khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

"Nằm nghe Tết về trong nắng nghiêng"








Gần 30 tuổi đầu còn sang xứ người làm sinh viên. Để kiếm từng đồng lo đủ chi phí sinh hoạt đã là chuyện khó khăn, tôi cầm chắc cái Tết này, mình phải xa nhà. Thở một cái dài thượt, tôi ngồi bó gối, nhìn ra cửa sổ, bên ngoài kia trời nhập nhoạng tối, nghe yên lặng đến nao lòng. Nhận tin Ngoại bệnh nặng, ba thì bị tai nạn gãy xương, mẹ lo lắng trăm bề nên lao lực, giữa xứ người mênh mông, lòng lại càng thêm buồn heo hắt. Chỉ ước được về ngủ trong lòng Sài Gòn ồn ã.

Mấy hồi tôi đi xuống Cabramatta, thấy bán đủ thứ bánh mứt chuẩn bị Tết, bụng dạ tự dưng rồi cũng nôn nao. Dọc trên phố có mấy cửa hàng băng đĩa mở nhạc Sến. Nghe tới mấy đoạn ngân của Quang Lê, Như Quỳnh, Đan Nguyên, rớt nước mắt hồi nào không hay. Thèm cái không khí Tết ở Sài Gòn vô cùng.

Thèm nghe cái tiếng nhạc phát ra từ cái xe bán băng đĩa dạo, cứ tầm thời gian này là cả xóm nghe nhạc Xuân miễn phí. Đi kèm với cái xe băng đĩa là chiếc xe Honda chở đầy ắp mấy chậu cây cảnh, có cả mấy chậu mai rừng.

Mấy anh mấy chú bán hàng chả bao giờ chịu để tâm buôn bán gì mấy ngày đó, toàn tụ tập nhau lại cà phê cà pháo đấu láo cả buổi, tới trưa trời trưa trật còn chưa có ý định tan nhóm. Thèm cả những khi nằm áp tai xuống nền gạch bông, nhìn ra thấy nắng nghiêng nghiêng rọi vào nhà, cái nắng nghiêng mà chỉ có Tết mới thấy. Thèm lắm đa.

Tôi đã từng nhủ với bản thân mình, dù có đi đâu, điều đầu tiên mà tôi nhớ về Sài Gòn hẳn phải là dư vị của Tết. Những ngày cận Tết, không khí lại tràn ngập cái vị đặc trưng mà chỉ có những ai ở Sài Gòn lâu mới cảm nhận được. Thế nhưng, đôi khi Tết ở phố vốn không hấp dẫn cho những ai tha hương chỉ chọn Sài Gòn làm đất “cơ hội”, ai rồi cũng tất bật chuẩn bị để về quê cùng gia đình. 

Trả lại cho Sài Gòn lớp áo vắng vẻ, có nắng nghiêng rải dọc mọi con đường. Tôi nhớ chị tôi hay kể, ngày tôi còn quá bé để nhận thức được câu chuyện mưu sinh, cứ mỗi khi Tết về, mấy mẹ con ôm nhau khóc vì không có tiền. Làm lụng cực khổ cả năm trời, có những khi phải mượn, phải thiếu bạn hàng, để rồi đến Tết, người ta đòi nợ không biết đâu mà trả cho dứt. Đủ thứ phải lo mà chẳng biết phải kể ai nghe. Ấy vậy mà, con bé con là tôi khi ấy, lại được bảo bọc và chở che trong bình yên, nên những kí ức về Tết trong tôi vẫn còn rất trong trẻo, vẫn hoài niệm mãi về tất cả những bình yên nơi xóm lao động nghèo.

Ở cái xóm nhỏ đó, Tết lúc nào cũng về cùng mùi bánh chưng chín dần thoang thoảng ngoài sân. Tôi còn nhớ rất rõ hương và vị của những năm một nghìn-chín trăm-hồi ấy, khi mà tôi vẫn còn là một con nhóc thích chạy lăng quăng quanh nồi bánh to, nằm lăn lóc dưới mái hiên nhà, nghe cái lạnh của sương đêm phủ lên con phố. Nghe cả mùi khói, nồng, ngai ngái, tiếng lửa, củi kêu lách tách, tiếng xe máy vẳng lại từ xa. Tiếng cửa sắt cót két từng nhà, và người thân thủ thỉ giữa phố đã dần chìm vào giấc ngủ. Con bé con là tôi khi ấy, cũng nằm ngủ ngon lành, cuộn tròn trong hơi ấm từ bếp lửa phả ra. Cái mát, cái lạnh của sương đêm mơn man trên má. Mở mắt ra thấy trời đã trong, nắng đã lên và bánh đã chín, thơm nức mũi con bé con.

Con phố đó, đã không còn là phố của tôi nữa. Nhưng tuổi thơ tôi đã mòn từng góc nhỏ, thèm quay quắt. Cái nỗi nhớ tràn lan dù biết chắc mọi thứ chỉ còn có thể quay về dưới hình dạng của kí Ức. Cảm xúc của tôi có lẽ đã ngủ quên lại đâu đó trong miền kí ức kia. Trên con phố chìm sâu vào đêm, giữa Sài Gòn.

Phải chi mà giờ nằm xuống đây, áp tai nghe tiếng đất, lại thấy nắng nghiêng của Tết rọi vào. Chắc lòng sẽ bình yên đến lạ.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét