khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

Vài khía cạnh pháp lý về việc về lại VN của Lê Thu Hà- Tác giả Phạm Lê Vương Các




Bà Lê Thu Hà, phát ngôn viên của nhóm Anh Em Dân Chủ, người từng bị kết án 9 năm tù giam trong vụ án cùng luật sư Nguyễn Văn Đài và nhiều cộng sự của nhóm, đã quay trở về Việt Nam từ Đức. Trước đó, hồi tháng 6 bà Hà được phóng thích khỏi nhà tù Việt Nam cùng vợ chồng luật sư Đài và đưa thẳng qua Đức tị nạn chính trị.

Tại Đức bà Hà đã không thích nghi được với môi trường mới và luôn muốn quay lại Việt Nam. Theo thông báo từ LS Nguyễn Văn Đài, bà Hà đã từ chối giấy tờ tị nạn, giấy phép lao động và các giấy tờ khác của nhà nước Đức và kiên quyết trở lại, bất chấp những khó khăn có thể xảy đến.


Ngày hôm qua, khi bay về Việt Nam, bà Hà đã bị chặn tại Nội Bài và đang trên đường quay lại Đức. Đây là trường hợp hết sức hy hữu khi một tù nhân chính trị, được phóng thích khỏi tù, với điều kiện phải rời cố quốc lại quay về nơi đã cầm tù mình sau một thời gian ngắn.



Theo như trang thoibao.de ở Đức loan tin, bà Lê Thu Hà, một cộng sự của luật sư Nguyễn Văn Đài đã từ Đức quay trở lại Việt Nam sau 5 tháng tị nạn chính trị tại đây.

Đây là trường hợp khá hy hữu lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam, khi một người đang chấp hành án tù được đưa thẳng từ nhà tù ra máy bay để đến Đức tị nạn, rồi tự nguyện quay trở lại Việt Nam chỉ sau 5 tháng tị nạn.

Sự việc chưa có tiền lệ này có thể làm nhiều người thắc mắc làm cách nào bà Hà có thể quay lại Việt Nam và khi quay trở lại bà Hà có bị bắt giam để thi hành tiếp án tù tại Việt Nam không? Bài viết này xin trình bày vài vấn đề pháp lý cơ bản trong câu chuyện này.

1. Quyền tị nạn và quyền được trở về

Tình trạng pháp lý tiếp nhận bà Lê Thu Hà từ nhà tù Việt Nam đến Đức thuộc diện “tị nạn chính trị”. Phía Đức cấp quy chế tị nạn cho bà, không đồng nghĩa với việc phía Đức được phép tước bỏ quyền trở về đất nước của bà.

Nguyên tắc “công dân được quyền trở về đất nước của mình” đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện của Luật Nhân quyền Quốc tế. Chẳng hạn tại điều 12 và 13 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tự do rời khỏi bất kì nước nào, kể cả nước mình… Không ai bị tước đoạt một cách tùy tiện quyền được trở về nước mình”.

Công ước về người tị nạn của LHQ cũng ghi nhận người tị nạn có quyền hồi hương theo ý nguyện của họ.

Và Điều 23 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 cũng quy định rõ: “công dân có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước.”

Từ các cơ sở pháp lý trên để khẳng định, bà Hà dù trong tư cách là người tị nạn tại Đức vẫn có quyền quay trở lại Việt Nam vào bất kỳ lúc nào theo ý nguyện của bà ấy. Khi rời khỏi Việt Nam đi tị nạn và cho đến thời điểm hiện tại, bà ấy vẫn là một công dân Việt Nam (vì chưa từng bị Chủ tịch nước ra quyết định tước quốc tịch), nên bà ấy đương nhiên có quyền trở về đất nước.

Sự tự nguyện trở về sẽ đồng nghĩa với việc bà Hà sẽ phải chấp nhận từ bỏ tư cách “người tị nạn” được sự bảo hộ của chính phủ Đức. Tình trạng này được pháp lý mô tả là “người tị nạn tự nguyện hồi hương”. Trong trường hợp này Chính phủ Đức cũng không thể ngăn cản được sự trở về của bà Hà, dù họ đã phải trải qua một quá trình gian truân để “giải cứu” bà ra khỏi nhà tù Việt Nam. Khi bà Hà tự nguyện hồi hương thì phía Đức cũng buộc phải chấp nhận và cấp các các loại giấy tờ cần thiết để bà lên máy bay trở về.

Khi bà Hà đặt chân xuống Việt Nam, trong trường hợp này chính quyền Việt Nam buộc phải tiếp nhận bà vì bà là công dân Việt Nam, cũng như không thể tống xuất bà sang quốc gia khác vì bà chỉ có duy nhất một quốc tịch Việt Nam.

2. Có bị tống giam lại không?

Cơ sở pháp lý để bà Hà rời khỏi nhà tù Việt Nam đi thẳng sang Đức được dựa vào quyết định tha tù trước thời hạn theo Luật Đặc xá, dành cho trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước Việt Nam.

Luật pháp Việt Nam cũng không quy định rõ ràng và chi tiết cho các trường hợp tha tù này. Nhưng trên thực tế việc tha tù trong trường hợp này luôn bị phía chính quyền Việt Nam “đặt ra điều kiện”. Điều kiện đó là buộc người được tha tù đồng ý rời khỏi Việt Nam và không được quay lại nếu không có sự cho phép của giới chức Việt Nam.

Quyết định tha tù chỉ là một quyết định hành chính, nên về mặt pháp lý nó không đủ thẩm quyền để làm bản án của toà án mất đi hiệu lực pháp luật. Và vì vậy, bản án Toà đã tuyên đối với bà Hà trước đây vẫn còn giá trị thi hành.

Qua sự trở về của bà Hà, có thể chia ra làm 2 trường hợp: “thỏa thuận trở về” hoặc “tự ý trở về”.
Trong trường hợp “thoả thuận trở về”, tức là có sự thỏa thuận giữa Chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam đã dàn xếp cho sự trở về của bà Hà (dưới sự đồng ý của bà), hoặc chính bà Hà đã trực tiếp dàn xếp với giới chức Việt Nam, thì nhiều khả năng bà sẽ không bị tống giam lại. Vì nếu có sự thỏa thuận này thì sự trở về của bà Hà đã được sự cho phép từ giới chức có thẩm quyền của Việt Nam.

Nếu trong trường hợp không có sự dàn xếp thỏa thuận trước đó, hay chưa có sự cho phép của giới chức Việt Nam, mà bà Hà đã “tự ý trở về”, là bà đã vi phạm vào điều kiện hay cam kết để được tha tù. Dựa vào việc “người được tha tù có điều kiện” đã vi phạm vào điều kiện hay cam kết đã đưa ra, giới chức Việt Nam có thể đi đến quyết định “hủy bỏ quyết định hành chính tha tù” trước đây, và điều này sẽ dẫn đến hệ quả là bà Hà buộc phải tiếp tục thi hành bản án 9 năm tù giam và 2 năm quản chế.

Điều đáng tiếc là bà Hà đã không loan báo về sự trở về của mình rơi vào trường hợp nào, nên không ai biết tình trạng tương lai của bà ra sao. Bà đã mất tích tại sân bay Nội Bài khi vừa đặt chân trở về Việt Nam vào hôm qua, ngày 20/11/2018.

Trước khi viết bài này tôi đã trò chuyện với một người bạn của bà Hà và được bạn của bà cho biết, từ khi đến Đức bà Hà có dấu hiệu “san chấn tâm lý”. Bà hay thổ lộ nỗi “nhớ nhà, nhớ mẹ, và nhớ Việt Nam”. Cách đây 3 tháng, bà cho biết ý định sẽ trở về Việt Nam bất chấp việc phải tiếp tục ngồi tù.

Thông tin thêm về Lê Thu Hà:



Lê Thu Hà sinh trưởng tại Quảng Trị, là một giáo viên dạy Anh ngữ tự do tại Hà Nội. Bà chưa lập gia đình, có một mẹ già cần phụng dưỡng. Bà được biết đến là phát ngôn nhân của Hội Anh Em Dân Chủ. Bà bị bắt cùng luật sư Nguyễn Văn Đài vào ngày 16/12/2015. Sau 2 năm bị tạm giam, bà bị toà án kết án 9 năm tù giam và 2 năm quản chế vì tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Nhờ vào sự can thiệp tích cực của Chính phủ Đức, ngày 7/6/2018, Bà và LS Nguyễn Văn Đài đã được đưa thẳng từ trại giam B.14 của Bộ Công an lên thẳng máy bay đi sang Đức tị nạn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét