khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

Đạo diễn Nguyễn Phú Hữu - Tác giả Nguyễn Thị Hải Hà




Nhiều khi, lang thang trong chốn giang hồ, mình gặp anh hùng (kiêm anh hiền) mà không biết. Tình cờ tôi làm bạn với ông Nguyễn Phú Hữu. Ông thấy tôi thích bàn chuyện phim ảnh, thích chụp ảnh, ông tặng cho mấy tấm ảnh và phim mùa thu tuyệt đẹp. Rồi ông chụp ảnh tuyết, ảnh nào cũng đẹp, như người rất rành về ảnh nghệ thuật. Ảnh chân dung, người mẫu cũng đẹp. Tôi xin phép được hỏi han ông vài câu. Sau đây là đoạn tôi phỏng vấn ông.

“Tôi bắt đầu chụp ảnh từ lúc còn bé khoảng 9 hay 10 tuổi. Thuở ấy tôi có ông anh rể và ông ấy có máy chụp ảnh khá tốt. Tuy có máy nhưng ông không dùng, nên đi đâu cũng chỉ có tôi chụp ảnh. Tôi sinh vào tháng 6 năm 1942, sang Pháp năm 1964, học được hai năm ngành Dược vì chính phủ không cho học mấy ngành nghệ thuật. Khoảng thời gian đó tôi có làm việc cho một Gallery tranh nổi tiếng ở Lyon và quen nhiều nhân vật trong trong hội đồng thành phố tỉnh Lyon. Năm 1968, tôi được một lúc 3 giải nhứt trong cuộc thi ảnh tổ chức hằng năm giữa các đại học Pháp và đại học thế giới. Mấy ông đó hỏi sao không theo học về phim ảnh mà học Dược. Tôi nói nếu theo học Điện ảnh thì chính phủ VN không cho phép gia đình gởi tiền… ; Do đó, họ liên lạc với Bộ Ngoại Giao Pháp xin cấp cho tôi 5 năm học bổng để theo học Nhiếp ảnh và Điện ảnh. Thế là tôi khăn gói lên Paris thi vào trường Điện Ảnh. Ra trường, tôi đi thực tập và làm việc với đài truyền hình và mấy đoàn làm phim. Mùa hè năm 1973 tôi cùng với Trần Văn Bá tổ chức đưa sinh viên Âu châu về VN trong chương trình Nối Vòng Tay Lớn, sau đó bị kẹt luôn cho đến năm 1991 mới qua được Canada theo diện đoàn tụ gia đình do gia đình của phu nhân tôi bảo lãnh.”

Rất ngạc nhiên là thời ấy VNCH cho phép du học các ngành kỹ thuật nhưng lại cấm các ngành nghệ thuật. Tôi có một số câu hỏi, tò mò về sự nghiệp điện ảnh của ông, nhưng may quá, chưa kịp hỏi thì ông đã gửi cho vài cái link. Lần theo các link này tôi biết được một số chi tiết rất hay về ông và về một cuốn phim đã trình chiếu ở “rạp chiếu bóng” trước năm 1975. Phim Chân Trời Tím.

Trung tuần tháng Sáu năm 2017, ở Toronto đã trình chiếu lại phim Chân Trời Tím của hãng phim Mỹ Vân. Phim bị hư nhiều được khôi phục lại. Qua cuộc phỏng vấn của Khánh Lan và Tôn Thất Hùng của Viet TV, ông có một vài nhận xét thú vị về phim “Chân Trời Tím.” Trước là sự thắt gút tháo gút của bức tranh khỏa thân, tranh vẽ nhân vật là một ca sĩ tên Liên do Kim Vui đóng. Sau là lời thoại hơi dài, giống văn viết hơn là văn nói.

Năm 1973 ông về nước cộng tác với Giáo sư kiêm kịch tác gia Vũ Khắc Khoan dạy các lớp Cử Nhân kịch và điện ảnh ở Đại học Tri Hành và Đại học Minh Đức. Ông cũng cộng tác với Hội Điện Ảnh Việt Mỹ phụ trách phần art graphic. Ông là phụ tá của đạo diễn Jean-Jacques Annaud, khi đoàn phim của ông Annaud sang Việt Nam quay phim “Người Tình.” Ông phụ trách việc chuẩn bị các khâu quay phim, phân cảnh, trang trí, kiến trúc, hiện trường, suốt cả năm, vì đoàn phim chỉ sang VN làm việc ba tháng một lần. Thậm chí ông còn tổ chức thuê cả xưởng may để làm bối cảnh quay phim. Việc ông tham gia làm cuốn phim này cũng thú vị. Số là đoàn phim sang VN, mất nhiều thì giờ nhưng không được việc. Các nhà làm phim bên Pháp biết tên ông, biết ông còn ở VN nên tìm đến ông mời làm việc.

Ông cũng tham gia công việc hậu kỳ của phim “Đất Khổ” nói về cuộc chiến năm 1972. Bạn nào không ái mộ Trịnh Công Sơn thì đừng chú ý đến đoạn này hay phim này.

Ông nói tiếng Việt rặc giọng miền Nam, với phong cách thật là bình dị. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm tôi xin đính kèm một vài cái links tôi đã dùng để tham khảo.










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét