Kẹt từ ngoài vào, từ trong ra và cả từ… trên trời xuống! Ðó là cảnh tượng tại phi trường Tân Sơn Nhất trong những ngày giáp Tết Ðinh Dậu. Người về nhiều, người đón đông, số xe cộ tăng mạnh, khiến cho phi trường lớn nhất Việt Nam rơi vào tình trạng vô cùng đông đúc.
Tân Sơn Nhất, những ngày cuối Tháng Chạp bỗng tăng đột biến về số lượng người, đặc biệt là vào buổi trưa. Ðây là thời điểm có các chuyến bay từ Hoa Kỳ quá cảnh Ðài Loan, hay Hồng Kông, hay Trung Quốc về Việt Nam. Việt kiều Mỹ đa số là những người đứng tuổi, trong khi Việt kiều Ðài Loan phần lớn là những cô dâu trẻ.
Chúng tôi có mặt tại ga quốc tế giữa trưa ngày 17 Tháng Giêng, tức 20 tháng Chạp. Suốt từ 10 giờ sáng cho đến 2 giờ chiều, khu vực ga quốc tế luôn đông nghẹt người. Nhiều người chờ gần 3 tiếng rồi mà vẫn chưa gặp được người thân là Việt kiều cần đón.
“Tôi đón người thân về từ Chicago. Nghe ở trỏng thông báo ra máy bay đáp trễ vì kẹt chỗ. Khu vực chờ lấy hành lý cũng kẹt. Tôi đã đứng đây 2 tiếng rưỡi rồi mà vẫn chưa đón được người thân.” Ông Trần Vân, nhà ở Sài Gòn, nói.
Khoảng từ 11giờ đến 12 trưa, khu vực đón khách của ga quốc tế gần như không còn một khoảng trống. Người kéo đến ngày một đông. Ai cũng nóng lòng dò tìm bóng dáng người thân.
Theo quan sát của chúng tôi, trong số đông người chờ ở đây, có rất nhiều gia đình ở các tỉnh miền Tây đi đón người thân từ Mỹ cũng như các cô dâu cùng cháu ngoại từ Ðài Loan.
Ở Sài Gòn, thường các gia đình chỉ cử 1-2 người đại diện đi đón. Trong khi người ở các tỉnh thì thường là thuê nguyên chiếc xe loại 7-12 chỗ kéo cả gia đình lên đón cho xôm! Nhiều người mỏi mệt ngồi bệt xuống sàn, nhất là người già và trẻ em.
Không chịu nổi cảnh đứng đợi hàng giờ đồng hồ, chú Hai (quê Trà Vinh) dạt ra ngoài bãi đậu xe hơi ngồi bệt xuống cỏ hút thuốc và than thở: “Năm nay (Việt kiều) về dữ thiệt chớ. Năm nào tui cũng đi đón, nhưng không kẹt dữ vậy đâu. Nãy chạy từ Ðầm Sen vô được đây mất cả tiếng rồi. Mình cứ sợ trễ, ai dè vô rồi đợi quá trời lâu!”
Anh Phạm Minh Sơn lái xe 7 chỗ từ Ðồng Tháp lên Sài Gòn đón Việt kiều Mỹ. Anh rất nóng lòng vì đã đợi 3 giờ, bao phen hết đứng lại ngồi mà vẫn chưa thấy ai ra. “Bảo 10 xuống mà giờ là 13 giờ 30 rồi. Mình đợi lâu chút không sao, nhưng cái xe hơi đợi càng lâu thì càng tốn tiền bến bãi vì người ta tính giờ,” anh Sơn rên rỉ.
Nhiều Việt kiều không mong được đón
Bà Nguyễn Thị Ðào, cư dân Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cùng người em ra phi trường đón chị gái về từ California, nói trong khi mắt không ngừng dõi theo khu vực cổng ra tìm thân nhân: “Trước khi về, chị tôi đã điện không cho ai đi đón vì lo chen lấn vất vả, nói sẽ tự đón xe bus, nhưng chúng tôi không đành lòng ở nhà ngồi chờ.”
Quả thật, cả phía đi đón và người được đón đều cảm thấy phiền hà, mỏi mệt, nhưng ít ai chịu từ bỏ “thủ tục” này. “Biết ra đây là mệt, nhưng mình cũng phải ra. Họ bay chặng dài mệt mà lại mang nhiều hành lý, mình phải ra phụ mang đồ vào bảo vệ an toàn cho họ. Vả lại anh thấy đó, ra đường giờ phức tạp lắm,” một người đàn ông trả lời.
Giữa trưa nóng bức và ngột ngạt, từng dòng người bơ phờ đẩy hành lý cồng kềnh đi ra. Khác với hình dung của nhiều người về cảnh đoàn tụ, rất hiếm gặp nhưng cái ôm siết của tình thân. Nhiều Việt kiều gặp được người thân ra đón chỉ khẽ khoát tay chào hờ hững rồi cùng nhau đẩy xe, xách giỏ tìm cách mau chóng thoát ra khỏi “biển” người.
Một Việt kiều, đề nghị giấu tên, trong bộ dạng mồ hôi nhễ nhại, hổn hển nói: “Máy bay không hề delay mà sao trễ quá trời. Hai tiếng đồng hồ mới lấy được hành lý ra. Giờ ra đây thì lạc mất người thân nữa. Rồi cái cảnh kẹt xe thế này, không biết bao giờ mới ra khỏi khu vực này.”
Chị Loan, quê ở An Giang, là Việt kiều hiếm hoi không có người thân đến đón. Trong lúc đứng đợi taxi, chị cho biết: “Thực lòng là bà con Việt kiều như mình chẳng thích được đón đâu. Kẹt xe, đông đúc thế này thì đi lên đi về ai cũng thêm mệt chứ có vui vẻ gì đâu. Tôi phải dối người nhà là xuống Sài Gòn xong đi thẳng Thái Lan du lịch vài hôm để cho không ai lên đón cả!”
Một nhân viên của phi trường cho biết lượng Việt kiều về Tết qua Tân Sơn Nhất năm nay tăng gấp rưỡi năm ngoái. Theo ông Trần Vân thì giá vé máy bay bây giờ đã giảm nhiều nên nhiều người dễ dàng mua về quê. “Riêng bà con họ hàng của tôi ở Chicago về đợt này đã hơn hai chục người. Thấy ra đây đón đông như thế này thì rõ là người về cũng tăng nhiều lắm,” ông Vân nói.
Những ngày này, cảnh kẹt xe ở cửa ngõ vào Tân Sơn Nhất là nỗi ám ảnh của những ai đi qua đây. Suốt từ bùng binh Lăng Cha Cả kéo dài theo đường Trường Sơn, xe cộ thường xuyên lăn bánh kiểu “nhúc nhích” ở cả chiều vào lẫn chiều ra.
Anh Cường, một tài xế hãng taxi Mai Linh, cho hay: “Kẹt cả trong lẫn ngoài rồi. Giờ đón được khách mà đi ra ngoài cũng gay go, có khi mất cả tiếng mới bò ra được.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét