi tác với tôi) - mặc dầu anh ấy không rỏ cỗi nguồn thơ tôi, nhưng anh có một tâm hồn phong phú đôn hậu trung hoà hy hữu. Vì thế cho nên thỉnh thoảng anh viết vài lời thích đáng bên cạnh vài lời lệch lạc.
2.- Những tác phẩm : Trăng Tỳ Hải, Sương Tỳ Hải, Mùi Hương Xuân Sắc, Hoa Ngõ Hạnh - do nhà xuất bản Phú Vang Thừa Thiên xuất bản, thì Phú Vang đó là tên một châu quận ở Thừa Thiên - quê hương của người xuất bản. (Có kẻ ngộ nhận, bảo rằng tôi có ý khoe khoang mình "giàu" !!! nên chọn cái tên Phú Vang vang dội(!!!)
3.- Mọi cuốn sách đều do nhà xuất bản tự ý trình bày. Tôi chỉ góp ý lai rai, mà thường thường thảy thảy những ý kiến của tôi đều bị bác bỏ chín mươi-chín-phần-rưởi-mười..
4.-Nguyễn Hiến Lê chẳng hiểu tí gì về tư tưởng hết cả. Cũng chẳng có chút tài hoa sáng tạo nào hết cả. Mà lại rình rập tìm cách kín đáo dìm sơ sơ những kẻ có tài. Y thuộc loại nho hương nguyện như Bửu Ý - loại hương nguyện đặc biệt tân kỷ của thế kỷ hai mươi..
5.- Nguyễn Đăng Thục có tài và có công lớn. Tư tưởng phóng dật thênh thang. Vài điểm nhầm lẩn của ông, là do sách biên khảo tai hại của bọn học giã Trung Hoa. Bộ sách Triết Đông Phương của ông vượt xa sách của Phùng Hữu Lan. Ông Lan này viết sách tạm gọi là khá.
6.- Cuối đời Tống Trung Hoa có xuất hiện một thi hào huyền diệu như Nerval, Baudelaire. Tại hạ quên mất tên ông ta, vì sách vỡ bị cháy hết, mà tại hạ có tính đãng trí hơi nặng.
7.- Renè Char có nói một lời riêng biệt nào giúp chúng ta thể hội Marquis de Sade một cách thâm viển và do đó đặt lại câu hỏi não nùng về Jesus Christ Nietzsche?
8.- André Rousseax là nhà phê bình giỏi, nhưng tuyệt nhiên không hiểu chút gì về thi ca.
9.- Khổng tử ắt hẳn rất mực hâm mộ Sophocle Euripide Pindare Shakespeare, cả Baudelair, Sade, Nietzsche.. - nhưng nhất định ngài không chấp nhận Eschyle. Vì lẽ gì như thế? Câu hỏi đó là cái chốn vùng khí hậu huyền bí của đường tơ kẻ tóc trong thi văn tư tưởng - Lủ bọn học giả Trung Hoa đã mê muội suốt hai ngàn rưởi năm.
10.- Tâm hồn Simone Weil chỉ có thể hội King Lear, nhưng không thể nào hội phép lập ngôn của Shakespeare trong Hamlet, Anthony and Cleopatra, Othello. Đó là một ẩn ngữ gì như thế?
11.- Bọn học giả Âu châu bao giờ mới bớt ngu muội?
12.- Âu châu cũng như Mỹ châu ngày nay xuất hiện nhiều nhà phê bình đại tài hoằng viễn, bên cạnh những học giả quá ngu sy (nghĩa là ngu sy một cách bất khả tư nghị vậy)
13.- Thân ái chào Bogan.
14.- Thérèse d' Avila:- " Eh bien! Notre bon maitre, daignez nous donner quelque moyen de viver sans ces craintes perpétuelles au millieu de combats si dangereux"...
( ............. .................... .................)
15.- Tại Việt Nam ngày nay , không còn một kẻ nào thấu đạt cõi huyền nhiệm dị thường của Ki Tô Giáo Sơ Nguyên, không còn một kẻ nào cả - ngoại trừ ông Hoàng Mynh Tuynh. Về phương diện đó, Hoàng Mynh Tuynh là một kỳ tài quốc tế. Nhưng vì lẽ gì Hoàng Mynh Tuynh cứ xô ép tại hạ vào hiểm hoạ Tẩu Hoả Nhập Ma?
Hỡi ôi! Suốt mười lăm năm nay, từng đã mấy phen ông Tuynh đẩy tại hạ tới mép rìa nọ của hiễm hoạ hoành sinh.
Và hỡi ôi ! Cũng chính ông Tuynh đã mấy phen giải toả tại hạ ra khỏi vòng vây hãm của hoành sinh hiễm hoạ...
Tặng ông câu thơ
Biên thuỳ lạp chút đa mang
Trăng hồng tích biệt dư vang in ngần
Câu chào điệu rỡn phân vân
Chút lòng quan cố, lời trân trọng về
Kỷ nguyên từ mở sân hoè
Ban sơ cổ độ điệu thề vỉnh ly
- Đoạn trường thay! Lúc phân kỳ...
- (Ông Tuynh có một người con gái thuần hậu lệ kiều vô tỷ)
16.- Bình sinh tại hạ chỉ duy bất khả lỉnh giải một sự vụ eo óc éo le gay cấn này :
Vì lẽ gì ông Hoàng Mynh Tuynh không chia sớt bớt cho tại hạ một phần ba tủ sách quý giá của ông ta. Ông ta để dành tủ sách đó cho kẻ nào về sau? Cơ duyên nào đã run rủi tại hạ gặp gở ông tại Ngã Ba Tâm Đạo vô ngần, vì lẽ chi ông không đón nhận cơ hội mơ màng thơ mộng đó. Sinh bình tại hạ buồn rầu, thì mai sau bình sinh sẽ không thể nào nhắm được hai con mắt lại ở thế giới bên kia.
Hỡi René Cher! Hỡi Heidegger! Hỡi Dickinson Emily! Tại hạ chẳng may bị cháy hết sách vở thì có thể nào ngày nay thốt cái lời yêu thỉnh Cô Nương và Các Bạn xa xôi hãy song trùng nhị điệp ban cấp cho tại hạ cái tặng vật vô ngần của thể lệ ban sơ?
17.- Thérèse d' Avila có lẽ là bậc Nữ Thánh Tây Phương có phong độ khí cốt gần gũi Đức Khổng nhiều nhất.
Ký tên
Hoelderlin, Apollinaire, Cà Tang Hiệp Lộ, Rike, Nietzsche, Bắc Hải Điếu Đồ, Sophocle, Narval, Tố Như Tử Như Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét