khktmd 2015
Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018
Dạy con cho có đức hay Luân Lý Giáo Khoa Thư- Tác giả Trịnh khả Nguyên
Lớp Đệ Thất (lớp Sáu bây giờ) ở miền Nam trước 75, môn Việt văn, phần văn học cổ, học sinh được học một số bài về đạo đức như lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, ông bà, tình nghĩa thầy trò, bạn bè, lòng thương người. Đến nay, nhiều người thuộc thế hệ cũ vẫn còn nhớ những câu trong bài “Dạy con ở cho có đức,” vì những câu này là thơ (ca) nên dễ thuộc, lại nữa cái “đức” bài học dạy là cái đức phổ biến, gần gũi với văn hóa dân tộc, mà tục ngữ, ca dao đã có nói “lá lành đùm lá rách/ người trong một nước phải thương nhau cùng”…
Lớp Sáu chỉ được học những đoạn trích chính yếu, còn về tác phẩm, tác giả chỉ giới thiệu sơ lược. Việc tìm hiểu, phân tích sâu dành cho các lớp cao. “Dạy con ở cho có đức” nói riêng, “Gia Huấn Ca” nói chung tác giả viết ra để dạy người nhà (gia huấn), nhưng cũng có thể dạy cho mọi người. Việc đưa những tác phẩm như thế nầy vào chương trình giáo dục là điều rất đúng, nhất là khi xã hội suy thoái trầm trọng về đạo đức, lối sống như mọi người đã biết. Giáo dục, nhà trường được xem là nơi tượng trưng cho văn hóa, đạo đức thế mà văn hóa tại đây đang sa sút đáng ngại như bắt nữ giáo viên đi mời rượu trong tiệc, sửa điểm thi hàng loạt, bằng cấp giả, bán dâm, bạo lực học đường,… đã thế, còn biện bạch lạ đời. (báo Thanh Niên)
Nói thêm, trước 75 ở miền Nam, dùng (hai chữ) “Việt văn” tức dạy/học văn hóa, văn chương Việt Nam để phân biệt với Anh văn, Pháp văn… dạy/học văn hóa, văn chương Anh, Pháp. Chắc họ e rằng, nếu dùng (một chữ) “văn,” thì không rõ. Dĩ nhiên, việc chính của thầy cô “văn” là dạy văn chương chữ nghĩa, nhưng thông qua các bài như “dạy con,” các vị cũng dạy “công dân giáo dục” cho học sinh.
Tương tự thế, các môn khác, như ngoại ngữ là dạy chữ, câu, ngữ pháp, nhưng các thầy cô có thể chọn từ nhiều sách khác nhau những bài có lối hành văn trong sáng, có ý nghĩa giáo dục con người, miễn sao hợp với lứa tuổi, trình độ cấp học, chứ không “sách giáo khoa là pháp lệnh.” Chung lại, trong nhà trường ngoài phần vụ chuyên biệt, nếu có thể, thầy nào, môn nào cũng góp phần dạy đạo đức cho học sinh. Ở nhà, cha mẹ cũng dạy con “ở cho có đức, có nhân.”
Chữ “đức” hay “nhân” chúng ta dùng hằng ngày và trong bài dạy con đồng nghĩa với hiền lành, ngay thật, sống có tình, hiếu thảo, lễ phép, thương người như mấy câu “…Thương người vất vả ngược xuôi/ Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ/ Thương người ôm dắt trẻ thơ/ Thương người tuổi tác già nua bần hàn… Thấy ai đói rách thì thương/ Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn/… Thương người như thể thương thân…” Đức độ như thế cũng đơn giản, bình thường có gì cao siêu đâu. Có người đã gọi đó là “đạo đức luân lý giáo khoa thư.”
Sau 75, đạo đức như trên gọi là “đạo đức tu sĩ” và cho là chẳng làm lợi gì cho ai, thay vào đấy là “đạo đức cách mạng.”
Môn đạo đức “đạo đức cách mạng” dạy học sinh những đức tính cao rộng như “có tình yêu nước nồng nàn, có lòng căm thù địch sâu sắc, biết yêu quí, gìn giữ hòa bình…” Nền giáo dục mới dạy con người thành “con người mới xã hội chủ nghĩa, có tinh thần làm chủ tập thể, vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao trí tuệ, làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến” v.v…
Vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao trí tuệ, làm chủ khoa học kỹ thuật, một ước mơ rất to lớn. Có phải là đào tạo thành các nhà bác học, có các vị nhận giải Nobel, sẽ chế tạo ra các máy móc hiện đại, có những phát minh mới, làm chủ thiên nhiên…? Những chương trình tìm kiếm tài năng, những trường chuyên, lớp chọn luyện các đội học sinh dự thi các kỳ thi quốc tế, “Gặp gỡ Việt Nam” mời một số bác học, một số người đoạt giải Nobel đến giao lưu với học sinh, sinh viên ưu tú. Các việc đó nhằm các đích trên.
Việt Nam cũng có những bác học, có người đoạt giải Nobel, giải Fields, có những người ra nước ngoài học giỏi, đỗ cao, muốn đem điều đã học về giúp nước, có người là tỷ phú đô la muốn đem tài sản về nước làm ăn để giúp mình, giúp dân, có học sinh thi học sinh giỏi quốc tế đạt điểm thưởng, ngoài thang điểm của ban giám khảo. Các vị trên rất đáng ca ngợi, chứng tỏ trí tuệ người Việt thuộc hạng siêu. Nhưng quan trọng là họ đang ở đâu, làm gì? Mới nhất news.zing.vn cho biết trong số 17 quán quân “Đường Lên Đỉnh Olympia,” chỉ có 3 người hiện sống tại Việt Nam (Lương Phương Thảo và Lê Viết Hà về nước, Phan Đăng Nhật Minh vẫn chưa đi du học), còn 14 người khác sống và làm việc tại nước ngoài.
Trước đây “bốn chấm không” chưa nói đến, chỉ nói “công nghiệp hóa, hiện đại hóa.” Đây là phương cách vừa để canh tân đất nước vừa để thỏa mãn tự cao, chứng tỏ “tính ưu việt.” Người ta thường nghe “điện, đường, trường, trạm,” thấy những pano vẽ cảnh đại công trường, nhà máy ống khói cao vời, công nhân đang lao động. Đến nay, một số nhà máy đã phá sản, hoặc đang “đắp chiếu,” không thấy các pano cổ động, lại thấy các pano quảng cáo cho khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái, chung cư, căn hộ cao cấp trưng khắp nơi. Người ta đang khai thác, bán, cho thuê những cái có sẵn như núi rừng, sông biển, đất đai, khoáng sản.
Nhưng thế nầy, nói “chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ, khoa học, sỡ hữu” cái nầy, cái kia là thể hiện tâm lý chiếm đoạt, thủ đắc. Trong khoa học, chỉ nghe nói “phát minh, khám phá” (invent, discover) điều nầy, điều nọ. Các nhà khoa học nghiên cứu, tìm tòi, thí nghiệm khi thành công thì công bố các phát minh, chứ họ không sở hữu kiến thức như những bài thuốc gia truyền. Chính thế mà khoa học có tính toàn cầu. Khoa học là văn hóa chung của nhân loại, không ai chiếm lĩnh hay làm chủ. Phát minh khoa học chỉ phụ thuộc vào trình độ. Nó không như của cải hay quyền lực, hai thứ mà thiên hạ tranh giành đến tàn sát nhau, ai chiếm được, kẻ đó giữ khư khư.
Phi hành gia Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng ngày 20 Tháng Bảy, 1967, đã nói “đây là bước đi nhỏ của một con người, nhưng là một bước tiến lớn của nhân loại” (that’s one small step for man, one giant leap for mankind).
Và nếu xem khoa học là vạn năng cho rằng với trình độ khoa học kỹ thuật cao, con người có thể làm được tất cả, “làm chủ thiên nhiên,” là “khoa học hơn cả khoa học.” Hồn nhiên, xem thiên nhiên là “miễn phí,” vô tư khai thác, tàn phá núi rừng, sông biển, không khí, của cải trong lòng đất là phá hoại. “Khoa học không lương tâm chỉ phá hoại tâm hồn” (sciene sans consciene n’est que ruine de l’ame).
Lâu nay người ta phê bình giáo dục rất nhiều, và dĩ nhiên Bộ Giáo Dục chịu trách nhiệm về giáo dục. Nhưng, xã hội, phụ huynh học sinh (theo từ ngữ đang sử dụng, cả hệ thống) cũng là tác nhân của các bất cập trong giáo dục. Ví dụ nhỏ, chuyện học thêm dạy thêm ai cũng than phiền, trẻ con bị học quá nhiều, học chính, học thêm, học kèm, học nhồi nhét, học luyện. La thì cứ la, nhưng vẫn cứ “chạy đua” cho con học thêm. Con em các vị có “điều kiện” còn học thêm nhiều. Trẻ học cho tham vọng của người lớn. Trẻ học thêm đã đành, đến dự thi tiến sĩ cũng học thêm, thuê người viết luận án. Chỉ sửa một ông thủ trưởng, một bộ sách giáo khoa, ra một số nghị quyết về thi cử, về chương trình thì cũng chưa ăn thua. Phải sửa “cơ bản và toàn diện” (nghị quyết trung ương) sửa từ gốc và sửa tất, tức là sửa cái “cơ chế.” Các ngành khác (kinh tế, luật pháp, hành chính) khi gặp các vướng mắc, người ta cũng nói do cơ chế, muốn sửa thì phải sửa cơ chế. Ôi cơ chế! Nhưng thôi, “cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa” (Kiều). Cơ chế nào thì giáo dục đó. “Nồi nào, vung nấy.”
Trước và bây giờ đều có dạy đạo đức. Trước dạy những điều tương đối gần gũi, bây giờ dạy hơi cao siêu. Một thời, trẻ con “chùi mũi không sạch,” nhưng được dạy cho những câu nói của người lớn (nói không thật). Dạy trẻ nhỏ nói điều chúng không hề thấy, không hề nghĩ, lớn chúng thành người như thế nào? Trẻ em hôm qua, người lớn hôm nay, một số người lớn hiện nay sống rất lý tài, lo vun xới cho tư riêng, nhưng lại giảng “chí công vô tư,” nghe thấy mà khiếp. Họ “tư sản hơn cả tư sản,” cái tinh thần con người mới, làm chủ tập thể họ quên mất rồi.
Bây giờ đã thấy được, mới dạy trẻ nói “vâng ạ, cám ơn, xin lỗi…” À, ngoan, giỏi lắm! Nhưng còn “người lớn” thì không hề biết nói xin lỗi về những sai phạm do mình gây ra, có lẽ do không học “đạo đức luân lý giáo khoa thư.”
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét