khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Ông Obama hòa Nga chống Tàu - Tác giả Trọng Đạt



Tháng 2 năm 1972 tại Bắc Kinh, cái bắt tay giữa ông Tổng thống đế quốc Nixon và Mao chủ tịch đã thay đổi cả một kỷ nguyên. Mấy tháng sau Nixon hòa với Nga Sô qua việc ký kết hiệp ước tài giảm binh bị vũ khí nguyên tử (SALT, ABM) tại Mạc Tư Khoa. Thế là nước Mỹ yên chí lớn không còn lo sợ CS bành trướng tại Á châu, không cần quan tâm tới thuyết Domino.

Mấy năm sau, vào một ngày đẹp trời Quốc hội Dân chủ Mỹ vứt bỏ miếng xương Đông Dương.

Hoa Kỳ tin tưởng nay thiên hạ thái bình y như thời Nghiêu Thuấn. Thập niên 80, 90… Trung Cộng (TC) chí thú làm ăn, họ tỏ vẻ hiền lành yêu chuộng hòa bình.

Hòa Nga

Đế quốc Nga sô xa xưa ngày nay đã suy tàn thê thảm nên việc đối đầu Nga thực ra không cần thiết, đó là lý do khiến Tổng thống đắc cử Donald Trump muốn hòa Nga. Xin sơ lược về đất nước đã một thời oanh liệt lẫy lừng, từng làm mưa làm gió tại Châu Âu cũng như trên thế giới.

Thời hoàng kim của Nga sô với hai ông Tổng bí thư Khrushchev (1953-64) và Brezhnev (1964-82) đầy quyền lực những thập niên 50, 60, 70 dần dần bị lùi vào bóng đêm dầy đặc. Hồi ấy các nhà lãnh đạo Nga hét ra lửa mửa ra khói, đã từng ném ra những lời đe dọa ghê gớm cho cả thế giới. Thế mà ai có ngờ đâu, chỉ đầu hôm sớm mai, Liên bang Sô viết tan như xác pháo cuối năm 1991, thế gian này chỉ là sắc sắc không không, có cũng như không, còn cũng như mất.

Nay dân số Nga tụt xuống còn một nửa, Tổng sản lượng kinh tế tụt từ hàng thứ nhì trên thế giới xuống hạng mười ba, bị Tây phương khinh rẻ khiến cho nhiều người Nga tiếc nhớ thời oanh liệt nay còn đâu. Đại diện cho lớp người này là nhà lãnh đạo Putin hung hăng vùng vẫy để nhớ lại cái thời chọc trời khuấy nước xa xưa cho đỡ tủi.

Mikhail Gorbachev lên làm Tổng bí thư liên bang Sô viết năm 1985, thi hành đổi mới, họp Thượng đỉnh với TT Ronald Reagan tài giảm binh bị chấm dứt chiến tranh lạnh, bỏ vai trò đảng cai trị đất nước đưa tới giải thể Liên bang Sô viết. Ông đẩy mạnh tiến bộ kinh tế tại Đại hội đảng lần thứ 27 năm 1986, mục đích làm sống lại kinh tế Nga sau những năm trì trệ thời Brezhnev. Năm 1988 thi hành cải cách lớn, ông cho tư nhân được quyền sản xuất, buôn bán, hoạt động ngoại thương. Gorbachov tuyên bố cho phép các nước Đông Âu tự do lựa chọn số phận của họ. Cuối năm 1989 các nước Đông Âu vứt bỏ chế độ CS bắt đầu từ Ba Lan và sau đó Hung Gia Lợi, Đông Đức, Bảo Gia Lợi, Tiệp Khắc, Lỗ Ma Ni (Roumanie) là nước duy nhất dùng bạo lực lật đổ chính quyền Cộng sản.

Thời kỳ chiến tranh lạnh chấm dứt, Gorbachev được cấp giải Nobel hòa bình 15-10-1989. Các nước thuộc địa cũ từ thời Nga Hoàng đòi tự trị, mười lăm (15) nước tuyên bố độc lập tách khỏi Liên bang Sô viết là Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Lithuania, Moldova, Russia, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine, và Uzbekistan. Sự ly khai này đã khiến Nga mất một nửa dân số, trước là 290 triệu nay chỉ còn 144 triệu
Sự nghiệp chính trị Gorbachev suy thoái, Yeltsin lên thay.


Ngày 12-6-1991 Yeltsin được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Xã hội liên bang Sô Viết Nga, dưới thời Yeltsin, nhiều suy thoái lạm phát, tham nhũng, kinh tế khủng hoảng. Năm 1992 vật giá tăng vọt, thập niên 90 tổng sản lượng suy giảm còn một nửa, thất nghiệp dữ dội, lạm phát phi mã khiến bao nhiêu người mất hết tiền tiết kiệm, mười triệu người Nga lâm vào cảnh bần hàn.

Yeltsin tiếp tục giữ chức Tông thống cho tới 31-12-1999, tỷ lệ ủng hộ xuống đất đen. Ông từ chức ngày 31-12-1999, Thủ tướng Vladimir Putin trở thành tổng thống lâm thời cho tới khi cuộc bầu cử mới được tổ chức ngày 26- 3-2000.

Từ khi Nixon hòa Nga, Tầu năm 1972 nước Mỹ cũng đã sống trong hòa bình được vài thập niên nhưng năm 1995 cựu bộ trưởng Quốc Phòng McNamara nói thế giới trong tương lai không bao giờ hết chiến tranh, hết nội chiến tới ngoại chiến, hết chiến tranh lạnh lại tới nóng. Thật vậy năm 1990 Iraq tiến chiếm Kuwait, nội chiến tại Nam Tư cũ, những biến cố tại Chechnya, Somalia, Haiti, Sudan, Burundi, Armenia và Tajikistan. Xung đột chủng tộc, tôn giáo vẫn còn mãi. Chủ nghĩa quốc gia sẽ là sức mạnh trên thế giới (1).

TT Bush cha mở cuộc chiến vùng Vịnh (Gulf war) từ tháng 8-1990 tới cuối tháng 2-1991 để giải phóng Kuwait khỏi bàn tay xâm lăng của Iraq với khoảng 700,000 quân Mỹ. Năm 2001, 2003 TT Bush con cũng đưa trên 200,000 quân quân sang Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003 để mở cuộc chiền chống khủng bố. Thời thiên hạ thái bình Nghiêu Thuấn mà người Mỹ ước mơ nay không còn nữa.

Trở lại chuyện nước Nga. Putin đắc cử Tổng thống 26-3-2000 nhiệm kỳ đầu 2000-2004 và tái đắc cử nhiệm kỳ hai 2004-2008 đồng thời với hai nhiệm kỳ của TT Mỹ Bush con. Kinh tế phát triển tốt những năm 1999-2008, ông có công cứu nền kinh tế Nga. Lợi tức thực sự tăng 2.5 (hai lần rưỡi), lương bổng thực sự tăng gấp ba, nạn thất nghiệp, nghèo khó giảm một nửa, dân Nga mãn nguyện. Kinh tế Nga tiến mạnh 8 năm, Tổng sản lượng tăng 600%, chính phủ giảm thuế. Chính sách năng lượng khiến Nga trở thành siêu cường năng lượng. Putin trợ giúp kỹ nghệ high tech như Quốc phòng, nguyên tử, đầu tư ngoại quốc gia tăng khiến kỹ nghệ xe hơi tăng trưởng. Nay đầu tư vừa giảm 2.5% vì Ukraine khủng hoảng, nước Nga dựa vào lợi tức năng lượng dầu, khí để tăng trưởng.

Đất nước rộng mênh mông đầy tài nguyên thiên nhiên: dầu, khí đốt, kim loại quí…chiếm phần lớn hàng xuất khẩu Nga. Thập niên 2000 nước Nga trở thành siêu cường năng lượng, năm 2012 dầu và khí đốt chiếm 16% Tổng sản lượng, chiếm 52% lợi tức ngân sách liên bang và chiếm hơn 70% hàng xuất cảng. Kỹ nghệ quân sự Nga rất cao, năm 2013 vũ khí xuất cảng là 15 tỷ (Mỹ kim) đứng thứ hai sau Mỹ gồm máy bay chiến đấu, phòng không, tầu chiến, tiềm thủy đĩnh …

Từ 2000-2012 Nga xuất cảng dầu khí khiến đời sống người dân tăng, lợi tức tăng 160% nhưng phân phối không đều trong khi 110 nhà tỷ phú chiếm giữ 35% tiền của trong nước. Nga cũng bị nạn tiền thất thoát ra ngoại quốc, từ 2000-2012 mất 880 tỷ Mỹ kim.

Putin có công đào xới “của trời cho” xuất cảng đưa đất nước lên hàng cường quốc kinh tế thứ 8 trên thế giới mà trước đó đứng hàng thứ mấy chục. Nước Nhật trái ngược với Nga, diện tích Nga nay 17 triệu km vuông gấp 44 lần nước Nhật (337 ngàn km2), Nga được thiên nhiên ưu đãi, trong khi Nhật bị trời bạc đãi, không có tài nguyên nhưng nhờ tài trí họ đã chế tạo được các hàng xuất khẩu tuyệt hảo bán khắp năm châu, nó đã đưa Nhật lên hàng kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới thập niên 80, 90 và 2000, nay xuống hàng thứ ba.

Putin lại làm Thủ tứớng từ 2008-2012 trong khi Dmitry Medvedev, Thủ tướng của ông lên làm Tổng thống. Vì hiến pháp chỉ cho làm Tổng thống hai nhiệm kỳ ông không thể ra ứng cử tiếp năm 2008. Dmitry Medvedev, Thủ tướng của Putin đắc cử Tổng thống 2008 và cử Putin làm Thủ tướng. Tháng 9-2011 sau khi luật bầu cử thay đổi tăng nhiệm kỳ Tổng thống từ 4 lên 6 năm, Putin ứng cử lần thứ ba (2012) mặc dù bị dân biểu tình chống đối. Ông lại thắng cử Tổng thống năm 2012 (63.6% số phiếu) và sẽ cầm quyến 6 năm cho tới 2018 và cử Dmitry Medvedev làm Thủ tướng.

Ngày 21-2-2014 Quốc hội Ukraine lật đổ Tổng thống thân Nga Yanukovych và cử TT lâm thời Turchynov lên thay. Mỹ và Tây phương công nhận chính phủ mới, Nga phủ nhận. Hai ngày sau Putin đưa vũ khí lén giúp bọn gốc Nga chiếm bán đảo Crimea, cuối tháng 3 họ tổ chức bầu cử gian dưới sự yểm trợ xe tăng để sáp nhập bán đảo này vào Nga. Biến cố này gây khủng hoảng chính trị với Tây phương, bị Mỹ và Tây phương trừng phạt kinh tế, thị trường chứng khoán Nga lao xuống vực thẳm, đồng Rúp mất giá gần một nửa. Ông Trời lại giáng thêm trận đòn, giá dầu thô trên thế giới tụt xuống dưới năm mươi phần trăm khiến Nga càng khốn đốn vì họ sống bằng bán dầu. Đài Mạc Tư Khoa nói Nga là nước duy nhất có thể biến Hoa Kỳ thành tro bụi. Người Mỹ cũng mặc cho họ nói hung hăng cho đỡ tủi.

Sau khi Liên bang Nga tan tành thê thảm, thời Yeltsin vật giá tăng vọt, thập niên 90 Tổng sản lượng suy giảm còn một nửa, nước Nga lâm vào cảnh bần hàn, khốn khổ. Đứng trước cảnh suy tàn của Đế quốc, người Tây phương khinh rẻ Nga Sô hết thời và chế nhạo chê cười họ bằng những lời mỉa mai cay đắng.

“Cái thời chọc trời khuấy nước của Sô viết xa xưa nay còn đâu?

Đó là một lỗi lầm tai hại

Đã có người cảnh báo đừng coi thường Nga họ vẫn còn kho vũ khí cũ. Đúng vậy, nó là lý do thúc đẩy Putin vùng vẫy để lấy lại chút hào quang quá khứ mà nhân dân cũng đồng ý để ông quậy phá.

Chúng ta thử nhìn lại quá khứ để thấy sự tụt hạng ghê rợn của nước Nga như thế nào.

Kinh tế gia Samuelson nói trong cuốn Economics trang 830 (in 1970).

“Thập niên 1970 cũng như thập niên 1960 Tổng sản lượng kinh tế của Nga vào khoảng một nửa Tổng sản lượng Mỹ” (2)

Thập niên 80, 90 trước ngày Liên Bang sụp đổ Tổng sản lượng Nga cũng đứng thứ nhì sau Mỹ:

Năm 1980 GDP Nga 1,212 tỷ (một ngàn tỷ 212), năm 1985 xuống 2, 200 tỷ, năm 1989 lên 2, 659 tỷ bằng một nửa Mỹ (5,233)

Năm 1990 trước khi sụp đổ dân Nga 290 triệu đứng thứ ba trên thế giới sau Trung Cộng, Ấn Độ, hồi đó Mỹ 250 triệu, lợi tức đầu người Nga 9,000 so với Mỹ 21,000 (3)

Sau khi 15 nước thuộc địa ra khỏi Liên bang dân số Nga tụt xuống còn chỉ còn một nửa 144 triệu, đứng hàng thứ 9 trên thế giới. (4)

Tổng sản lượng Nga năm 2014 (2,000 tỷ) đứng hàng thứ 9, chỉ bằng gần 1/8 của TSL Mỹ (16,7 68 tỷ).

Sau khi bị Tây phương, Mỹ trừng phạt kinh tế và vì giá dầu hạ nên Tổng sản lượng Nga nay tụt xuống hàng thứ 13, chỉ còn hơn 1,200 tỷ chỉ vào khoảng 1/15 của Mỹ. Nay khối Vạc Sô Vi (Vác Sa Va) thành lập 14 tháng 5 năm 1955 tại Thủ đô Ba Lan gồm Liên Xô, Albania, Ba Lan, Bulgaria, Đông Đức, Hungary, Romania, Tiệp Khắc tan rã.

Khối này được thành lập ngày 14 tháng 5 năm 1955 tại Warszawa, sau khi các nước ký kết Hiệp ước hữu nghị hợp tác và tương trợ, có hiệu lực từ tháng 6 năm 1955. Năm 1990 khối có 4,8 triệu quân. Họ giải tán ngày 1-7-1991, tháng 5-1989 Khối Vạc Sô Vi kêu gọi NATO cùng giải tán (5)

NATO đã lớn mạnh, thời chiến tranh lạnh chỉ có 16 hội viên, nay tăng gấp đôi nhờ 10 nước CS cũ Đông Âu gia nhập, trong khi Nga ngày càng xuống dốc thê thảm nhưng nhiều người tin Nga sẽ là một đe dọa cho Âu châu, chẳng hiểu đe dọa ở chỗ nào?

Truyền thông cánh tả, phe đối lập nói sai sự thật vì mục đích riêng, họ nói ông Donald Trump rút bỏ NATO, bỏ rơi đồng minh. Nhiều năm trước đã có người đề nghị bỏ NATO vì Sô Viết và khối CS Đông Âu sụp đổ, khối Vạc Sô Vi tự giải tán, nước Nga suy yếu trầm trọng …. Theo một bản tin của VOA, Washington đã kêu gọi các nước châu Âu tăng ngân sách quốc phòng từ lâu, nay ông Trump tỏ ra cứng rắn hơn nên họ phải chú ý. Donald Trump đòi hỏi các thành viên NATO phải đóng góp 2% ngân sách quốc phòng, nay chỉ có Estonia, Pháp, Hy Lạp, Ba Lan, Bồ đào Nha, Thổ nhĩ kỳ, Anh trong số 28 nước hội viên là chi tiêu quốc phòng 2% ngân sách QG. Donald Trump cảnh báo những nước không cam kết tăng ngân sách QP sẽ không được Hoa Kỳ bảo vệ. Nay Mỹ đóng góp 70% chi phí cho NATO
Hồi chiến tranh lạnh NATO chỉ có 12 nước hội viên sau lên 16 hội viên, nay tăng lên 28 hội viên vì có sự gia nhập của 10 nước CS cũ Đông Âu. Trong đó hầu hết là Châu Âu, 2 nước từ Bắc Mỹ là Camada, Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ từ châu Á. Tổng sản lượng của NATO không kể Mỹ là 19,211 tỷ gấp 16 lần Nga. Dân số NATO không kể Mỹ là 588 triệu gấp hơn 4 lần Nga. Ngân sách quốc phòng NATO không kể Mỹ là 310 tỷ gấp 6 lần Nga. (6)


Tổng sản lượng kinh tế của ba nước thành viên Đức (3,550 tỷ) Anh (2,800 tỷ), Pháp (2,500 tỷ) gộp lại là 8,850 tỷ, hơn gấp 7 lần TSL Nga. Ngân sách quốc phòng ba nước Anh (55 tỷ), Pháp (51 tỷ), Đức (40 tỷ) gộp lại là 146 tỷ hơn gấp hai ngân sách Nga (66 tỷ) như thế chứng tỏ NATO đủ sức đè bẹp Nga nếu họ muốn tăng cường quốc phòng. NATO không chịu tăng chi phí quân sự vì cho là Nga không nguy hiểm như người ta thổi phồng và họ trông chờ vào Mỹ.
NATO có 3,585,000 quân hiện dịch và 3,745,000 trừ bị


So sánh Mỹ và Nga ta thấy dân số Mỹ hơn gấp hai lần Nga (Mỹ 329 triệu, Nga 144 triệu) TSL kinh tế Mỹ gấp 15 lần Nga, về ngân sách quốc phòng Mỹ (600 tỷ) gần gấp 10 Nga (66 tỷ) (7)

Về máy bay quân sự Mỹ gấp gần 4 lần Nga (Mỹ 13,444 chiếc, Nga 3,547) về tầu sân bay Mỹ gấp 19 lần Nga (Mỹ 19 cái, Nga 1 cái).

Như thế Nga có đáng cho Mỹ coi là đối thủ không? Trên thực tế Putin hung hăng nhưng không dám gây chiến. Bài học Thế chiến thứ hai Nga đã bị Đức quốc xã đập cho một trận nên thân, hơn 1,000 tỉnh, thị trấn, quận bị phá hủy, 20 triệu người thiệt mạng theo tài liệu Liên Xô (tại Sài gòn sau 75). Không bao giờ Putin dám lâm chiến nếu không muốn đất nước bị tàn phá tận gốc rễ.

Ngay như Trung Cộng nay cũng không coi Nga là đối thủ, dân số TC gần gấp 10 lần Nga (1 tỷ 3), TSL Tầu là 11 tỷ gần gấp 10 lần Nga, ngân sách quốc phòng TC nay trong khoảng từ 180-200 tỷ gấp hơn 3 lần Nga. Một điều khó hiểu là khối NATO và cánh tả Mỹ cứ la làng nước Nga xâm lăng, nguy hiểm.

Việc chống hay hòa Nga cũng chẳng thành vấn đề nhưng trước hết nếu ép Nga họ sẽ liên minh với Trung Cộng vì không còn đường nào khác.

Về kho vũ khí cũ thì mọi người đều biết, gần cuối thập niên 80 Gorbachov đã thỏa thuận với Mỹ cho hủy bỏ hàng trăm đầu đạn nguyên tử ngày 11-10-1988. Gorbachev và TT Reagan họp tại Iceland bàn về tài giảm vũ khí nguyên tử tầm trung.

Nhưng Trung Cộng thực là mối đe dọa vì họ đã rất lớn mạnh, hiếu chiến hơn Nga, giai đoạn giả vờ hiền lành đã chấm dứt. Tổng thống Obama lên án Donald Trump thân Nga nhưng ông chỉ chống Nga chống Nga-Tầu bằng võ mồm trong hai nhiệm kỳ đã qua nên bị họ coi thường.

Chống Trung Cộng

Donald Trump chống Tầu từ lâu, nhiều năm trước ông đã viết sách nhắc nhở mối nguy của của Hoa Lục và coi họ là đối thủ.

Một bài trích trong cuốn sách của ông (đã đăng trên nhiều trang mạng) cho thấy chủ trương gồm những điểm chính:

Họ coi ta như kẻ địch, cướp công ăn việc làm của ta, phá hủy kỹ nghệ sản xuất của Mỹ, trộm bí mật công nghiệp, quân sự với tốc độ ánh sáng. Nếu Mỹ không mau ngăn chận sẽ tổn thất không thể vãn hồi.

Obama và các đồng sự không muốn cho người dân biết sức mạnh TC, ta phải hành động để ngưng chuyển việc làm ra nước ngoài. Dự đoán năm 2027 kinh tế Hoa Lục sẽ vượt Mỹ thành nền kinh tế lớn nhất nếu xu hướng Obama còn tiếp diễn.

Từ 2001 tới 2008 thời Bush Mỹ đã mất 2,4 triệu việc làm vào tay Hoa Lục. Hơn 30 năm qua, nền kinh tế của họ tăng trưởng từ 9% tới 10% một năm. Thời Obama họ phát triển nhanh khác thường và và Mỹ thua lỗ nhanh một cách khác thường, riêng quí một 2011, kinh tế TC tăng vũ bão 9,7%, Mỹ có 14,4 triệu người mất việc, ta cần hành động.
Quan hệ Mỹ-Hoa đã đến bước quyết định, khoảng 7 năm tăng trưởng của TC gấp đôi, một thành tựu kinh tế khủng khiếp, đó là lý do họ đánh bại ta về thương mại hết năm này sang năm khác.


Lúc này ta có một khoản thâm hụt không lồ với Hoa Lục là 300 tỷ đô la, mỗi năm họ kiếm được 300 tỷ từ Mỹ, cứ ba năm họ gửi ngân hàng gần một nghìn tỷ của Mỹ.

Họ hạ giá tiền nhân dân tệ nên các công ty Mỹ không thể cạnh tranh được dù sản phẩm của Mỹ tốt, nay họ là nhà xuất khẩu đứng đầu thế giới. Họ đã có hơn 3000 tỷ đô la ở ngâ hàng dự trữ nước ngoài, họ có thể mua cổ phần chi phối các công ty lớn như Walmart, Exxon Mobil.. mà vẫn dư hàng tỷ đô trong ngân hàng.

Dân số nước Tầu gấp 4 Mỹ, họ có nguồn nhân tài khổng lồ xây dựng các doanh nghiệp, nhân công chế tạo. Chủ Tịch TC Hồ Cẩm Đào đưa lợi thế kinh tế vào các ngành chế tạo vũ khí. Theo tiết lộ Ngũ Giác Đài, họ tăng cường hải, lục, không quân, đổ tiền vào chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình, tầu ngầm tấn công tiên tiến, các hệ thống phòng không tinh vi, hệ thống chiến tranh không gian, bổ sung hỏa tiễn đạn đạo.

TM Trưởng liên quân Hoa Kỳ nói “Một số vũ khí của họ, máy bay tàng hình, thiết bị chống vệ tinh có vẻ nhắm thẳng vào Mỹ”.

Họ dò thám thông tin điện toán của chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ để ăn cắp tin tức tình báo quí giá.

TC thao túng riền tệ, phá hủy sản suất Mỹ, xử dụng gián điệp kỹ nghệ, chiến tranh mạng chống Mỹ. Chính quyền Obama gần như đồng lõa với Tầu giúp họ dẫm lên đầu chúng ta, ông nói không thể làm gì hơn vì sợ châm ngòi cuộc chiến thương mại.

Họ hạ giá đồng Nguyên (Yuan) khoảng 40%, 50% so với thực giá khiến hàng chúng ta cao hơn họ khó bán hơn, họ có thể khiến giá hàng của họ chỉ bằng một nửa Mỹ. Đó là nguy cơ người lao động Mỹ mất việc làm, chuyện này đang xẩy ra.

Ngành công nghiệp thép là sự sống còn của kinh tế Mỹ. Theo hiệp hội sắt thép Hoa Kỳ, hạ giá đồng Yuan là hình thức trợ giá rất lớn cho ngành sản xuất của TC làm bùng nổ tăng trưởng xuất khẩu của họ là một trong những nguyên nhân khiến tài chính Mỹ sụp đổ.

Hạ giá tiền tệ đã giúp ngành sản suất thép thô khiền Hoa Lục nhẩy vọt từ 15% Tổng sản lượng toàn cầu năm 2002 lên tới 47% năm 2008. Năm 2002 Mỹ chỉ nhập 600,0000 tấn thép của Hoa Lục, tới 2008 ta phải mua tới 5 triệu tấn thép của họ.

Kinh tế gia Alan Tonelson nói: trong tám năm, nhóm vận động hành lang tại Washington được TC trả cao đã giúp cho họ bóc lột ta. Các nhà máy Mỹ tiếp tục đóng cửa, nhiều người mất việc gia tăng.

Là nên kinh tế hàng đầu thế giới, ta bị tổn thương nhất vì sự dối trá thương mại của TC.

Chúng ta cần họ chơi công bằng với Mỹ và thôi không cướp công ăn việc làm của Mỹ, cướp hàng tỷ đô la nữa. Nhiều năm qua Donald Trump đã bán cho các doanh gia Tầu và kiếm được nhiều khoàn tiền lớn nhờ bán nhà cho họ. Ông hiểu rõ họ và trách các nhà lãnh đạo Mỹ không đủ khôn ngoan trong khi người Tầu quá thông minh, họ ăn trên đầu mình, ông nói người Hoa sẽ lấy hết cho tới khi ta không còn gì.

TC là đối thủ của ta, ta sẽ làm như họ, họ sẽ phải tôn trọng ta.

* * *

Trên đây là những lý do Donald Trump đưa ra để Mỹ phải chống Hoa Lục.

Người Mỹ có hai sai lầm lớn đối với nước Trung Hoa mà hậu quả của nó đã và đang di hại tới nhiều thế hệ và cho cả thế giới:

Năm 1949 họ đã bỏ rơi đất nước rộng mênh mông này vào tay Cộng Sản. Sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố lớn của Nhật ngày 6 và 9 tháng 8-1945. Liên Sô đưa một triệu rưỡi quân vào Mãn Châu tấn công lộ quân Nhật, họ lấy được kho vũ khí khổng lồ của địch giao cho Mao Trạch Đông.

Cuộc chiến Quốc Cộng giữa Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông bùng nổ giữa năm 1946.

Tưởng đưa 1 triệu 6 trăm ngàn quân từ miền nam lên Mãn Châu, họ được Mỹ giúp về không vận. Tưởng thắng được những tháng đầu rồi dần dần mất ưu thế, năm 1948 đánh dấu khúc quành cuộc chiến. Quốc Dân Đảng chia rẽ lại cách xa căn cứ tiếp liệu tại miền trung nước Tầu, cuối cùng đất đai bị Cộng quân chiếm. Mao vừa khủng bố và dụ dỗ người dân để đưa họ ra trận tuyến gian khổ. Mãn châu là khởi đầu cuộc chinh phục nước Tầu của Mao Trạch Đông, Quốc dân Đảng mất hơn triệu quân tại đây và bắt đầu thất thế.

Năm 1948 diễn ra những trận đánh lớn, Quốc Dân Đảng ở thế thủ, dần dân xa cách Mỹ, Cộng quân chiếm được nhiều thành phố lớn Hoa Bắc như Thẩm Dương và Trường Xuân… Mao tiêu diệt được 144 sư đoàn thiện chiến của Tưởng. Cuối năm 1948, đầu 1949 bà Tống Mỹ Linh phu nhân Tưởng Giới Thạch sang Mỹ xin viện trợ nhưng không được họ đáp ứng. Tháng 9-1948 tới tháng 4-1949 Cộng quân vượt sông Dương Tử chiếm Nam Kinh, Thủ đô Quốc Dân Đảng Trung Hoa, họ tiến về Hoa Nam. (8)

Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, thủ đô là Bắc Bình, nay đổi là Bắc Kinh. Cuối năm 1949 Tưởng Giới Thạch và khoảng 2 triệu người thuộc phe Quốc Dân Đảng chạy khỏi Đại lục tới đảo Đài Loan.

Dư luận Mỹ lên án TT Truman đã để mất Trung Hoa vào tay Cộng Sản. Thượng nghị sĩ Joe McCarthy cho rằng việc ngăn chận CS Tầu cần phải viện trợ nhiều hơn và có lẽ phải dùng cả không lực. Tỷ lệ ủng hộ Truman giảm từ 70% xuống còn 35%. Người Mỹ có giúp Tưởng chống Mao nhưng họ không tha thiết lắm vì nghĩ rằng nay vai trò chống Nhật của Quốc Dân Đảng không còn trong khi Trung Cộng mạnh nhờ Nga viện trợ.

Nước Tầu lọt vào tay Cộng Sản đã mang nhiều tai họa cho Mỹ mà họ đã không ngờ tới. Mao Trạch Đông chiếm được toàn cõi Hoa Lục trở nên hung dữ và hiếu chiến hơn cả Nga Sô, họ gây ra hai cuộc chiến Triều Tiên (1950-53) và cuộc chiến Đông Dương dài nhất thế kỷ (1947-1975). Nó đã gây nhiều thiệt hại to lớn cho Hoa Kỳ, trên một trăm ngàn lính tử trận, tốn kém mấy trăm tỷ đô la. Nước Mỹ không bao giờ quên được cơn ác mộng này.

Một sai lầm thứ hai của Mỹ là nuôi Trung Cộng cho béo để họ đe dọa Đông Nam Á và cả Hoa Kỳ thêm một lần nữa. Chính sách đầu tư của Mỹ từ thời TT Bush con và nhất là TT Obama đã khiến Trung Cộng trục lợi được rất nhiều như Donald Trump đã đề cập. Các nhà tư bản Mỹ hưởng lợi nhiều nhờ bóc lột khối nhân công rẻ mạt cũng như người dân Mỹ được mua hàng nhập với giá hạ. Người ta chỉ biết cái lợi trước mắt mà không nghĩ tới cái hại sau lưng.
Hai thập niên vừa qua, tăng trưởng kinh tế Trung Cộng rất cao: Từ năm 1989 tới 2014 trung bình là 9.08%, cao điểm là 14.2 quí 4 năm 1992 và thấp nhất 3.8 quí 4 năm 1990 (tỷ lệ do văn phòng thống kê Trung Cộng báo cáo). Từ 2012 tới nay, tỷ lệ tăng trưởng chậm lại: năm 2012 tỷ lệ 8.1, 7.6, 7.4 năm 2013 tỷ lệ 7.8, 7.5, 7.9, năm 2014 tỷ lệ 7.5, 7.3… Tỷ lệ trung bình từ 30 năm qua là 10%.


So sánh với Tổng sản lượng Mỹ-Hoa từ 1970 tới nay ta thấy họ tiến rất nhanh từng thập niên:

Năm 1970 TSL Mỹ là 1,075 tỷ. TSL Trung cộng 89 tỷ
Năm 1980 TSL Mỹ 2,862 tỷ. TSL TC lên 305 tỷ
Năm 1990 TSL Mỹ 5,979 tỷ, TSL TC lên 398 tỷ
Năm 2000 TSL Mỹ 10,284 tỷ, TSL TC lên 1,214 tỷ
Năm 2010 TSL Mỹ 14,964 tỷ, TSL TC lên 6,066 tỷ
Năm 2015 TSL Mỹ 18,036 tỷ, TSL TC lên 11,158 tỷ
(GDP in the United States and leaders)


Họ tăng cường ngân sách quốc phòng ngày một lớn hơn khiến Mỹ từ lâu đã phải e ngại.

Năm 2002 ngân sách quốc phòng TC là 20 tỷ, năm 2008 tăng lên hơn 45 tỷ, năm 2010 gần 80 tỷ, năm 2012 trên 100 tỷ, nay 2015 khoảng 200 tỷ (9)

Sức mạnh quân sự Trung Cộng nay gồm 9,150 xe tăng, 4,788 thiết giáp, 1,710 đại bác tự hành ,6,246 đại bác kéo, 1,770 dàn hỏa tiễn. Không quân gồm 2,788 máy bay trong đó khoảng 2,000 máy bay chiền đấu, 762 vận tải, 380 huấn luyện, 856 trực thăng. Hải quân tổng cộng 670 tầu thủy, một hàng không mẫu hạm (10)

Hoa Lục ngày càng ngang ngược xây dựng đảo nhân tạo tại Thái Bình Dương, vẽ bản đồ đường lưỡi bò tuyên bố chủ quyền, muốn cho Mỹ biết họ đã làm chủ Đông Nam Á.

Cách đây 4, 5 năm TC tuyên bố đã chế tạo hõa tiễn lớn có khả năng bắn chìm hàng không mẫu hạm Mỹ. Đồng thời họ giựt dây cho đàn em Bắc Hàn thử hỏa tiễn, bom nguyên tử đe dọa Mỹ. Tập Cận Bình công khai coi Mỹ là đối thủ nên việc chống Tầu tự vệ là điều kiện ắt phải có. Ông ta hăm dọa, gây hấn với các nước Đông Nam Á nhưng thực ra không bao giờ muốn chiến tranh quân sự. Họ Tập thừa biết rằng một khi lâm chiến những công trình xây dựng tại Thiên Tân, Thượng Hải, Bắc Kinh…một sớm một chiều sẽ bị hủy hoại.

Donald Trump chống Tầu nhưng không phải bằng oanh tạc cơ B-52, hỏa tiễn liên lục địa, mà muốn họ phải công bằng với Mỹ trong cán cân mậu dịch. Donald cho biết làm giảm thâm thủng ngân sách là ưu tiên hàng đầu của ông khi bước chân vào Tòa Bạch Ốc.

Nhiều người lạc quan tin tưởng Trung Cộng sẽ bị suy yếu, bị chia làm nhiều mảnh như Liên bang Sô viết năm 1991, 92. Dân số các nước thuộc địa của Hoa Lục như Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông, Mãn Châu rất ít, toàn bộ chưa tới 100 triệu. Cho dù các nước thuộc địa rút ra đòi độc lập, dân số Trung Cộng vẫn là một tỷ hai.

Một trở ngại cho Mỹ tại Đông Nam Á hiện nay là nhiều quốc gia trong khu vực có khuynh hướng ngả về Trung Cộng như Việt, Mên, Lào, Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân… vì không dám tin tưởng Mỹ khi nhớ lại việc họ rút bỏ Đông dương năm 1975.

Nay dân số Âu Châu (không kể Nga) hơn 600 triệu, dân số Đông Nam Á (không kể Tầu Nhật, Hàn Quốc) khoảng hơn 600 triệu, dân số Tầu là 1 tỷ 3 bằng cả hai khối Âu-Á cộng lại, thật là khủng khiếp.

Theo bản tin VOA, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore đã ủng hộ lập trường của ông Trump. TS Hiệp cho biết sự cứng rắn của ông Trump sẽ khiến Trung Cộng phải cân nhắc hành động của mình, nó có thể có lợi cho tình hình trong khu vực, tốt hơn hết là phải có sự răn đe ngăn chận họ.

Ứng viên ngoại trưởng Rex Tillserson trong cuộc điều trần trước Quốc hội hôm 11-1 đã tuyên bố nẩy lửa: Chúng ta sẽ phải cho Trung Cộng biết họ phải đình chỉ xây dựng các đảo nhân tạo và không được phép tới các đảo này
Chính sách ngăn chận hiểm họa Trung Cộng của Tổng thống Donald Trump tuy trễ nhưng vẫn còn chưa muộn.


Đón xuân Đinh Dậu 2017

Trọng Đạt

——————————————-

Cước chú:

(1) In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam , in 1995, chương 11 Những Bài Học Của Việt Nam , The Lessons of Vietnam, trang 324
(2) Nguyên văn “In the 1970s, as in the 1960s, U.S.S.R real GNP is about one-half United States real GNP”.
(3) Wikipedia- Economy of Soviet Union
(4) Wikipedia- List of countries by population
(5) Wikipedia tiếng Việt- Khối Warszawa
(6) Wikipedia- Member states of NATO.
(7)Theo Globalfirepower.com ngân sách quốc phòng Nga 46 tỷ, theo Wikipedia là 66 tỷ
(8) La Guerre civil en chine, Geographie.blog le monde.fr
Communists Win China ’s War, Macrohistoory and World Time Line, Fsmitha.com
Wikipedia- Chinese civil war
Wikipedia- Chinese Communist Revolution
(9) Wikipedia- Military budget of China
(10) Globalfirepower.com- China military strength,


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét